Thần học về Hôn Nhân Gia Đình (5/5)
Gia đình là “Giáo hội gia thất”
Lm Giuse Phan Tấn Thành OP
1. Lai lịch “giáo hội gia thất”
2. Nội dung tư tưởng qua tông huấn “Đời sống gia đình”
3. Kết luận
Kính thưa quý vị và các bạn,
Có lẽ quý vị đã nhận thấy rằng trong những bài vừa qua, tuy là mang tiếng là thần học về gia đình nhưng thực sự chỉ chú trọng tới hôn nhân. Để bổ túc cho sự thiếu sót đó và để kết thúc loạt bài về tháng này, chúng tôi xin trình bày một đề tài thần học về gia đình thường được nhắc tới trong các văn kiện Tòa thánh, đó là: Gia đình là một “Giáo hội gia thất”, (hay cũng có thể dịch là : Giáo hội tại gia, Giáo hội thu hẹp, nguyên ngữ latinh là: ecclesia domestica). Từ ngữ đó có ý nghĩa gì ?
Theo các học giả, danh từ này được du nhập vào các văn kiện của Giáo hội kể từ công đồng Vaticano II. Ở số 11 của Hiến chế về Hội thánh, khi nói về ý nghĩa của bí tích hôn phối, công đồng viết như sau: “Do sự kết hợp vợ chồng mà gia đình được hình thành, từ đó sinh ra những công dân của xã hội loài người; những con người ấy nhờ ơn của Thánh Thần được trở nên con cái của Chúa qua bí tích rửa tội ngõ hầu bành trướng Dân Chúa trải qua dòng thời gian. Ở trong gia đình, tựa như trong một Giáo hội gia thất (velut Ecclesia domestica), cha mẹ phải là những người tiên phong rao giảng đức tin, bằng lời nói cũng như bằng gương lành; cha mẹ cần phải cổ võ ơn gọi riêng của mỗi người con, đặc biệt là ơn gọi tận hiến”.
Như vậy, ta có thể nói rằng gia đình ví được như một tế bào của Giáo hội, nơi giúp cho Giáo hội được tăng trưởng và cũng là nơi hình thành Giáo hội qua việc rao truyền đức tin. Sau công đồng, đức Phaolô VI đã trở lại với ý tưởng “Giáo hội gia thất” đặc biệt vào buổi tiếp kiến phong trào “Équipes Notre Dame” hồi tháng 5 năm 1970. Ngài chú giải tư tưởng của công đồng Vaticano II, coi gia đình như một “tiểu Giáo hội” (petite Église), một “tế bào của Giáo hội” (cellule d’Église), qua hai sắc thái sau đây:
a) cũng như Giáo hội có sứ mạng bày tỏ lòng khoan nhân của Thiên Chúa, thì gia đình Kitô giáo cũng cần bày tỏ khuôn mặt tươi cười hiền dịu của Giáo hội qua việc tiếp đón những tổ ấm khác đang gặp khó khăn;
b) gia đình phản ánh bộ mặt của Giáo hội lữ hành, gồm những lúc vui buồn, những lần sa ngã cũng như những lần được tha thứ và nên thánh. Vào năm 1975, trong tông huấn “Rao giảng Tin mừng” (Evangelii Nuntiandi) số 70, đức Phaolô VI trình bày gia đình như là một Giáo hội gia thất, theo nghĩa là một môi trường ở đó Phúc âm được rao truyền, chuyển thông và tỏa rạng.
Với đức Gioan Phaolô II, tư tưởng gia đình như Giáo hội gia thất được dùng thường xuyên hơn, đặc biệt là trong tông huấn “Đời sống gia đình” (Familiaris consortio). Từ ngữ này xuất hiện tới gần 10 lần (ở các số 21; 38; 48-52; 59; 65; 86). Trước khi phân tích tư tưởng của những đoạn văn vừa kể, thiết tưởng nên đi ngược giòng lịch sử để tìm hiểu lai lịch của nó.
I. Lai lịch “giáo hội gia thất”
Tuy rằng từ ngữ “Hội thánh gia thất” mới được sử dụng trong các văn kiện gần đây của Tòa thánh, nhưng nó đã ra đời từ lâu rồi. Trong bài huấn từ dành cho “Equipes Notre Dame” năm 1970, đức Phaolô VI trích dẫn thánh Gioan Kim khẩu (Hom. 20 in epist. ad Ephesios 5, 22-24: PG 62, 135-140) người đã dùng từ ngữ “tiểu Giáo hội” trong khi chú giải đoạn văn của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Ephêsô chương 5.
Nhưng các tác giả còn đi ngược lên cao hơn nữa, nghĩa là ngay từ trong chính Kinh thánh Tân ước, từ khi Giáo hội vừa mới ra đời. Thực vậy, ở sách Tông đồ công vụ (2,46), Luca cho ta biết rằng các Kitô hữu hằng ngày lên đền thờ cầu nguyện rồi sau đó họ cử hành lễ nghi bẻ bánh ở nhà. Trong những tháng năm đầu tiên, các Kitô hữu còn tham dự các buổi cầu nguyện cổ truyền với người Do thái ở đền thờ; nhưng sau đó, nghĩa là khi sang phần phụng vụ riêng của mình (gồm việc nghe lời giảng của các tông đồ và việc bẻ bánh), thì họ cử hành ở nhà (kat’oikon). Nên biết rằng không phải là ai về nhà nấy, nhưng tất cả tụ họp nhau trong một nhà (thánh Luca dùng tiếng “nhà” ở số ít, chứ không phải ở số nhiều): chính khi các tín hữu tụ họp cầu nguyện trong một nhà mà Giáo hội được thành hình. – Trong Tân ước, ta còn thấy từ- ngữ “ecclesia domestica” (mà bản dịch Vulgata dùng để chuyển ngữ “kat’oikon ekklesia” tiếng Hy lạp) ở bốn đoạn của các thư thánh Phaolô: Rm 16,5; 1 Cr 16,19; Cl 4,15; Plm 2.
Thánh Tông đồ dùng từ ngữ ấy để gọi cộng đồng giáo hội tụ họp tại một căn nhà nào đó (Gaio ở Roma, Prisca và Aquila ở Corintô, Nympas ở Laođixêa, Philêmôn). Giáo hội hồi đó chưa có nhà thờ: các tín hữu họp nhau tại các căn nhà tư, và căn nhà đó không những là nơi chứa nạp các tín hữu nhưng còn là nơi biểu hiện của Giáo hội, bởi vì là nơi gặp gỡ tiếp đón, nơi rao giảng Lời Chúa, nơi cầu nguyện. Thiết tưởng khi nói tới “cái nhà” thì chúng ta đừng giới hạn tới cái kiến trúc vật chất (vách, mái, cột); phải hiểu “nhà” như là gia đình, tổ ấm (thí dụ Cv 10,1 và 18,8 nói tới việc “cả nhà” trở lại đạo; 1Tm 1,5-9 đòi hỏi rằng vị lãnh đạo cộng đoàn tín hữu phải là người biết quản trị nhà mình trước đã).
Với giòng thời gian, các tín hữu đã có nơi chốn dành cho việc thờ tự, và nơi ấy được gọi là “giáo hội” (trong các tiếng Âu mỹ, chỉ có một từ để ám chỉ Giáo hội và thánh đường: ecclesia, église, church); tuy nhiên các giáo phụ không ngừng khuyên nhủ các đôi bạn hãy tiếp tục cố gắng duy trì nhà mình, nghĩa là gia đình thành một “Giáo hội” (hoặc hội thánh, nhà thờ), bởi vì gia đình là một tế bào của Giáo hội: nơi thể hiện tình yêu của đức Kitô đối với Hội thánh, nơi biểu hiện tình yêu thông hiệp giữa ba ngôi Thiên Chúa, nơi mà đức Kitô hiện diện khi có hai ba người ý hợp tâm đồng. Trong các giáo phụ, thánh Gioan Kim khẩu là tác giả đã năng nhắc nhở các gia đình hãy biến căn nhà của mình thành Giáo hội, thành thánh đường: bằng lời cầu nguyện, bằng việc nghe Lời Chúa, bằng việc thực thi bác ái không những giữa các phần tử trong nhà mà còn mở rộng tới đối với người ngoài nữa (Sermones in Genesim 6,2; 7,1: PG 54,607; 608; Homiliae in Matthaeum 48,7: PG 58,495; Homiliae in epist. ad Ephesios 20,6: PG 62, 143)
II. Nội dung tư tưởng qua tông huấn “Đời sống gia đình”
Như đã nói trên đây, Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần nói tới gia đình như “Giáo hội gia thất” (hay tế bào của Giáo hội, tiểu Giáo hội). Từ ngữ đó có ý nghĩa gì? Chúng ta hãy cố gắng khám phá nội dung tư tưởng của nó bằng cách rảo qua những đoạn văn của tông huấn “Đời sống gia đình”.
1) Số 21 gọi gia đình là Giáo hội gia thất bởi vì nó là nhiệm tích (dấu chỉ hữu hiệu) của sự thông hiệp của Giáo hội: nó bao gồm bởi các phần tử được liên kết với nhau trong bí tích rửa tội và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
2) Số 38 gọi gia đình là Giáo hội, bởi vì thi hành một sứ mạng mẫu tử như Giáo hội qua việc giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo.
3) Số 48 so sánh gia đình với Giáo hội bởi vì cùng mang một thiên chức ở giữa trần thế, tức là dấu hiệu của sự hợp nhất và hòa bình.
4) Những đoạn văn súc tích hơn cả là từ số 49 trở đi, khi đức Gioan Phaolô II bàn tới sự tham gia của gia đình vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Gia đình là một Giáo hội thu gọn, bởi vì cùng thi hành những chức phận làm mẹ của Giáo hội Mẹ : sinh sản, dưỡng dục con cái (số 49); gia đình một môi trường cần được Phúc âm hóa (số 50) ngõ hầu trở thành môi trường truyền bá Phúc âm (số 51). Gia đình đôi khi là nơi duy nhất mà các thiếu nhi có thể lãnh nhận Tin mừng và được huấn giáo (số 52). Qua số 54, ĐTC không ngần ngại thúc đẩy các gia đình hãy ra khỏi bốn bức tường nhà để mang Tin mừng đi xa hơn, tới những người không biết Chúa hoặc tới những gia đình sống xa Chúa do đời sống không phù hợp với luân lý.
5) Từ số 55 trở đi, gia đình được gọi là Giáo hội gia thất dưới khía cạnh là cung điện cầu nguyện, nơi gặp gỡ đối thoại với Thiên Chúa: qua việc cầu nguyện, những hy sinh, những nhân đức (số 59). Gia đình là nơi sống bí tích hôn nhân, nơi chuẩn bị cho con em vào đời sống phụng vụ bí tích (số 61). Dĩ nhiên, dưới khía cạnh này, gia đình góp phần đắc lực vào việc kiến tạo Giáo hội thánh thiện (số 65).
6) Sau cùng, trong phần kết luận, Đức Maria Mẹ của Giáo hội được khẩn nài như là Mẹ của các Giáo hội gia thất, ngõ hầu họ phản ánh trung thực bản chất của Giáo hội nơi họ.
Kết luận
Tóm lại, gia đình được gọi là “Giáo hội gia thất” (hay là: “Giáo hội thu hẹp”, “Giáo hội tại gia đình” – “gia đình là Giáo hội”, “nhà Hội thánh”) bởi vì gia đình thể hiện bản chất và sứ mạng của Giáo hội: gia đình phản ánh sự thông hiệp của tình yêu; gia đình được quy tụ do ơn thánh và đức tin; gia đình thi hành chức vụ rao giảng Tin mừng, thực hiện chức phận làm mẹ; gia đình là nơi thánh hóa, nơi cầu nguyện kết hợp với Chúa. Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo đã dành các số 1655-1658 (bí tích hôn phối) cho tựa đề “Giáo hội gia thất”.
Nội dung được tóm lại ở số 1666 như sau : Tổ ấm gia đình kitô giáo là nơi mà con cái lãnh nhận sự loan báo đức tin đầu tiên. Chính vì vậy mà thực là đúng nghĩa khi gọi gia đình là “Giáo hội gia thất”, cộng đồng ơn sủng và cầu nguyện, trường dạy các nhân đức nhân bản và đức ái Kitô giáo.
Dù sao, thần học về “Giáo hội gia thất” cho thấy rằng thần học về gia đình không thể nào chỉ giới hạn vào những bổn phận luân lý hay quy tắc giáo luật, nhưng còn bao gồm nhiều khía cạnh tu đức, thần bí và truyền giáo nữa. Hơn thế nữa, thần học về “Giáo hội gia thất” cũng giúp chúng ta có một quan niệm trung thực hơn về bản chất của Giáo hội: Giáo hội không phải chỉ là một cơ chế, nhưng tiên vàn là một thực thể sống động, gồm những phần tử liên kết với nhau trong tình thông hiệp của đức tin cậy mến, dưới tác động của ơn thánh, để biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa ở giữa trần thế qua nếp sống, lời nói và việc làm.