Cn 5 Tn A : Muối cho đời.
“Ta về thôi vì thánh lễ đã hết.
Nhưng đời ta là thánh lễ nối dài.
Đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi.
Ta sống sao để thành chứng nhân”
(Nhạc phẩm : Nhân chứng phúc âm
– tác giả Lm. Thành Tâm).
Niềm tin của người Kitô hữu không chỉ tin và nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa của mình. Nhưng còn phải trở thành chứng nhân cho chân lý và tình yêu thương của Thiên Chúa.
Đó cũng là điều Đức Giêsu đã nhấn mạnh ngay những ngày đầu tiên khi bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Sau những ngày sống trong hoang địa; ăn chay bốn mươi ngày. Đức Giêsu trở về Galile. Nơi đây; Ngài bắt đầu công cuộc loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Lời loan báo đầu tiên của Đức Giêsu chính là lời loan báo “Nước Trời đã đến gần”.
Loan báo Nước Trời đã đến gần; Đức Giêsu không quên gửi đến mọi người một thông điệp như là một bản Hiến chương cho Nước trời. Bản hiến chương đó quen được gọi là “Tám mối phúc thật”.
Bản tám mối phúc đã mô tả rõ thế nào là đặc tính của người môn đệ của Đức Giêsu. Những đặc tính rất quan trọng cho vai trò chứng nhân của Nước Trời.
Là chứng nhân; không chỉ đơn thuần nghe lời giảng dạy nhưng còn phải sống đúng những đặc tính đã được Đức Giêsu công bố trong bài giảng trên núi.
Đã là chứng nhân; điều thứ nhất và quan trọng nhất; đó là : cuộc sống phải thực sự trở nên “muối của đất – muối cho đời”. Một thứ muối để trải ra; để dung hòa; để trộn lẫn…
Đã là chứng nhân; phải phản ánh cuộc sống của mình như là “ánh sáng cho trần gian”. Và hơn thế nữa “phải chiếu giải trước mặt thiên hạ… những công việc tốt đẹp để mọi người thấy những công việc tốt đẹp (mình) đã thực hiện, mà tôn vinh Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời”(Mt 5,…16).
Một chút tâm tình…
Tại sao Đức Giêsu không nói “Chính anh em là hột xoàn cho đời… là kim cương… là vàng ròng cho đời” !?
Có một câu chuyện được kể lại rằng :
“…Ở một vương quốc nọ, một ngày kia xảy ra một hiện tượng cả nước không còn muối. Tất cả muối đều hóa ra vàng. Toàn dân phải dùng đường thay thế. Nhận được tin này; nhà vua rất hoang mang và bối rối. Ông ta tập họp quần thần để tìm cách cứu vãn tình thế. Một ý kiến được đưa ra và được nhà vua chấp nhận. Ý kiến đó là đem tất cả vàng bạc châu báu trong kho sang nước láng giềng đổi lấy muối.
Khi muối được chở về và ban phát cho toàn dân; cả vương quốc vui mừng vì đã thoát được đại nạn thiếu muối”. (Tóm tắt câu chuyện : Muối quý hơn vàng – tác giả : nữ văn sĩ Božena Němcová (1820 – 1862) và nhà văn Pavol Dobšinský (1828 – 1885).
Qua câu chuyện kể trên; chúng ta thấy tầm quan trọng của muối như thế nào cho đời sống của con người. Pliny có nói thêm rằng : “Không có muối nhân loại không thể duy trì sự sống”.
Khi nói “Chính anh em là muối cho đời”.
Vâng, đó chính là một đặc ân thiêng liêng Đức Giêsu muốn trao ban. Ngài muốn nâng chúng ta; từ một kẻ tội lỗi vô dụng “chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp”; nay khi trở thành môn đệ của Ngài; chúng ta trở nên hữu ích cho đời và hơn nữa cho Nước Trời mai sau.
Một phút suy tư…
“Chính anh em là muối cho đời”.
Muối-cho-đời… “Đời” ở đây phải hiểu thế nào !?
Thưa rằng chính là “dòng đời” đang đi qua đời tôi…
Trước một “dòng đời” ngày một trụy lạc và sa dọa… Trước một dòng đời ngày càng thối nát và bất công… Trước một dòng đời đầy hận thù và bạo lực v.v..
Chúng ta làm gì để thay đổi dòng đời !? Hay cứ để mặc cho dòng đời thay đổi chúng ta !!
Đức Giêsu đã trả lời thay cho chúng ta. “Chính anh em là muối cho đời”. Ngày xưa, khi Đức Giêsu truyền đạt lời này; chỉ vọn vẹn có mười hai người môn đệ. Chỉ là mười hai “hạt muối” nhỏ bé trước thế gian. Ấy thế mà họ đã trở thành muối-cho-đời; cho cả thế gian.
Vâng, là một Kitô hữu. Chính chúng ta phải là muối cho đời. Chính chúng ta phải đem muối-Kitô; một loại muối của chân lý và tình yêu thương để ướp lại dòng đời. Để tẩy sạch những băng hoại về đạo đức. Để xóa tan những thối nát và bất công. Để đẩy lui hận thù và bạo lực.
Có quá khó để chúng ta đem “muối cho đời” !? Và phải chăng hoàn cảnh xã hội hôm nay có đôi lúc đã “tác động xấu” lên công cuộc đem-muối-đến-cho-tha-nhân !?
Nên nhớ rằng xưa kia các tông đồ cũng không dễ dàng cho lắm để làm công việc này.
Vấn đề của chúng ta hôm nay chính là hãy tự vấn chính mình và hãy tự hỏi rằng: phải chăng muối-của-ta “nhạt đi” !?
Nếu quả đúng như vậy ! Vâng, đừng nghĩ rằng ta sẽ chẳng lấy được gì để “muối nó cho mặn lại”.
Lời Chúa và Thánh Thể chính là chất xúc tác để muối mặn lại tâm hồn chúng ta.
Đừng bao giờ để muối-của-ta-nhạt-đi. Bởi nếu để như thế thì việc bị “quẳng ra ngoài cho người ta chà đạp” chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.