Giodan… dòng sông huyền diệu.

 

Giodan… dòng sông huyền diệu


Giodan… dòng sông huyền diệu.“Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa ! Chúa thương chúng ta vì thế Chúa sinh ra. Chúa thương chúng ta vì Chúa muốn thương ta, vì Thánh Ý của Ngài là luôn luôn thương ta !” (trích đoạn nhạc phẩm : Chúa thương chúng ta – tác giả : LM Thành Tâm).

Thiên Chúa luôn luôn thương yêu con người. Ngay từ khởi nguyên; tình yêu của Thiên Chúa đã được biểu lộ qua việc sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho con người “làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,…26).

Buồn thay ! nguyên tổ đã phạm tội bất trung và đã đánh mất đi tình yêu thương ban đầu Thiên Chúa đã ban.  Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn là : “ Ðấng từ bi và nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương.  Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”. (Tv 145:8-9).

Lòng nhân hậu và tình thương của Thiên Chúa vẫn được thể hiện qua từng thời kỳ với những giao ước. Từ giao ước với ông Noe cho tới giao ước với Apraham. Con người có được một niềm hy vọng mới. Niềm hy vọng về một Đấng Cứu Thế dựa vào lời tiên báo rằng : “Một ngôi sao hiện ra từ Giacop. Một cây phủ việt trồi lên từ Israel ” ! (Dân số ký : 24,17).

Trải qua đời nọ đến đời kia; niềm hy vọng đã thành sự thật. Tại Belem miền đất Giuda; Tình yêu thương của Thiên Chúa đã được tỏ lộ. Một con trẻ đã sinh ra và được đặt tên là Giêsu.  Người chính là “Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,11).

…..

Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà Nazareth. Đức Giêsu từ miền Galile đến sông Giodan.  Nói tới sông Giodan là nói tới một con sông gắn liền với lịch sử của Israel. Một con sông với những điều huyền diệu. Huyền diệu bởi nơi đây đã biết bao lần Thiên Chúa tỏ mình ra bằng những phép lạ phi thường.

Nhiều ngàn năm xa trước đó. Trong cuộc xuất hành về miền đất hứa. Khi cuộc hành trình đến bên sông Giodan. Mười hai chi tộc Israel đã phải sững sờ chứng kiến : “Hòm-Bia-Giao-Ước của Đức Chúa” đã biến sông Giodan thành “đất khô cạn cho đến khi toàn dân (Israel)  đã qua hết”. (Gs 4, 17).

Cũng tại con sông này; quyền năng của Thiên Chúa thêm một lần nữa được vinh danh. Đó là vào thời ngôn sứ Êlisa. Có một vị tướng của Vua Aram là ông Naaman. Ông ta mắc chứng bệnh phong hủi. Khi biết rằng : “Một ngôn sứ ở Samari (có thể) chữa ông khỏi bệnh”. Na-a-man đã đến để xin được chữa lành.

Sau một chút nghi ngờ về những lời chỉ dẫn của Ê-li-a. Naaman đã thực hiện lời chỉ dẫn đó. Đúng là một phép lạ; sau khi : “Dìm mình bảy lần trong sông Giodan… Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ”. Chuyện kể rằng : “Ông đã được sạch” (2V 5, 14).

Hôm nay, một lần nữa; sông Giodan như một nhân chứng; chứng kiến thêm một điều huyền diệu. Nếu ba mươi năm về trước; bầu trời Belem xuất hiện một vì sao báo tin rằng “Đấng Cứu Độ đã sinh ra”. Thì hôm nay; bầu trời sông Giodan rúng động… Rúng động khi Giêsu được gọi là “Chiên Thiên Chúa… Đấng xóa bỏ tội trần gian”(Ga 1,29). Thế mà Ngài đã hạ mình xuống đến “gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình”.

Nếu xưa kia tại Belem “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa” trước biến cố lịch sử Thiên Chúa làm người. Thì hôm nay tại sông Giodan, sự huyền diệu lại xuất hiện :“Các tầng trời mở ra. Thần Khí Chúa đáp xuống như hình chim bồ câu và ngự trên Người” sau khi Đức Giêsu dìm-mình-xuống chịu phép rửa.

Một chút tâm tình…

Sông Giodan không chỉ là nhân chứng của những điều huyền diệu. Dòng sông này như còn là một nhân chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa luôn đi bước trước để tỏ mình ra cho muôn dân.

Nếu xưa kia tại sông Giodan; Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho “mọi dân trên mặt đất biết rằng tay ĐỨC CHÚA mạnh mẽ dường bao” để Israel “sẽ kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của (Israel), hết mọi ngày” (Gs 4, 24)…

Nếu xưa kia tại sông Giodan; Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho Naaman biết qua việc chữa lành; để ông ta “không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài ĐỨC CHÚA” (2V 5,…17)…

Thì hôm nay; tại sông Giodan; một lần nữa; Thiên Chúa lại đi bước trước; qua hình ảnh một Giêsu bị “dìm-mình-xuống” để gánh-lên-tội-lỗi-trần-gian.

Đó chính là hình ảnh của một Thiên Chúa là tình yêu. Ngài đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một  Giêsu “ đặt làm giao ước với (muôn) dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm”(Is 42,6-7).

Từ trời cao; Thiên Chúa tiếp tục phán hứa qua Con Ngài. Tiếng phán đó không phải là tiếng phán của luận phạt. Không phải là tiếng phán để khi nghe chúng ta phải “sợ hãi và chạy trốn” như nguyên tổ khi xưa !!!

“Hãy đến mà biện luận. Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẩm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18)

Vâng, tiếng phán đó là tiêng phán của một Thiên Chúa là tình yêu. Tiếng phán đã được đóng ấn trên chính Con Một của Người : “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).

Một phút suy tư…

Nhắc lại biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa không thể không nghĩ tới phép Rửa của chính chúng ta. Lm Jude Siciliano trong một bài giảng có nói vui rằng : “Tôi chắc rằng một số đông trong chúng ta không ai nhớ được ngày rửa tội của mình !…”Quả thật vị linh mục đã có một nhận xét rất chính xác.

Hôm nay, thật cần thiết để nhớ lại ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhớ lại để chúng ta tái-khám-phá một ân sủng; mà có thể vì những bụi-bặm-trần-gian, những đam-mê-trần-thế…  đã làm lu mờ cái giá trị chúng ta được trở nên “con Thiên Chúa”.

Bí Tích Rửa Tội không phải là một thủ-tục-hành-chánh để gia nhập đạo Công Giáo. Thánh Phaolô xác tín rằng : “Lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,5).

Bí Tích rửa tội là bước đầu trong cuộc hành trình của chúng ta về Giêrusalem mới. Đang lúc cuộc hành trình của chúng ta chưa đến đích. Nhà thờ nơi chúng ta đến thờ phượng chính là Giêrusalem tại thế của chúng ta.

Đã là Kitô hữu; không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ; như lời Lm Charles E.Miller đã nói; “cũng giống như tay chơi vĩ cầm mà chẳng bao giờ mó tới cây đàn của mình”… Quy tụ nơi đây; chúng ta được đồng hành cùng Đức Giêsu qua Thánh Thể. Luôn được Lời Ngài; qua phần đọc Phúc Âm, soi bước chúng ta đi.

Khi lãnh nhận Bí Tích rửa tội; chính là lúc chúng có được một đời sống mới.  Một đời sống; “không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20)..

Đức-Kitô-sống-trong-tôi. Vâng, đó chính là dấu ấn của chúng ta; một dấu ấn không thể thay thế trong ngày quang lâm; ngày mà Đức Giêsu trở lại. Chính nhờ dấu ấn đó; chúng ta mới có thể cùng với Đức Giêsu được nghe Chúa Cha gọi rằng : “Đây là con yêu dấu của Ta”.

petrus.tran


Để lại một bình luận