KINH TỐI
Nó không thích đọc kinh tối. Nếu được phép nói thật lòng mình, nó sẽ hét to lên: con ghét đọc kinh tối lắm! Dù sao thì đó cũng là chuyện thích hay không thích của một đứa con nít. Trong gia đình sống chung ba thế hệ thì một thằng nhóc như nó chả bao giờ có cơ hội để mà hét toáng lên điều mình thích hay không. Thế nên cứ mỗi tối, nó lại nghiêm chỉnh như một thằng cháu ngoan, đong đưa hai chân trên ghế, lấy hết hơi hết sức để đọc thật to những kinh kệ mà nó đã thuộc nằm lòng… Nghe nó đọc kinh, ông bà nội thỉnh thoảng lại nhìn nhau mỉm cười.
Hồi đó, chả bao giờ nó có thể dự trọn vẹn một buổi kinh tối. Con nít, lấy đâu hơi sức mà đọc cho hết các kinh từ đầu buổi tới cuối buổi. Hét toáng lên được một hồi thì giọng của nó cứ nhỏ dần, nhỏ dần. Rồi trong cái thanh âm rì rầm đều đều của cả đại gia đình, nó bắt đầu gục gà gục gặt, rồi chìm vào trong giấc ngủ lúc nào cũng chẳng biết. Nó đánh một giấc ngon lành, cho đến sáng dậy thì thấy mình đang nằm trong mùng của bà nội. Cứ thế, giấc ngủ của tuổi thơ nó được ru đều bởi lời kinh của cả gia đình, bởi hương trầu dìu dặt của bà nội.
Từ khi trong xóm có được vài chiếc Tivi trắng đen, nó tham dự giờ kinh tỉnh táo hơn. Nghĩa là vẫn hét toáng lên ở đầu buổi, gục gà gục gặt ở giữa buổi, nhưng càng về cuối buổi nó càng tỉnh. Tỉnh để sau đó còn được bà nội dẫn đi xem cải lương. Nó mê cải lương chẳng kém gì bà nội, dù rằng buổi xem cải lương của hai bà cháu bao giờ cũng kết thúc bằng cái cảnh bà nội một tay xách tấm chiếu, một tay ẵm nó đã ngủ khò khò từ khi nào. Sáng ra nó cằn nhằn phụng phịu: “Sao bà nội hổng chịu gọi con dậy để xem cho hết tuồng… rồi Công Chúa có cứu được Phò Mã Cùi khỏi tay bà Nữ Chúa Rắn hông nội?”… Sáng sớm, còn trong mùng, bà nội rì rầm kể lại cho nó nghe đoạn kết của vở tuồng hôm trước. Nhảy tót xuống giường, nó chạy đi tìm ông nội để líu lo kể lại, như thể ta đây tham dự từ đầu buổi tới cuối buổi, ta đây có thể kể lại vanh vách… Bà nội lại nhìn nó cười tủm tỉm.
Nói gì thì nói, nhờ có mấy tuồng cải lương và mấy vở kịch trên Tivi mà giờ kinh tối của nó được thêm nhiều hương vị. Nghĩa là miệng nó vẫn đọc kinh mà trong đầu thì đầy ắp hình ảnh của các nhân vật cải lương, cổ tích. Nó tưởng tượng Chúa như ông Tiên đã hiện ra dạy cho chàng Thạch Sanh phép thuật, nó cầu nguyện để ở tập tới ông Tiên lại hiện ra cứu chàng khỏi tay gã Lý Thông độc ác và cưới được Công Chúa. Có lúc, nó lại thấy Chúa là ông Bụt trong vở Tấm Cám, vừa quyền phép vừa luôn hết lòng yêu thương và bảo vệ người nghèo. Lâu lâu, Chúa lại mang hình ảnh của ông Vua nhân từ và khôn ngoan như trong tuồng Cánh Hồng Giữa Hoàng Cung… Từ đó, giờ kinh tối của nó luôn đầy ắp những hình ảnh vừa đẹp đẽ vừa thánh thiêng, là nơi để nó gởi gắm và xây dựng những nguyện ước đơn sơ trong sáng của tuổi thơ. Tối tối, trong nhịp kinh đều đều, trong tiếng phe phẩy nhẹ nhàng của chiếc quạt giấy trên tay ông nội, trong mùi trầu hăng hăng của bà nội, mùi hương bồ kết thoang thoảng từ mái tóc mới gội của cô Út… nó thả mình vào khung trời mơ.
Khi nó lớn hơn một chút, đủ để biết cách đọc kinh tối mà không cần phải gây ồn ào, không còn bị ngủ gục, thì cả ông bà nội đều mất. Ông bà cùng dự giờ kinh với nó từ trên một góc nhỏ của bàn thờ. Một cách mơ hồ, nó tin rằng ông bà nội trên bàn thờ đang nhìn nó, đang nghe tiếng nó đọc kinh, đang cùng cầu nguyện với nó. Nó xin ông bà nội cầu nguyện với Chúa cho gia đình nó bình an, cho ba má nó sức khỏe, cho anh em nó học hành giỏi giang…
Gia đình nó chuyển đi làm ăn xa. Đi trong đêm. Nơi xứ lạ quê người, cả gia đình nó vẫn tiếp tục thói quen đọc kinh tối, như một phần sinh hoạt không thể thiếu của gia đinh. Ba má nó vẫn thành kính, mấy đứa em nó vẫn đơn sơ dâng lời nguyện trong đêm. Chỉ có nó là khác.
Nó mơ hồ nhận ra những nghi nan đang ngày càng lớn dần giữa lòng mình. Những thăng trầm nghiệt ngã trong hoàn cảnh của gia đình bắt nó phải đặt lại câu hỏi về vị Chúa mà nó hằng cầu nguyện. Chúa có yêu thương người ta hết không? Chúa có quyền phép thật không? Tại sao Chúa đã liên tục làm ngơ trước những thăng trầm của gia đình nó? Chúa hình như đã chẳng bênh vực người nghèo trước những áp đặt và bóc lột của người giàu. Chúa dường như cũng chẳng đủ quyền năng để đem đến những kết thúc có hậu như các vỡ tuồng cải lương. Nó đã bao lần nguyện xin Chúa tha thiết, thế mà… Từ một vị Chúa quyền năng như ông Vua, ông Tiên, ông Bụt, hình ảnh Chúa trở nên mờ nhạt, mơ hồ và ngày càng vụn vỡ trong nó. Giữa lòng nó trổi lên câu hỏi mà nó không thể nào cưỡng lại được: Có Chúa không? Có Chúa thì sao Chúa lại để cho gia đình nó gặp bao nhiêu rủi ro đến độ phải bỏ quê mà đi, đi như những người trốn nợ, bị người ta hắt hủi khinh khi đủ điều. Gia đình nó đã làm gì có lỗi đâu?
Nó cũng bắt đầu hoang mang, không dám chắc rằng ông bà nội vẫn cùng đọc kinh với nó mỗi tối? Ông bà nội chết rồi kia mà! Có chắc là sau khi chết, người ta vẫn còn hiện diện được với con cháu không? Những điều nó học được ở trên trường khác xa những gì mà nó mơ hồ xác tín từ hồi còn nhỏ lắm…
– Chào ba con đi học về, chào bác Tư con đi học về.
Chào khách xong, vứt vội chiếc cặp vào góc, nó chạy xuống bếp lục cơm ăn tranh thủ để còn kịp giờ làm thêm buổi tối. Trên nhà, ba nó và ông Tư, bạn hàng bán hủ tíu gõ, vẫn tiếp tục câu chuyện:
– Nghe nói thằng cháu học khá lắm hả anh Năm?
– Dạ, cũng được anh Tư ạ!
– Thằng nhỏ giỏi thiệt, vừa đi học vừa đi làm… à, mà nó học cùng lớp với mấy nhỏ con bà bác sĩ đầu ngõ hả?
– Dạ…
– Nói hổng phải khen, tui thấy anh nhịn tốt thiệt, cái bà bác sĩ đó cứ cà khịa anh hoài, nào là nghèo mà bày đặt hay nói chữ, nào là bán cháo lòng mà cũng bày đặt cho con đi học… phải mà bả gặp tui…
– Thôi mà anh Tư…
– Bộ chú hổng bực mình hả?
– Dạ… thì cũng bực chứ, nhưng mà nhịn thì tốt hơn anh ơi!
Ngập ngừng một chút, ba nó tiếp:
– Với lại tui cũng không quen chửi rủa người ta. Mình chỉ có một cái miệng. Cũng cái miệng này tối tối mình đọc kinh cầu nguyện với Chúa, mà cũng cái miệng này mình tru tréo chửi rủa người ta… làm vậy coi sao được!
– Mà nè, chú nói cầu nguyện tui mới nói…
Một chút im lặng dè chừng, rồi ông tư tiếp:
– Người ta nói nhà chú tối nào cũng cầu nguyện, cầu nguyện hoài mà…
– …mà có khá hơn chút nào đâu, phải hông anh Tư?
– Tui chỉ nghe họ độc mồm nói vậy thôi, đừng buồn chú Năm à!
– Không đâu anh Tư, họ không hiểu cũng phải thôi, vì chính tui là người trong cuộc mà cũng đã phải trải qua một thời gian dài nghi nan thất vọng…
Ở nhà dưới, đang nhai dở miếng cơm, nó nín thở để theo dõi câu chuyện. Nhà trên, giọng ba nó trầm trầm tiếp tục:
– Tui hỏi Chúa hoài, sao để cho nhà con khổ quá… nhưng mà đến Thị Trấn này, tui mới thấy nhiều người còn khổ và đáng thương hơn mình nhiều anh Tư à! Có người nghèo khổ vì thiếu thốn tiền bạc, nhưng đáng thương hơn là những người tiền bạc ê hề trong nhà mà cũng khổ, khổ vì giành giật bon chen, khổ vì con cái hư hỏng…
Ngừng một lúc rồi ba nó tiếp:
– Cũng có những lúc tui ước ao giá mà mình giàu hơn, đỡ khổ hơn, nhưng mà nghĩ lại thấy nghèo mà gia đình đầm ấm lại là một cái phúc…
– Ừ, tui thấy gia đình chú nghèo mà hạnh phúc thiệt đó, hổng phải nhà nào cũng có được đâu.
– Với lại đọc kinh cầu nguyện hơn nửa đời người, tui mới cảm nghiệm được một điều quan trọng: Chúa là Cha anh Tư à! Cha thì biết con mình cần gì, và bao giờ cũng dành cho nó cái tốt nhất. Con tui nó muốn nhiều thứ, nhưng là cha thì tui chỉ nên cho những thứ nó cần. Còn nhiều thứ nó muốn mà không thật sự cần thiết cho nó, thì cho làm gì phải hông anh Tư?
– Chú đang nói về chuyện của Chúa với gia đình chú hả?
– Dạ.. chỉ tiếc là hồi đó tới giờ, tui thường đến với Chúa không phải như một đứa con đến với cha, nhưng mà như một thằng ăn xin. Tui kỳ kèo hoài mà hông được, nên đâm chán là đúng rồi!
– Vậy chứ cầu nguyện mà hổng xin thì chú biểu làm cái gì? – ông Tư ngạc nhiên.
– Thì cũng xin chứ, nhưng mà không phải là xin Chúa làm theo ý mình, mà là xin làm sao cho mình đủ can đảm làm theo ý Chúa.
– Làm theo ý Chúa là sao? – ông Tư lại thắc mắc.
– Là chấp nhận và sống vui với hiện tại của mình khi mà mình đã cố gắng hết sức, là tin rằng hiện tại này do Chúa muốn, là tốt nhất cho mình, cho gia đình mình.
– Tin rằng hiện tại này là tốt nhất cho mình – ông Tư lẩm bẩm – tối nào chú cũng cầu nguyện như vậy, hèn chi tui thấy chú vẫn bình an và sống vui được.
– Giữ được thói quen như vậy, tui cám ơn ông bà mình nhiều lắm anh Tư à! Hồi nhỏ tui đọc kinh ào ào, đọc riết rồi thuộc, mà có hiểu gì đâu. Giờ mới biết phải từ từ thì những điều mình đọc, mình thuộc mới thấm dần vào máu thịt mình…
Im vắng. Hình như mỗi người đang bận theo đuổi một thế giới riêng của mình. Ông Tư đang trầm ngâm, như đang suy nghĩ lung lắm về những điều mới mẻ vừa được nghe. Còn ba nó, ông đang dõi mắt nhìn lên khung hình ông bà nội trên bàn thờ, như đang dõi về một khung trời linh thánh nào đó…
Nhà dưới, nó chẳng buồn nhai cơm nữa. Cuộc đối thoại của hai người lớn mở ra quá nhiều điều cho nó phải suy nghĩ. Lần đầu tiên trong đời nó thấy ba mình lạ quá. Đằng sau cái vẽ bề ngoài trầm lặng và cam chịu, lúc này dường như nơi ông còn có một cái gì đó thẳm sâu, một cái gì đó linh thiêng, một cái gì đó nó không thể gọi tên được. Phải chăng cái chiều sâu linh thánh ấy vốn là một phần tiềm hữu trong mỗi con người, vốn trường tồn bất biến, và vốn thường bị người ta dẹp để vào một góc khuất?…
Nắng chiều sắp tắt. Gió loạt xoạt thổi vào ngôi nhà tranh lặng lẽ. Cứ mỗi lần đón gió chiều, nó lại thấy nhớ quê da diết. Nó nhớ những ngày cả đại gia đình quây quần trong giờ kinh tối. Đó là những ngày êm đềm và đầm ấm nhất trong hoài niệm tuổi thơ của nó. Bất chợt nó nghe như trong gió có mùi hương trầu thoang thoảng, nhè nhẹ, dặt dìu, mà dai dẳng, mà như gần gũi lẩn khuất đâu đây…
Lưu Mình Gian
.