Đáp lời kêu gọi của Đại Hội Dân Chúa

  Tổng giáo phận Sài Gòn

Đáp lại lời kêu gọi
của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010

ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn

Người công giáo hãy chung sức cùng đồng bào
vun đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương

Đáp lời kêu gọi của Đại Hội Dân Chúa1. Đại Hội Dân Chúa Việt Nam diễn ra tại Trung Tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 21 đến 25 tháng 11 năm 2010. Hiện diện tại Đại Hội, có 32 Giám mục, 300 đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước, cùng đại diện các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại. Đại Hội bế mạc với lời kêu gọi 7 triệu người công giáo Việt Nam chung sức cùng mọi người thiện tâm kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho Thành phố cùng quê hương đất nước hôm nay.

Những thông tin và đề xuất sau đây là nhằm mở đường cho những nỗ lực đáp lại lời kêu gọi trên, vì sự sống và hạnh phúc của thế hệ hôm nay và mai sau.

Tình hình xã hội Việt Nam hôm nay

2. Theo thông tin của các phương tiện truyền thông trong thập niên vừa qua, bên cạnh sự phát triển rất nhanh về mặt kinh tế xã hội, có những dấu hiệu cho thấy lối sống văn hoá sự chết ngày càng lan rộng trong xã hội, như nạn phá thai hủy diệt sự sống, nạn xì ke ma tuý đưa nhiều bạn trẻ đến cái chết trắng, để lại nhiều bà mẹ, nhiều trẻ thơ sống với HIV, nạn trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng gia tăng, nạn bạo hành và phân hoá trong gia đình, cùng những tệ nạn xã hội khác, như bạo lực, tham nhũng, hàng giả, bằng giả, trụy lạc, cùng hố sâu phân cách giàu nghèo… đang hủy hoại sự sống và phẩm giá con người Việt Nam.

3. Ai chịu trách nhiệm về sự hình thành và phát triển lối sống văn hoá sự chết này? Khoa học xã hội xác định có ba nhân tố chung phần vào sự hình thành cách nghĩ và lối sống của mỗi con người:

1) di truyền;

2) môi trường xã hội gồm gia đình, nhà trường, các tổ chức trong xã hội, đạo đời, truyền thống văn hoá cùng những nét văn hoá du nhập từ thế giới toàn cầu hoá hôm nay;

3) ý thức và ý chí của mỗi con người.

4. Kỳ thực, một số tổ chức đạo đời trong xã hội hiện nay đã quan tâm và thực hiện những biện pháp tình thế nhằm khắc phục những hậu quả nặng nề của lối sống văn hoá sự chết. Thế nhưng, để có thể giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau từng bước vượt qua lối sống văn hoá sự chết trong xã hội hôm nay, cần có những giải pháp căn cơ hơn. Hiện nay chúng ta không có khả năng thay đổi những yếu tố về di truyền, nhưng chúng ta có thể góp phần xây dựng và cải tạo môi trường sống cho lành mạnh hơn, cùng huấn luyện và củng cố ý chí nơi mỗi con người.

Trách nhiệm liên đới trong xã hội

5. Để đạt mục đích trên, cần tiến hành ba giải pháp căn cơ như sau:

1) Một là đổi mới cơ chế luật lệ hiện hành, mở ra cho mọi tổ chức đạo đời đồng trách nhiệm tham gia vào việc tổ chức và điều hành công cuộc phục vụ cho sự sống cùng nhân phẩm và nhân quyền, trước tiên là quyền sống và quyền được phát triển, của mọi người trong cộng đồng dân tộc, đặc biệt người nghèo khổ, kém may mắn, bị bỏ rơi…

2) Hai là liên kết mọi thành phần xã hội trong nỗ lực chung. Người công giáo hãy cùng với gia đình, nhà trường và nhà giáo, nhà báo và nhà khoa học, nhà thờ và nhà chùa, nhà kinh tế và nhà chính trị, với ý thức trách nhiệm liên đới trong xã hội, quan tâm chung sức xác lập định hướng nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho thế hệ trẻ hôm nay.

3) Ba là nêu gương sáng cho giới trẻ. Người công giáo hãy chung lòng với gia đình, nhà trường cùng giới lãnh đạo các tổ chức đạo đời trong xã hội thể hiện ý thức trách nhiệm nêu gương sáng thuyết phục, và truyền đạt kỹ năng sống nếp sống mới cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Thực hiện được ba giải pháp căn cơ đó, là xây nền móng cho nếp sống văn hoá mới, và mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho người trẻ hôm nay.

Xây mới ngôi nhà chung trên nền vững chắc

6. Nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương là nếp sống mang những nét văn hoá nền tảng như sau:

1) Thể hiện ý thức tôn trọng con người là mục đích tối cao của sự phát triển đất nước, không coi con người chỉ là phương tiện sản xuất, là công cụ cho sự phát triển. Tôn trọng con người tất nhiên đòi hỏi mọi người quan tâm trân trọng sự sống, nhân phẩm, nhân quyền, hơn là chỉ biết dùng luật lệ, quyền hành, vũ lực, tiền bạc để đối xử, giáo dục, phát triển, đổi mới con người, nhất là người trẻ…

2) Phát huy lòng nhân ái và lòng tự trọng theo truyền thống đạo lý của dân tộc, hơn là để mình bị cuốn hút chạy theo tiền tài, quyền lực, danh vọng, thời trang, hưởng thụ trụy lạc. Đồng thời quan tâm phát huy tính trung thực và sự trong sáng đáng tin cậy, hơn là tin rằng sự thật chỉ là những gì mang tính thực dụng, đem lại tư lợi …

3) Và bài học từ truyền thống văn hoá của dân tộc, “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, vẫn còn nguyên giá trị và thật cần thiết cho công cuộc xây đắp nếp sống văn hoá mới hôm nay.

7. Thể hiện những nét văn hoá nền tảng đó trong nếp sống gia đình và xã hội, người công giáo cùng mọi người thiện tâm trong cộng đồng dân tộc, vừa tiến bước dưới ánh sáng chân lý trong trời đất, vừa đáp lại đòi hỏi của đạo lý trong thiên hạ, vừa góp phần xây mới ngôi nhà gia đình, ngôi nhà xã hội, ngôi nhà Việt Nam, xây trên nền đá vững chắc với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, cùng công lý và hoà bình, cho đất nước cùng thế giới toàn cầu hoá hôm nay.

8. Mùa Giáng Sinh sắp đến, nhắc nhớ cho người người trong gia đình nhân loại, biến cố Con Thiên Chúa làm người mang lại bình an cho mọi người, mọi dân tộc bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu. Tôi chân thành cầu chúc cho mọi người, mọi gia đình, mọi tổ chức đạo đời trong xã hội, hưởng nhận được sự bình an, niềm vui và phúc thật, qua mọi gian truân trong cuộc đời, cũng như qua mọi thăng trầm trong lịch sử đất nước mình.

Tổng giáo phận Thành phố HCM, 1.12.2010
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục


Để lại một bình luận