Tại sao dâng lễ cho người đã qua đời ?

 

Tại sao dâng lễ cho người đã qua đời ?

Lm. William Saunders

Tại sao dâng lễ cho người đã qua đời ?Dâng lễ cho “các linh hồn tín hữu đã qua đời” được nối kết với niềm tin của chúng ta về Luyện Ngục. Chúng ta tin rằng nếu một người chết khi vẫn còn tin vào Chúa nhưng phạm tội nhẹ và tội xúc phạm đến Chúa, với tình thương và lòng thương xót Chúa sẽ thanh tẩy linh hồn người ấy. Sau khi được thanh tẩy, linh hồn ấy sẽ nhận lãnh sự thánh thiện và tinh tuyền cần thiết để chia sẻ hạnh kiến Thiên Đàng.

Trong khi mỗi cá nhân chịu phán xét trước toà Chúa và tính sổ cuộc đời mình thì sự hiệp thông mà Giáo Hội chia sẻ trên mặt đất này vẫn còn tiếp tục, trừ các linh hồn bị phạt trong hoả ngục. Công Đồng Vatican II xác quyết rằng: “Thánh Công Đồng này kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được hiển vinh trên trời hay phải còn tinh luyện sau khi chết… (Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 51). Vì thế, như hiện tại chúng ta vẫn cầu nguyện cho nhau và chia sẻ gánh nặng với nhau, người tín hữu còn sống có thể dâng lời cầu nguyện và những hy sinh để giúp cho các linh hồn đã qua đời mà đang chịu tinh luyện, và không lời nguyện nào tốt đẹp hơn thánh lễ.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong Thông điệp Mirae Caritatis (1902) đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa việc các thánh thông công với thánh lễ: “Ân sủng của tình yêu thương nhau giữa người còn sống, được bí tích Thánh Thể củng cố và tăng cường, đã đặc biệt lan tràn đến với những ai còn nằm trong mối liên hệ các thánh thông công. Vì sự hiệp thông của các thánh rất đơn giản… đó là cùng chia sẻ sự giúp đỡ, việc đền tội, kinh nguyện và ơn ích giữa các tín hữu, giữa những người đang ở trên quê hương nước trời, những người đang chịu lửa tinh luyện, những người đang còn lữ hành nơi trần thế này. Tất cả hợp thành một thành phố mà thủ lãnh là Đức Kitô và nguyên tắc sống ở đấy là tình yêu.

Đức tin dạy rằng dù rằng Hy Lễ chỉ được dâng lên cho Thiên Chúa, nhưng được cử hành để tôn vinh các thánh hiện đang ngự trên trời với Thiên Chúa là đấng đã đội triều thiên cho họ. Dâng thánh lễ cũng là để cầu xin các thánh can thiệp cho chúng ta và, theo truyền thống Giáo Hội, để tẩy sạch vết nhơ tội lỗi của những người anh em đã chết trong Chúa nhưng chưa được hoàn toàn tinh sạch”. Hãy nhớ điều này: Thánh Lễ siêu vượt thời gian và không gian, kết nối các tín hữu trên trời, dưới đất và trong luyện ngục trong mầu nhiệm các thánh thông công. Thánh Lễ cũng gia tăng sự kết hợp của chúng ta với Đức Kitô, xoá bỏ tội nhẹ và ngăn ngừa chúng ta khỏi phạm những tội trọng sau này (xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1391-1396). Vì thế, dâng Thánh Lễ, kinh nguyện hoặc hy sinh với ý hướng dành cho các tín hữu đã qua đời là những hành vi đẹp và thánh thiện.

Đây không phải là thực hành mới mẻ gì đâu. Sách Giáo Lý quả quyết: “Ngay từ những thời gian đầu, Giáo Hội đã tôn kính việc tưởng niệm các người đã qua đời, và dâng kinh lễ để cầu cho họ, nhất là dâng Thánh Lễ, để họ được thanh tẩy và tiến vào nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa” (số 1032). Thật vậy! “Thời gian đầu” này đã có từ thời Cựu Ước.  Giuđa Maccabê cầu nguyện và dâng hy lễ cho các chiến sĩ Do Thái đã chết khi trong mình còn mang lá bùa của người ngoại giáo, điều này đã bị Lề Luật cấm. Sách II Maccabê viết rằng: “Họ bắt đầu khẩn nguyện, xin Chúa tẩy sạch tội lỗi đã phạm (12, 42) và “như vậy, [Giuđa Maccabê] đã dâng hy lễ đền tội cho người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (12, 45).

Trong lịch sử Giáo Hội sơ khai, chúng ta cũng thấy những bằng chứng về việc cầu nguyện cho người đã chết. Những câu khắc trên mộ của trong các hoang toại đạo Roma thế kỷ thứ II đã chứng minh cho thực hành này. Tấm bia trên mộ của Abercius (năm 180), Giám mục thành Hieropolis ở Phrygia xin cầu nguyện cho linh hồn mình được an nghỉ. Tác giả Tertullianô vào năm 211 đã chứng thực về việc giữ ngày lễ giỗ bằng những kinh nguyện. Hơn nữa, Kinh Nguyện Thánh Thể của Thánh Hippolytô (khoảng năm 235) rõ ràng đã nhắc đến việc dâng lời cầu nguyện trong thánh lễ cho người đã qua đời.

Chứng từ của các Giáo Phụ cũng xác nhận niềm tin này: trong một bài giảng giáo lý, Thánh Cyrillô thành Giêrusalem (năm 386) đã giải thích rằng cả người sống lẫn kẻ chết đều được nhớ đến trong Thánh Lễ và Hy Tế Thánh Lễ có ích lợi cho người tội lỗi, dầu sống hay chết. Ambrôsiô (năm 397) giảng rằng: “Chúng ta yêu thương họ khi còn sống ở thế gian này thì đừng bỏ họ khi chết cho đến khi chúng ta đưa được họ vào trong nhà Chúa bằng lời cầu nguyện”. Thánh Gioan Kim Khẩu (năm 407) khẳng định: “Chúng ta hãy giúp đỡ và tưởng nhớ họ. Nếu các con cái của Gióp được thanh tẩy nhờ hy lễ của cha mình thì tại sao chúng ta nghi ngờ lễ dâng cho người chết đem lại cho họ niềm an ủi? Vậy thì đừng ngần ngại giúp đỡ và dâng lời cầu nguyện cho họ”. Cuối cùng, Đức Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô (năm 604) cũng nói: “Hãy giúp đỡ những người đã chết và dâng lời cầu nguyện cho họ”.

Có người thắc mắc: “Nhỡ như linh hồn người ấy đã được tinh luyện và lên Thiên đàng rồi thì sao?”. Trên mặt đất này, chúng ta không thể nào biết được về phán xét của Chúa cũng như cái khung thời gian của Chúa; vì thế cứ luôn nhân hậu tỏ lòng tưởng nhớ đến người đã khuất của chúng ta và phó thác họ cho Chúa qua kinh nguyện và việc hy sinh. Tuy nhiên, nếu quả thật linh hồn người qua đời đã được thanh luyện và giờ đang an nghỉ trước nhan thánh Chúa trên trời thì lời cầu cũng như hy sinh của chúng ta đem lại ích lợi cho những linh hồn khác còn phải chịu thanh luyện nhờ tình yêu và sự thương xót của Chúa.

Vì thế, ta không chỉ thấy rằng nguồn gốc của thực hành này có từ thời Giáo Hội sơ khai nhưng còn nhận biết rõ ràng tầm quan trọng của nó. Khi ta đối diện với cái chết của một người nào đó, ngay cả người không Công giáo, thì việc xin lễ cho linh hồn người ấy cũng như dâng lời cầu nguyện cho họ là có ích và an ủi hơn tấm thiệp chia buồn hay những bó hoa. Quan trọng hơn hết, chúng ta nên luôn tưởng nhớ đến những người thân yêu đã khuất trong Thánh Lễ và qua lời cầu cũng như những hy sinh để giúp họ đạt được sự an nghỉ vĩnh cửu.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
(Nguồn: “Bản thông tin GP.Quy Nhơn” 10/2010)

Để lại một bình luận