Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp:
“Các giám mục phải mạnh dạn đề cập đến nhân quyền ở Việt Nam”
RFI 18/10/2010 – Hội đồng Giám mục Việt Nam lần đầu tiên từ năm 1975 đã thành lập Uỷ ban Công lý và Hòa bình, một uỷ ban sẽ hoạt động theo khuôn mẫu của Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Người được giao giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban này là Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp.
Ngày thứ Sáu tuần này, 22/10, ba năm sau khi được loan báo, án phong Chân phước cho Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sẽ chính thức được khởi sự, đầu tiên là ở cấp Giáo phận Roma.
Sinh ra tại cố đô Huế ngày 17-4-1928, Ðức Hồng y Nguyễn Văn Thuận chịu chức linh mục năm 1953 và năm 1967 được Ðức Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Nha Trang. Bảy ngày trước 30/4/1975, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn. Nhưng chính quyền không công nhận việc ngài được bổ nhiệm và đã bỏ tù ngài trong 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam. Ðược trả tự do năm 1988, ngài được phép ra nước ngoài năm 1991, nhưng trong khi ở hải ngoại, Đức Hồng y Thuận bị cấm trở về Việt Nam.
Năm 1994, cảm mến tài năng và đức độ của Đức cha Thuận, Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II triệu ngài sang Rôma, giao cho giữ chức vụ cấp cao tại Vatican và đến ngày 21/2/2001, phong chức Hồng y cho ngài. Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận cũng đã được Giáo hoàng cất nhắc lên giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình từ năm 1994, rồi làm Chủ tịch từ ngày 24/6/1998 đến 16/9/2002, khi ngài qua đời.
Án phong Chân phước cho Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận diễn ra vài ngày sau khi Hội đồng Giám mục Việt Nam lần đầu tiên từ năm 1975 đã thành lập Uỷ ban Công lý và Hòa bình, một uỷ ban sẽ hoạt động theo khuôn mẫu của Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Người được giao giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban này là Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Vào thứ Sáu tuần trước (15/10), Đức cha Nguyễn Thái Hợp đã trả lời phỏng vấn RFI trong cương vị mới này:
RFI: RFI hôm nay rất vui mừng được tiếp chuyện Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh và cũng là Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình mà Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa thành lập. Trước hết xin Đức cha cho biết là Uỷ ban này sẽ hoạt động như thế nào?
Đức cha Nguyễn Thái Hợp: Uỷ ban Công lý hòa bình là một ủy ban trực thuộc Tòa Thánh, trực thuộc Đức Giáo hoàng. Nhiệm vụ của ủy ban là tranh đấu cho quyền lợi của con người, để ý đến chiều kích xã hội của vấn đề loan báo Tin Mừng, trong đó có vấn đề việc làm, lao động, quyền con người, hòa bình, chiến tranh, những vấn đề có liên hệ đến sứ vụ loan báo Tin Mừng của người Công giáo trong thời đại hôm nay.
Chính vì vậy, trong mấy thập niên sau cùng này, Uỷ ban đã cho xuất bản cuốn Giáo huấn xã hội Công giáo, coi như một cẩm nang tóm lược nội dung hoạt động của Uỷ ban Công lý và Hoà bình. Lãnh vực hoạt động của ủy ban rất rộng lớn, bao gồm các chiều kích: lao động, hòa bình, chiến tranh, nhân quyền, v.v.. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi đây là hình thức cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.
RFI: Áp dụng cụ thể cho bối cảnh Việt Nam thì cụ thể hoạt động trong tương lai của Uỷ ban Công lý và Hòa bình sẽ ra sao?
Đức cha Nguyễn Thái Hợp: Thực sự thì tất cả các ủy ban của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng chỉ hoạt động trong khả năng và điều kiện của mình thôi. Hội đồng Giám mục Việt Nam khởi đi với 4 ủy ban, rồi sau đó dần dần hầu như là mỗi thời điểm lại thêm một uỷ ban, chẳng hạn như lần họp cách đây mấy năm, đã lập nên Uỷ ban Giáo dục Kitô giáo và lần cuối cùng này lập Uỷ ban Công lý và Hòa bình. Còn một số ủy ban nữa mà chưa thấy có nhu cầu thành lập như Đối thoại liên tôn hay Đại kết giữa các Kitô hữu với nhau.
Uỷ ban Công lý và Hòa bình ra đời trong bối cảnh hôm nay vì Hội đồng Giám mục nghĩ rằng có đủ nhân sự hơn và điều kiện có thể cho phép nghĩ đến chiều kích xã hội, vấn đề loan báo Tin Mừng. Nhưng ủy ban đó hoạt động như thế nào thì cũng phải chờ vấn đề nhân sự, rồi vấn đề hoàn cảnh, thời thế. Hiện giờ chúng tôi chưa bố trí được nhân sự, ngân khoản, văn phòng. Tất cả chuyện đó là chuyện dài hơi.
RFI: Thưa Đức cha, theo chiều hướng hoạt động vì quyền lợi con người, vì nhân quyền, vì hòa bình, Ủy ban có thể làm được gì để giảm bớt cách biệt xã hội ngày càng lớn ở Việt Nam?
Đức cha Nguyễn Thái Hợp: Thực sự thì Giáo Hội không bao giờ chủ trương làm thay cho Nhà nước và cũng không phải là sứ vụ của Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội có sứ vụ loan báo Tin Mừng, thì Giáo Hội cần phải lên tiếng về những gì đụng chạm đến con người. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng trong tương lai, phải đề cập đến những vấn đề như lương bổng, quyền lợi người lao động, chênh lệch giàu nghèo, và ngay cả quyền lợi giai cấp công nhân, nông dân. Việt Nam tự hào là đất nước của giai cấp công nông, nhưng thực tế hiện nay là giai cấp công nhân bị thiệt thòi rất nhiều. Tất cả những điều đó đều nằm trong suy tư của Giáo Hội Công giáo, của Uỷ ban Công lý và Hoà bình, cũng như của tất cả người Công giáo. Rồi vấn đề đất đai, quyền sở hữu cũng là một vấn đề. Trên nguyên tắc đất đai là thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng trong rất nhiều trường hợp, chúng ta thấy một số bãi biển đẹp nhất bây giờ bỗng dưng được tư hữu hóa một cách chưa được chính đáng bao nhiêu. Thành ra người dân luôn luôn bị thiệt thòi. Có rất nhiều điểm cần phải suy nghĩ và đào sâu hơn.
RFI: Trong chiều hướng đó thì Đức cha nhìn thế nào về sự cộng tác của Uỷ ban với chính quyền, với các tổ chức xã hội dân sự?
Đức cha Nguyễn Thái Hợp: Điều đó thật ra còn tùy điều kiện của hai bên nữa. Nhưng nói chung theo định hướng của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành”, Giáo Hội không chủ trương thay Nhà nước, nhưng Giáo Hội và Nhà nước đều gặp nhau ở chỗ là phục vụ con người. Trên cái chỗ phục vụ con người đó thì có nhiều khi Giáo Hội phải cộng tác với Nhà nước, có nhiều khi phải tán đồng với những điều mà Nhà nước làm mà ích quốc lợi dân, nhưng cũng vì vậy mà phải lên tiếng nếu thấy rằng những điều mà Nhà nước làm có lẽ chưa ích quốc lợi dân bao nhiêu. Đó là điều mà chúng tôi suy nghĩ. Nhưng làm được đến đâu thì còn lệ thuộc rất nhiều yếu tố.
RFI: Trước đây, Đức cha cũng đã hoạt động rất nhiều trong lĩnh vực xã hội, từ thiện. Những hoạt động từ thiện nó có sẽ nằm trong khuôn khổ hành động của Ủy ban Công lý và Hòa bình?
Đức cha Nguyễn Thái Hợp: Hoạt động từ thiện thì nằm ở Uỷ ban Caritas Bác ái Xã hội. (Tôi vừa mới đi Quảng Bình với Uỷ ban Bác ái Xã hội để giúp nạn nhân bão lụt). Uỷ ban Công lý và Hòa bình cũng có liên hệ với Uỷ ban Caritas và Uỷ ban Giáo dục Kitô giáo, nhưng mỗi cái có một sắc thái riêng. Nhưng điều mà Uỷ ban Công lý và Hòa bình muốn nhắm tới đó là vấn đề quyền lợi con người, tức là có chiều kích rộng hơn, chứ còn đi vào trực tiếp trong vấn đề cứu trợ thì đã có Uỷ ban Bác ái Xã hội.
RFI: Thưa Đức cha, trong thời gian qua, đất đai đã trở thành vấn đề nóng bỏng và đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp, đôi khi dẫn đến bạo lực, giữa chính quyền địa phương với giáo dân. Trong tinh thần đối thoại, theo Đức cha, vấn đề đất đai nên được giải quyết như thế nào để tránh tái diễn xung đột giữa Nhà nước với Giáo hội trong tương lai?
Đức cha Nguyễn Thái Hợp: Vấn đề đất đai đã gây ra nhiều sự cố ở Việt Nam và cũng là nguồn gốc của nhiều vụ tham nhũng. Xung đột đất đai đâu phải chỉ liên quan đến người Công giáo. Người Công giáo chỉ là một nhóm nhỏ thôi. Tất cả những vụ khiếu kiện, đấu tranh đều liên hệ đến đất đai. Tôi nghĩ rằng trong tương lai, phải nghĩ đến chuyện hiện đại hóa Luật đất đai để nó hợp lý hơn, ít duy ý chí hơn và có thể phục vụ được người dân, đáp ứng nhu cầu của người dân, cũng như các doanh nghiệp trong giai đoạn mới và nói chung là công bằng hơn, chứ không thể kéo dài Luật đất đai hiện hành.
RFI: Thưa Đức cha, nhân quyền là một trong những lĩnh vực hoạt động của Uỷ ban Công lý và Hòa bình. Ở Việt Nam, cho tới nay, nhân quyền vẫn là vấn đề tế nhị. Theo Đức cha, việc đấu tranh cho nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo nói riêng phải được thực hiện như thế nào?
Đức cha Nguyễn Thái Hợp: Vấn đề nhân quyền luôn là vấn đề nhạy cảm. Nếu anh đọc lịch sử thì sẽ thấy nó luôn là vấn đề nhạy cảm. Chúng ta có những luật về nhân quyền, có bản tuyên ngôn về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc là phải trải qua bao nhiêu tranh đấu, ngay cả ở những nước lớn như Hoa Kỳ, quyền của các sắc tộc, của những người da màu, thì phải trải qua bao nhiêu tranh đấu mới được. Tôi nghĩ rằng ở Á Đông cũng vậy. Cách đây mấy chục năm, một số người nghĩ rằng cái nhân quyền đó là quan điểm của Tây Phương, chứ không phải của Á Đông. Nhưng hôm nay có lẽ ít người dám nghĩ như vậy, vì dù sao có những quyền căn bản của con người, có những quy định của quốc tế. Nhưng áp dụng và đi như thế nào thì tùy thuộc vào thực tại xã hội, thực tại lịch sử.
Quan điểm chung của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI “Đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành” để làm sao quyền con người được thực hiện. Và đã đến lúc, chúng tôi nghĩ rằng Hội đồng Giám mục cũng như các Giám mục cũng phải lên tiếng rõ hơn về vấn đề đó, mặc dù là vấn đề nhạy cảm. Nhưng đó cũng là đóng góp cho con người và cho dân tộc. Cái quyền đó không chỉ là quyền của người dân, mà là quyền của cả dân tộc, chẳng hạn như vấn đề Biển Đông. Đó cũng là vấn đề nhạy cảm mà đã đến lúc, với tư cách là thành phần của dân tộc, chúng ta cũng nên nghĩ đến chuyện đó.
RFI: Xin cám ơn Đức cha Nguyễn Thái Hợp.