NGOẠI TÌNH – Với cái nhìn Tâm Lý Ðạo Ðức
Lịch sử của các nền văn hóa cho ta một quan niệm chung, hôn nhân là sự kết hợp chặt chẽ và chung thủy giữa một người nam và người nữ. Mặc dầu ở một vài nền văn hóa, thí dụ, do ảnh hưởng của xã hội trước đây, người Trung Hoa và Việt Nam có tục lệ đa thê. Một người đàn ông có thể cưới nhiều vợ. Tuy nhiên, trong chế độ này người phụ nữ dù là làm cả hay làm thứ thì “gái chính chuyên”, cũng chỉ “một chồng”. Nhưng dù trong một xã hội với quan niệm hôn nhân như thế, cũng không thấy chỗ nào cho phép hành động “ngoại tình”. Ngoài ra, hành động ngoại tình còn bị lên án, và kẻ ngoại tình còn bị khinh bỉ.
Và với ảnh hưởng Kitô Giáo, ngoại tình là một trọng tội. Nó không chỉ phương hại đến đời sống tâm linh, mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống xã hội nữa. Trong 10 giới luật của Thiên Chúa, 3 trong những giới luật này trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến ngoại tình mà mọi người Kitô hữu vẫn thường được nghe và biết tới, đó là giới răn thứ Sáu “cấm dâm dục”; thứ Bẩy “cấm ăn cắp của người”, và thứ Chín: “cấm chiếm đoạt, ham muốn vợ chồng người khác”. Mặc dù có gia đình hay không có gia đình mà vướng phải 1 trong ba giới luật ấy là mang trọng tội. Do đó, hành động ngoại tình không những xúc phạm đến Thiên Chúa, đến bản thân, và đến người khác.
Với Thiên Chúa, hành động ngoại tình phủ nhận quyền sáng tạo, và luật lệ mà Ngài đã ghi khắc trong lòng mỗi người bằng tiếng nói lương tâm.
Với chính bản thân, người ngoại tình đã xúc phạm đến thân xác và linh hồn của mình và người khác bằng việc say đắm dục vọng: “Chớ làm sự dâm dục”
Với anh chị em mình, người ngoại tình đã phạm tội ăn cắp, ăn cắp tình yêu và ăn cắp thân xác của vợ hay chồng người khác: “Chớ lấy của người”. Hành động này cũng dẫn đến tội tham lam điều mà không thuộc về của mình là vợ, chồng người khác: “Chớ muốn vợ, chồng người.”
Tóm lại, đối với người Công Giáo, thì ngoại tình không chỉ lỗi phạm đến đạo đức, mà còn lỗi phạm đến đức bác ái, và vì thế hành động này không thể chấp nhận được. Ðó là một hành động vô đạo đức và thiếu trưởng thành về mặt tâm lý.
Khái niệm về Tâm Lý Ðạo Ðức:
Tâm Lý Ðạo Ðức do Lawrence Kohlberg (1927-1987) sáng lập. Theo nhà tâm lý người Mỹ này, việc phát triển đạo đức của con người được chia thành 3 thời kỳ, tiền phát triển, phát triển và hậu phát triển. Trong mỗi thời kỳ này, sự trưởng thành của nó lại được chia làm 2 mức độ tùy thuộc vào nhận thức đạo đức thích hợp với sự trưởng thành tâm lý. Theo đó, giai đoạn đầu khởi đi từ khi một em bé bắt đầu nhận thức được việc mình bị phạt vì hành động sai trái, và việc mình được khen vì làm một điều tốt. Tiến trình phát triển này kết thúc khi một thanh niên hay thiếu nữ tự thiết lập cho mình một quan niệm, một lối sống và thực hành những nguyên tắc đạo đức.
Tuy nhiên, việc trưởng thành của Tâm Lý Ðạo Ðức chỉ đạt được khi một người mà theo Kohlberg, có khả năng biểu lộ được những nguyên tắc nội tâm về luân lý của mình, gồm:
– Chấp nhận những nguyên tắc xã hội và những gì được mọi người công nhận là phải, là đúng, và là tốt. Thí dụ, tôi không nên nói dối vì mọi người đều mong ước được nghe và nói sự thật. Cũng có thể coi đây là sự chấp nhận những tâm thức đạo đức chung được mọi người công nhận.
– Hình thành một nguyên tắc chuẩn mực, chính xác, rõ ràng về đạo đức được chứng tỏ bằng một quy luật đạo đức cho chính mình.
Ngoại tình và đạo đức:
Nếu sự trưởng thành của Tâm Lý Ðạo Ðức là hành động ứng dụng qui luật đạo đức mà một người đã hiểu biết và ý thức, thì hành động ngoại tình là một hành động phóng túng, bừa bãi và vô ý thức về đạo đức.
Nếu lương tâm đạo đức đã chấp nhận qui luật đạo đức xã hội là không nên nói láo vì ai cũng muốn và mong ước được nghe và nói sự thật, thì việc người chồng hay người vợ gian dối và che đậy hành động ngoại tình rõ ràng là một hành động thiếu trưởng thành về đạo đức. Người ngoại tình đã gạt gẫm lòng tin của mọi người, cách riêng, của vợ hay chồng mình. Theo một nghĩa chủ quan, thì hành động này cũng là lừa dối chính mình. Bởi vì, họ biết mình đang làm gì, và đối xử như thế nào với những người chung quanh và với chính mình. Họ cũng biết rất rõ đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội không chấp nhận hành động dối trá và che đậy này.
Như vậy, hành động ngoại tình không chứng tỏ được nguyên tắc chính xác, nghiêm chỉnh theo qui luật luân lý và đạo đức. Và vì thế, nếu một người cố tình sống và hành động theo sự thôi thúc và đòi hỏi bản năng thì đó là một việc làm thiếu trưởng thành tâm linh. Một hành động đi ra ngoài nguyên tắc và qui luật đạo đức.
Ðạo đức thật, dĩ nhiên, không phải là những hành động có tính cách hình thức của một tôn giáo. Thí dụ, đọc kinh, lần hạt, hát thánh ca… những việc làm mà ta quen gọi là đạo đức theo hình thức. Do đó, khi nói đến đạo đức, là nói đến cái “tâm đạo đức”. Cái tâm này được hình thành và phát triển ở phần cao của lý trí và hiểu biết bởi chính mỗi cá nhân. Nó chính là một nguyên tắc sống với ý thức trách nhiệm về đạo đức của mỗi cá nhân.
Ðề phòng ngoại tình:
Nhưng câu hỏi quan trọng là tôi phải làm gì với sự trưởng thành đạo đức của mình trong hành động ngoại tình?
1. Một người với sự trưởng thành tâm lý, nhất là tâm lý đạo đức không bao giờ được ngoại tình. Không chỉ là ngoại tình bằng hành động, mà còn không bao giờ được nuôi những tư tưởng ngoại tình trong ý nghĩ của mình. Ðối với Chúa Giêsu “ngoại tình trong tư tưởng” cũng là ngoại tình. Ngài phán: “Ai nhìn xem người phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ là đã phạm tội rồi” (Mt 5:28).
Theo tâm lý học, đặc biệt qua sự phân tích của phân tâm học, thì khi một suy nghĩ ngoại tình đã lọt vào được trí óc của mình, thì nó sẽ không ra ngoài nhưng âm ỷ trong vô thức, lúc ẩn, lúc hiện chờ khi có dịp để nó bùng nổ.
Riêng đối với người Kitô hữu, phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là Phép Hòa Giải, Phép Thánh Thể, và lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria.
2. Việc xưng thú tội lỗi, theo cái nhìn tâm lý là một hình thức giải tỏa những uẩn khúc và đưa vô thức trở về với tri thức. Việc làm này sẽ giúp tri thức nhận ra cái yếu đuối và vô lý của hành động ngoại tình đang âm ỷ trong tiềm thức.
Ngoài ra, với sự dốc lòng chừa và sức mạnh của Bí Tích Hòa Giải sẽ giúp người có tư tưởng ngoại tình khỏi bị lôi cuốn vào chước cám dỗ. Và nếu như có bị cám dỗ hoặc sa ngã cũng được sức mạnh ân sủng của Chúa để thắng lướt, để tẩy sạch những mặc cảm tội lỗi, và để làm lại cuộc đời với một quyết tâm mới.
3. Việc rước Mình và Máu Thánh Chúa là sức mạnh thần linh và là thần dược giúp hồi sinh sức sống nội tâm. Chúa Giêsu Kitô khi còn tại thế đã xua đuổi ma quỉ ra khỏi nhiều người, ngày nay trong Thánh Thể, và khi ngự vào tâm hồn mỗi người Ngài cũng dùng quyền năng của Ngài để xua đuổi ảnh hưởng Satan ra khỏi lòng người đã bị chúng kìm hãm, trong đó có sự khống chế của tư tưởng ngoại tình.
Trong căn nhà tâm hồn khi có Chúa ngự trị thì không có chỗ cho Satan và ngược lại.
4. Yêu mến Ðức Trinh Nữ Maria. Ðây là một thực hành đạo đức rất thích hợp với tâm lý. Theo truyền thống Kitô Giáo, và đặc biệt theo Thánh Alphongsô, lòng sùng mộ Ðức Trinh Nữ Maria sẽ giúp ta ngăn ngừa và thắng vượt những cám dỗ về dục vọng. Bởi vì Ðức Maria là “Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”, Ðấng không một giây phút nào bị khống chế bởi Satan. Hơn nữa, còn là người đã đạp dập đầu con rắn già hỏa ngục này, nên Satan rất sợ Nữ Vương Ðồng Trinh này.
Tóm lại, điều mà con người không làm được thì Thiên Chúa sẽ làm. Và tất cả những ai khi bị cám dỗ bởi những tư tưởng ngoại tình, hoặc để cho những tư tưởng ấy làm xao xuyến tâm can, gây thương tổn về tâm lý và đạo đức, thì ngoài việc tìm kiếm những phương pháp trị liệu tự nhiên, Bí Tích Hòa Giải, và Bí Tích Thánh Thể là hai phương pháp trị liệu và thần dược tốt nhất, hữu hiệu nhất. Ngoài ra, cũng đừng quên đến với Mẹ Maria, người Mẹ nhân từ nhưng rất thần thế luôn hết lòng bênh đỡ và che chở con cái của Mẹ.
Tiến sỹ Trần Mỹ Duyệt