Cn 29 Tn : Sự khẩn nài và lòng nhẫn nại…
“Lạy Trời mưa xuống;
Lấy nước tôi uống…
Lấy ruộng tôi cày.
Lấy đầy bát cơm;
Lấy rơm đun bếp…”.
Đây là những lời “đồng dao”; những lời đồng dao chất chứa một tâm tình cầu nguyện. “Lạy Trời !!!”
Vâng; từ ngàn xưa con người đã biết tới cầu nguyện. Trong bất cứ tôn giáo nào, cầu nguyện luôn là một chiều kích, một điều quan trọng của mối tương giao giữa người tín hữu với Đấng tối cao.
Cầu nguyện giúp con người nhận ra thân phận mỏng manh, yếu đuối, bất toàn và giới hạn của mình. Cầu nguyện giúp con người biết trông cậy vào Đấng toàn năng.
Với Kitô giáo; cầu nguyện được cho là một vấn đề quan trọng trong cuộc sống bước theo Chúa. Cầu nguyện thường được ví như hơi thở. Được ví như hơi thở; vì thế cầu nguyện thật quan trọng là dường nào…
……
Đó cũng là tâm tình của Đức Giêsu khi Ngài còn tại thế. Không chỉ chú tâm vào công việc loan báo Tin Mừng; Đức Giêsu luôn coi trọng đến tâm tình cầu nguyện. Tâm tình cầu nguyện không chỉ dừng ở điểm “xin thì sẽ được…” nhưng còn phải có lòng nhẫn nại trong sự khẩn nài.
…….
Đó là lý do tại sao Đức Giêsu; mượn câu chuyện “quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy” để dạy cho các môn đệ rằng “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”(Lc 18, 1)…
Câu chuyện được kể rằng : một bà góa đến gặp một vị quan tòa. Bà ta khẩn khoản van nài ông ta minh xét về việc có người rắp tâm “hại bà”…
Ôi ! tệ thật… Ông quan “phụ mẫu chi dân” này coi trời bằng vung. Ông ta “chẳng kính sợ Thiên Chúa”. Với đám dân đen; ông ta lại càng “chẳng coi ai ra gì cả”(Lc 18,2)…
Với tính cách như thế, nếu không “nhất thân nhì thế” hoặc dùng chiêu “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn” thì thật khó để mà đến “cầu cạnh” ông ta…
Ở một xã hội trọng nam khinh nữ ; thường người đàn bà phải chịu sự câm nín; không được có tiếng nói nơi cộng đồng. Người đàn bà đến gặp quan tòa lại là “bà góa” thì quả là nghiệt ngã biết bao !!!
Thế mà bà ta vẫn cứ liều mà “đến thưa với ông quan tòa…” Chuyện gì sẽ xảy ra cho bà ta khi mà quan tòa thời đó được mô tả là “Tất cả bọn chúng đều thích ăn hối lộ, và chạy theo quà cáp. Chúng không phân xử công minh cho cô nhi, cũng chẳng quan tâm đến quyền lợi quả phụ” (Is 1, 23). Không dừng ở đó; họ còn “đặt ra những luật lệ bất công… viết nên các chỉ thị áp bức… để biến bà góa thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi” (Is 10,2)…
Thế nhưng !!! Thật không thể tin được… Ông quan này – tuy bị cho là “quan tòa bất chính” – nhưng có lẽ vì bị “mụ góa này quấy rầy mãi…” và chắc là nhờ những cơn “nhức đầu nhức óc” đánh thức “bộ óc lương tâm” của quan-phụ-mẫu… Vì thế,chẳng đặng đừng; ông ta đáp ứng lời nài xin của bà góa với một lý lẽ rất … lý-sự-cùn… Kệ ! “Ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài”…
“Cứ đến hoài”… Vâng, chính hành động đó đã chứng tỏ rằng; bà góa; quả là một người đầy lòng nhẫn nại; bền chí khẩn nài cho một ước nguyện.
Và cũng chính hành động này đã được Đức Giêsu làm mẫu gương cho những ai “ngày đêm hằng kêu cứu với Chúa”(Lc 17,7)…
Một chút tâm tình…
Lịch sử đã trả lời cho chúng ta rằng; Thiên Chúa “đã minh xét” cho những kẻ có lòng nhẫn nại trong sự khẩn nài “ngày đêm hằng kêu cứu với người”…
Chuyện kể rằng : Israel đang trên đường đi đến miềm đất hứa. Bất ngờ đạo quân “Amalech đến đánh Israel tại Rophidim” (Xh 17,8). Là một đạo binh tinh nhuệ và quá kinh nghiệm trong những trận địa chiến; quân đội Amalech đủ sức “làm gỏi” quân đội Israel – một đạo quân ô hợp…
Thế mà… thế mà… “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã nào ngờ xe nghiêng”. Con châu chấu Israel đã xô ngã cả một đạo quân tinh nhuệ Amalech. Quân sử Israel đã ghi lại chiến tích này rằng : “Giôsuê đã đánh bại Amalech… xóa hẳn tên tuổi Amalech, khiến cho thiên hạ không còn nhớ đến nó nữa”(Xh 17,13…14).
Có được chiến tích đó chính bởi lời cầu nguyện của Mosê. “Tôi , tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm gậy của Thiên Chúa”. Mosê cần có sức mạnh để “giơ tay lên” cầu nguyện. Bởi nhờ thế thì “dân Israel thắng thế”… Sức mạnh đó đã được Aharon và Khua trợ giúp.
Và Mosê đã đủ sức liên lỉ cầu nguyện “cho đến khi mặt trời lặn”…
Nhờ Mosê đã liên lỉ “kêu cứu với Người…”. Thiên Chúa đã không “bắt họ phải chờ đợi mãi”… Và Ngài đã “mau chóng” cho Israel cất tiếng hát khúc khải hoàn ca.
Một phút suy tư…
“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”(Lc18,1).
Chúng ta thường hay nản chí khi cầu nguyện; phải chăng là vì lời cầu nguyện của chúng ta không có sự hồi âm ! Lời cầu nguyện của chúng ta không có sự hồi âm; phải chăng là vì chúng ta chưa đủ nhẫn nại đợi chờ !
Sự nhẫn nại đó không tự nhiên mà tới. Chúng ta phải “vật lộn”… Vâng, như một trận “boxing” chúng ta phải chiến đấu để dành giật lấy nó.
Giacop trước khi được “chúc phúc”; ông ta đã phải chiến đấu, đã phải “vật lộn” với Thiên Chúa suốt cả đêm. Kinh Thánh thuật lại rằng : “Có một người vật lộn với ông cho tới lúc rạng đông” (Stk 32, …25).
Cuộc sống Kitô hữu của chúng ta cũng luôn phải “vật lộn” với những cơn-đau-tinh-thần; cơn đau của sự thất vọng và bội phản… Và cả những cơn-đau-của-thể-xác, cơn đau của bệnh tật, của mất mát người thân… những cơn đau của sự bất trung; bất tín…
Giacop đã chiến thằng bằng sự nhẫn nại. Giacop biết rằng người vật lộn với mình không ai khác chính là Thiên Chúa. Vì thế dù “khớp xương hông của ông bị trật đang khi ông vật lộn với người đó”. Nhưng Giacop vẫn kiên trì chiến đấu. Sự kiên trì chiến đấu của ông không ngoài mục đích là “đòi” cho được lời chúc phúc từ nơi Thiên Chúa. Ông đã lớn tiếng nói rằng : “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi”(Stk 33,…27).
Là một Kitô hữu chúng ta có kinh nghiệm gì trong đời sống cầu nguyện ! Chúng ta cũng sẽ như Giacop “không buông Chúa ra” khi đứng trước sự tuyệt vọng ! Chúng ta cũng sẽ cất tiếng nói rằng : “Con sẽ không buông Ngài ra, nếu Ngài không chúc phúc cho con” !
Thánh Augustin có nói : “Niềm tin làm phát sinh cầu nguyện, và cầu nguyện một khi đã phát sinh sẽ đem lại chắc chắn trong niềm tin”.
Khi chúng ta đã “chắc chắn trong niềm tin” và luôn kiên trì trong sự cầu nguyện thì dẫu cho “Con Người ngự đến” cách bất ngờ; trong khi các người nữ đồng trinh đi đón Ngài còn ngủ mê; chúng ta vẫn có thể dõng dạc lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa rằng : “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,…20).
Petrus.tran