Kinh Mân Côi

 

KINH MÂN CÔI

Lm Timothy Radcliffe op

Bài nói chuyện tại Lộ Đức, tháng 10-1998,
tại cuộc Hành hương Mân Côi – Lộ Đức lần thứ IX,
cuộc hành hương hằng năm do các tu sĩ Đaminh Pháp tổ chức.

Kinh Mân Côi 

Tôi xin thú nhận rằng, khi được yêu cầu nói về kinh Mân Côi, tôi có đôi chút hoảng hốt. Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ đọc sách về kinh Mân Côi hoặc suy tư về kinh này. Tôi đoan chắc rằng đa số anh em có những tư tưởng thâm thúy về kinh Mân Côi hơn tôi. Mân Côi là một kinh đơn giản mà tôi từng đọc, nhưng không suy nghĩ gì, giống như hít thở vậy. Hít thở là chuyện rất quan trọng đối với tôi. Lúc nào tôi cũng thở, nhưng tôi chưa bao giờ nói về chuyện đó. Đọc kinh Mân Côi, giống như hít thở, là một điều quá đơn giản. Vậy thì có gì để nói?

SỰ ĐƠN GIẢN

Có lẽ hơi lạ một chút là một kinh nguyện đơn giản như kinh Mân Côi lại có liên hệ đặc biệt với các tu sĩ Đa Minh. Thường người ta không nghĩ các tu sĩ Đa Minh là những người đơn giản. Chúng ta nổi tiếng là viết những pho sách dài và rắc rối về thần học. Thế nhưng, chúng ta đã phải đấu tranh để giữ kinh Mân Côi làm kinh nguyện của chúng ta. Tổng hội năm 1574 khuyến khích anh dem đọc kinh Mân Côi. Đó là “nostra sacra hereditas” (di sản thánh thiện của chúng ta) [1]. Có một truyền thống lâu đời về những bức tranh vẽ Đức Mẹ đang trao kinh Mân Côi cho thánh Đa Minh. Nhưng có thời, các dòng khác ghen tỵ, cho vẽ những bức họa Đức Mẹ đang trao kinh Mân Côi cho các vị thánh khác, như thánh Phan-xi-cô, thậm chí cả thánh I-nha-xi-ô. Nhưng chúng ta lại đấu tranh, và, theo tôi thì vào thế kỷ XVII, chúng ta đã thuyết phục Đức giáo hoàng để người ngăn cấm sự tranh giành đó. Chỉ được vẽ Đức Mẹ trao kinh Mân Côi cho thánh Đa Minh mà thôi ! Nhưng tại sao kinh nguyện đơn giản này lại thân thiết đối với tu sĩ Đa Minh như thế ?

Có lẽ vì cốt lõi truyền thống thần học của chúng ta có sự khao khát tính đơn giản. Thánh Thomas Aquinas nói rằng chúng ta không thể hiểu được Thiên Chúa vì Thiên Chúa hoàn toàn đơn giản – đơn giản vượt quá mọi khái niệm của chúng ta. Chúng ta học hỏi, chúng ta vật lộn với các vấn đề thần học, vò đầu bóp trán, nhưng mục đích là tới gần mầu nhiệm của Đấng hoàn toàn đơn giản. Chúng ta phải vượt qua sự phức tạp để đạt được sự đơn giản.

Có sự đơn giản giả tạo, mà chúng ta phải từ bỏ. Đó là sự đơn giản của những người quá giản lược, những người trả lời mọi vấn đề một cách quá dễ dãi, những người biết trước mọi vấn đề. Hoặc là họ quá lười biếng, hoặc là họ không có khả năng để suy nghĩ. Có sự đơn giản chân thực, sự đơn giản của con tim, sự đơn giản của đôi mắt trong sáng. Và chúng ta chỉ có thể đạt được sự đơn giản ấy một cách chậm chạp, nhờ ân sủng Chúa, khi chúng ta tới gần sự đơn giản tuyệt đối của Thiên Chúa. Kinh Mân Côi quả thực đơn giản, rất đơn giản. Nhưng kinh Mân Côi có sự đơn giản sâu xa và khôn ngoan để chúng ta khao khát, và để chúng ta tìm được sự bình an ở đó.

Người ta nói rằng khi thánh Gioan thánh sử về già, người sống hoàn toàn đơn giản. Thánh nhân thích chơi với một chú bồ câu, và tất cả những gì người nói với giáo hữu khi họ đến thăm người, đó là “Hãy thương yêu nhau”. Bạn cũng như tôi, chúng ta làm như vậy (quá đơn giản) là không được đâu ! Dân chúng sẽ không tin chúng ta. Chỉ có người nào giống như thánh Gioan, người đã viết cuốn Tin mừng phong phú nhất và phức tạp nhất, mới đạt tới sự đơn giản chân thực của đức khôn ngoan mà không nói gì hơn: “Hãy thương yêu nhau”. Cũng như chỉ có một thánh Thomas Aquinas, sau khi đã viết bộ Tổng luận Thần học vĩ đại, mới có thể nói rằng tất cả những gì mình đã viết là “rơm rác”. Phải, kinh Mân Côi rất đơn giản. Nhưng có lẽ đó là lời mời gọi để tìm kiếm tính chất đơn giản sâu xa trong sự khôn ngoan chân thực. Người ta nói đến cha Lagrange, một trong những nhân vật sáng lập trường Kinh thánh hiện nay, rằng mỗi ngày cha làm ba việc: đọc báo, học hỏi Kinh thánh, và đọc kinh Mân Côi !

Tôi cũng muốn nói sự đơn giản của kinh Mân Côi không chỉ là sự đơn giản tốt lành và sâu xa, nhưng còn có nhiều đặc điểm mang tính Đa Minh thực sự.

SỨ THẦN, NHÀ GIẢNG THUYẾT

Kinh Kính mừng bắt đầu bằng lời sứ thần: “Kính chào Maria, người đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà.” Các sứ thần là những nhà giảng thuyết chuyên nghiệp. Chính bản tính của các ngài là loan báo tin vui. Lời sứ thần Gáp-ri-en là một bài giảng hoàn chỉnh, mặc dù ngắn gọn, “Thiên Chúa ở cùng bà”. Người công bố bản chất của việc giảng thuyết. Ở đây chúng ta thấy trọng tâm ơn gọi của chúng ta là nói với nhau: “Chào Daniel, chào Eric, Thiên Chúa ở với bạn”. Chính vì thế, cha Humbert Romans, một trong những vị Bề trên Tổng quyền thời đầu, nói rằng tu sĩ chúng ta được kêu gọi để sống như các thiên thần. Mặc dù vậy, theo kinh nghiệm của tôi, tôi phải nói rằng hầu hết tu sĩ Đa Minh không phải là thiên thần gì cả !

Tháng 12 năm trước, tôi đến Thành phố Hồ Chí Minh thăm tỉnh dòng Việt Nam. Sau một ngày làm việc, tôi và vị phụ tá thích len lỏi vào những con hẻm chật hẹp của Thành phố … Chúng tôi lang thang nhiều giờ quanh những ngõ hẻm lòng vòng, nhưng đầy sự sống : người ta đánh bài, an uống, chuyện trò, chơi billard. Nhiều nhà có ảnh đức Phật. Một chiều nọ, chúng tôi đi quanh một quảng trường nhỏ, và kia, giữa quảng trường là pho tượng một tu sĩ Đa Minh to lớn có cánh. Đó là thánh Vinh Sơn Phê-ri-ô, người luôn luôn được trình bày như một thiên thần. Thánh nhân là nhà giảng thuyết đại tài. Người được coi là vị sứ thần của sách Khải huyền, loan báo ngày tận cùng của thế giới. Phải, không có nhà giảng thuyết nào có thể hiểu được mọi sự cho đúng ! Vì vậy tổng sứ thần Gáp-ri-en là một mẫu mực tốt đẹp cho tu sĩ Đa Minh chúng ta.

Có một cách khác nữa để diễn tả kinh Kính mừng như là một bài giảng. Vì một bài giảng không chỉ nói với chúng ta về Thiên Chúa. Bài giảng khởi đầu từ Lời Chúa được nói với chúng ta. Giảng thuyết không chỉ là nói các sự kiện về Thiên Chúa, nhưng còn đem lại cho chúng ta Lời Chúa, lời phá vỡ sự thinh lặng giữa Thiên Chúa và chúng ta.

Những lời đầu tiên của kinh Mân Côi là những lời được sứ thần nói với Maria: “Mừng vui lên hỡi cô Maria, người đầy ân sủng”. Khởi đầu mọi sự là Lời mà chúng ta nghe. Thánh Gio-an viết, “Tình yêu hệ tại điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và đã gửi Con của Người đến chuộc tội chúng ta” (1 Ga 4:10). Trong thực tế vào thời thánh Đa Minh, kinh Ave Maria chỉ có những lời của sứ thần và của bà Elisabeth. Như vậy, kinh Mân Côi là những lời được ban cho chúng ta. Chỉ về sau này, sau công đồng Trentô, người ta mới thêm lời cầu khẩn với đức Maria.

Chúng ta thường cho rằng cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Kinh nguyện có thể coi là một sự phấn đấu để tới gần đấng Thiên Chúa xa cách: Người có nghe thấy chúng ta không ? Nhưng kinh Mân Côi đơn giản này nhắc chúng ta rằng không phải như thế. Chúng ta không phá vỡ sự thinh lặng. Khi chúng ta nói, chúng ta đáp trả một lời gửi đến chúng ta. Chúng ta được đưa vào cuộc đàm thoại đã bắt đầu mà không có chúng ta. Sứ thần loan báo lời của Thiên Chúa. Và điều này tạo nên một khoảng trống để đến lượt chúng ta có thể nói : “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời”.

Cuộc đời của chúng ta thường đau khổ vì sự thinh lặng. Có sự thinh lặng của thiên đàng, đôi khi có vẻ gần gũi chúng ta. Có sự thinh lặng như tách rời chúng ta ra khỏi người khác. Nhưng Lời Thiên Chúa đến với chúng ta trong một bài giảng hay, và phá vỡ những rào chắn kia. Chúng ta được giải thoát để đi vào ngôn ngữ. Chúng ta thấy có lời, lời đối với Thiên Chúa và lời đối với nhau.

Chúng ta có thể nói thêm về vấn đề này. Tôn sư Eckhart có lần nói, “Không phải chúng ta cầu nguyện, mà là được cầu nguyện”. Lời của chúng ta vọng lại, kéo dài Lời đã được nói với chúng ta. Kinh nguyện của chúng ta chính là Thiên Chúa cầu nguyện, chúc phúc, ngợi khen trong chúng ta. Như thánh Phaolô viết, “Khi chúng ta kêu lên ‘Abba, Cha ơi’, chính là Thánh Thần làm chứng cho thần trí của chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa…” (Rm 8:14) Lời chào của sứ thần và của bà Elisabeth đối với đức Maria được tiếp nối trong lời chúng ta thưa với đức Trinh nữ. Phần thứ hai của kinh Mân Côi vọng lại phần thứ nhất. Như vậy, sứ thần nói “Mừng vui lên, hỡi Maria, người đầy ân sủng”, thì nơi môi miệng chúng ta cũng có lời chào tương tự, “Thánh Maria”. Bà Elisabeth nói, “Hoa quả của lòng em được chúc phúc”, thì chúng ta cũng nói, “Đức Mẹ Chúa Trời”. Lời chúng ta được dẫn vào lời của Chúa. Kinh nguyện của chúng ta chính là Thiên Chúa nói trong chúng ta. Chúng ta bị cuốn hút vào cuộc đàm thoại là chính sự sống của Ba Ngôi.

Như vậy, tôi muốn nói rằng kinh Kính mừng đơn giản này cũng giống như một bài giảng mẫu nho nhỏ. Bài giảng ấy công bố một tin vui. Nhưng cũng như bất cứ một bài giảng xuất sắc nào, bài giảng này còn làm hơn thế nữa. Nó không chỉ cung cấp thông tin cho chúng ta, mà còn cho chúng ta một lời từ Thiên Chúa, một lời vọng lại trong lời của chúng ta, một lời khắc phục sự thinh lặng của chúng ta và cho chúng ta một tiếng nói.

LỜI KINH TRONG GIA ĐÌNH, LỜI KINH TRÊN ĐƯỜNG ĐI

Một đặc điểm khác cho thấy kinh Mân Côi rất có tính Đa Minh. Đó là vì kinh Mân Côi vừa là kinh nguyện trong gia đình, vừa là kinh nguyện trong cuộc hành trình. Kinh Mân Côi là kinh nguyện xây dựng cộng đoàn va cũng là kinh nguyện thúc đẩy chúng ta lên đường. Và đó cũng là tính chất căng thẳng trong đời Đa Minh. Chúng ta cần có cộng đoàn. Chúng ta cần có một nơi, ở đó chúng ta cảm thấy thoải mái cùng với anh chị em của mình. Nhưng đồng thời chúng ta cũng là những nhà giảng thuyết lữ hành, không trụ lại nơi nào quá lâu, mà phải lên đường giảng thuyết. Chúng ta là những người vừa chiêm niệm vừa hoạt động. Tôi xin giải thích vì sao kinh Kính mừng lại có đặc điểm của sự căng thẳng này.

Hãy nghĩ đến những bức tranh đặc sắc họa lại biến cố Truyền tin. Những bức tranh này thường lấy bối cảnh là cuộc sống gia đình. Thiên thần đến nhà trinh nữ Maria. Maria đang ở trong phòng, và thường là đang đọc sách. Ở phía sau là guồng se sợi, hoặc là cây chổi dựng vào góc tường. Bên ngoài là khu vườn. Đó chính là nơi khởi đầu câu truyện: dưới mái gia đình. Và điều này thật là thích hợp, vì Ngôi Lời Thiên Chúa làm nhà ở giữa chúng ta. Người cắm lều giữa chúng ta.

Một mặt, kinh Mân Côi thường là kinh nguyện tại gia đình và tại cộng đoàn. Theo truyền thống, hằng ngày người ta đọc kinh Mân Côi trong gia đình và trong các cộng đoàn tu trì. Từ giữa thế kỷ XV, các hội Mân Côi được thành lập: người ta qui tụ lại với nhau để cầu nguyện. Như thế kinh Mân Côi liên hệ sâu xa với cộng đoàn, là một kinh nguyện mà chúng ta có thể chia sẻ cho người khác. Tôi phải thú nhận rằng tôi chỉ có những kỷ niệm mơ hồ về việc đọc kinh Mân Côi tại gia đình. Chúng tôi không đọc kinh Mân Côi ở nhà, mà thường với những người họ hàng, họ cùng nhau đọc kinh Mân Côi mỗi tối. Nhưng việc ấy thường là một tai họa. Cho dù cửa nẻo đã đóng kỹ, bầy chó vẫn xộc vào và đi vòng quanh liếm mặt chúng tôi. Thế là mặc dù có ý làm việc đạo đức, chúng tôi vẫn thường gục xuống cười khúc khích. Tôi đâm ra sợ đọc kinh Mân Côi gia đình.

Nhưng lời chào của sứ thần không để Đức Maria ở nhà. Sứ thần đến khuấy động nếp sống êm đềm ở gia đình. Tôi thường nghĩ đến hoạt cảnh Truyền tin tuyệt vời do anh Petit, một tu sĩ Đa Minh đang sống và làm việc tại Nhật Bản, biên soạn. Anh trình bày sứ thần Gáp-ri-en như một sứ giả to lớn, chiếm hết cả bức họa, còn Maria là cô gái Nhật nhỏ bé, e lệ, kín đáo, cuộc sống của cô bị đảo lộn. Cô được thúc đẩy lên đường, con đường sẽ đưa cô tới nhà bà Elisabeth, tới Bê-lem, tới Ai Cập, Tới Giê-ru-sa-lem. Đó là cuộc hành trình sẽ dẫn cô tới chỗ trái tim bị đâm thâu, và tới dưới chân thập giá. Đó là cuộc hành trình cuối cùng sẽ đưa cô tới thiên đàng và vinh quang.

Vậy thì kinh Mân Côi cũng là kinh nguyện của những người đang lên đường, của khách lữ hành, giống như các bạn vậy. Tôi đâm ra yêu thích kinh Mân Côi chính vì đó là kinh nguyện trong những chuyến đi của tôi. Đó là kinh nguyện khi ở phi trường hay trên máy bay. Đó là kinh nguyện mà tôi thường đọc khi máy bay đáp xuống mặt đất ở một địa điểm mới, và tôi không biết tôi sẽ tìm thấy gì, có thể đem lại điều gì. Đó là kinh nguyện cho những lần lại cất cánh, cám ơn tất cả những gì tôi đã nhận được từ anh chị em của tôi. Đó là kinh nguyện của cuộc lữ hành trên toàn Dòng.

Tôi cho rằng cấu trúc cuộc hành trình của Maria diễn tả kinh Mân Côi theo hai cách, ở trong những lời của mỗi kinh Kính mừng, và ở trong cấu trúc của các mầu nhiệm Mân Côi.

KINH KÍNH MỪNG – CÂU TRUYỆN CỦA CÁ NHÂN

Mỗi một lời Ave Maria gợi lên cuộc hành trình cá nhân mà mỗi người chúng ta phải thực hiện, từ khi sinh ra cho đến lúc chết. Cuộc hành trình ấy được đánh dấu bằng nhịp sinh học của từng cuộc đời con người. Cuộc hành trình ấy chỉ có ba giai đoạn mà chúng ta có thể biết chắc chắn tuyệt đối: lúc sinh ra, lúc sống hiện tại, và lúc chết. Cuộc hành trình ấy khởi sự với lúc bắt đầu cuộc sống, là lúc hình thai trong lòng mẹ. Cuộc hành trình ấy đặt chúng ta vào hoàn cảnh hiện tại, khi lúc này chúng ta kêu cầu cùng Đức Mẹ. Cuộc hành trình ấy hướng về cái chết, cái chết của chúng ta. Phải nói đó là một lời cầu nguyện có tính sinh học một cách kỳ diệu [2], được đánh dấu bằng tấn kịch tất yếu liên quan đến xác thể con người, được sinh ra rồi phải chết.

Và điều này thực sự mang tính Đa Minh. Vì lẽ việc giảng thuyết của thánh Đa Minh khởi đầu ở miền Nam nước Pháp, không xa nơi đây, chống lại lạc giáo vốn khinh miệt thân thể, cho rằng mọi thụ tạo đều xấu xa. Thánh nhân phải đương đầu với một trong những làn sóng linh đạo nhị nguyên đã tàn phá châu Âu trong nhiều thời kỳ. Thánh Âu Tinh, mà tu luật của Người hiện chúng ta đang tuân giữ, khi còn là một thanh niên theo phái Ma-ni-kê, đã nhiễm lây phong trào nhị nguyên tương tự. Ngay cả ngày nay, nhiều tư tưởng cũng mang đậm màu sắc nhị nguyên. Nhiều nghiên cứu cho thấy có những khoa học gia hiện đại thường nghĩ đến sự cứu độ theo nghĩa là thoát khỏi thân thể.

Nhưng truyền thống Đa Minh Minh vẫn luôn luôn nhấn mạnh rằng chúng ta là những hữu thể có thân xác. Tất cả những gì chúng ta có đều đến từ Thiên Chúa. Chúng ta nhận lãnh bí tích Mình và Máu Chúa Giê-su để được nuôi dưỡng; chúng ta trông đợi thân xác sẽ phục sinh.

Cuộc hành trình mà mỗi người chúng ta phải đảm nhiệm, trước hết, là cuộc hành trình thể lý, hành trình sinh học, cuộc hành trình đưa chúng ta ra khỏi lòng mẹ để đến nấm mồ. Chính trong thời khoảng sinh học này mà chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và tìm thấy ơn cứu độ. Và sự đơn giản của kinh Mân Côi giúp chúng ta lên đường.

Thụ thai

Lời sứ thần hứa hẹn một khả năng sinh sản, sự sinh sản dành cho người trinh nữ và dành cho người son sẻ. Phúc lành của Tc làm cho chúng ta nên phong phú. Mỗi người chúng ta, khi sinh ra, là hoa quả của lòng mẹ đã được chúc phúc.

Tôi nghĩ rằng phúc lành mà sứ thần đã hứa luôn luôn mang hình thức của khả năng sinh sản trong mỗi đời sống con người. Đó là phúc lành của những khởi đầu mới, là ân sủng của sự tươi trẻ. Có lẽ chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa là vì chúng ta chia sẻ sự sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta là những người cộng sự của Thiên Chúa trong việc tạo dựng và tái tạo thế giới. Ví dụ ấn tượng nhất và lạ lùng nhất về chuyện này là việc sinh con. Ngay cả người nam chúng ta, những người không thể thực hiện phép lạ đó, chúng ta cũng được chúc phúc nhờ sự phong phú của chúng ta. Khi chúng ta trở nên cằn cỗi, son sẻ, héo hắt, Thiên Chúa đến với chúng ta bằng lời phong phú của Người. Bất cứ khi nào Thiên Chúa đến gần chúng ta, là lúc chúng ta có thể được tạo dựng, biến đổi, nên mới, dù là trong việc cày bừa, trồng tỉa, hay là qua nghệ thuật, thi ca, hội họa.

“Hoa quả của lòng bà được chúc phúc”. Có lẽ cách tốt nhất để chúng ta có thể rao giảng về phép lạ của sự phong phú này là qua nghệ thuật, hội họa, âm nhạc và thi ca. Bởi vì đây là một vài hình thức nhỏ bé để chia sẻ cũng môt phúc lành đó, tức là sự phong phú vô tận của Thiên Chúa.

Malaroux kể cho Picasso một câu truyện thú vị. Khi chị Bernadette vào nhà dòng, nhiều người gửi tượng Đức Mẹ vào cho chị. Nhưng chị không bao giờ để trong phòng, chị nói rằng những bức tượng ấy không giống với người phụ nữ mà chị đã được nhìn thấy. Đức giám mục gửi cho chị cuốn album có những bức tranh Đức Mẹ nổi tiếng của Raphael, Murillo… Chị nhìn những bức tượng Đức Mẹ thời Baroque mà chị đã thấy khá nhiều, và những bức tượng thời Phục hưng. Nhưng chẳng có bức tượng nào đúng cả. Rồi chị thấy ảnh Đức Mẹ Cambrai, bản sao một ảnh Byzantine rất cổ ở thế kỷ XIV, không giống bất cứ bức họa nào mà Bernadette đã thấy. Rồi chị nói : “Bà ấy đấy !”

Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi một cô gái trẻ đã từng thấy Đức Mẹ, nay lại nhận ra Người nơi một bức tượng thánh, là kết quả của một nghệ thuật thánh, một sự sáng tạo thánh thiêng. Mẹ Maria đã bộc lộ chính mình một cách hết sức rõ ràng trong tác phẩm của một, người đã được trở nên phong phú nhờ ân sủng của Thiên Chúa, người đó là họa sĩ.

Khi nay …

Nhưng kinh Mân Côi còn gợi lên một thời điểm khác, không chỉ là thời điểm sinh hạ, mà còn là hiện tại. “Xin cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay”. Khi nay là giai đoạn hiện tại của cuộc lữ hành, khi chúng ta phải thực hiện, phải tồn tại, trên con đường tiến về Nước Trời.

Thật là thú vị khi giai đoạn hiện tại này lại là thời gian mà chúng ta, những kẻ tội lỗi, cần đến lòng thương xót. Đây là lòng thương xót mang đậm tính Đa Minh. Bạn nên nhớ rằng thánh Đa Minh đã luôn luôn cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa. Những người tội lỗi rồi sẽ ra sao?” Đây là lúc chúng ta cần đến lòng trắc ẩn, lòng thương xót. Tại nguyện đường Sistine, trong bức bích họa vẽ Cuộc Phán xét Chung, hoạ sĩ vẽ một người được thiên thần cầm chuỗi Mân Côi kéo ra khỏi Luyện ngục.

Khi nay là thời gian mà chúng ta phải sống còn, cho dù chúng ta phải chờ đợi Nước Trời không biết bao nhiêu lâu. Mấy năm trước, khi trở lại thăm Trung quốc, một tu sĩ Đa Minh thấy nhiều nhóm giáo dân Đa Minh vẫn tồn tại qua nhiều năm bách hại và cô lập. Và điều duy nhất họ còn giữ được trong suốt những năm tháng ấy là việc đọc kinh Mân Côi chung với nhau. Đó là thứ bánh ăn hằng ngày để sinh tồn. Và khi một số anh em chúng tôi đến miền đất Mexico xa xôi, gặp các nhóm giáo dân Đa Minh đã từ lâu không được tiếp xúc với Dòng, anh em cũng thấy điều đó. Kinh Mân Côi là một việc đạo đức được thực hành không ngưng nghỉ. Đó là kinh nguyện cho những người còn sống sót trong thời buổi hiện tại. Trong thời chế độ Cộng sản, khi một người anh em chúng ta là tu sĩ Dominil Duka bị cầm tù chung với ông Vaclav Havel, bây giờ là Tổng thống Cộng hòa Tiệp Khắc, họ lần hạt Mân Côi với nhau bằng một sợi dây có thắt nút.

Cha Bede Jarret, Giám Tỉnh tỉnh dòng Anh quốc vào những năm 1930, phái một anh em là Bertrand Pike đến Nam Phi để giúp một miền truyền giáo mới của Dòng. Nhưng anh Bertrand cảm thấy quá tải và không thể làm được. Anh thấy anh không thể nào đương đầu nổi. Anh thiếu sự can đảm để tiếp tục. Thế là cha Bede viết cho anh, nhắc anh nhớ lại thời chiến tranh, anh đã tìm được lòng can đảm trong kinh Mân Côi như thế nào.

–  “Anh có nhớ cái ngày kinh hoàng khi anh phải vượt qua những chiến hào ở Ypres, khi anh đã mất can đảm, và chỉ sau 3 hay 4 lần cố gắng, có phải là anh buộc phải vượt qua, và anh đã thấy cạnh của hạt Mân Côi được khắc bằng gỗ cắt vào ngón tay anh khi anh vô tình nắm chặt lấy những hạt trong xâu chuỗi hầu lấy lại can đảm như thế nào không?”

–  “Phải, tôi nhớ.”

–  “Nhưng, anh Bertrand thân mến, lòng can đảm và sự sợ hãi không đối nghịch nhau. Chỉ có những người can đảm mới làm được việc phải làm cho dù họ sợ hãi.” [3]

Vậy là Bertrand phải nắm chặt lấy xâu chuỗi Mân Côi để có can đảm, “khi nay và trong giờ lâm tử”. Đó là kinh nguyện của tất cả chúng ta, những người cần đến lòng can đảm để tiếp tục, để chiến thắng sự sợ hãi. Kinh nguyện ấy cho chúng ta lòng can đảm của người lữ khách.

Giờ lâm tử

Sau giai đoạn cuối cùng của cuộc sống thể lý là cái chết. “Xin cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Đối mặt với cái chết, chúng ta đọc kinh Mân Côi. Tôi vừa mới trở về từ Kinshasa, Congo, nơi các chị em của chúng tôi đã đối mặt với tử thần từ mấy năm gần đây. Chị Christina, Giám Tỉnh của các nữ tu Truyền giáo Grenada, nói với tôi rằng trong cuộc chiến vừa qua, chị và các nữ tu đã phải chạy trốn khỏi nhà ở miền Bắc Congo. Họ được bạn bè che giấu trong các bụi rậm. Chị là một bác sĩ, và trên đường chạy trốn, chị gặp một người đàn ông mà chị đã cứu mạng vợ ông ta. Ông ta nói với chị rằng bây giờ đến lượt ông ta cứu mạng chị. Chung quanh họ là tiếng súng nổ. Người ta nói với họ rằng quân phiến loạn đã khám phá ra chỗ họ ẩn nấp và sắp tới để tiêu diệt họ. Đối mặt với cái chết, họ đọc kinh Mân Côi. Đó là lời kinh mà khi trực diện với tử thần, chúng ta biết rằng mình sẽ đọc kinh một mình, Đức Maria sẽ khẩn cầu cho chúng ta.

Tôi cũng nghĩ đến cha tôi. Trong thế chiến thứ hai, mẹ tôi và ba người con lớn ở lại Luân đôn. Còn tôi thì sắp sửa chào đời. Mẹ tôi yêu cầu mọi người phải có mặt nếu cha tôi được nghỉ phép và về, mặc dù bom trút xuống Luân Đôn ngày đêm. Còn cha tôi thì hứa rằng nếu cả nhà đều sống sót sau cuộc chiến, thì ông sẽ đọc kinh Mân Côi mỗi tối. Như vậy, một trong những hồi ức về thời thơ ấu của tôi là mỗi buổi tối, trước khi ăn cơm, cha tôi thường đi bách bộ trong phòng khách, vừa đọc kinh Mân Côi. Ông cụ tạ ơn Chúa hằng đêm, vì chúng tôi đã thoát được mối đe dọa của tử thần. Và một trong những kỷ niệm cuối cùng về cha tôi là ngay trước lúc qua đời, ông cụ quá yếu nên không thể cầu nguyện một mình được nữa, gia đình chúng tôi, mẹ và sáu người con, tập trung quanh giường ông cụ và đọc kinh Mân côi cho ông cụ. Đó là lần đầu tiên ông cụ không thể tự mình đọc kinh. Được chúng tôi vây quanh, cái chết của cụ là câu trả lời cho lời cầu xin mà ông cụ đã đọc hàng ngàn lần. “Cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử.”

Thi sĩ T.S. Eliot bắt đầu một bài thơ bằng câu “Xin cầu cho chúng con khi nay và trong giờ sinh ra”.[4] Và điều này đúng. Vì chắc chắn chúng ta phải đối mặt với ba giai đoạn trong cuộc đời: lúc sinh ra, lúc này và lúc chết. Nhưng trong cả ba giai đoạn, chúng ta chỉ mong đợi một điều, đó là sự sinh thành mới. Là những kẻ tội lỗi, điều chúng ta mong đợi lúc này không phải là lòng thương xót chỉ biết quên đi những gì chúng ta đã làm, nhưng là lòng thương xót làm cho lúc này trở thành khoảnh khắc của sự sinh thành mới, một khởi đầu mới. Và đối mặt với tử thần, một lần nữa chúng ta khao khát lời sứ thần loan báo sự sinh thành mới. Vì tất cả đời sống chúng ta đều hướng tới sự tân kỳ bất tận của Thiên Chúa, sự mới mẻ không bao giờ cạn kiệt. Sứ thần đến rồi lại đến, lại loan truyền tin vui.

CÁC MẦU NHIỆM MÂN CÔI – LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Như vậy, lời Ave Maria của cá nhân là kinh nguyện cho cuộc hành trình mà mỗi người chúng ta phải thực hiện, từ lúc sinh ra, qua lúc hiện tại cho tới lúc chết. Nhưng xét cho cùng thì cuộc đời chúng ta, nếu chỉ là những câu truyện riêng tư và cá nhân, thì tự nó chẳng có ý nghĩa gì. Cuộc đời chúng ta có ý nghĩa chỉ vì nó nằm trong một lịch sử lớn hơn, từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc mà không ai biết trước được, từ biến cố Sáng thế cho tới Nước Chúa. Và quãng cách dài hơn này được diễn tả qua các mầu nhiệm kinh Mân Côi, kể lại câu truyện cứu chuộc.

Các mầu nhiệm Mân Côi được sánh ví với Bộ Tổng luận Thần học của thánh Tô-ma. Theo cách riêng của mình, các mầu nhiệm ấy cho biết vạn vật từ Thiên Chúa mà đến rồi lại trở về với Thiên Chúa như thế nào. Vì mỗi mầu nhiệm Mân Côi là thành phần của một mầu nhiệm duy nhất, tức là mầu nhiệm ơn cứu chuộc chúng ta trong đức Ki-tô. Như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất đưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1:9-10).

Như thế người ta có thể nói mỗi lời kinh Ave Maria tượng trưng cho cuộc đời một cá nhân, với lịch sử riêng của mình từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Nhưng tất cả những lời kinh Ave Maria này được lồng vào các mầu nhiệm Mân Côi tương tự như những cuộc sống cá nhân chúng ta được lồng vào trong một lịch sử rộng lớn hơn là ơn cứu chuộc. Chúng ta cần có cả hai chiều kích, một lịch sử với hai cấp độ. Tôi cần phải đem lại cho cuộc sống riêng của tôi một hình dạng và một ý nghĩa, tức là lịch sử của nhục thể và máu huyêt con người độc đáo này, với những khoảnh khắc thất bại và chiến thắng ủa tôi. Nếu không có chỗ nào cho sự tồn tại câu truyện đời tôi, một câu truyện không thể nào lặp lại được, thì tôi sẽ hoàn toàn bị mất hút trong lịch sử nhân loại. Bởi lẽ, Đức Ki-tô đã nói với tôi, “Hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Tôi cần có lời kinh Ave Maria của cá nhân, tấn tuồng đời nhỏ bé của riêng tôi, khi đối diện với cái chết nhỏ bé của mình. Cái chết của tôi có thể chẳng có ý nghĩa gì nhiều đối với nhân loại, nhưng lại hết sức quan trọng đối với tôi.

Nhưng chỉ dừng lại ở cấp độ cá nhân mà thôi thì chưa đủ. Tôi phải thấy cuộc đời tôi được lồng vào trong tấn kịch lớn hơn nơi mục đích của Thiên Chúa. Riêng lịch sử của tôi thì chẳng có nghĩa lý gì. Lời kinh Ave Maria của cá nhân tôi phải có chỗ trong các mầu nhiệm Mân Côi. Như vậy kinh Mân Côi đen lại sự quân bình tuyệt hảo mà chúng ta cần để tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời cá nhân cũng như cộng đoàn.

LẶP ĐI LẶP LẠI

Tôi đã cố gắng nêu lên một vài lý do cho thấy kinh Mân Côi quả thực là một lối súng kính đậm màu sắc Đa Minh. Lời kinh Ave Maria mang tất cả những đặc điểm của một bài giảng hoàn chỉnh nho nhỏ. Và trọn kinh Mân Côi mang chủ đề cuộc hành trình, của riêng chúng ta và của nhân loại. Tất cả những đặc điểm này phù hợp một cách khéo léo với một Dòng gồm những nhà giảng thuyết lữ hành. Tôi có thể nhấn mạnh đến những vấn đề khác, chẳng hạn như nền tảng Kinh thánh của các mầu nhiệm. Đó là một suy niệm lâu dài về Lời Chúa trong Kinh thánh. Nhưng tôi nói đã đủ rồi !

Tuy nhiên, tôi phải đương đầu với một vấn nạn cuối cùng. Tôi đã cố gắng gợi lên sự phong phú về thần học trong kinh Mân Côi. Nhưng có điều là khi đọc kinh Mân Côi, người ta ít khi nghĩ đến điều gì. Trong thực tế, chúng ta không nghĩ về bản chất việc giảng thuyết, hoặc lịch sử con người và mối liên hệ đối với lịch sử cứu độ. Tâm trí chúng ta rất trống rỗng. Thậm chí đôi khi chúng ta ngạc nhiên không hiểu tại sao mình cứ lặp đi lặp lại liên tu bất tận cùng một lời mà mình không quan tâm suy nghĩ. Điều đó chắc chắn không phải là tính cách Đa Minh! Thế nhưng ngay từ đầu trong truyền thống của chúng ta, các anh em và các nữ đan sĩ đã từng vui thích với việc lặp đi lặp lại này. Có người cho rằng anh Romeo, qua đời năm 1261, đã đọc một ngàn kinh Ave Maria mỗi ngày!

Trước hết, chúng ta biết rằng nhiều tôn giáo cũng có truyền thống lặp đi lặp lại những lời thánh. Chúa nhật tuần trước, trong khi đang suy nghĩ xem phải nói về kinh Mân Côi, tôi nghe đài BBC phát chương trình một buổi lễ của Phật giáo, chủ yếu là lặp đi lặp lại không ngừng những lời tụng. Điều đó cho thấy kinh Mân Côi khá giống với lối cầu nguyện Đông phương này, và việc lặp đi lặp lại liên tục những lời này có thể gây nên một sự biến đổi tâm hồn chậm chạp nhưng sâu sắc. Vì vấn đề này nhiều người đã biết nên tôi không nói thêm nữa.

Người ta cũng có thể cho thấy rằng việc lặp đi lặp lại không hẳn là dấu chỉ của sự thiếu tưởng tượng. Có thể đó là một niềm vui chan chứa đầy tràn khiến chúng ta cứ lặp đi lặp lại. Khi chúng ta yêu ai, chúng ta biết rằng nói với họ “Tôi yêu bạn” chỉ một lần thôi thì đâu có đủ. Chúng ta muốn nói đi nói lại, và chúng ta hy vọng là người đó cũng muốn nghe hoài.

G.K. Chesterton cho rằng việc lặp đi lặp lại là đặc tính diễn tả sức sống của trẻ em, chúng thích cùng một câu truyện, với cùng những lời lẽ đó, lần này lần khác, không phải vì chúng ù lì và thiếu óc tưởng tượng, nhưng vì chúng vui sướng trong cuộc sống. Chesterton viết:

Vì trẻ em có một sinh lực dồi dào, vì chúng có tinh thần mãnh liệt và tự do, nên chúng thích sự việc được lặp đi lặp lại và không thay đổi. Chúng luôn luôn nói, ‘Làm lại đi’; thế là người lớn làm lại cho tới khi mệt lử, vì người lớn không đủ mạnh để cứ hoan hỉ mãi một kiểu. Nhưng có lẽ Thiên Chúa thì đủ mạnh để lúc nào cũng hoan hỉ một kiểu. Mỗi buổi sáng Thiên Chúa có thể nói với mặt trời, ‘Lại mọc lên đi’; và mỗi buổi chiều Người nói với mặt trăng, ‘Lại xuất hiện đi’. Không nhất thiết việc đó tự động làm cho hoa cúc dại đẹp như nhau; có thể là Thiên Chúa làm cho mỗi hoa cúc dại một vẻ đẹp riêng biệt, nhưng Người chẳng bao giờ mệt vì tạo dựng chúng. Có thể Thiên Chúa cứ mãi mãi thích tuổi thơ; còn chúng ta đã phạm tội, chúng ta trở nên già cỗi và Cha chúng ta thì trẻ hơn chúng ta. Việc lặp đi lặp lại trong thiên nhiên đâu phải chỉ là lặp lại; có thể đó là một điệu múa được diễn lại một cách đầy ấn tượng. Thiên đàng cũng có thể diễn lại cảnh con chim đẻ trứng.[5]

Việc lặp đi lặp lại trong kinh Mân Côi cũng vậy thôi !

Cuối cùng, thực sự khi đọc kinh Mân Côi, có thể chúng ta không nghĩ đến Chúa. Chúng ta có thể đọc hàng giờ mà chẳng nghĩ gì cả. Chúng ta chỉ ở đó, rồi đọc kinh. Nhưng điều này có thể là tốt. Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta vui mừng vì Chúa thực sự ở với chúng ta và chúng ta ở trước nhan Người. Chúng ta nhắc đi nhắc lại lời sứ thần “Chúa ở cùng bà”. Đó là lời ca tụng sự hiện diện của Thiên Chúa. Nếu chúng ta đang ở với người nào, chúng ta đâu cần phải nghĩ về họ nữa. Như Simon Tugwell viết, “Tôi không nghĩ về người bạn của tôi khi anh ta ở bên cạnh tôi; tôi chỉ bận vui hưởng sự hiện diện của anh ta. Chỉ khi nào anh ta vắng mặt, tôi mới bắt đầu nghĩ về anh ta. Nghĩ về Thiên Chúa có nghĩa là chúng ta coi như Thiên Chúa vắng mặt. Nhưng Người đâu có vắng mặt.” [6]

Như vậy, khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta không phải cố gắng nghĩ về Thiên Chúa. Thay vào đó, chúng ta vui sướng với những lời sứ thần nói với mỗi người chúng ta, “Thiên Chúa ở cùng bạn”. Chúng ta không ngừng nhắc đi nhắc lại những lời này, với niềm hoan hỉ sống động bất tận củq con cái Thiên Chúa, là những kẻ vui sướng vì tin mừng.


[1] F. Baggiani, “Statuti cinquecenteschi di Confraternite de Rosario”,
Memorie Dominicane 26 (1995), p. 221.

[2] Vì mô tả đời sống con người, từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi. (ND)

[3] B. Bailey, A. Bellinger and S. tugwell (ed. s), The Letters of Bede Jarrett OP, p.190.

[4] “Animula” from the Ariel Poems.

[5] Orthodoxy, London, 1908, p. 92.

[6] Prayer in Practice, Dublin 1974, p. 35.

Để lại một bình luận