Cn 21 Tn : Cửa vào thiên đàng

 

Cn 21 Tn : Cửa vào thiên đàng


Cn 21 Tn : Cửa vào thiên đàngCon người là một thụ tạo được Thiên Chúa sáng tạo; có linh hồn và thể xác. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa cho con người “làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (Stk 1,28). Tại vườn Eden; Thiên Chúa “đặt vào đó con người do chính mình tạo ra”… Nhưng vì con người đã phạm tội bất tuân; vì thế Thiên Chúa đã trục xuất “con người ra khỏi vườn Eden”. Thảm hại hơn ; vì con người “đã được lấy ra từ đất” vì thế sẽ phải “trở về bụi đất”.(Stk 3,…19). Sự chết xuất hiện và đó là án phạt đời đời trên dòng dõi con người.

Thế nhưng; Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa “chậm giận và giàu tình thương”.  Trải qua bao thế hệ; tình yêu thương đó đã được biểu lộ qua việc Thiên Chúa đã “Ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Người Con đó chính là Đức Giêsu “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Ba mươi ba năm cư ngụ giữa con người. Và sau ba mươi năm sống ẩn dật ở Nazaret.  Đức Giêsu bắt đầu “đi khắp Galile giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời” (Mt 4,23).

“Tin Mừng Nước Trời” chính là Tin Mừng của tình yêu thương; của lòng bao dung và của sự tha thứ mà Thiên Chúa – qua Đức Giêsu – Người muốn loan báo đến khắp muôn dân…

“Tin Mừng Nước Trời” còn là một tin vui. Vui vì “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ”. (Ga 3, 17).

Tin Mừng Nước Trời hay cũng gọi là Tin Mừng Nước Thiên Chúa; không chỉ được loan báo; rao giảng và dành riêng cho Galile… cho Capharnaum hay cho Gierusalem. Cũng không phải là “chỉ-dành-cho-một-ít-người” như nhận định của một cư dân nơi ngôi làng mà Đức Giêsu đi ngang qua nhân cuộc hành trình lên Gierusalem.

Chuyện được kể lại rằng : Nhân dịp “Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người : Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?”(Lc 13,23)…

Một câu hỏi thật kỳ lạ ! Đối với Đức Giêsu; vấn đề không phải là “số lượng” nhưng là “chất lượng”. Là lời mời gọi thiết tha : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Là sự kêu gọi khẩn thiết : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

Nước-Thiên-Chúa không dành riêng cho một ai. Tất cả mọi người – theo lời Đức Giêsu nói : “từ đông tây nam bắc (đều có thể) đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13,29).

Vấn đề là phải nỗ lực : “Chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24).

một chút tâm tình…

“Cửa hẹp” mà Đức Giêsu nói ở đây không phải là cánh-cửa-làm-bằng-vật-chất. “Cửa hẹp” mà Đức Giêsu muốn nói đến chính là cách sống và lối sống của một công dân Nước Trời. Bởi vì Nước Thiên Chúa không hạn hẹp ở nơi chốn, nhưng còn là một trạng-thái-sống.

Cửa hẹp đó chính là tình yêu thương “hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”(Lc 6,27).

Cửa hẹp đó chính là sự tha thứ; tha đến “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Cửa hẹp đó còn là phong cách phục vụ “đến không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”(Mt 20,28).

Nói tắt một lời “cửa hẹp” chính là sự “từ bỏ chính mình”.

một phút suy tư…

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Đây là một lệnh truyền. Và phải chăng; cũng là lệnh truyền cho chúng ta hôm nay !!!

Đúng vậy. Không có cửa nào khác. Không có cửa hông; cũng chẳng có cửa hậu. Chỉ có một cửa duy nhất mà thôi. Đó chính là “cửa hẹp”. Cánh cửa mà Đức Giêsu đã nói rằng; sẽ “đưa đến sự sống”(Mt 7,…14).

Thật ra; Đức Giêsu; Ngài đã lãnh ấn tiên phong, đi qua “cửa hẹp”. Đó chính là “cánh cửa Mầu Nhiệm Vượt Qua”. Là cái chết nhục thân trên đồi Canvê và sự phục sinh vinh hiển của Người.

Tông đồ Phaolô đã mô tả “cánh cửa hẹp” mà Đức Giêsu đã phải đi qua thê thảm biết chừng nào : “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa; mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa… Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).

Sự kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu trong “Bàn Tiệc Thánh Thể” và thực thi những lời giảng dạy của Ngài qua phần “Phụng vụ Lời Chúa” chính là tiềm lực giúp chúng ta đủ sức “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”.

Thế nhưng, nếu sự kết hợp đó không tác-động-lên-nếp-sống-của-chúng-ta và không-biến-đổi-cuộc-sống-tâm-linh-của-chúng-ta…  Nói theo cách mà Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđemo rằng : “Nếu không được tái sinh một lần nữa bởi ơn trên… Thật, tôi bảo thật : không ai có thể vào NƯỚC THIÊN CHÚA” (Ga 3,3)….

Thật vậy; nếu không tác động và không biến đổi con người chúng ta, thì hãy coi chừng ! Dẫu cho chúng ta đã là một Kitô hữu. Dẫu cho chúng ta “đã từng được ăn uống (Mình và Máu Thánh) trước mặt Ngài, và Ngài – (qua các Linh Mục) – đã từng giảng dạy (trong các nhà thờ) của chúng ta”. Vâng, rất có thể chúng ta sẽ bị Thầy Giêsu xua đuổi vào ngày sau hết; rằng “cút đi cho khuất mắt ta” (Lc 13, 27).

Vâng, phải được “tái sinh bởi nước và Thần Khí”. Có như thế “Cửa Vào Thiên Đàng” mới rộng mở. Và chúng ta mới được diễm phúc đồng bàn với “Apraham, Isaac và Giacop cùng tất cả các ngôn sứ… trong Nước Thiên Chúa’ (Lc 13, 28).

petrus.tran


Để lại một bình luận