Một Chuyến đi đáng nhớ (phần cuối)
Thánh lễ tấn phong do đức cha già Cao Đình Thuyên, nguyên giám mục giáo phận Vinh, chủ phong, với hai đức cha phụ phong là Bùi Văn Đọc, giám mục Mỹ Tho và Vũ Huy Chương, giám mục Hưng Hóa. Chỉ những ai đã từng dự lễ tấn phong giám mục mới cảm nghiệm được sự trang trọng, uy nghi của nghi thức tấn phong như thế nào. Sau khi nghi thức tấn phong kết thúc, đức tân giám mục được hai đức cha đưa xuống phía giáo dân để ngài ban phép lành mục tử đầu tiên cho cộng đoàn dân Chúa, trong khi mọi người vỗ tay vang dội.
Đến phần rước lễ, Ban Tổ chức phải huy động gần trăm cha cho rước lễ vậy mà phải mất hơn 20 phút mới xong. Rất may phần rước lễ vừa kết thúc thì trời bắt đầu mưa nhỏ, và kéo dài mãi đến 12 giờ trưa mới dứt. Sau thánh lễ nhiều giáo dân và đoàn thể còn nán lại để được nhìn “cận cảnh” vị tân giám mục của mình, hoặc để được nói chuyện với ngài dù chỉ một phút thôi, hoặc may mắn hơn nữa được chụp một tấm hình với ngài. Chắc chắn đây phải những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời những người giáo dân địa phương, và không biết đến bao giờ giáo phận Vinh mới có một ngày đầy ắp những cảm xúc như thế!
Trong bữa tiệc buffet ngay sau thánh lễ, tôi thấy đông đủ đại diện các đoàn thể giáo dân đều được mời tham dự. Chưa bao giờ tôi thấy bầu không khí “huynh đệ” đến thế : mọi người từ hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân đều “tự phục vụ”, không ai phục vụ ai. Đúng là trước mặt Chúa và trong lòng Giáo hội mọi người đều bình đẳng, là anh chị em với nhau.
Khoảng 12g trưa chúng tôi lên xe ra về. Tưởng rằng lúc này xe đã bớt và giáo dân đã vãn, không ngờ người vẫn còn đông và xe cộ thì kẹt cứng. Phải mất đến nửa tiếng thì xe chúng tôi mới ra khỏi khu vực gửi xe và cũng phải mất chừng nửa tiếng nữa xe mới qua khỏi con đường “độc đạo” dài 2km mà chúng tôi đã đi qua ban sáng. Thay vì trở lại giáo xứ Lộc Thạch để nghỉ trưa, cha Giám tỉnh đề nghị chúng tôi ra bãi biển Cửa Lò để ai muốn tắm biển thì tắm, hoặc ai muốn ngồi nghỉ cũng có thể nghỉ tại một quán bãi biển mà ngài quen biết. Tại đây cha Giám tỉnh chiêu đãi anh em “ba món ăn chơi” đặc sản Cửa Lò : ghẹ, tôm, mực.
Theo lời mời của đức cha Hợp, anh em Đa Minh sẽ có mặt tại giáo xứ Làng Anh, nơi đức cha sinh ra và lớn lên, để tham dự thánh lễ vào lúc 16 giờ 30 cùng ngày cầu cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên tại từ đường (nhà thờ tổ) của gia đình. Từ nhà thờ Làng Anh đến từ đường của đức cha chừng 500m. Đúng 16g đoàn rước bắt đầu, gồm thánh giá nến cao, một số thân hữu, các nữ tu, các thầy Đa Minh, các cha đồng tế, đức cha và họ hàng huyết tộc. Vì trời còn nắng gắt nên mỗi cha đồng tế được cung cấp một cây dù để che cho đỡ nắng. Lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến đoàn đồng tế che dù, thấy cũng lạ mắt !
Từ đường là một căn nhà mới xây dựng lại có dáng dấp của một ngôi đình nhỏ lợp ngói, với các cửa, cột, kèo đều bằng gỗ. Sáng kiến xây một từ đường để kính nhớ ông bà, cha mẹ, tổ tiên lại xuất phát từ một đứa cháu của đức cha. Hai năm trước đây mỗi lần ngài về dâng lễ tại từ đường này đều phải xin phép đức giám mục giáo phận Vinh. Với diện tích khoảng 40m2, từ đường chỉ đủ cho các cha đồng tế (chừng 20 vị), còn cộng đoàn, ca đoàn đều ngồi ngoài sân.
Trong bài chia sẻ sau Tin mừng, đức cha xúc động kể lại đôi nét về cuộc đời sóng gió, thăng trầm của ngài. Cách đây 56 năm gia đình ngài ra đi trong cảnh khốn cùng, đất đai nhà cửa bị tịch thu hết. Cái miếng đất xây dựng từ đường này cũng mới được địa phương trả lại cho gia đình cách đây mấy năm. Hôm nay, sau 56 năm xa quê và với 65 năm cuộc đời, ngài trở lại quê hương trong một cương vị mà ngài không bao giờ nghĩ tới. Sự quan phòng của Chúa thật kỳ diệu ! Sự kiện hôm nay quá bất ngờ và nhiều cảm xúc đến nỗi ngài quên mang mũ và gậy giám mục theo. Có lẽ, ngài nói vui, đây là điều nhắc nhở của tổ tiên : “Dù mày có làm đến ông nào đi nữa thì trong căn nhà này, trong gia đình này, mày chỉ là đứa con út ít mà thôi !”
Thánh lễ tại từ đường kết thúc lúc 17g30, sau đó đức cha mời mọi người tham dự bữa cơm thân mật ngay tại thửa đất kế bên của gia đình. Trong bữa cơm này, một số thân hữu và thành viên câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình tham gia, tặng quà và biểu lộ tình cảm quí mến đối với đức cha. Chúng tôi lên xe trở lại giáo xứ Lộc Thạch lúc 19g30 và ngủ đêm thứ hai tại đây.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm và lên xe lúc trời còn tối khi giáo dân xứ Lộc Thạch bắt đầu đi lễ sáng. Chúng tôi cố gắng đến Phong Nha trước 8g để gia nhập nhóm du khách tham quan đầu tiên trong ngày, nhưng sự việc chẳng bao giờ xảy ra như mình tính toán, vì phải lệ thuộc nhiều yếu tố khách quan bên ngoài. Thực ra, khi xe đến thị xã Đồng Hới thì đã quá 9g sáng, và con đường từ thị xã Đồng Hới vào đến động Phong Nha còn hơn 30k.
Khoảng 10g xe đến nơi, và lúc này chúng tôi đã thấy hàng chục xe đò lớn nhỏ và hàng trăm du khách đã có mặt tại khu du lịch nổi tiếng này. Đúng là trên bến dưới thuyền : ở trên thì khách tham quan nườm nượp, ở dưới thì hàng trăm ghe chở du khách đang tấp nập đón khách xuống ghe hay trả khách lên bờ. Cha Phó đoàn vào ngay phòng bán vé mua một lúc gần 40 vé cho anh em chúng tôi và cả tài xế cũng muốn đi theo. Chỉ sau chừng 10 phút chúng tôi đã lên 3 chiếc ghe máy, mỗi ghe chở 14 người.
Đường sông từ bến đến động Phong Nha dài 7km, ghe phải đi hết 25 phút. Đây là một con sông tương đối nhỏ và nông, chỗ rộng nhất chừng 200m, nước rất trong và sạch, có thể nhìn thấy đáy sông. Phía bên này bờ là các đồi dốc, còn phía bên kia sông toàn là núi, thỉnh thoảng mới thấy một căn nhà. Mới đi chừng 500m tôi nhìn thấy gần bờ sông phía bên này một ngôi nhà xây khá lớn, trên sân thượng có tượng Đức Mẹ cao chừng 1 mét, tự nhiên tôi cảm thấy gần gũi làm sao.
Một lúc sau nhìn sang bên kia sông tôi lại thấy một nhà thờ có tháp khá cao và hàng trăm ngôi nhà dọc theo bờ sông. Không ngờ tại một nơi “khỉ ho cò gáy” gần như tách biệt với thế giới bên ngoài mà vẫn có những họ đạo công giáo. Thế mới biết Tin mừng của Chúa đã lan rộng như thế nào, chỗ nào cũng có bóng dáng của cây thập giá! Tôi thực sự cảm phục các nhà truyền giáo và các cha ông ta đi trước đã phải hy sinh vất vả như thế nào để đem Tin mừng đến cho những người ở vùng xa hẻo lánh này. Đi xa hơn một chút nữa tôi thấy một nghĩa trang công giáo cũng nằm dọc theo bờ sông.
Ghe càng đến gần động Phong Nha thì nước càng đục hơn. Tài công cho ghe ghé cập bến gần cổng vào động để trình giấy, sau đó ghe chúng tôi bắt đầu đi vào cửa động Phong Nha. Cửa động Phong Nha trông giống như miệng một con cá mập khổng lồ đang mở ra như muốn nuốt tất cả các ghe vào trong bụng nó. Càng vào sâu trong động thì càng tối, nếu không có những bóng đèn ẩn sau những khối thạch nhũ chiếu sáng thì chúng tôi không thể nhìn thấy gì. Nhưng cũng nhờ những ánh đèn màu này mà quang cảnh bên trong động trở nên huyền ảo hơn. Dĩ nhiên, để tránh gây ô nhiễm, tất cả các ghe phải tắt máy và chèo bằng tay. Lúc này chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng bì bõm của mái chèo, lâu lâu mới có người ngạc nhiêu kêu lên : “Ô, đẹp quá!”
Theo người chèo ghe thì động Phong Nha dài 600m, chỉ mở cửa cho du khách tham quan từ 8g sáng, khi thủy triều bắt đầu xuống.
Chỉ sau chừng 20 phút ghe chúng tôi đã đi hết chiều dài động Phong Nha. Tài công cho ghe ngừng lại để du khách lên bờ tham quan. Lúc này số ghe tập trung ở đây rất nhiều, gây nên cảnh “ùn tắc giao thông” và những tiếng cãi nhau chí chóe từ những người chèo ghe. Chừng 15 phút sau mọi du khách được yêu cầu trở lại ghe của mình, và chúng tôi bắt đầu trở ra. Khi còn cách cửa động chừng 100m, tài công lại cho ngừng ghe để du khách lên bờ tham quan một lần nữa. Từ đó họ có thể đi bộ trong những hang động trên khô và đi ra bến đậu ghe ở bên ngoài.
Sau chừng một giờ ở trong động Phong Nha, chúng tôi lên ghe trở về bến xuất phát, kết thúc chuyến du lịch trong “cõi thần tiên!” Chuyến tham quan Phong Nha coi như hoàn hảo nếu không xảy ra một “sự cố” nhỏ vào giây phút chót. Khi anh em đang tham quan động Phong Nha trên cạn thì một vài “nữ nhiếp ảnh gia” cứ đeo bám và xin chụp hình. Anh em thì đã có máy chụp riêng và cũng đã chụp nhiều hình rồi, nhưng khi thấy các cô xưng mình là người có đạo, thì cha cố Thiện động lòng thương muốn giúp, nên cha cố và một vài anh em chụp hơn chục tấm “gọi là giúp kẻ nghèo.” Mỗi tấm giá 15 ngàn. Tính ra chỉ mất tất cả chừng 200 ngàn. Không ngờ khi đến bến, các cô tính tất cả là 77 tấm x 15.000đ = 1.155.000đ. Nghĩa là các cô cứ đếm số người chụp trong một tấm hình, thí dụ tấm có 15 anh em chụp thì tính 15 tấm ! Biết là bị chặt đẹp, nhưng cha cố Thiện cũng đành lấy tiền ra trả đủ chẵn 1.200.000đ. Ngài cười nói : “Thôi không sao. Chúng nó cũng là con cái Chúa cả mà!”
Giải quyết xong vụ chụp hình, chúng tôi lên xe lúc 13g trưa. Nhưng rồi lại một sự cố nho nhỏ nữa : bánh xe đò hơi non nên tài xế cho xe ngừng lại vá vỏ. Mãi đến 14g xe mới ra tới quốc lộ, nhưng thay vì đi quốc lộ AH1 như lúc đi, tài xế cho xe chạy theo đường mới Trường Sơn vì đường này ít xe qua lại và ít bị bắn tốc độ. Nhưng cuối cùng cũng bị “dính” tốc độ và bị phạt 400 ngàn ! Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa ! Ấy là chưa kể trường hợp xuýt tông phải cô gái đi xe máy từ trong đường hẻm lao ra. May mà tài xế thắng kịp !
Đến chừng 17g xe chúng tôi về đến Quảng Trị, đi qua chỗ rẽ vào thánh địa La Vang một lần nữa và đến Huế lúc 18g. Tại đây chúng tôi vào một quán ăn bên đường “lót dạ” mỗi người một tô hủ tíu, gọi là “cầm cự” cho đến khi về tới Đà Nẵng. Trời lúc này đã tối. Xe đang bon bon chạy trên đường thì bất ngờ nghe tiếng thắng gấp rít trong đêm tối, mọi người trên xe ngã về phía lưng ghế. Hóa ra lại một tai nạn nữa xuýt xảy ra : một người đàn ông cởi trần dáng như say rượu hay bị bệnh tâm thần đang quờ quạng lao ra đường trước đầu xe. Đúng là Chúa gìn giữ không thì lại rắc rối to ! Chính sự cố này làm cho một số anh em đang ngủ tỉnh hẳn lại.
Khoảng 20g30 xe đi vào hầm Hải Vân. Theo tôi biết đây là một trong những đường hầm dài và hiện đại nhất ờ Đông Nam Á, dài 6,2km, nối liền Thừa Thiên Huế với thành phố Đà Nẵng, do các kỹ sư Nhật thiết kế xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2005. Hầm rộng 10m, cao 7,5m, có hầm thông gió và thoát hiểm song song. Xe chúng tôi chỉ mất 9 phút để đi qua hầm Hải Vân, thay vì mất gần 45 phút nếu leo đèo ! Đúng là vừa an toàn lại tiết kiệm thời gian !
Và cuối cùng gần 21g30 xe về đến nhà nghỉ của các sơ dòng Thánh Phaolô ngay tại trung tâm thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi được các sơ ân cần đưa lên các phòng ở lầu một : phòng 2 người, phòng 4 người, phòng 6 người. Tất cả các phòng đều có gắn máy lạnh và tiện nghi tương đương khách sạn 2 sao. Đây không phải là khu vực dành cho các sơ, nhưng dành cho du khách và các phái đoàn hành hương. Nhà nguyện và nhà các sơ ở cách đó chừng 100m. Chỉ sau chừng 10 phút các sơ mời chúng tôi sang nhà cơm kế bên ăn tối.
Sáng hôm sau, Chúa nhật 25-7-2010, chúng tôi dâng thánh lễ đồng tế tại nhà nguyện của các sơ lúc 5g20, có các sơ và một số khách hành hương tham dự. Sau lễ các sơ lại chiêu đãi mỗi người một tô mỳ Quảng. Một lần nữa tôi lại thay mặt anh em Đa Minh cám ơn các sơ đã tiếp đón một cách tận tình. 7g30 chúng tôi lên xe về hướng về Nhà Trang, nơi chúng tôi nghỉ đêm cuối cùng trước khi về Thành phố HCM.
Vì là tài xế ở miền Nam nên phải vất vả hỏi đường mấy lần mới ra được quốc lộ AH1. Khoảng 13 giờ chúng tôi về đến Sa Huỳnh, tại đây chúng tôi dùng cơm trưa trong một nhà hàng khá đông người. Sau cơm trưa một vài anh em tranh thủ ra ngắm bãi biển Sa Huỳnh chỉ cách quán ăn chừng 100m. Điểm đến sắp tới của chúng tôi trong chiều nay là Qui Nhơn, nơi chúng tôi sẽ ghé để viếng mộ đức cha Đa Minh Hoàng Văn Đoàn.
Khoảng 16g30 xe bắt đầu đi vào ranh giới thành phố Qui Nhơn. Rất tiếc khi xe vào đến trung tâm thành phố thì thấy biển cấm các xe lớn. Chúng tôi định bỏ tiền ra nhờ một anh Honda ôm dẫn lối đến tòa giám mục Qui Nhơn, nhưng anh ta không dám. Cuối cùng đành dừng xe tại chỗ cho anh em xuống nghỉ chân, trong khi bảy anh em đại diện, trong đó có cha cố Thiện và tôi, đón xe taxi bảy chỗ đến viếng mộ đức cha thay cho anh em.
Chúng tôi đến nơi thì cũng là lúc giáo dân đi lễ chiều Chúa nhật. Chúng tôi phải đi qua nhà thờ chính tòa Qui Nhơn, qua chủng viện rồi mới tới khuôn viên tòa giám mục. Mặc dù đã 36 năm chưa trở lại tòa giám mục Qui Nhơn, nhưng tôi chẳng có khó khăn gì trong việc tìm ra mộ của đức cha. Ngôi mộ hình chiếc quan tài, và cũng chỉ cao bằng chiếc quan tài, phía trên có tấm mộ bia bằng đá cẩm thạch ghi tên ngài, năm sinh, năm linh mục, giám mục, năm qua đời. Chúng tôi đứng chung quanh mộ, đọc một kinh vực sâu và hát bài “O Spem miram” cầu nguyện cho ngài và cho anh em Đa Minh nữa. Sau đó chúng tôi vào chào cha chánh văn phòng tòa giám mục, rồi từ biệt ra về.
Bỏ thành phố Qui Nhơn lúc 17g 15, tôi ước lượng phải sau 21g mới về tới Nha Trang. Và quả đúng như thế, qua đèo Cả thì trời lại mưa, nhưng xe chúng tôi cũng về đến Nha Trang lúc 21g20, và một lần nữa lại đến nghỉ đêm tại nhà AN DƯỠNG. Sáng hôm sau, chúng tôi được ngủ thoải mái, vì mãi đến 8g sáng chúng tôi mới lên xe về Thành phố HCM. Một số anh em trẻ tận dụng thời gian sáng sớm đi tắm biển. Và ngày hành trình cuối cùng trong chuyến đi bảy ngày cũng kết thúc một cách tốt đẹp mà không có bất cứ sự cố gì. Chúng tôi về đến Thành phố Hồ Chí Minh lúc 20g, thứ hai, 26-7-2010.
Cám ơn Chúa, chúng tôi đã hoàn tất sứ mạng đường dài “đưa chàng về Zinh” một cách an toàn. Chúng tôi cũng học được nhiều điều tốt đẹp trong chuyến đi này, chẳng hạn như lòng sùng đạo của giáo dân miền Trung, sự hiếu khách của các cha, các sơ và giáo dân địa phương, đời sống kinh tế của người dân được cải thiện và các thành phố du lịch Việt Nam đang thu hút nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam. Riêng với đức tân giám mục giáo phận Vinh, chúng con xin nói rằng dù ở xa nhưng anh em Đa Minh vẫn nhớ và cầu nguyện cho Đức Cha.