Một Chuyến đi đáng nhớ (phần 3)
Lm Giuse Nguyễn Đức Hòa op
Can đảm nhận đón tiếp phái đoàn Đa Minh dự trù 60 người là giáo xứ Lộc Thạch. Cha xứ đã phải chuẩn bị cách gấp rút nhưng cũng khá chu đáo để đón chúng tôi.
Hiện anh em Đa Minh có một căn nhà thuộc xứ La Nham, nơi đây có cha Thông OP ở với cha già Hóa. Nhà thì nhỏ nên cha Thông đón phái đoàn anh em Đa Minh từ Đà Lạt, và sắp xếp cho phái đoàn Cao Nguyên của cha Cường qua đêm tại nhà xứ La Nham với cha Vũ Sĩ Tráng.
Cha giám tỉnh đã ra trước và ở La Nham, nhưng ngài và cha Phụ Tá hôm nay cũng về Lộc Thạch để hiệp nhất với phái đoàn của tỉnh dòng.
Lòng hiếu khách của Xứ Nghệ
Khi xe từ quốc lộ rẽ vào con đường nhỏ dẫn đến giáo xứ Lộc Thạch, trời đã chạng vạng tối. Thật cảm động khi cha Giám tỉnh và một anh em Đa Minh khác đi Honda ra đón dẫn đường. Con đường vào giáo xứ vừa nhỏ vừa không có đèn đường, hai bên là đồng ruộng, thỉnh thoảng mới thấy một vài căn nhà. Chúng tôi gặp mấy cô gái lam lũ đi xe đạp phía trước xe chúng tôi. Theo thầy Khánh trước đã từng thực tập mục vụ tại đây thì những cô gái này đang trên đường đi bán ve chai về – nghề ve chai là nghề kiếm sống của nhiều người trong giáo xứ Lộc Thạch.
Bữa cơm thanh đạm của Gx Lộc Thạch
Sau chừng 10 phút thì xe chúng tôi dừng lại tại sân nhà thờ Lộc Thạch. Cả cha xứ và đại diện Ban Phục vụ giáo xứ đều có mặt để chào đón chúng tôi. Cha Thọ và cha Lộc giới thiệu cha xứ với chúng tôi : ngài tên Tính, trước đây đã từng học tại Học viện Liên dòng tại Thành phố HCM và là học trò của một số các cha Đa Minh. Chúng tôi được dẫn lên nhận phòng tại lầu một và lầu hai : phòng 3 người, phòng 6 người, phòng 10 người người tùy theo diện tích mỗi phòng và số giường có trong phòng.
Thực ra đây là Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ Lộc Thạch vừa mới hoàn tất phần bê tông thô, chưa có cửa sổ, cửa ra vào, chưa quét vôi, thậm chí cầu thang chưa có tay vịn hai bên, chưa có điện nước, nhà vệ sinh, chỉ có một vài ổ cắm điện và bóng đèn mới được ráp lòng thòng một cách “dã chiến.” Và theo lời cha xứ, ngay gạch lát nền nhà cũng mới chỉ được lát một cách vội vã và mới xong chiều hôm trước để kịp đón tiếp anh em Đa Minh ! Và như vậy chúng tôi là những “khách du lịch” đầu tiên đến ở tại “khách sạn không sao” này. Cũng theo lời cha xứ, ngài đã phải mua hơn 50 cái giường và ghế bố cho anh em chúng tôi, phải huy động giáo dân cho mượn một số quạt điện ! Cũng may, nhờ có trận bão trước đó 10 ngày nên thời tiết không đến nỗi nóng, chúng tôi vẫn có thể ngủ được.
Phái đoàn Kontum – Ban Mê… từ Hà Nội vào
Chừng 15 phút sau khi nhận phòng chúng tôi được mời đến dùng cơm tối tại phòng ăn lầu một, nơi đây đã bày biện đủ các món ăn và do chính giáo dân trong xứ chuẩn bị. Tôi đếm được 10 món tất cả : gà, heo, cá, tôm, ghẹ, mực, xôi, xào… dĩ nhiên có cả bia lon, nước ngọt và cả rượu đặc sản Vinh nữa. Tôi có cảm giác ở Vinh có bao nhiêu món ăn thì lòng hiếu khách của cha xứ và giáo dân Lộc Thạch đã vận dụng hết để chiêu đãi chúng tôi ! Thế mới thấy giáo dân Việt Nam ở đâu cũng vậy, họ luôn luôn kính trọng và dành sự ưu ái cho những người đã dâng mình cho Chúa !
Cùng dùng cơm tối với chúng tôi có cha Giám tỉnh, cha Phụ tá, cha xứ cùng với một số anh em Đa Minh khác không đi chung xe với chúng tôi và đại diện Ban Phục vụ giáo xứ Lộc Thạch; còn tiếp viên là các cô gái, các chị trong giáo xứ. Họ nói giọng Vinh, lúc đầu chưa quen nên cũng hơi khó hiểu một chút. Cha Giám tỉnh cũng thông báo cho anh em biết chương trình ngày hôm sau : thức dậy lúc 4 giờ, đọc kinh Sách, kinh Sáng rồi ăn sáng. Đúng 6g lên xe đến nhà thờ chính tòa Xã Đoài nơi tổ chức lễ tấn phong giám mục đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Nhà thờ chính tòa chỉ cách giáo xứ Lộc Thạch chừng 10km, nhưng chúng tôi phải đi sớm vì con đường từ quốc lộ vào nhà thờ chính tòa chật hẹp, lại là con đường “độc đạo” mà số xe cộ và giáo dân đi dự lễ tấn phong sẽ rất đông.
Quang cảnh lễ đài
Sau cơm tối, cha Giám tỉnh được mời dâng thánh lễ lúc 19g dành cho giới trẻ trong giáo xứ. Người tham dự thánh lễ ngồi chật nhà thờ, giống như lễ Chúa nhật vậy. Tôi hỏi cha xứ có phải hôm nay đặc biệt nên mới có lễ 19g, ngài nói tối nào trong tuần cũng có lễ 19g và số giáo dân cũng đầy nhà thờ như hôm nay ! Tôi tò mò đi xuống cuối nhà thờ quan sát, thấy mọi người dự thánh lễ rất nghiêm chỉnh và sốt sắng, đứng, ngồi, quì đồng loạt, chứ không lộn xộn như tại một số nơi khác. Và đó là lòng đạo truyền thống của giáo dân Vinh !
Đúng như chương trình, sáng hôm sau, Thứ sáu 23-7-2010, chúng tôi thức dậy lúc 4g, đọc kinh Sách và kinh Sáng ngay tại lầu một mà tối hôm trước dùng làm phòng ăn, với sự tham gia của mấy sơ phục vụ tại giáo xứ. Sau khi ăn sáng một cách vội vã, 6g sáng chúng tôi lên xe : mỗi người được phát một phù hiệu của lễ tấn phong để đeo trước ngực, màu sắc thay đổi tùy theo linh mục, hay tu sĩ. Các anh em linh mục mang theo áo alba và áo lễ trắng, còn anh em sinh viên và tu huynh mang áo dòng, ai nấy đều hồi hộp chờ đợi biến cố quan trọng nhất của ngày hôm đó : lễ tấn phong giám mục của một người anh em Đa Minh ! Tôi nghĩ lúc này đây chắc là cả giáo phận Vinh cũng đang rất hồi hộp trước một sự kiện sẽ đi vào lịch sử giáo phận, và đối với rất nhiều giáo dân địa phương thì đây có lẽ là biến cố có một không hai trong cuộc đời của họ.
Rước đoàn đồng tế
Một buổi lễ Ấn tượng
Khi xe chúng tôi đến gần con đường rẽ vào nhà thờ chính tòa Xã Đoài, bầu không khí đã thấy “nóng” hẳn lên : hàng trăm xe đò, xe hơi lớn nhỏ có gắn bảng chữ “XE ĐẠI BIỂU” với cờ Tòa Thánh phía trước đang rầm rập kéo đến, xen kẽ là những đoàn xe máy, xe đạp và hàng ngàn giáo dân đi bộ với nét mặt hân hoan cũng đang đi vào con đường “độc đạo” dẫn đến địa điểm tổ chức lễ tấn phong. Vì Ban Tổ chức không cho phép đưa xe máy và xe đạp vào trong khu vực chung quanh lễ đài nên các nhà hai bên đường biến thành những chỗ giữ xe cho giáo dân.
Khắp nơi, chúng tôi thấy đông đảo những nam giáo dân đeo băng bảo vệ, đội nón cối, thổi còi điều động giao thông và giữ gìn trật tự rất “có uy”, ai cũng nghe lời răm rắp. Xe cộ nhiều như thế, đông người như thế nhưng không hề xảy ra vụ tai nạn hay lộn xộn nào. Xét về tốc độ thì lúc này mọi người đều “bình đẳng”, người ngồi trên xe hơi hay người đi bộ : tất cả đều di chuyển với tốc độ như nhau. Thậm chí nhiều lúc người đi bộ còn đi nhanh hơn xe chúng tôi – chuyện thường thấy những lúc kẹt xe ở Thành phố HCM ! Con đường từ ngoài vào đến khu vực lễ đài dài chừng 2km, nhưng xe chúng tôi phải vất vả lắm và gần 30 phút sau mới đến được chỗ đậu xe phía bên trái nhà thờ chính tòa, cách phía sau lễ đài chừng 200m.
Đoàn dâng lễ vật
Một cảnh tượng lễ hội tưng bừng hiện ra trước mắt chúng tôi : khắp nơi từ tháp chuông nhà thờ, lễ đài trung tâm, chung quanh lễ đài, khuôn viên phía trước và phía sau lễ đài, tòa giám mục, trung tâm mục vụ giáo phận cho đến hàng rào chung quanh và trên tất cả các cây trong khu vực khuôn viên nhà thờ chính tòa rộng chừng bốn hectare đều có treo cờ xí và biểu ngữ. Nổi bật hơn cả là ngay phía trên lễ đài có một logo khổng lồ mang hình mũ giám mục màu vàng, tượng trưng cho người mục tử, phía dưới là hình quả địa cầu màu xanh lam, và chiếc thuyền buồm, biểu trưng con thuyền hội thánh giữa lòng thế giới ? Phía dưới nữa là hình chim bồ câu, biểu tượng Chúa Thánh Thần, và hàng chữ “Chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em trong đức Giêsu Kitô”. Trong khi đó tiếng thánh ca, tiếng Ban Tổ chức vẫn vang lên liên tục từ các loa phóng thanh. Mặc dù còn hơn một giờ nữa mới bắt đầu thánh lễ, nhưng chúng tôi thấy giáo dân đã đứng chật các khu vực đàng trước và chung quanh lễ đài, trong khi đó hàng ngàn người khác vẫn đang ùn ùn kéo đến.
Ban tổ chức cũng dành một số ưu đãi cho anh em Đa Minh. Ngoài hai thày trong nhóm mười người dâng lễ vật, các thày Đa Minh được yêu cầu mặc áo Dòng và làm thành hai hàng danh dự ngay lối đi giữa phía trước lễ đài, để cho mọi người thấy rằng dù một người anh em Đa Minh làm giám mục ở một nơi xa xôi, thì ngài sẽ không cảm thấy cô đơn, vì vẫn có cả một Dòng Đa Minh đứng bên và biểu lộ tình liên đới với ngài.
Các giám mục từ khắp miền đất nước
Sau khi xuống xe tại bãi đậu xe, chúng tôi đi băng qua phía trong nhà thờ chính tòa (vì ở ngoài giáo dân quá đông, đi chỗ nào cũng “đụng” giáo dân) để đến Tòa Giám mục, nơi các đức cha và các cha sẽ mặc phẩm phục. Tại đây, một quang cảnh chen chúc khác, lần này thì không phải là giáo dân quá đông nhưng là quá đông các đức cha, các cha, các tu sĩ nam nữ thuộc mọi dòng tu từ khắp mọi miền đất nước tụ về đây. Ngay ở Thành phố HCM, trong những dịp lễ lớn, cũng ít khi có cảnh tượng nhiều các vị chức sắc trong Giáo hội đến thế. Tôi nghe cha Giám tỉnh nói chiều hôm trước ở thị trấn bãi biển Cửa Lò cũng vậy, đi chỗ nào cũng gặp các đấng các bậc trong Hội thánh, đến nỗi các khách sạn tại Cửa Lò không có đủ phòng cho các ngài. Trong số các linh mục có cả một số linh mục nước ngoài nữa.
Đúng 7g sáng đoàn rước đồng tế bắt đầu : chỉ có thánh giá nến cao đi trước, đến các cha đồng tế và cuối cùng là các giám mục và hồng y đi trong đoàn rước, còn tất cả tu sĩ, các đoàn thể khác, giáo dân đều đứng tại chỗ trong khu vực dành cho đoàn thể của mình. Tôi không biết đích xác số linh mục và giám mục tham dự thánh lề đồng tế là bao nhiêu, nhưng theo nhiều người thì số các linh mục là gần 400, với gần 30 Hồng Y và giám mục, coi như hầu hết hàng Giáo phẩm Việt Nam đều có mặt trong lễ tấn phong hôm đó.
Từ trên lễ đài đồng tế nhìn xuống, tôi thấy cả một biển người đứng thành khối rất trang nghiêm đàng sau bảng tên của đoàn mình, có đầy đủ đại diện tất cả các giáo xứ thuộc giáo phận Vinh. Phía bên phải sát với lễ đài dành cho các chủng sinh và nam tu sĩ, bên trái dành cho nữ tu. Bên hông trái lễ đài là hàng trăm tay trống với những chiếc trống khá lớn, cùng với hàng trăm em nhỏ trong trang phục “phường trắc” truyền thống mà từ ngày di cư 1954 đến nay tôi mới có dịp nhìn thấy. Bên hông phải lễ đài là đoàn kèn tây nhạc cũng không kém phần hoành tráng.
Một góc … các linh mục đồng tế
Đã từ lâu rồi tôi mới thấy số giáo dân đông như hôm nay. Năm 1999 khi tham dự thánh lễ kỷ niệm 150 năm giáo phận Bùi Chu, tôi thấy số giáo dân lúc đó đã là nhiều, nhưng có lẽ cũng không nhiều bằng hôm nay. Theo một cha trong Ban Tổ chức, số giáo dân dự lễ tấn phong lần này phải tới 30 ngàn người, vì số bánh lễ cho rước lễ là 18 ngàn mà còn thiếu rất nhiều. Mười sáu ngàn (16.000) ghế nhựa mới sắm cho giáo dân ngồi cũng chỉ đủ cho một nửa số người tham dự thánh lễ, vì còn hàng chục ngàn người đứng tràn lan ở phía sau và chung quanh lễ đài, cũng như trên những con đường gần đó.
Thánh lễ tấn phong do đức cha già Cao Đình Thuyên, nguyên giám mục giáo phận Vinh, chủ phong, với hai đức cha phụ phong là Bùi Văn Đọc, giám mục Mỹ Tho và Vũ Huy Chương, giám mục Hưng Hóa. Chỉ những ai đã từng dự lễ tấn phong giám mục mới cảm nghiệm được sự trang trọng, uy nghi của nghi thức tấn phong như thế nào. Sau khi nghi thức tấn phong kết thúc, đức tân giám mục được hai đức cha đưa xuống phía giáo dân để ngài ban phép lành mục tử đầu tiên cho cộng đoàn dân Chúa, trong khi mọi người vỗ tay vang dội.
Các tu sĩ Đaminh ngồi hàng ghế đặc biệt