Taizé tháng 07.2010
CHỦ ĐỀ: SỐNG ĐỨC ÁI
Mặc dầu đang trong những ngày hè, một số các bạn sinh viên vẫn chưa trở lại với môi trường học tập, sinh hoạt nên vắng mặt; thế nhưng, giờ cầu nguyện Taize ngày 29 tháng 07 vẫn được diễn ra sốt sắng với sự tham dự của cộng đoàn, một số bạn trẻ và những bạn sinh viên khác.
Chủ đề cầu nguyện tối hôm nay mời gọi mọi người “SỐNG ĐỨC ÁI”, là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức khác. Sống trên cõi đời này chắc hẳn ai ai cũng muốn yêu người và được người yêu lại. Nhưng để yêu một cách đúng nghĩa thì quả là một điều hết sức khó khăn đối với trái tim hạn hẹp của con người. Mỗi chúng ta thử xét lại đức ái của mình xem như thế nào?
Chúng ta đã yêu nhau và yêu mọi người một cách đúng nghĩa chưa, hay nói cách đúng đắn hơn là chúng ta đã yêu như Lời Chúa mời gọi : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương an hem” ? Tất cả chúng ta cùng nhau kiểm điểm mình đã thật sự yêu thương như Chúa hay chưa ? Chúng ta đã quảng đại sẻ chia những gì chúng ta đón nhận từ nơi Chúa: vật chất, tinh thần, thời gian, khả năng, kiến thức, v.v… hay chưa ? Đó là điều mỗi người kitô hữu cần biểu lộ trong đời sống hằng ngày của mình trong những mối tương quan với nhau… để hình ảnh của Đức Giêsu, của Thiên Chúa được trở nên hiện thực trong cuộc đời và làm cho xã hội, con người cảm thấy hạnh phúc và tươi đẹp hơn…
“Chúa ơi, hôm nay con đến giờ cầu nguyện này trong tâm tình sám hối tội lỗi và tạ ơn Thiên Chúa. Xin Chúa mãi ở bên con trong đường trần này. Con xin phó thác tất cả những người thân yêu và cả bản thân yếu hèn của con cho Chúa. Xin Chúa nâng đỡ, ủi an, che chở và chữa lành thể xác cũng như tâm hồn chúng con.”
“Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con có mặt ở nhà Chúa để được dự buổi cầu nguyện với anh chị em con, con xin cảm ơn Chúa. Xin soi lòng mở trí cho chúng con luôn được hiểu biết Chúa nhiều hơn và cho chúng con biết đón nhận Chúa là cuộc đời của chúng con.”
“Lạy Chúa, những ngày nghỉ hè sắp qua đi, chúng con lại được cùng nhau gặp mặt, cùng nhau sinh hoạt. Xin Chúa ban cho nhóm sinh viên chúng con luôn hiệp nhất cùng nhau trong Chúa. Xi cho mỗi chúng con trở nên khí cụ bình an của Chúa, trở nên những chứng nhân trong xã hội hôm nay.”
“Chúa ơi ! Tuần sau mẹ con phải nhập viện để mổ, trong lòng con bây giờ rất hoang mang và lo sợ vì con đã mất đi một đấng sinh thành rồi. Giờ con chỉ biết phó thác vào Ngài cho ca mổ của mẹ con được thành công. Cũng xin cộng đoàn giúp lời cầu nguyện, để những lời con xin được Thiên Chúa nhậm lời.”
“Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa vì hồng ân Chúa ban cho con. Sau khi một lần đi xa, con mới nhận thấy mình có nhiều thứ quý quý giá hơn và cũng có nhiều khó khăn hơn. Xin Chúa đổ tràn đấy Thánh Thần cho ơn gọi của con, con sắp bước theo đường đi của Chúa, xin Ngài luôn ở bên con như người dẫn đường, chở che và nâng đỡ con.”
“Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã soi sáng cho con làm bài thi đại học thật tốt. Nhờ Chúa mà con có thể đậu vào trường đại học mà con hằng mơ ước, con tạ ơn Chúa ! Xin tiếp tục ở bên cạnh con cũng như những người thân trong gia đình con, bảo vệ và gìn giữ con khỏi những cám dỗ của ma quỷ. Con cũng xin Chúa chữa lành bệnh cho ông ngoại con, mẹ con và cả dì con nữa. Con cảm ơn Chúa.”
“Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cung kính thờ lạy cảm tạ Chúa vì con được làm con của Ngài, được nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu của Ngài, được lớn lên trong Lời của Ngài. Con thật hạnh phúc và sung sướng, xin hãy ở lại với con vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, xin cho con được thật nhỏ trong trái tim Ngài. Amen.”
Thế giới ngày nay đang sống trong một kỷ nguyên cực kỳ văn minh tiến bộ, thế nhưng trong quan hệ giữa người với người, có khi lại thụt lùi và thụt lùi còn thấp hơn cả thời kỳ của luật “mắt đền mắt, răng đền răng”. Người ta cư xử với nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng,” giải quyết vấn đề bằng phương tiện bạo lực. Đức Giêsu đã xóa bỏ thứ luật rừng và nguyên tắc vay trả đó, khi Ngài đòi hỏi các môn đệ phải thực thi luật bao dung “yêu cả kẻ thù” và nguyên tắc bất bạo động “đừng chống cự người ác.” Điều đó không có nghĩa là người môn đệ Chúa sống nhu nhược, và chịu khuất phục trước sự ác. Nhưng tinh thần của lời Chúa là lòng yêu thương không biên giới, là đường dẫn đến đức ái hoàn thiện vẹn toàn. Là người Kitô hữu, chúng ta mang trong mình dấu chỉ của tình yêu cứu độ, tình yêu đại đồng, vì vậy chúng ta cũng phải hướng đến một Đức Ái toàn thiện như Chúa.
Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu Người bằng trái tim của Chúa, để mỗi ngày con nên hoàn thiện hơn như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.