Chuyến đi đáng nhớ : đưa “Chàng” về “Zinh” (1)

 

Bài 1 …

MỘT CHUYẾN ĐI ĐÁNG NHỚ
 

 Lm Giuse Nguyễn Đức Hòa op


Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (1)Nếu tính từ ngày 20 tháng 5, 1974, ngày đức cha Đa Minh Hoàng Văn Đoàn OP nằm xuống đến nay thì đã 36 năm rồi Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam mới có một vị giám mục khác xuất thân từ Tỉnh Dòng.

Nhân dịp đặc biệt này cha Giám Tỉnh dẫn đầu một phái đoàn gần 100 anh em gồm đại diện các tu viện, tu xá và các giáo xứ thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam đến thành phố Vinh để tham dự thánh lễ tấn phong Giám mục đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.

Tu viện Mai Khôi thuê riêng một xe 15 chỗ ngồi đi trước để còn thăm Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, La Vang, và sau lễ tấn phong giám mục sẽ đi tiếp ra Bắc thăm các anh em Đa Minh đang làm mục vụ tại đây, nhân tiện tham quan một số thắng cảnh miền Bắc.

Riêng tu viện Đa Minh Ba Chuông chúng tôi có tám anh em gồm cha Bề trên, cha Hòa, cha Bình, cha Cường, Cha Thành và ba thầy tu huynh. Cha Bề trên và cha Cường đi máy bay ra Thạch Bích trước để kịp dự lễ tạ ơn của cha Giuse Nguyễn Viết Chinh tổ chức vào ngày 21-7-2010.

 

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (1)


Liên tu viện trên một chuyến xe

Chúng tôi rời Ba Chuông lúc 5g sáng Thứ Ba, 20-7-2010 để sang Gò Vấp nhập đoàn với anh em Học viện Đa Minh gồm ba cha và 20 anh em sinh viên trên chiếc xe 47 chỗ ngồi đời mới do Tỉnh Dòng thuê. Đúng 6g xe chuyển bánh. Trên đường đi xe còn dừng lại đón các anh em thuộc tu xá Tam Hà và tu viện Martinô, Hố Nai. Như vậy trên xe chúng tôi có tất cả 37 người, kể cả trưởng đoàn là cha Thọ, Tổng quản lý Tỉnh dòng và cha Lộc, phó trưởng đoàn. Theo nhận xét của một số anh em thì đây là lần đầu tiên các tu viện cùng đi chung với nhau trên một chuyến xe. Trước đây chúng tôi cũng đi chung, nhưng thường là xe của một tu viện nào đó để cho một vài anh em tu viện khác đi “quá giang” vậy thôi, chứ chưa bao giờ mà trên một chuyến xe có đủ đại diện các tu viện và tu xá như vậy. Và điều này làm cho chúng tôi cảm nghiệm được thế nào là “chiều kích cộng đoàn” của Tỉnh Dòng!

Sau khi anh em có mặt đông đủ trên xe, chúng tôi bắt đầu nguyện Kinh Sáng và đến chiều thì đọc Kinh Chiều chung với nhau. Và trong suốt hành trình bảy ngày đi-về chúng tôi vẫn giữ thói quen tốt lành đó.

Khoảng 9 giờ sáng chúng tôi dừng xe tại một trạm nghỉ chân khá hiện đại và tiện nghi tại Hàm Tân. Trạm nghỉ chân này có dáng dấp như một Rest Area mà tôi đã từng thấy ở Mỹ. Nghe nói trạm nghỉ chân này là của một Việt kiều Mỹ. Sau chừng 20 phút, chúng tôi lại lên xe trực chỉ Ninh Chữ, Phan Rang, nơi chúng tôi sẽ dùng cơm trưa. Trên xe hai cha Trưởng và Phó đoàn đã “bật mí” cho anh em biết nơi dùng cơm trưa không phải là nhà hàng, nhưng là tại một trại nuôi tôm của một giáo dân Hố Nai quen biết. Và đặc sản ở đây dĩ nhiên là tôm rồi, thứ tôm “đặc biệt” mà theo như cha Bình “suy diễn một cách thần học” mấy cái râu của nó to gần bằng ngón tay út!

 

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (1)


Phan Rang hiếu khách, ấm tình

Khi đến gần thị xã Phan Rang, chúng tôi được một cha quen với gia đình nuôi tôm lái xe nhỏ ra đón và hướng dẫn chúng tôi đến trại nuôi tôm. Đường vào trại tôm vừa xa, vừa vòng vo khó đi, nếu không có xe dẫn đường thì chắc chắn chúng tôi không thể nào tìm được. Trên đường đi chúng tôi thấy hàng trăm trại nuôi tôm (dân địa phương gọi là đìa), mỗi đìa hình vuông hoặc chữ nhật rộng chừng hơn 1000m2. Phần lớn những đìa tôm này là của một công ty Đài Loan, có xưởng ướp lạnh và chế biến tại chỗ; còn lại một số ít là của dân địa phương. Theo một người quản lý đìa tôm cho biết, chỉ mất chừng 3 tháng để nuôi một đìa tôm, và mỗi đìa tôm có thề lời tới hơn 100 triệu, sau khi đã trừ hết các chi phí.

Trước đây mấy chục năm tôi cũng đã từng có dịp đi qua khu vực Ninh Chữ này, nhưng lúc đó tôi chỉ nhìn thấy toàn là những bãi cát mênh mông, không một bóng cây, không một bóng người. Vậy mà ngày hôm nay đã biến thành những đìa tôm bát ngát sinh lợi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và nuôi sống hàng ngàn người dân địa phương, và cả những người dân có đầu óc kinh doanh từ nơi khác đến, như trường hợp của hai giáo dân Hố Nai mà chúng tôi quen biết. Và đây quả là điều bất ngờ!

Nhưng điều bất ngờ thứ hai còn “bất ngờ’ hơn nữa. Khi xe chúng tôi dừng lại tại đìa tôm của hai giáo dân Hố Nai, thì cái đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là tấm biểu ngữ bằng vải màu đỏ treo trên vách tường với dòng chữ : “Hân hoan đón chào phái đoàn các linh mục, tu sĩ Đa Minh.” Và đứng trước cửa nhà đón chúng tôi là hai phụ nữ ăn mặc đúng mốt thời trang, tươi cười chào đón chúng tôi. Tôi tự hỏi đây là nơi làm ăn đồng chua nước mặn thì chỉ có những người dân lao động, ăn mặc xuềnh xoàng, các bà chủ cùng lắm cũng chỉ mặc đồ bộ, quần đen áo cánh, chứ làm sao có những phụ nữ ăn mặc model như thế này ? Có lẽ trước mắt những người giáo dân “đại gia” nhưng chất phác này, chúng tôi là những quí khách từ xa tới nên phải tiếp đón một cách đặc biệt.

Sau một vài giây phút “ngỡ ngàng” chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy bầu không khi thân mật, cũng giống như chúng tôi thường gặp khi đến các giáo xứ vùng Hố Nai. Chỉ sau chừng 15 phút thì cơm trưa đã sẵn sàng. Trong căn nhà cấp bốn của đìa tôm này, bình thường chắc là đầy những thùng, những dụng cụ liên quan đến việc nuôi tôm, thì hôm nay đã được dọn sạch sẽ và thay vào đó là bốn bàn tròn bằng Inox ở trên bày biện đủ loại thức ăn đặc sản, có cả bia lon nước ngọt nữa. Chúng tôi được biết những bàn tròn, ghế nhựa và ly tách, chén bát vừa mới được chở từ Hố Nai đến chỉ để phục vụ cho bữa ăn trưa này. Trước bữa ăn, với tư cách là người nhiều tuổi nhất trong anh em, tôi được mời dâng hương trước tượng Đức Mẹ cùng với chủ nhân trại tôm, sau đó thay mặt anh em nói mấy lời cám ơn rồi làm dấu thánh giá thánh hóa bữa ăn. Trong bữa ăn, chính hai chị em chủ nhân và một số người thân của gia đình tiếp bia, tiếp đá cho chúng tôi.

Trong khi dùng cơm, tôi nhìn chung quanh thì một sự bất ngờ nữa làm cho tôi suy nghĩ. Trên các bức tường trong căn nhà đều có viết những câu lời Chúa, mà theo nhận xét của tôi thì đã được viết từ lâu vì màu sơn đã cũ. Có nghĩa là mặc dù đây là nơi làm ăn kinh doanh, lại xa nhà thờ, xa các người đồng đạo, nhưng họ vẫn sống đạo và được lời Chúa dưỡng nuôi. Có một câu tôi cho là đắc ý nhất : “Tha thứ lỗi lầm người khác thì tốt, nhưng quên đi những lỗi lầm của họ còn tốt hơn.”

 

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (1)


Nha trang thùy dương cát trắng

Đúng 3 giờ chiều chúng tôi chào tạm biệt và lên xe tiếp tục hành trình đến Nha Trang, điểm nghỉ đêm đầu tiên của chúng tôi. Ai cũng biết Nha Trang là thành phố biển vào loại đẹp nhất Việt Nam, nhiều cuộc thi sắc đẹp thế giới đã được tổ chức tại thành phố này. Du khách nước ngoài đến Việt Nam mà không ghé Nha Trang thì coi như chưa biết hết Việt Nam. Tôi cũng mới có dịp ghé Nha Trang cách đây chưa tới hai năm, nhưng cứ mỗi lần ghé thăm tôi có cảm giác Nha Trang lần sau đẹp và phát triển hơn lần trước. Con đường ven biển bắt đầu từ sân bay Cam Ranh tới Nha Trang dài 27km mới thơ mộng làm sao. Hiện thời hai bên đường đều có những công trình lớn đang thi công cho một khu resort hiện đại trong tương lai. Tôi nghĩ chừng 3 năm nữa thì những đồi cát hoang dã này sẽ trở thành khu VINPEARL thứ hai, cũng hoành tráng không kém gì khu VINPEARL hiện nay của Nha Trang.

Lúc này nắng đã nhạt. Chúng tôi bắt đầu đọc kinh Chiều với 4 câu thánh thi mở đầu của chiều Thứ Ba, tuần IV :

”Hóa Công huyền diệu, Chủ thời gian,
Đã khéo phân chia cách vẹn toàn :
Sáu khắc mọi người lo làm việc,
Năm canh ai nấy nghỉ bình an.”

Tôi đã đọc những lời kinh này không biết bao nhiêu lần, nhưng hôm nay giữa trời biển, núi đồi mênh mông bát ngát, mới thấy thi vị và ý nghĩa. Thú thực đọc kinh Nhật tụng trên chuyến xe như vậy giữa trời đất tôi lại thấy sốt sắng và “nâng tâm hồn” hơn khi đọc tại nhà nguyện hay nhà thờ!

Đúng 6 giờ 15 xe chúng tôi đến thành phố Nha Trang, vẫn trên con đường bờ biển nổi tiếng. Và nơi chúng tôi qua đêm cũng nằm ngay khúc giữa của bờ biển này. Đó là NHÀ AN DƯỠNG của cán bộ Công đoàn, với tiện nghi tương đương khách sạn hai sao, trong một khu đất rộng chừng một hectare, với ba tòa nhà nhiều tầng và một nhà hàng ngay lối vào khu an dưỡng. Cha Thiện và tôi đã đến tuổi an dưỡng nên được cha Phó đoàn ưu tiên bố trí ở phòng gần quầy tiếp tân tầng trệt, các anh em trẻ hơn thì ở lầu trên trong các phòng 4 người. Khoảng 7 giờ 30 chúng tôi dùng cơm tối tại nhà hàng của khu AN DƯỠNG. Sau đó mọi người tự do đi bách bộ ngoài bãi biển hay tắm đêm tùy ý.


Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (1)


Phù Mỹ điểm dừng chân lý tưởng

Sáng hôm sau, Thứ Tư 21-7-2010, chúng tôi lên xe lúc 6 giờ, bắt đầu chặng đường thứ hai từ Nha Trang đến Huế. Đây là chặng đường dài nhất trong chuyến đi, gần 700km, vì thế chúng tôi tranh thủ ăn sáng ngay trên xe để tiết kiệm thời gian. Qua Đèo Cả rồi đến địa phận tỉnh Tuy Hòa, khoảng 9 giờ xe dừng lại để anh em xả hơi và nhâm nhi ly cà phê trong một quán ven đường. Quán chỉ có một em tiếp viên chừng 15, 16 tuổi nên em phải vất vả lắm mới phục vụ đủ 39 ly cà phê cho 39 người, kể cả tài xế và phụ xe. Nhưng tôi nghĩ ngày hôm đó chủ quán có thể đóng cửa sớm vì đã đủ “sở hụi “ cho ngày hôm đó!

Khi đi ngang qua thành phố Qui Nhơn cha Phó đoàn nói cho chúng tôi biết trên đường về anh em Đa Minh sẽ ghé viếng mộ đức cha Đa Minh Hoàng Văn Đoàn, vị giám mục Đa Minh Việt Nam cuối cùng đã an nghỉ cách đây 36 năm mà phần lớn các anh em trẻ chỉ nghe tên chứ không hề gặp mặt. Thực tế, trong 37 anh em trên chuyến xe hôm đó chỉ có cha cố Thiện và tôi biết và đã gặp đức cha khi ngài còn sinh thời. Riêng tôi may mắn được chính đức cha truyền chức phó tế tại Manila, Philippines năm 1966 và linh mục tại nhà thờ Ba Chuông năm 1968.

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (1)Phù Mỹ là nơi dừng chân tiếp theo để chúng tôi ăn trưa. Đây là một huyện thị nhỏ nằm trên quốc lộ A1 xuyên Việt (nay đổi tên là AH1 – Asian Highway One, trong hệ thống giao thông xuyên Á). Trong thời kỳ chiến tranh những cái tên như Phù Cát, Phù Mỹ, Sa Huỳnh, Bồng Sơn, Mộ Đức xuất hiện thường xuyên trên các báo Sài gòn, vì những nơi này thường xảy ra những trận chiến tuy qui mô không lớn, nhưng cũng rất ác liệt. Những dấu vết chiến tranh dĩ nhiên không còn, thay vào đó là một huyện Phù Mỹ được đô thị hóa với các cơ sở hành chánh hiện đại đồ sộ, các cửa hàng tạp hóa, bán đồ nội thất, ĐTDĐ, nhiều cửa hàng bán xe gắn máy không thua gì các thành phố lớn.

Đến khu hành chánh của Phù Mỹ thì xe rẽ phải, chừng 100m rẽ trái : trước mặt chúng tôi là một nhà thờ đang xây dựng và sắp hoàn tất. Đó là nhà thờ giáo xứ Phù Mỹ do một cha dòng Chúa Cứu Thế làm chánh xứ. Cha chánh xứ này lại có linh tông linh tinh gì đó với cha Lộc, Phó đoàn, nên mới có sự sắp xếp trước để anh em dừng chân ăn trưa ở đây. Khi chúng tôi đến thì các bàn cơm đã sẵn sàng, bình dân thôi, nhưng lòng hiếu khách thì không chê vào đâu được. Đây là dạng bữa ăn do giáo xứ tổ chức để tiếp đón các đoàn hành hương La Vang.

Trong bữa ăn, cha xứ còn chiêu đãi rượu đế đặc sản Bình Định nữa. Tôi hỏi cha xứ có bao giờ cha tiếp đoàn nào đông hơn đoàn chúng con hôm nay không, ngài nói có lần tiếp đoàn mấy trăm người và nghỉ đêm tại đây nữa. Thật đúng như lời cha xứ Phù Mỹ nói : hai bên cùng có lợi, lợi cho giáo dân trong xứ vì tạo công ăn việc làm cho họ và lợi cho khách hành hương vì có nơi ăn ở an toàn, với giá “bác ái” là chính ! Ngài nói thêm nếu các cha có đoàn hành hương nào cần ghé qua đây, thì cứ phone cho một cái là mọi sự sẵn sàng ngay.

 

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (1)

 

Để lại một bình luận