Cảm thông cùng Giáo hội

Cảm thông cùng Giáo hội

Lm. An-rê Đỗ xuân Quế, OP

Cảm thông cùng Giáo hộiGiáo hội chúng ta đang gặp khó khăn và bị chỉ trích. Bên Âu Mỹ, người ta chỉ trích Giáo hội vì tội ấu dâm của một số linh mục tại Ai-len, Đức, Mỹ, Ý. Ở Bỉ, cảnh sát vào khám xét toà giám mục Malines. Ổ Việt Nam từ mấy tháng qua, nhiều người bức xúc, bực bội, phê bình HĐGM và một số chức sắc. Một số bài trên mạng không ngần ngại lên án các hành vi và lời tuyên bố của đức cha này đức cha kia, làm cho nhiều người nghĩ rằng những người phê bình này chuyên môn viết bài chỉ trích một số “các đấng làm thầy” và do đó gây hoang mang, chia rẽ trong Giáo hội.

Đó là dư luận và phản ứng dây chuyền trong dân chúng, còn thực hư thế nào, thiết tưởng cần phải bình tĩnh, tự mình nghe ngóng, kiểm tra xem những điều người ta nói hoặc viết đúng hay sai. Nếu đúng thì nên bình tâm đón nhận và sửa chữa. Nếu sai thì phải mạnh mẽ lên tiếng phản bác. Chỉ nghe nói không thôi thì chưa đủ mà còn phải đích thân rà soát lại. Nhưng dù muốn hay không, cũng phải công nhận rằng chưa bao giờ đời sống trong Giáo hội chúng ta lại bị phơi bày trên mạng truyền thông như lúc này. Những điều phơi bày đó làm cho phần đông trong chúng ta lấy làm nhức nhối, khó chịu và tự nhiên thấy bất bình với những người nói hay viết như thế. Trong vấn đề này, cũng nên phân tích và nhận định để thấy đâu là thiện chí, đâu là ác ý của người ta. Nếu là thiện chí thì không nên để ngoài tai; còn nếu là ác ý thì phải phản bác lại như đã nói ở trên, để bênh vực công lý.

Trước những điều bị coi như là những đòn tấn công do thiện chí hay ác ý, thái độ của người công giáo chúng ta nên như thế nào?

Trước hết, nếu đúng thì chúng ta phải khiêm nhường và can đảm nhìn nhận và xin lỗi, khi cần phải xin lỗi.

Thứ đến, chúng ta không nên hoảng hốt và lo sợ vì không phải bây giờ Giáo hội mới gặp khó khăn và bị chỉ trích. Đã có những thời kỳ Giáo hội gặp các bè rối, như bè rối A-ri-ô thế kỷ IV, chối bỏ thần tính của Chúa Con, thế kỷ X Giáo hội tách làm hai: Giáo hội Đông Phương và Giáo hội Tây Phương, thế kỷ XI, XII Giáo hội sa lầy vì nạn buôn thần bán thánh, con ông cháu cha, thế kỷ XIII bè rối Albigeois ở miền Nam nước Pháp, thế kỷ XVI Giáo hội cải cách của Luther ở Đức và thời Phục Hưng, thế kỷ XVIII Cách Mạng Pháp, thế kỷ XIX Phong Trào Thợ Thuyền, thế kỷ XX chủ nghĩa Cộng Sản và Quốc Xã, thế kỷ XXI thời Hậu Hiện Đại và thuyết Thực Dụng Tiêu Thụ dửng dưng và bài xích tôn giáo.

Giáo hội của chúng ta nguyên uỷ là thánh vì vị sáng lập là Chúa Giê-su, Đấng Chí Thánh và chúng ta, những người lãnh phép Rửa là dân được hiến thánh cũng như Giáo hội là kho tàng tích chứa và phân phát ơn thánh, tuy trong Giáo hội không phải ai cũng thánh dù được gọi để nên thánh (Lumen Gentium chương 6). Trong Giáo hội đó có nhiều người thánh, nhưng cũng có nhiều người tội lỗi ở mọi cấp bậc.

Ngoài việc bình tĩnh đón nhận những lời chỉ trích với thái độ khiêm nhường và can đảm, chúng ta lại cần phải kiên định và trung thành: kiên định là người công giáo và trung thành bám chặt vào Giáo hội.

Bà Ida Frederika Gorres, một nữ văn sĩ công giáo người Hà lan có một ông bạn bác sĩ Tin lành. Ông này nặng lời phê bình chỉ trích Giáo hội của bà. Sau khi để cho ông nói, bà bình tĩnh trả lời ông vẻn vẹn có một câu: “Dù vậy, tôi vẫn là công giáo.”

Năm 1971, trong một bài trên tờ Le Monde, cha Hans Kung, một nhà thần học tên tuổi người Thụy sĩ nói tiếng Đức viết rằng tại sao cha không rời bỏ Giáo hội, tuy hồi đó Giáo hội như con thuyền đang bị gió bão đánh tơi bời, bởi phong trào phản kháng và ra đi ồ ạt của các linh mục, tu sĩ nam nữ về thế gian. Cha bảo rằng tôi mà đi trong lúc này thì tôi là một người hèn. Chính lúc này mới là lúc tôi phải ở lại.

Cũng trong thời kỳ này, hai trong bẩy nhà thần học nổi tiếng nhất thế kỷ XX là ĐHY Henri de Lubac, Dòng Tên, và ĐHY Yves Congar, Dòng Đa Minh, viết mỗi vị một cuốn sách. ĐHY de Lubac viết cuốn Une église cassée (Một Giáo hội bị bẻ nát), ĐHY Congar viết cuốn Au milieu de l’orage (Giữa cơn bão táp). Cả hai vị đã dùng tài ba và uy tín của mình để vừa nhìn nhận cơn khủng hoảng vừa tìm cách cứu vớt.

Mới đây, cha Timothy Radcliffe, nguyên bề trên tổng quyền Dòng Đa Minh cũng viết một bài đề là Tôi nên ở lại hay rời bỏ Giáo hội liên quan đến vụ tai tiếng về việc lạm dụng tình dục trẻ em trong hàng giáo sĩ. Trước những vụ tai tiếng như thế, nhiều người công giáo bị chao đảo muốn bỏ đạo hay đổi đạo. Nhưng xét cho cùng, Giáo hội có phải là của loài người đâu. Nếu là của loài người thì Giáo hội đã tiêu biến rồi như bao nhiêu chế độ chính trị, đế quốc và các nền văn minh rực rỡ trước kia. Tuy vậy, người công giáo không được ỷ y là Giáo hội trường tồn vì được Chúa che chở, mà không lo sống cho đúng với chức danh của mình là Ki-tô hữu nghĩa là thuộc về Chúa Ki-tô hay là bạn hữu của Người (Ga 15,14-15).

Bởi thế, thiết nghĩ thái độ người công giáo nên có trong lúc này là tìm hiểu và đón nhận sự thật bất kể từ đâu tới, cũng như chia sớt và cảm thông cùng Giáo hội trong cơn khốn khó, đồng thời cầu nguyện cho Giáo hội thoát cơn bĩ cực, vì qua hành động của Chúa, trong cái rủi có cái may: cái rủi là sự tấn công và lời chỉ trích; còn cái may là thời cơ thanh luyện.

Sau đây, xin mượn lời của cha Timothy để kết luận: “Ngay từ khởi đầu và xuyên suốt lịch sử, thánh Phê-rô vẫn là viên đá lắc lư, nguồn gốc gây vấp ngã, một phiến đá hư nát. Tuy vậy, chính thánh nhân và các đấng kế vị ngài, mà ĐTC Bê-nê-đích-tô XVI, một trong các đấng kế vị ấy là người có nhiệm vụ giữ chúng ta lại với nhau, ngõ hầu vào ngày Phục sinh, chúng ta có thể trở thành chứng tá cho sự chiến thắng của Chúa Ki-tô đối với sức mạnh chia rẽ của tội lỗi.”

Nguồn : Vietcatholic



Để lại một bình luận