GIÁ PHẢI TRẢ ĐỂ THEO CHÚA…
Sau nhiều lần khẳng định với các môn đệ về vai trò và sứ mạng của mình là “…lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và nộp Người cho dân ngoại” (Mc 10,33). Vì thế, “khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời. Người nhất quyết lên Giêrusalem” (Lc 9,51).
Cuộc hành trình này có thể nói là “lành ít dữ nhiều”… Để lên Thành Thánh. Thầy và trò phải “quá cảnh” một làng người Samari. Có một lần Đức Giêsu và các môn đệ cũng đã “băng qua Samari” nhân dịp trở về Galilê. Hôm đó, Đức Giêsu với những lời thuyết giảng đầy thần tính đã khiến cho “nhiều người trong thành đó đã tin”. Chẳng nhưng tin, họ còn “xin Người ở lại với họ” (Ga 4,39-40).
Nhưng hôm nay, Samari làm mặt lạnh lùng… Samari lãnh đạm… thờ ơ… vô cảm… Một sự phẫn nộ đã bùng phát nơi các môn đệ. Các ông phẫn nộ bởi “dân làng không đón tiếp Người” (Lc 9,53). Chính vì thế hai ông Giacôbê và Gioan đã đòi đem “lửa từ trời xuống thiêu hủy” dân làng Samari.
Đối với Đức Giêsu; sự thờ ơ và lãnh đạm của dân làng Samari chính là thước đo cho sự bao dung và lòng nhẫn nại của người môn đệ. Chính vì thế Đức Giêsu đã “quay lại quở mắng các ông”. Phải chăng các ông không nhớ lời Ngài đã nói rằng : “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) !.
Vâng, “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17).
Một chút tâm tình…
Có thể nói “sự cố Samari”. Vâng, có thể nói rằng đó không phải là vấn đề Đức Giêsu quan ngại. Điều Đức Giêsu quan ngại chính là tính chất của người môn đệ khi đi theo Ngài. Một người môn đệ thực sự tiếp nhận và đi theo Ngài, không đơn thuần chỉ là “Thầy đi đâu, tôi cũng đi theo” mà còn phải dám bất chấp mọi hiểm nguy, thiếu thốn, kể cả phải đến những nơi “không có chỗ tựa đầu”. (Lc 9, 58).
Một người môn đệ khi đáp lại lời mời gọi phải hành động “lập tức” không chần chừ. Tấm gương bốn môn đệ đầu tiên khi đáp lời mời gọi của Đức Giêsu; hẳn là một bài học tốt cho những ai muốn “Theo Chúa”. Chuyện kể lại rằng : các ông đã “lập tức… bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,22).
Đức Giêsu không “hoan nghênh” thái độ lấp lửng “xin phép cho tôi về… xin phép cho tôi từ biệt…” (Lc 9, 59…61)… rồi tôi sẽ v.v…và v.v…
Cái giá phải trả để theo Chúa chính là “sự từ bỏ”. Vâng, Đức Giêsu đã nói : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình…”(Lc 9,23).
Một phút suy tư…
Ba câu trả lời của Đức Giêsu cho ba nhân vật muốn đi theo Ngài; tuy từ ngữ khác nhau nhưng tựu trung cùng một ý nghĩa là “phải biết từ bỏ chính mình cùng với các liên hệ một cách dứt khoát”.
Bốn mươi lăm phút để tham dự một Thánh Lễ; thế mà chúng ta không dám từ-bỏ-chính-mình bằng cách tắt nguồn “điện thoại di động” mặc cho nó réo inh ỏi… gây chia trí cả một cộng đoàn !!!
“Chiều hôm nao tiếng hát bay cao. Quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời” (1) … Vậy mà chúng ta không dám từ-bỏ-chính-mình cùng với các mối liên hệ có nguy cơ gây đổ vỡ cho cuộc sống hôn nhân một cách “dứt khoát”…
Vâng, phải chăng những hành động đó có khác nào chúng ta “đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau” !!!
Là một Kitô hữu; có nghĩa là chúng ta trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Và để trở thành người môn đệ đích thực của Ngài – theo như lời Linh Mục Cheveier đã nói : “chắc chắn chúng ta phải chấp nhận từ-bỏ-chính-mình ở một mức độ cần thiết. Nếu không… Vâng, nếu không, danh hiệu là người-môn-đệ-Đức- Giêsu-Kitô của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa”.
Petrus.tran
…….
(1) Trích nhạc phẩm DIỄM TÌNH CA 3 – Linh mục THÀNH TÂM.