LỄ CHÚA LÊN TRỜI
NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN THÔNG
“Chính anh em là chứng nhân về những điều này….” (Lc 46,48)
TRUYỀN THÔNG
PHƯƠNG TIỆN LOAN BÁO TIN MỪNG HỮU HIỆU
Lm Giuse Hoàng Huy Cường, OP.
Chuyện kể rằng : sau khi về trời, Tổng lãnh thiên thần Gabriel đón gặp Chúa Giêsu và muốn trao đổi với Ngài về một vài vấn đề : – Xin chúc mừng Chúa đã hoàn tất tốt đẹp sứ mệnh cứu độ của Ngài trên trần gian, Sứ thần nói.
– Cám ơn, cám ơn, quá khen, Chúa Giêsu đáp.
– Nhưng con xin hỏi Chúa là khi về trời còn ai tiếp nối sứ mệnh của Chúa nữa không ?
– Có chứ, có chứ….Ta đã truyền lại các bí kíp cho 12, 13 đệ tử thật tuyệt vời rồi.
– Con số ít ỏi như vậy liệu chừng có thể thông tin đi khắp trái đất không, vì chẳng có phương tiện truyền thông đại chúng gì cả. Hơn nữa nhóm 12, 13 nhỏ như thế nhỡ may thất bại thì sao? Chúa có phương án 2 không?
– Không, Ta không cần phương án 2, Ta chắc chắn là sẽ thành công, vì Ta đã trực tiếp huấn luyện suốt 3 năm trời !!!
– Vậy một lần nữa xin chúc mừng Chúa đã hoàn thành sứ mệnh……………..
Vâng, một cuộc đối thoại tuởng tuợng nho nhỏ trên muốn nói với chúng ta về sứ mệnh mà Chúa Giêsu muốn trao phó. Sứ mệnh mà sau khi về trời Chúa truyền lại cho các môn đệ : “Chính anh em là những chứng nhân ….”
Thánh sử Luca diễn tả cảnh Chúa Giêsu về trời thật ngoạn mục : “đang khi chúc lành cho các môn đệ, Ngài được cất lên trời… Có một tác giả thời trung cổ đã diễn tả cảnh Chúa về trời rất hay : “Khi về trời, Chúa Giêsu được cất lên trời theo thế thẳng đứng. Và từ từ Chúa khuất dạng sau đám mây, trước hết là người ta không thấy đầu Chúa, ngực Chúa… cuối cùng là 2 bàn chân Chúa…
Có một vài nhà giảng thuyết còn hùng hồn hơn nữa diễn tả rằng : Sau khi chết và sống lại, Chúa bay vút lên trời ngự bên hữu Chúa Cha ngay, nhưng lại quên…Ngài xin phép Chúa Cha lượn xuống thăm Đức Mẹ… lượn vài vòng thăm bà thánh Maria Mácđala… rồi thăm một vài môn đệ… thăm các tông đồ… hihihi
Kính thưa quí anh chị và các em thiếu nhi rất thân mến,
Mừng kính Chúa Lên Trời, không phải là chúng ta xem Chúa đã lên trời như thế nào và với cách thức nào, mà chúng ta khám phá ra sứ điệp Ngài muốn, sứ điệp mà Ngài đã ấm ủ và rao giảng cả cuộc đời. Sứ điệp mà Ngài đã dùng chính mạng sống của mình để loan báo và minh chứng.
Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Chúa Thăng Thiên, không phải là cứ đứng ngửa mặt lên trời ngắm Chúa, mà chúng ta lãnh nhận lệnh truyền của Ngài “Anh em hãy làm chứng cho Thầy”. Khi về trời, Chúa Giêsu truyền lại cho Giáo hội mệnh lệnh loan báo Tin Mừng.
Thật ý nghĩa từ mấy chục năm nay, Giáo Hội Công Giáo chọn Chúa Nhật lễ Chúa Lên Trời là ngày Truyền Thông xã hội. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại mà chưa bao giờ những phương tiện truyền thông phát triển cực kỳ tốc độ và cực kỳ tinh vi mà người ta gọi là thời đại “bùng nổ thông tin” như ngày nay. Và Giáo hội mời gọi chúng ta hãy tận dụng những phương tiện truyền thông đó để loan báo Tin Mừng.
Trong Sứ điệp cho ngày Thế Giới Truyền Thông 41 năm 2007, Đức Bênêdictô XVI chọn chủ đề : “Trẻ Em và Truyền Thông, một thách đố cho vấn đề giáo dục”.
Trong Sứ điệp, Ngài nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của các phụ huynh trong việc giúp các trẻ em tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông cho có ích. Trong đó hai phương tiện được nhắc đến đó là Truyền hình và Internet.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc giáo dục trong chiều kích trẻ em bị chi phối bởi truyền thông và việc giáo dục trẻ em đón nhận truyền thông. Các phụ huynh cần huấn luyện lương tâm các em biết phân biệt và đón nhận những phương tiện truyền thông thế nào cho xứng đáng với ơn huệ Chúa ban.
Xin mượn một vài phân tích trong ngành Truyền thông để áp dụng vào việc loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã trao ban. Khi nói đến những điều kiện Truyền thông, người ta thường nói đến 5 yếu tố sau :
1. Nguồn truyền thông (nguồn mạch, source) :
2. Phương tiện truyền thông (Kênh, Channel) :
3. Thông điệp truyền thông (điều muốn nói, Message) :
4. Đối tượng truyền thông (người tiếp nhận, Receiver) :
5. Phản hồi truyền thông (chọn lựa, choose) :
Để cụ thể, xin đưa ví dụ cho dễ hiểu. Ta mở một kênh truyền hình lên, ta thấy Bé Xuân Mai đang hát.
– Bé Xuân Mai chính là nguồn truyền thông (bằng trang phục, nét mặt, ánh mắt, nụ cười, cả con người),
– Bé Xuân Mai sử dụng phương tiện bằng giọng ca,
– Bé Xuân Mai chuyển tải sứ điệp là nội dung bài hát: về tình bạn, tình yêu, về cuộc sống….
– Chúng ta ngồi xem là đối tượng đón nhận, lắng nghe, suy nghĩ…
– Và ta phản hồi, tức là ta đón nhận hay ta chuyển kênh khác và buông một câu : hát dở ẹc…
(Ngày hôm nay dần dần nhà nào cũng có Internet, bao nhiêu bạn nhà có Internet ?)
Hay là ngồi trước máy vi tính, ta mở một trang web :
– Trang web đó chính là nguồn truyền thông,
– Và phương tiện được sử dụng là hình ảnh và chữ viết (các em thích xem trang web nào ?)
– Thông điệp muốn chuyển tải là nội dung của trang web và có cả ý đồ của người viết web,
– Ta ngồi trước Monitor là đối tượng : nhìn xem, đọc hay không.
– Và ta có trố mắt nhìn vào những hình ảnh trên trang web đó hay chuyển trang web khác là sự phản hồi, thái độ chọn lựa của ta….
Với đường truyền ADSL, trong một tích tắc là chúng ta đã có thể nhìn thấy cả thế giới rồi.
Bên cạnh những trang web lành mạnh, không ít những trang web thiếu lành mạnh, mà những trang web này lại rất thu hút các bạn trẻ và các em thiếu nhi…
(Có một vài phụ huynh lại còn vô tư mở những trang web không lành mạnh … ngay cả khi có cả con cái ở đó, với ý nghĩa rằng nó còn nhỏ … lại còn giới thiệu cho bạn bè nữa…)
Cả quí phụ huynh và cả các em thiếu nhi đều có bổn phận là phải biết và can đảm chọn lựa những trang web nào, “sứ điệp” nào, mang lại lợi ích cho đời sống đức tin của chúng ta và ta có thể gởi những thông điệp đó cho bạn bè của mình.
Internet thì có rất nhiều trang Web Nhà Đạo và riêng giáo xứ Đaminh chúng ta cũng đã có rất nhiều trang web : Đó là gxdaminh.net ; daminhvn.net ; tinvuivn.com ; sinhviendaminh.net ; dominiart.net ; tuoimuctim.net ; giadinhtruyentin.com ... chưa kể đến “blog” của các ca đoàn Hài Đồng, Anbê, Thánh Gia…
Nhưng trong bối cảnh xã hội Việt Nam, chúng ta không có một Kênh truyền hình nào, không có một đài phát thanh nào là của Giáo Hội Công Giáo ?
Và kể cả không có một nhà xuất bản chính thức nào của Giáo hội Công giáo ??? Đó là hạn chế của việc loan báo Tin Mừng !!!
Vậy ta chỉ còn có 2 yếu tố trong truyền thông thôi : tiếp nhận và phản hồi.
Việc loan báo Tin Mừng của chúng ta cũng là một hoạt động truyền thông. Có rất nhiều phương tiện để ta vận dụng vào việc loan báo Tin Mừng. Không những các phương tiện thông tin đại chúng, mà bằng chính con người của mình. Một lời loan báo về niềm vui và hy vọng sẽ hiển hiện trên những khuôn mặt rạng rỡ. Một lời loan báo về tình yêu sẽ hiện rõ trên khuôn mặt hân hoan…và một lời loan báo đầy xác tín sẽ biễu lộ trong những hành động yêu thương.
Từng lời nói, hành động của ta: ánh mắt, nụ cười, và những việc làm tốt dù nhỏ nhoi, cũng đều có thể thực hiện được sứ điệp mà Đức Giêsu, Đấng Lên Trời truyền lại là hãy đi khắp tứ phương rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, làm phép rửa cho họ Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Mừng Chúa Lên Trời, không phải chỉ đứng ngước mắt về trời cao, mà đón nhận sứ mệnh Chúa trao, sử dụng những phương tiện mình có, làm chứng cho Chúa, trở nên chứng nhân của Thầy Giêsu.
Xin mượn câu chuyện sau như một chứng từ để thúc đẩy chúng ta sẵn sàng làm chứng cho sứ điệp của Đức Giêsu Kitô :
Trong một lớp học tại Nhật bản, các bạn trong lớp tố cáo với thầy hiệu trưởng rằng, trong lớp có một bạn, trước khi vào buổi học thường làm một hành động có vẻ bùa chú, làm cho các bạn trong lớp rất sợ hãi. Vào một buổi học, thầy hiệu trưởng được mời đến, và khi được hỏi, em đó đứng lên và nói với thầy hiệu trưởng với giọng run rảy, rụt rè rằng : Thưa thầy, em chỉ xin Chúa chúc lành cho giờ học này của em bằng việc em làm dấu thánh giá thôi. Tức thì thầy hiệu trưởng xúc động gục mặt xuống bàn, hai hàng nước mắt của thầy tuôn trào. Thầy ngước mặt lên và nói với các em trong lớp rằng : Thầy cũng là người công giáo, nhưng Thầy không dám tuyên xưng niềm tin của mình. Hôm nay em đã được Chúa gởi đến để nhắc nhớ Thầy (Các em thiếu nhi có làm được như vậy không ?).
Kính thưa cộng đoàn và các em Thiếu nhi thân mến,
Chúng ta phải hãnh diện về niềm tin của mình và can đảm tuyên xưng niềm tin đó trong cuộc sống hằng ngày như người bạn trong câu chuyện trên đây. Một hành động rất nhỏ là làm dấu thánh giá trước giờ học đã đủ là một lời tuyên xưng mạnh mẽ về Chúa Giêsu Lên Trời. Với niềm xác tín đó, chúng ta cùng đứng lên tuyên xưng đức tin thật mãnh liệt như những chứng nhân của Chúa giữa muôn người.
Tôi tin kính… Chúa Lên Trời !!!