Những Gánh Rơm Của Ngoại
Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm. Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ. Chổi to bà quét sân to, ấy còn chổi nhỏ bà để cho bé chăm lo quét nhà – ngày còn bé, ngoại tôi thường ngân nga như thế cho tôi nghe mỗi khi hai bà cháu cùng ngồi bện chổi.
Có một thời gian dài tôi nghĩ đó là lời ca chỉ mình ngoại mới có và chỉ riêng tôi mới biết. Vì thế, đến khi cắp sách đến trường, nghe cô giáo dạy bài hát này và bảo rằng của nhạc sĩ nào đó, tôi vẫn khăng khăng: “Cô sai rồi, bài này là của ngoại con, cô đánh cắp của ngoại con!”. Mặc cho cô giáo giải thích thế nào, tôi vẫn cứ nước mắt ngắn dài chạy về nhà mách ngoại.
Tôi nhớ sau mỗi mùa gặt, ngoại thường mang đòn gánh ra đồng để quảy rơm về. Những gánh rơm được ngoại phơi khô và bảo quản rất cẩn thận. Có lần tôi thắc mắc: “Cái đó người ta bỏ đi, ngoại còn mang về nhà làm gì?”. Ngoại xoa đầu tôi và cười bảo: “Người ta bỏ đi không có nghĩa là mình không tận dụng được. Rồi cháu sẽ thấy những gánh rơm ngoại mang về đều có ích cả”.
Quả đúng vậy, trong “kho tàng rơm” của mình, ngoại chọn ra những sợi to nhất, dài và dai nhất để làm chổi và thảm lau nhà. Tôi thích ngồi xem ngoại làm và nghe ngoại hát khúc hát quen thuộc. Đôi tay ngoại lên xuống nhanh thoăn thoắt theo những sợi rơm làm tôi hoa cả mắt. Cứ thế, gần chục chiếc chổi và thảm rơm xinh xinh được ngoại hoàn thành chỉ trong một ngày để kịp đưa xuống chợ bán vào sáng hôm sau. Tôi còn nhớ lúc ấy ngoại có làm cho tôi cái chổi bé tẹo, khiến tôi vui đến nỗi mất ngủ cả đêm.
Phần rơm còn lại ít dai và ngắn hơn một chút, ngoại dùng trải lên mặt những luống rau của mình sau khi gieo hạt. Ngoại bảo làm thế cho ấm đất, hạt nhanh nảy mầm. Dần dần, lượng rơm này sẽ phân hủy thành chất hữu cơ rất tốt cho rau. Ngoài ra, ngoại còn tết rơm thành những chú bù nhìn canh giữ cho những luống rau khỏi bị gà vịt, chim chóc phá hoại.
Tôi đặc biệt thích món nấm rơm ngoại ủ. Dùng nấm kho chung với thịt hay nấu canh rau tập tàng vừa ngọt vừa mát. Ngoại nói nấm mình tự trồng vừa ngon lại vừa sạch, tốt cho sức khỏe vì không có thuốc hóa học. Chắc cũng tại vì sở thích này mà bây giờ ai cũng bảo trông người tôi như một cây nấm lùn di động.
Không chỉ có thế, phần rơm vụn còn lại sau khi bện chổi và thảm vẫn được ngoại gom lại để dành nhóm bếp nấu cho tôi khi nồi xôi gấc, khoai lang thơm phức, khi nồi chè đậu, chè chuối ngọt ngào. Ngoại thường dạy tôi phải biết tiết kiệm từ những cái nhỏ nhặt nhất, điều này sẽ có ích cho tôi khi trưởng thành.
Giờ đây, ngoại tôi đã đi xa cùng những sợi rơm tần tảo năm nào. Rơm khô ngày nay chủ yếu cho trâu, bò ăn. Ở quê, tôi cũng không còn trông thấy ai dùng rơm mà bện chổi nữa mà thay vào đó là cây đót, nan dừa được ưa chuộng nhiều hơn.
Thế nhưng hình ảnh ngoại cùng những gánh rơm của mình đã đi vào lòng tôi không bao giờ có thể phai nhòa. Gánh rơm của người bà yêu kính đã dạy tôi bài học đầu đời về sự tiết kiệm mà cho tới hôm nay, nhờ nó, tôi có thể vững bước trên con đường tương lai của mình.
Lý Huỳnh