Tính nhân văn trong Kinh Thánh

Thuyết trình chuyên đề tháng 4.2010

Tính nhân văn trong Kinh Thánh

Nghe một phần thuyết trình và giải đáp

/nhanvan_kinhthanh


Tính nhân văn trong Kinh ThánhTrong buổi thuyết trình chuyên đề ngày 11.04.2010, cha Vinhsơn Phạm Xuân Hưng, giáo sư Kinh Thánh Học viện Đaminh đã tình bày về “Tính nhân văn trong Kinh Thánh”. Với lối văn hùng biện nhưng dí dỏm, cha Vinhsơn đã giúp cử tọa thấy được tính nhân văn tràn ngập trong Kinh Thánh mà thường ta không hề biết hay quan tâm.

Đầu tiên, cha không đồng ý quan điểm cho rằng trong Kinh Thánh không có tính nhân văn, chỉ thuần tính thần linh, thuyết giáo. Người ta cho rằng con người chỉ là con cờ trong bàn tay Thiên Chúa và Kinh Thánh chỉ là tư tưởng của Thiên Chúa áp đặt lên con người. Nhưng thực ra không phải như vậy, Thiên Chúa chỉ hướng dẫn con người nương theo những giới hạn của con người, đó là “kỹ năng sư phạm” của Thiên Chúa. Người ta có thể thắc mắc tại sao không có khái niệm về nhân văn, nhân bản hay nhân tính trong từ điển Kinh Thánh hay Bách khoa toàn thư về Kinh Thánh. Theo diễn giả, là bởi vì tính nhân văn gần như là chuyện hiển nhiên, xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong Kinh Thánh nên việc định nghĩa nó trở nên thừa thãi.

Xét vì cộng đoàn quen thuộc hơn với Tân Ước, trong đó tính nhân văn cũng rất dễ thấy nên cha chủ yếu chia sẻ nội dung trong Cựu Ước.

Một sai lầm chúng ta hay mắc phải khi đọc Cựu Ước là đem những giá trị nhân văn thế kỷ 21 áp dụng cho thời kỳ trước công nguyên. Đây thực sự là một việc làm ngớ ngẩn khi các giá trị văn hóa có tính lịch sử của nó, nó chỉ đúng đắn thích hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định. Ví dụ như quan điểm “nam nữ thụ thụ bất  thân” là một nét văn hóa ngày xưa nhưng bây giờ đã trở nên lạc hậu, lỗi thời.       

Cha nhấn mạnh Cựu Ước thật sự là một quyển bách khoa toàn thư về con người mang đậm tính nhân văn. Nó thể hiện mọi mặt đời sống, điều chỉnh mọi mối quan hệ của con người.

Quan hệ gia đình

Cựu Ước phản ánh mọi mối quan hện trong gia đình, giữa cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng. Không những quy định các thành viên trong gia đình phải yêu thương nhau, Cựu Ước còn có những câu chuyện sinh động về những mối quan hệ ấy, như chuyện bà Rút và mẹ chồng, các anh em con ông Gia-cop… Một điều khá thú vị là Cựu Ước còn nói đến những vấn đề khá nhạy cảm, tế nhị như quan hệ vợ chồng, những vấn đề liên quan đến tục “thế huynh”…

Tính nhân văn trong Kinh Thánh
Chuyện bà Ruth

Quan hệ xã hội

Với bạn bè, sách Huấn Ca sử dụng cách nói rất hình ảnh, dễ hiểu để khuyên mọi người trân trọng tình bạn, đối xử với nhau chân tình, cấm các hành động làm tổn thương tình bạn như đánh nhau, mắng nhiếc.

Với các thành phần bất hạnh trong xã hội, Cựu ước dành sự quan tâm đặc biệt cho các thành phần này. Luật daỵ ta phải yêu thương, giúp đỡ người nghèo, cưu mang nô lệ khi họ chạy trốn chủ cũ mà tìm đến với mình. Luật quan tâm đặc biệt đến 3 thành phần đau khổ là cô nhi, quả phụ và ngoại kiều. Chúa luôn thường xuyên nhắc nhở dân Do Thái ý thức thân phận ngoại kiều, nô lệ họ phải chịu khi còn ở bên Ai Cập để yêu thương, đùm bọc những người bất hạnh.

Tình yêu

Sách Diễm Ca là cả một kho tàng về tình yêu. Trong đó đầy dẫy những câu chuyện tình lãng mạn, những lời nói yêu thương rung động lòng người. Sách Cựu ước cũng quan tâm đặc biệt đến những đôi vợ chồng mới cưới khi miễn cho người chồng 1 năm không phải lao dịch hay đi lính để chăm lo hạnh phúc gia đình.

Quan hệ với thiên nhiên

Người ta hay lấy lệnh truyền của Chúa trong sách Sáng Thế: “Các ngươi hãy sinh sôi cho đầy mặt đất, làm chủ cá biển chim trời và mọi loài thọ tạo” để biện hộ cho hành động phá hoại môi trường của mình, mà không để ý thấy trong Cựu Ước có những đoạn nói về cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Con người phải làm việc 6 năm, nghỉ 1 năm là năm Sa-bat để cho đất đai nghỉ ngơi, làm việc 6 ngày, nghỉ ngày Sa-bat cho thú nuôi nghỉ ngơi, tránh vắt kiệt thiên nhiên. Cựu Ước cũng quy định phải vệ sinh môi trường sạch sẽ.


Với câu kết “Bất kỳ xã hội, giáo thuyết hay tôn giáo nào không mang tính nhân văn, không phục vụ con người sẽ phải diệt vong, biến mất” cha đã khẳng định chắc chắn về tính nhân văn trong Kinh thánh đã được thử thách qua chiều dài hơn 2000 năm lịch sử. Như vậy, Kinh Thánh không chỉ mang tính nhân văn mà phải là một cuốn sách giáo khoa về tính nhân văn.



Để lại một bình luận