SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI
CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI LẦN THỨ 47
Ngày 25.04.2010 – Chúa Nhật IV Phục Sinh
Chủ đề : Đời sống chứng tá khơi dậy các ơn gọi.
Anh em Giám mục và Linh mục đáng kính,
Anh chị em thân mến !
Ngày Thế Giới cầu nguyện cho các Ơn gọi lần thứ 47 mà chúng ta sẽ cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh – Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành” – ngày 25/04/2010, cho tôi cơ hội đề nghị cho anh chị em suy niệm một đề tài rất phù hợp với Năm Linh Mục: Đời sống chứng tá khơi dậy các ơn gọi. Quả thế, sự phong nhiêu của việc cổ vũ ơn gọi trước tiên tùy thuộc vào hành vi nhưng không của Thiên Chúa; nhưng, như kinh nghiệm mục vụ xác nhận, nó cũng được trợ giúp bởi phẩm chất và bởi sự phong phú của chứng tá cá nhân và cộng đoàn của những người đã đáp trả lại tiếng gọi của Chúa trong thừa tác vụ linh mục và trong đời sống thánh hiến: chứng tá của họ có thể khơi dậy nơi những người khác, đến lượt họ, ước muốn đáp trả lại cách quảng đại tiếng gọi của Chúa Kitô. Bởi thế, đề tài này được liên kết chặt chẽ với đời sống và sứ mạng của các linh mục và của những người được thánh hiến. Đó là lý do mà tôi muốn mời gọi tất cả những ai mà Chúa đã kêu gọi làm việc trong vườn nho của Ngài, canh tân lòng trung tín của lời đáp trả của họ, đặc biệt trong Năm Linh Mục này được khai mở nhân dịp kỷ niệm lần thứ 150 ngày mất của Cha Sở thánh xứ Ars, mẫu gương linh mục và cha sở luôn thời sự.
Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã biết rằng họ được kêu gọi để làm chứng cho những gì họ loan báo bằng cuộc sống của họ, và họ sẵn sàng đương đầu ngay cả với sự hiểu lầm, sự chối bỏ, sự bách hại. Sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó cho họ hoàn toàn bao hàm chúng, họ như có “ngọn lửa cháy” trong tim mà không thể nén lại được (x. Gr 20, 9) và họ sẵn sàng không chỉ dùng tiếng nói của mình để phục vụ Chúa , nhưng còn tất cả các phương diện của cuộc sống của họ nữa. Khi tới thời viên mãn, Chúa Giêsu, Đấng Chúa Cha sai đến (x. Ga 5, 36), có nhiệm vụ làm chứng, bằng sứ mạng của Ngài, cho tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người không phân biệt, với sự quan tâm đặc biệt dành cho những người bé mọn nhất, những người tội lỗi, những người sống bên lề xã hội, những người nghèo khổ. Ngài là Chứng Nhân tuyệt vời về Thiên Chúa và về ý muốn của Người là mọi người đều được cứu rỗi. Vào buổi đầu của thời đại mới, bằng cuộc sống hoàn toàn được thánh hiến để chuẩn bị đường cho Chúa Kitô, Gioan Tẩy Giả đã làm chứng rằng các lời hứa của Thiên Chúa được hoàn tất trong người Con của Đức Maria thành Nazarét. Khi ông thấy Ngài đến ở sông Gio-đan, nơi ông đang làm phép rửa, ông đã giới thiệu Ngài như là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” cho các môn đệ của mình (Ga 1, 29). Chứng tá của ông phong nhiêu đến nỗi hai môn đệ của ông “khi nghe ông nói như thế, đã đi theo Chúa Giêsu” (Ga 1, 37).
Cũng thế, theo như những gì được Thánh sử Gioan kể lại, ơn gọi của Phêrô là thông qua chứng tá của anh của mình là Anrê, người mà sau khi đã gặp Thầy và đã đáp lại lời mời gọi của Ngài là ở lại với Ngài, đã cảm thấy nhu cầu thông báo ngay cho em của mình về những gì mà mình đã khám phá khi “ở lại” với Chúa: “Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Messia – nói cách khác là Đấng Kitô – rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu” (Ga 1, 41-42). Đó cũng là những gì đã xảy đến cho Nathanaël, tức là Bartôlômêô, nhờ chứng tá của một môn đệ khác là Philipphê, người đã vui mừng chia sẻ cho Nathanaël khám phá lớn lao của mình: “ Người mà luật Môisê và các Ngôn sứ nói đến, chúng tôi đã gặp Người: đó là Đức Giêsu con của ông Giuse, ở Nazareth” (Ga 1, 45). Sáng kiến tự do và nhưng không của Thiên Chúa gặp gỡ và chất vấn trách nhiệm nhân loại của những ai đón nhận lời mời gọi của Ngài trở nên những dụng cụ của tiếng gọi của Thiên Chúa nhờ chứng tá riêng của mình. Điều này vẫn còn xảy đến hôm nay trong Giáo Hội: Thiên Chúa dùng chứng tá của các linh mục trung thành với sứ mạng của mình để khơi lên những ơn gọi linh mục và tu sĩ mới để phục vụ dân Thiên Chúa. Đó là lý do mà tôi muốn nhắc lại ba khía cạnh của đời sống linh mục, mà theo tôi là thiết yếu cho một chứng tá linh mục hữu hiệu.
Tình bạn với Chúa Kitô là một yếu tố căn bản và có thể nhận thấy được của mọi ơn gọi linh mục và thánh hiến. Chúa Giêsu đã sống trong sự kết hiệp liên lỉ với Cha của Ngài, điều đã khơi lên nơi các môn đệ ước muốn sống chính kinh nghiệm đó, bằng cách học hỏi từ nơi Ngài sự hiệp thông và đối thoại không ngừng với Thiên Chúa. Nếu linh mục là “người của Thiên Chúa”, người thuộc về Thiên Chúa và là người giúp cho biết Ngài và yêu mến Ngài, thì linh mục không thể không vun trồng một sự thân mật sâu xa với Ngài, ở lại trong tình yêu của Ngài, bằng cách dành chỗ cho việc lắng nghe Lời của Ngài. Đời sống cầu nguyện là chứng tá đầu tiên khơi dậy các ơn gọi. Cũng như tông đồ Anrê đã loan báo cho em mình biết là đã gặp Thầy, thì người nào muốn làm môn đệ và chứng nhân cho Chúa Kitô cũng phải đã “gặp” Ngài cách cá nhân, đã biết Ngài, đã học biết yêu mến Ngài và ở lại với Ngài.
Việc trao hiến hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa là một khía cạnh khác của việc thánh hiến linh mục và của đời sống thánh hiến. Thánh Gioan Tông đồ đã viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1Ga 3, 16). Bằng những lời này, ngài đã mời gọi các môn đệ bước vào trong chính lôgíc của Chúa Giêsu, Đấng mà, trong suốt toàn bộ cuộc sống của mình, đã thực thi ý muốn của Cha cho đến hoàn toàn tự hiến trên thập giá. Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ ở đó trong tất cả sự tròn đầy của nó: tình yêu thương xót đã chiến thắng bóng tối của sự dữ, của tội lỗi và của cái chết. Cử chỉ của Chúa Giêsu mà, vào bữa Tiệc Ly, đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn rồi thắt lưng, và cúi xuống để lau chân cho các Tông đồ, diễn tả ý nghĩa phục vụ và sự trao hiến được biểu lộ trong toàn thể cuộc sống của Ngài, trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha (x. Ga 13, 3-15). Bước theo Chúa Giêsu, toàn thể con người mà được kêu gọi sống một đời thánh hiến riêng biệt phải nỗ lực làm chứng cho sự trao hiến hoàn toàn chính mình này cho Thiên Chúa. Chính từ đó mà tiếp đến nảy sinh khả năng tự hiến cho những người mà Thiên Chúa Quan Phòng giao phó cho người ấy trong thừa tác vụ mục tử, bằng sự tận tâm trọn vẹn, thường hằng và trung tín, trong niềm vui trở nên bạn đồng hành với biết bao anh chị em, để họ mở mình ra cho sự gặp gỡ với Chúa Kitô và để Lời của Ngài trở nên ánh sáng trên đường đời của họ. Lịch sử của mỗi ơn gọi hầu như luôn được liên kết với chứng tá của một linh mục đã sống cách vui tươi sự trao hiến chính mình cho anh chị em của mình vì Nước Trời. Điều đó là bởi vì sự gần gũi và lời nói của một linh mục đều có khả năng làm nảy sinh những câu hỏi và có khả năng đưa đến những quyết định, thậm chí là dứt khoát (x. Gioan-Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám mục Pastores dabo vobis, số. 39).
Sau cùng, sống hiệp thông là khía cạnh thứ ba mà không thể không làm rõ nét người linh mục và người sống đời thánh hiến. Chúa Giêsu đã chỉ ra sự hiệp thông sâu xa trong tình yêu như là dấu chỉ phân biệt của người muốn làm môn đệ của Ngài: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Cách đặc biệt, linh mục phải là một người hiệp thông, mở ra cho hết mọi người, có khả năng làm cho tất cả đoàn chiên mà Chúa nhân từ đã giao phó cho mình bước đi trong sự hiệp nhất, bằng cách giúp cho đoàn chiên vượt qua những chia rẽ, khâu lại những chỗ rách, san bằng những mâu thuẫn và những hiểu lầm, tha thứ cho những xúc phạm. Khi gặp Hàng giáo sĩ của Aoste vào tháng Bảy năm 2005, tôi đã nói rằng nếu giới trẻ thấy các linh mục cô đơn và buồn bã, thì chắc chắn họ không cảm thấy được khích lệ đi theo mẫu gương của họ. Họ vẫn sẽ bối rối nếu họ bị khiến cho nghĩ rằng tương lai của linh mục là như thế. Trái lại, thật quan trọng việc thể hiện sự hiệp thông đời sống mà cho họ thấy vẻ đẹp của thiên chức linh mục. Khi đó, người trẻ sẽ nói: “Điều đó cũng có thể là một tương lai cho tôi, người ta có thể sống như thế” (Insegnamenti I, [2005], 354). Về chứng tá khơi dậy các ơn gọi, Công đồng Vatican II nhấn mạnh mẫu gương đức ái và hợp tác huynh đệ mà các linh mục phải mang lại (x. Sắc lệnh Optatam totius, số. 2).
Tôi muốn nhắc lại những gì mà vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi là đức Gioan-Phaolô II đã viết: “ Đời sống của các linh mục, sự tận tâm triệt để cho dân Thiên Chúa, chứng tá phục vụ yêu thương của họ cho Chúa và cho Giáo Hội của Ngài – một chứng tá được đánh dấu bằng dấu chỉ thập giá, được chấp nhận trong niềm hy vọng và niềm vui phục sinh – , sự hòa hợp huynh đệ và sự nhiệt thành phúc âm hóa thế giới của họ là những nhân tố đầu tiên và thuyết phục nhất của sự phong nhiêu ơn gọi” (Pastores dabo vobis, 41). Người ta có thể nói rằng các ơn gọi linh mục nảy sinh từ sự tiếp xúc với các linh mục, theo kiểu một gia sản quý báu được truyền lại bằng lời nói, bằng gương sáng và tất cả cuộc sống.
Điều này cũng có giá trị cho đời sống thánh hiến. Chính cuộc sống của các nam nữ tu sĩ nói về tình yêu Chúa Kitô khi họ bước theo Ngài trong sự trung tín hoàn toàn với Tin Mừng và đảm nhận cách phấn khởi những tiêu chí phán đoán và hành xử của Tin Mừng. Họ trở nên “dấu mâu thuẫn” đối với thế gian, mà lôgíc của nó thường được gợi hứng bởi chủ nghĩa duy vật, bởi tính ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì họ để cho Thiên Chúa chinh phục mình qua việc từ bỏ chính mình, nên sự trung tín của họ và sức mạnh của chứng tá của họ tiếp tục khơi dậy nơi tâm hồn của biết bao bạn trẻ, đến lượt mình, ước muốn bước theo Chúa Kitô mãi mãi, cách quảng đại và triệt để. Bắt chước Chúa Kitô trong sạch, nghèo khó và vâng phục, và đồng hình đồng dạng với Ngài: đó là lý tưởng của đời sống thánh hiến, chứng tá cho sự tối thượng tuyệt đối của Thiên Chúa trong đời sống và lịch sử của nhân loại.
Mọi linh mục, mọi người nam nữ sống đời thánh hiến trung thành với ơn gọi của mình đều chia sẻ niềm vui phục vụ Chúa Kitô và mời gọi các kitô hữu đáp trả lại ơn gọi nên thánh chung. Do đó, mẫu gương của những ai đã nói lên tiếng “xin vâng” của mình với Thiên Chúa và với dự phóng cuộc sống mà Ngài có trên mỗi người, là không thể thiếu để thăng tiến các ơn gọi đặc thù cho thừa tác vụ linh mục và cho đời sống thánh hiến, để làm cho ơn gọi nên mạnh mẽ hơn và sâu sắc hơn. Chứng tá của bản thân, được thực hiện từ những chọn lựa hiện sinh và cụ thể, sẽ khích lệ các bạn trẻ, đến lượt họ, đưa ra những quyết định đòi hỏi khắc khe mà dấn thân tương lai của họ. Để trợ giúp họ, cần phải có nghệ thuật gặp gỡ và đối thoại có khả năng soi sáng cho họ và đồng hành với họ, nhất là nhờ tính chất gương mẫu của một cuộc đời được sống như là một ơn gọi. Đó là những gì mà Cha Sở Thánh xứ Ars đã thực hiện: khi tiếp xúc thường xuyên với các giáo dân của mình, ngài “đã dạy nhất là bằng chứng tá đời sống của mình. Theo gương của ngài, các giáo hữu đã học cầu nguyện” (Thư gởi các linh mục nhân dịp khai mạc Năm Linh Mục, ngày 16.06. 2009).
Ước gì Ngày Thế Giới này một lần nữa có thể mang lại một cơ hội quý báu cho nhiều bạn trẻ để suy nghĩ về ơn gọi riêng của họ, cùng gắn bó với nó với lòng đơn sơ, tin tưởng và hoàn toàn sẵn sàng ứng trực! Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội, che chở mọi mầm giống ơn gọi, dù nhỏ đến mấy, trong tâm hồn của những ai mà Chúa kêu gọi bước theo sát Ngài hơn; xin Mẹ thực hiện để nó trở nên một cây cao vững vàng, mang đầy hoa trái vì lợi ích của Giáo Hội và của toàn thể nhân loại! Tôi cầu xin cho điều đó và ban Phép Lành Tòa Thánh cho hết mọi người.
Vatican, ngày 13 tháng Mười Một năm 2009
BÊNÊĐICTÔ XVI, Mục tử của các mục tử.
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ