8. Bức họa tử đạo : Đc Borie Cao

 

8. Bức họa cuộc tử đạo của Đức cha Pierre Dumoulin Borie Cao,
ngày 24-11-1838 tại Đồng Hới

Kim Ân

8. Bức họa tử đạo : Đc Borie CaoBức họa cao 1,690 m, rộng 1,074 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng theo luật cường điệu, dường như có áp dụng đôi chút nghệ thuật tả thực. Trong số mười bốn bức, đây là một trong những bức họa có nét vẽ tương đối sắc sảo.

Bức họa tả cảnh pháp trường với những chi tiết giống như trong đa số các bức họa khác. Một đội quân cầm giáo đứng vòng quanh pháp trường. Hai viên quan cưỡi voi chủ trì cuộc hành quyết. Bên ngoài vòng vây quân lính, dân chúng đứng xem khá đông. Ở trung tâm bức họa, Đức cha Borie Cao đang quì trên một manh chiếu, hai tay bị trói về phía sau, áo bị lột trễ xuống tới bên trên thắt lưng [40]. Xung quanh Đức cha Borie Cao có năm người khác: viên trưởng toán đao phủ mặc áo đỏ đứng cắp roi, một viên đao phủ đứng chống gươm, viên đao phủ đang vung gươm và cạnh đó là hai viên đao phủ khác. Bức họa cho thấy máu chảy lênh láng trên cổ, chảy xuống áo Đức cha Borie Cao và xuống manh chiếu.

Thực ra, họa sĩ đã không thể tả hết những điều đã xảy ra. Chúng tôi xin trích dịch lại một đoạn trong cuốn La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères, do Hội MEP ấn hành năm 1865: “… Tên lính được lệnh chém đầu ngài đã uống say để bớt sợ hãi, đến nỗi tay anh ta bị run rẩy nên chém không trúng. Nhát chém thứ nhất trúng tai và theo đà trượt xuống hàm dưới rồi làm vỡ hàm. Nhát chém thứ hai hớt đi phần bả vai và ngoặt vào cổ. Nhát chém thứ ba khá hơn, nhưng chưa thể làm đầu rơi xuống đất. Thấy cảnh này, viên quan án sát [41] hoảng sợ lùi lại. Phải tới nhát chém thứ bảy, màn trình diễn đẫm máu này với hoàn tất, nhưng chỉ sau khi vị tử đạo đã ngã xuống, các viên đao phủ mới cắt đầu ngài lìa khỏi thân”. [42]

Phía trước mặt vị tử đạo, chiếc gông vừa tháo khỏi cổ bị ném xuống đất. Cạnh đó là phiến gỗ sơn vôi ghi bản án. Chúng tôi chỉ còn đọc được lõm bõm một số chữ trên bản án như sau: ‘Danh Cao tức … Phú Lãng Sa quốc … Gia Tô tà giáo cuồng dụ ngu dân … nã tróc quả thị Tây dương nhân đạo trưởng … trảm lập quyết tư bài thị. Minh Mạng thập cửu niên thập nguyệt sơ bát nhật”.

—–

40] Theo cuốn sđd, trang 14-15 và 214-216, cùng bị xử tử ngày 24-11-1838 với Đức cha Borie Cao còn có hai vị khác là cha Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm và cha Phêrô Võ Đăng Khoa. Cũng cuốn sách trên, ở trang 15 còn cho biết thêm rằng bức họa còn được lưu giữ hiện nay là một bản sao, được vẽ để gửi tặng thân mẫu Đức cha Borie Cao. Có lẽ vì thế mà họa sĩ đã chỉ vẽ cảnh hành quyết Đức cha Borie Cao và lược bỏ cảnh xử giảo cha Điểm và cha Khoa. Cuốn sách cũng cho biết Đức cha Borie Cao ngước mắt lên trời, nhìn về phía tây.

[41] Bản Pháp ngữ ghi là “le mandarin criminel”. Chúng tôi xin tạm dịch là quan án sát.

[42] Hội MEP, sđd, tr. 216: “Le soldat auquel on avait imposé l’ordre de lui trancher la tête, s’était enivré pour s’étourdir, en sorte que sa main, mal affermie, portait les coups à faux. Le premier atteignit l’oreille et dans sa violence descendit jusqu’à la mâchoire inférieure qu’il entama. Le second enleva le haut des épaules et le replia sur le cou. Le troisième fut mieux dirigé, mais il ne fit point tomber la tête. A cette vue le mandarin criminel recula d’horreur. Il fallut y revenir jusqu’à sept fois pour achever cette œuvre de sang, et ce ne fut même qu’après que le martyr fut tombé, qu’on sépara la tête du tronc”. Cuốn La salle des Martyrs do Hội MEP ấn hành năm 1988 còn cho biết thêm rằng sau đó viên đao phủ đã bị đánh đòn.

 

Để lại một bình luận