Lòng Nhân Hậu Của Thiên Chúa

 

 

 

LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA QUA CUỘC ĐỜI THÁNH MARTINÔ

(Lc 10, 29-38)

Lòng Nhân Hậu Của Thiên ChúaSống ở đời, ai ai cũng có lúc tối lửa tắt đèn, có lúc lá rách cần lá lành, có lúc chị ngã em nâng. Sống ở đời, ai ai mà không cần tới tình yêu?! Nhưng ít người thực hiện tình yêu. Hay nếu có, chỉ vỏn vẹn trong một khung cảnh gia đình, một lũy tre xanh, hay một nhóm, một tổ chức nào đó mà thôi. Cho nên, cũng vì vậy mà cuộc sống mất đi nhiều nguồn vui.

Mến Chúa yêu người là điều răn căn bản và quan trọng nhất trong đạo Công giáo; và, yêu người như mình ta vậy cũng là câu mà ta thuộc lằm lòng (x. Lc10,27). Thế nhưng, ai là người thân cận, ai là tha nhân mà tôi  phải  yêu mến?

Câu hỏi trên cũng là điều mà vị luật sĩ muốn đặt ra để chất vấn Chúa Giêsu. Thay vì trả lời, Chúa Giêsu kể ra một câu chuyện, mời gọi vị luật sĩ và cả chúng ta nữa, cùng suy gẫm và rút ra bài học cho riêng mình.

Có lẽ, đối với chúng ta, dụ ngôn người Samari nhân hậu quá quen thuộc. Nhưng dù sao, chúng ta cũng hãy thử lý giải thái độ của ba người khách bộ hành trong câu truyện này. Đối với vị luật sĩ và tư tế, họ đã bỏ mặc người bị nạn bên đường. Và dù cho họ có phân bua thế nào đi nữa, thì họ cũng để lộ ra một lý do duy nhất khi làm ngơ trước nạn nhân, đó là: sự dửng dưng, thiếu tình thương thật sự. Họ đã giới hạn tình thương của mình vào những người ruột thịt, bà con thân thuộc. Có lẽ, hầu hết chúng ta để ý đến người Samari mà Chúa Giêsu muốn đưa ra để làm gương cho chúng ta. Quả thật, khi thấy người bị nạn bên đường, anh đã không do dự để xem nạn nhân có phải là anh em, bà con với mình hay không. Anh chỉ biết trước mặt mình là một người bị nạn đang cần sự giúp đỡ. Anh đã ra tay bất chấp mọi phiền hà có thể đến: mất thời gian, tiền bạc, an toàn cá nhân…

Trở lại câu hỏi của vị luật sĩ – dù thành tâm hay ác ý – đã được Chúa Giêsu trả lời bằng một câu truyện minh họa cho giáo lý của Ngài: Yêu thương không giới hạn. Đối tượng yêu thương là tất cả mọi người, nhất là những ai đang đau khổ, bệnh tật, gặp khó khăn trong cuộc sống…

Hơn nữa, câu truyện được kết thúc bằng lời chất vấn lương tâm: thay vì xem ai là người anh em của mình, thì ngược lại, ta phải làm gì để trở nên người anh em thật sự của người khác(x. Lc 10,36). Mẹ Têrêxa Calcutta khi giúp đỡ những người đau yếu bệnh tật, Mẹ không xét “lý lịch”, xem ai là người anh em, chị em của mình, nhưng Mẹ đã ôm ấp, đón nhận tất cả. Trái lại, Ngôn sứ Giôna, ông muốn tránh không đi đến thành Ninivê tội lỗi như lời Chúa truyền. Có lẽ, vì ông không thấy mình có trách nhiệm góp phần cứu thoát những người dân thành Ninivê; nhưng Thiên Chúa đã bắt ông trở lại với anh em, chị em của mình, để làm phúc cho họ bằng việc rao giảng lòng thống hồi(x.Giô-na 1.2).

Lòng Nhân Hậu Của Thiên ChúaHôm nay, Giáo hội hoàn vũ, và đặc biệt Dòng Anh Em Giảng Thuyết mừng kính thánh Máctinô Porét. Thánh nhân nổi tiếng với lòng khiêm nhường và bác ái. Tình thương của Máctinô đã dành hết cho mọi người, không ai bị bỏ xót trong trái tim của Ngài; ngay cả những thú vật ngoài đồng cũng được Ngài yêu thương, quan tâm. Thật là tấm gương huy hoàng về đức bác ái!

Để có được như vậy, thánh nhân đã sống gắn bó với Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa là tình yêu (x.Ga 4,8). Ngài rất yêu mến Chúa Giêsu Thánh thể và sùng kính kinh Mân côi. Cùng với việc cầu nguyện liên lỉ, tuân giữ các lời khuyên phúc âm và sống khổ chế, đã giúp Ngài có một đời sống nội tâm sâu sắc gắn kết Ngài với Thiên Chúa. Từ đó, Ngài mờ lòng phục vụ tha nhân cách nhiệt thành, vô vị lợi.

Quả thật, cuộc sống của Thánh Máctinô đã phác họa hình ảnh Chúa Giêsu nhân hậu. Và Thiên Chúa cũng thể hiện những kì công, lòng thương xót nơi Thánh Máctinô , một con người bình thường như bao người.

Trong cuộc sống hôm nay, đứng trước bao nỗi đau của đồng loại, chúng ta không nên dửng dưng. Trái lại, chúng ta hãy yêu thương và giúp đỡ những anh em xấu số đó. Đối với tha nhân, chúng ta hãy tự hỏi: tôi phải hành xử thế nào? Theo gương người Samari hay luật sĩ và tư tế?

Phần chúng ta, biết bao lần bị tội lỗi làm tổn thương. Nhưng Chúa Giêsu, hình ảnh người Samari nhân hậu, luôn đoái thương, băng bó, tha thứ, và phục hồi sức khỏe cho ta bằng sự sống của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết khiêm tốn và sốt sắng tham dự tiệc Lời và Thánh thể mỗi ngày, để chúng con có đủ sức mạnh, sự sáng suốt để hành động như người Samari hôm nay.

 

Để lại một bình luận