VÀ NHỮNG DẤU NHẤN MỤC VỤ CHO GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thực hiện chuyến viếng thăm ad limina từ ngày 22-06 đến 4-07-2009. Đỉnh cao của chuyến viếng thăm là cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vào ngày 27-06-2009. Trong mỗi cuộc gặp gỡ với từng Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, Đức Thánh Cha đều ban huấn từ cho các giám mục với những nội dung thần học và trọng tâm mục vụ khác nhau, tùy theo hoàn cảnh của từng Giáo Hội địa phương. Huấn từ này có tầm quan trọng đặc biệt vì trong tư cách là vị chủ chăn của Giáo Hội phổ quát, huấn từ của Đức Thánh Cha chính là những định hướng mà mỗi Giáo Hội địa phương phải quan tâm khai triển trong đời sống. Chắc chắn mọi thành phần trong Giáo Hội Việt Nam sẽ lắng nghe, suy nghĩ, trao đổi và khai triển nhiều khía cạnh trong huấn từ quan trọng của Đức Thánh Cha. Ở đây chỉ xin gợi lên một vài dấu nhấn mục vụ như bước đầu cho những suy nghĩ và ứng dụng sâu sắc hơn.
Huấn từ của Đức Thánh Cha có một cấu trúc rõ ràng và mạch lạc. Sau lời chào mừng, cảm ơn và bày tỏ sự quý mến đối với Giáo Hội và người dân Việt Nam, Đức Thánh Cha nhấn mạnh những lãnh vực cần phải quan tâm : linh mục và tu sĩ ; giáo dân, cách riêng đời sống gia đình và các bạn trẻ ; sự hợp tác trong lòng Giáo Hội Việt Nam ; Giáo Hội và xã hội. Cuối cùng là lời thăm hỏi và chúc lành gửi đến tất cả cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam. Trong mỗi lãnh vực, ngài đều đưa ra những chæ dẫn cụ thể cho đường hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam.
Đời sống thánh thiện của các linh mục và tu sĩ
Chuyến viếng thăm ad limina của HĐGMVN trùng hợp với thời điểm Giáo Hội toàn cầu bắt đầu bước vào Năm Linh Mục (19-06-2009 – 19-06-2010). Phải chăng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Trong tầm nhìn của đức tin, chính Chúa quan phòng đã sắp đặt sự trùng hợp này để Giáo Hội Việt Nam ý thức về ân huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho mình : một Giáo Hội phong phú ơn gọi linh mục và tu sĩ trong bối cảnh ơn gọi ấy dường như ngày càng vơi cạn trên nhiều miền đất của thế giới. Ý thức ấy dẫn Giáo Hội Việt Nam đến tâm tình tạ ơn Chúa, đồng thời phải tích cực góp phần để gìn giữ, bảo vệ và phát triển kho tàng Chúa ban cho.
Theo ý hướng đó, rất cần quan tâm đến lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha gửi đến các linh mục và tu sĩ Việt Nam. Ngài nhấn mạnh đến đời sống nội tâm và sự thánh thiện của linh mục, tu sĩ, theo gương cha sở họ Ars. Đây sẽ là điều đáng ngạc nhiên với những ai chỉ nhìn vị giáo hoàng hiện tại như bậc trí thức thượng thặng của thế giới. Thật vậy, Đức Bênêđictô XVI không chỉ là nhà thần học lỗi lạc trong Giáo Hội Công giáo, nhưng ngài còn được nhìn nhận như một trong những nhà tư tưởng uyên bác có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Thế nhưng vị giáo hoàng uyên bác ấy lại nhấn mạnh đến đời sống nội tâm và sự thánh thiện, lại đề cao mẫu gương của cha thánh Gioan Maria Vianney, vị linh mục hơi đuối về mặt học vấn ! Bởi lẽ hơn ai hết, ngài thấy rõ những giới hạn và cả mối hiểm nguy khi nghiên cứu thần học mà thiếu vắng đời sống nội tâm. Khi đó, thần học chỉ còn là một ngành nghiên cứu khoa học thuần túy chứ không có khả năng khơi mạch sự sống đức tin, nhà thần học chỉ còn là chuyên viên nói về Thiên Chúa như một đối tượng khách quan chứ không có khả năng nói với Chúa như một chủ thể trong tương giao sống động. Tương tự như thế, khi thiếu vắng đời sống nội tâm, các linh mục và tu sĩ có nguy cơ trở thành những công chức chứ không là mục tử, những giáo viên chứ không là ngôn sứ, những thầy dạy thay vì là chứng nhân, và sẽ không còn khả năng thông truyền sự sống đức tin cho người khác.
Hiểu như thế, việc đào sâu đời sống nội tâm và nỗ lực sống thánh thiện phải là mối quan tâm hàng đầu của các linh mục tu sĩ Việt Nam trong giai đoạn tới. Trách nhiệm này trước hết là của từng cá nhân linh mục, tu sĩ, đồng thời các giám mục cũng phải xem đây là mối ưu tư hàng đầu của mình. Vì thế, Đức Thánh Cha kêu gọi các giám mục phải quan tâm lo lắng cho các linh mục, phải hiểu biết các linh mục trong giáo phận mình cho thấu đáo, phải giúp các linh mục chu toàn việc thường huấn.
Người Công giáo tốt và người công dân tốt
Đức Thánh Cha tâm đắc với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khi các giám mục đề cao vai trò của ơn gọi giáo dân trong đời sống gia đình, để gia đình thực sự trở thành trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa, trở thành cái nôi của những giá trị nhân văn và đức tính nhân bản. Đồng thời, ngài nhấn mạnh đến vai trò chứng tá của người tín hữu giáo dân giữa lòng xã hội, để xã hội nhìn nhận rằng là người công giáo tốt cũng chính là người công dân tốt.
Bằng cách nào người giáo dân công giáo có thể chu toàn sứ mạng đó? Người giáo dân được mời gọi chu toàn sứ mạng đó không phải bằng việc rao giảng giáo huấn của Giáo Hội nhưng bằng chính đời sống cụ thể hằng ngày của mình, một đời sống xây dựng trên cái kiềng ba chân là bác ái, liêm chính và quý trọng ích chung. Xem ra Đức Thánh Cha theo dõi tình hình của Việt Nam khá sát, vì đây chính là những trọng điểm của xã hội Việt Nam hôm nay. Khi Việt Nam bước sâu vào tiến trình toàn cầu hóa thì một mặt, có những phát triển về kinh tế nhưng mặt khác, lại có những tác động tiêu cực về đạo đức và tinh thần. Chủ nghĩa cá nhân len lỏi vào trong cách suy nghĩ và lối sống của người dân, khiến cho “tình làng nghĩa xóm” thưở xưa đang dần tan biến. Sự gian dối lan tràn trong cuộc sống hằng ngày, kể cả trong những môi trường đáng trân trọng nhất là giáo dục và y tế, làm cho mối tương quan giữa người với người mất đi sự trong sáng cần thiết. Chủ nghĩa hưởng thụ khiến cho mỗi người chỉ biết đến quyền lợi riêng của mình, của gia đình và phe nhóm của mình, mà không màng gì đến ích lợi chung của tập thể xã hội. Trong tình hình đó, bác ái, liêm chính và quý trọng ích chung quả là những đòi hỏi khẩn thiết cho việc xây dựng và phát triển đất nước cách vững bền. Cũng bằng cách sống những giá trị đó, người công giáo có thể minh chứng cho mọi người thấy rằng, nếu mỗi người công giáo thực sự là công giáo thì điều đó không những không gây tai hại gì cho đất nước và dân tộc; trái lại, còn làm cho đất nước được phồn thịnh và tốt đẹp hơn.
Để đạt được mục đích này, Đức Thánh Cha yêu cầu các giám mục phải chú tâm đến việc đào tạo người giáo dân. Điều đặc biệt là ngài không chỉ nói đến đào tạo về đức tin mà ngài còn nói đến cả việc nâng cao trình độ văn hoá của người tín hữu, bởi lẽ khi trình độ văn hoá được nâng cao, người giáo dân sẽ có thể hiểu biết đức tin cách sâu xa hơn và phục vụ Giáo Hội cũng như xã hội cách hiệu quả hơn. Trong thực tế, dù có nhiều giới hạn, Giáo Hội tại Việt Nam đã quan tâm đến việc đào tạo người tín hữu giáo dân dưới nhiều hình thức, từ cấp giáo xứ đến cấp giáo phận. Chắc chắn sự nhắc nhở của Đức Thánh Cha sẽ thúc đẩy các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội quan tâm hơn nữa đến đòi hỏi này.
Giáo Hội Chúa Kitô giữa dân của mình
Khi nói đến mối tương quan giữa Giáo Hội và xã hội tại Việt Nam, Đức Thánh Cha nhắc lại định hướng của Thư Chung 1980 : “Giáo Hội Chúa Kitô giữa dân của mình” (l’Eglise du Christ au milieu de son Peuple). Nếu xét theo từ ngữ, cụm từ mà Đức Thánh Cha dùng có chút thay đổi so với nguyên bản của Thư Chung 1980 vì Thư Chung nói đến việc “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”. Thiết nghĩ sự thay đổi này không tương phản mà chỉ muốn làm cho rõ hơn nội dung của Thư Chung 1980. Cụm từ “Giáo Hội Chúa Kitô giữa dân của mình” làm nổi bật chiều kích Giáo Hội. Chiều kích ấy trước hết hàm nghĩa cộng đoàn chứ không chỉ là cá nhân. Vấn đề không chỉ là mỗi cá nhân sống Phúc âm nhưng là tất cả Dân Chúa tại Việt Nam cùng sống Phúc âm trong tư cách là những chi thể của cùng một Thân Thể mầu nhiệm. Thứ đến, chiều kích Giáo Hội còn hàm nghĩa Dân Chúa tại Việt Nam sống Phúc âm trong mối hiệp thông với Giáo Hội phổ quát. Sẽ không có chuyện tự cho rằng mình sống Phúc âm nhưng lại không hiệp thông với Giáo Hội phổ quát, cụ thể là với Đấng kế vị thánh Phêrô. Cũng sẽ không có chuyện tự hào mình sống Phúc âm nhưng lại là thứ Phúc âm theo cách giải thích riêng của mình, bởi vì Phúc âm chỉ được sống và công bố cách chính thực trong mối hiệp thông với Huấn quyền của Giáo Hội. Đây là một trong những điều kiện căn bản để Giáo Hội tại Việt Nam thực sự là Giáo Hội của Chúa Kitô.
Sứ mạng đặc thù của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng Chúa Kitô. Tin Mừng đó là Tin Mừng Nước Trời, vương quốc của tình yêu và chân lý; do đó, khi loan báo Tin Mừng – bằng lời rao giảng và bằng đời sống – Giáo Hội góp phần không những vào việc phát triển những giá trị nhân văn và tinh thần của người dân Việt Nam, mà còn góp phần cho sự phát triển vững bền của đất nước nữa, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi những giá trị đạo đức và truyền thống của dân tộc bị đe doạ trước làn sóng của chủ nghĩa thực dụng và hưởng thụ.
Khi loan báo Tin Mừng cho người dân Việt, Giáo Hội ý thức rõ ràng mối liên hệ với đời sống xã hội cũng như với cộng đồng chính trị, vì người dân Việt là những con người cụ thể đang sống trong môi trường xã hội cụ thể, dưới sự điều hành của một Chính quyền cụ thể. Nói về mối liên hệ này, Đức Thánh Cha khẳng định rõ ràng : Giáo Hội không hề có ý định thay thế Chính quyền dân sự và đòi hỏi quyền lực, nhưng chỉ muốn cộng tác nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Ngài cũng xác tín rằng sự cộng tác lành mạnh như thế là điều có thể thực hiện được, trên nền tảng đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Hiểu như thế, tôn giáo chân chính không bao giờ là mối nguy hiểm cho dân tộc và đất nước, vì tôn giáo chỉ nhằm mục đích giúp mỗi cá nhân thánh hoá bản thân, đồng thời qua những tổ chức và hoạt động của mình, tôn giáo phục vụ con người cách quảng đại và vô vị lợi.
Kết Luận
Vào cuối năm nay, 24.11.2009, Giáo Hội Việt Nam sẽ chính thức khai mạc Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam. Chắc chắn những chỉ dẫn mục vụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ được cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam quan tâm đặc biệt, để cùng nhau sống chiều kích mầu nhiệm của Giáo Hội, phát huy sự hiệp thông trong Giáo Hội, và hăng say thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời cho đồng bào của mình trên quê hương Việt Nam thân yêu.
Rôma, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ 2009,
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Ban Thư ký HĐGMVN