Chúa nhật 12 B : Lòng tin …

Lòng tin …
Petrus.tran

Chúa nhật 12 B : Lòng tin …Trong ba năm trời cùng với Đức Giêsu rày-đây-mai-đó rao giảng Tin Mừng; lúc thì ở vùng Thập Tỉnh, khi lên Giêrusalem… nay ở miền Giuđê; mai lại xuất hiện bên sông Giođan. Những cuộc hành trình như thoi đưa  đó,  Đức Giêsu và các môn đệ đôi lúc “cuốc bộ”, nhưng cũng có khi dùng phương tiện thuyền bè để di chuyển. Và hôm nay  “khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ : chúng ta sang bờ bên kia đi” (Mc 4 : 35).

Bờ-bên-kia…  Đó là bờ của biển hồ Galilê, một biển hồ khá rộng với chiều dài hơn hai mươi cây số và chiều rộng của nó sấp sỉ mười hai cây số. Một biển hồ rất nên thơ với dãy núi xanh rì bao bọc xung quanh, nước biển hồ trong vắt , phóng tầm mắt nhìn xuống hồ,  có thể thấy từng đàn cá tung tăng lượn lờ…

Vâng, hôm nay  để qua bờ bên kia các ông phải dùng thuyền. “Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền” (Mc 4 : 36). Phêrô –  với một động tác thuần thục của dân đi biển – ông quày bánh lái trực chỉ  ra khơi – tiến về phía trước – phía “vùng đất của dân Ghê-ra-sa” bên kia biển hồ.

Hoàng hôn dần buông xuống, mặt biển hồ êm ả với những luồng gió thổi rì rào khiến cho con thuyền lướt nhanh. Quả là một chuyến đi thuận buồm xuôi gió và với cái đà này – Phêrô ngước nhìn bầu trời suy nghĩ – chắc chỉ “dăm phút nữa” là thuyền sẽ cập bến.

Ối !  hình ảnh hoàng hôn trên biển hồ  thật thơ mộng.. Ánh trăng vằng vặc tỏ… Chiếc thuyền nhè nhẹ trôi… Hàng cây im lìm ngủ…  Và  “Đức Giêsu đang ở đàng lái”  Ngài cũng  “dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.” (Mc 4 : 38).

Nhưng tệ thật, bất ngờ một đám mây xám xịt phủ kín biển hồ “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”(Mc 4 : 37).

Đây không phải là lần đầu tiên các ông đi biển. Nói tới biển thì các ông “rành sáu câu” ; các ông đa số là dân làng chài … Thế mà hôm nay , đối diện với trận cuồng phong này  các ông lại run sợ, hoảng hốt ; nhóm mười hai các ông đồng loạt la lên : “ Thầy ơi ! chúng ta chết đến nơi rồi…” (Mc 4 : 38).

Sự sợ hãi đã khiến các ông quên bén quyền năng của Thầy mình đã được thực hiện chỉ trước đó ít lâu ; nào là chữa lành một người bị quỷ ám ở Caphanaum (Mc 1 : 21). Và cũng tại đây Người đã chữa lành “một người bại liệt , có bốn người khiêng đến” (Mc 2 : 3). Rồi “một người bị phong hủi đến gặp Ngài…  Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh ta … Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.” (Mc 1 : 41-42). Gần đây nhất , hôm đó “Đức Giêsu vào hội đường. Ở đó có một người bại tay… Người bảo anh bại tay : Anh giơ tay ra ! Người ấy giơ ra và tay liền trở lại bình thường” (Mc 3 : 5).

Thế mà ! vâng, thế mà hôm nay  các ông lại hoảng sợ, nhát đảm khiến cho Đức Giêsu phải thẳng thừng trách cứ các ông : “Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ?” (Mc 4 : 40).

Sự tẽn tò lộ rõ trên khuôn mặt các ông; và như để chữa thẹn các ông sầm xì bàn tán : “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh.” (Mc 4 : 41).

một phút suy tư

Cuộc đời của chúng ta cũng như một con thuyền, chả vậy mà có một nhạc sĩ  đã phổ nhạc rằng :

”Tính tính tinh tình tang tang tang, cuộc đời mình như chiếc thuyền nan, trôi… nó trôi bềnh bồng …” (chiếc thuyền nan).

Vâng, con-thuyền-cuộc-đời của chúng ta sẽ trôi đi đâu, sẽ trôi về đâu !!! Đâu sẽ là bến, là bờ để cho con thuyền cuộc đời của chúng ta neo đậu !! Sẽ ra sao khi phong ba bão táp đổ ập xuống trên con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta ?

Phong ba bão táp đó có thể là một cơn bạo bệnh ! Có thể là một tai nạn bất ngờ xảy đến ! Có thể là một sự đổ vỡ trong hôn nhân ! Cũng có thể là cảnh sinh ly tử biệt !!!

Và sẽ còn tệ hại hơn nữa khi con-thuyền-cuộc-đời của chúng ta  bị vùi dập bởi những trận cuồng phong của chủ nghĩa duy vật vô thần; bởi những đợt sóng thần của quyến rũ nhục dục  trần gian; bởi những dòng thác lũ của  bất trung và bội phản !

Chúng ta sẽ mất niềm tin mà trách cứ Chúa rằng : “Thầy  chẳng lo gì “ cho chúng tôi !!! (Mc 4 : ..38). Hay chúng ta sẽ như các môn đệ xưa “đánh thức Người dậy và nói : Thầy ơi ! chúng con chết mất” .

Chuyện kể lại rằng : Có một vị thuyền trưởng, trong một chuyến hành trình đi biển, ông ta cho cậu con trai nhỏ đi theo như là một cuộc đi nghỉ hè. Những ngày đầu của chuyến đi – biển lặng, con tàu thuận buồm xuôi gió.  Cậu bé tung tăng vui đùa trên boong tàu mỗi chiều. Thế nhưng, thật không may – một trận bão lớn nổi lên – thừng chão đứt liên hồi,  cột buồm chính gãy đổ kêu răn rắc. Toàn bộ thủy thủ đoàn cật lực cứu chữa con tàu; trong khi đó – cậu bé vẫn vô tư  chạy nhảy trên boong tàu, một người thủy thủ đứng gần đó gọi cậu ta lại và nói : “Bão tố thế này , tàu có nguy cơ chìm , con không sợ sao mà lại cứ vô tư vui đùa như thế?”  Cậu bé hồn nhiên trả lời với sự tin tưởng mãnh liệt : “Dạ thưa chú, con biết rằng bão như thế này rất có nguy cơ tàu chìm. Nhưng con không sợ vì Cha con chính là thuyền trưởng của con tàu này; con tin rằng với nhiều năm kinh nghiệm đi biển; Cha con sẽ lèo lái con tàu vượt qua được cơn phong ba bão táp.”

Chắc hẳn mỗi chúng ta đều hiểu được câu chuyện này tác giả muốn gửi tới độc giả thông điệp gì ! Phải chăng điều mà chúng ta cần có ngay lập tức đó là một vị thuyền trưởng tài năng trên con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta !

Xưa kia, khi các môn đệ bắt đầu ra khơi thì : “Người đang ở sẵn trên thuyền”.

Hôm nay , Đức Giêsu – Ngài vẫn đứng đó – đứng trang trọng trong “ngôi nhà tạm” và sẵn sàng bước lên con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta.

Ngài vẫn hằng ở bên cạnh cuộc đời của mỗi chúng ta…

NGÀI không ngủ như chúng ta vẫn tưởng .

NGÀI đang hiện diện trong THÁNH THỂ… trong THÁNH KINH… Vẫn còn đó những lời nói của Giêus đầy trìu mến : “sao nhát thế ? anh em vẫn chưa có lòng tin sao ?”

Chúng ta sẵn sàng mời Ngài lên con thuyền cuộc đời của chúng ta ?

Nếu chúng ta sẵn sàng, vâng nếu sẵn sàng thì chỉ cần một cử động của tâm hồn và một lòng tin… Hãy mở cửa con thuyền tâm hồn – đừng nghi ngờ – và hãy mặc lấy tâm tình của  viên đại đội trưởng mà thưa  với Đức Giêsu rằng : “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con. Nhưng xin Chúa phán một lời…”

Vâng, chỉ cần Ngài phán một lời thì : “Linh hồn con sẽ lành mạnh”.


Để lại một bình luận