Ngày Của Cha
Ý tưởng ngày của cha do cô Sonora Smart Dodd, khởi xướng. Sau khi mẹ cô qua đời, cha cô đã một mình nuôi dạy sáu đứa con thơ.
Sau khi trưởng thành, cô đã hiểu hết những nỗi vất vả của người cha, vì thế người cha trong mắt cô là biểu tượng của sự hi sinh, vị tha, bao dung. Vì vậy, cô đã tổ chức ngày của cha đầu tiên ở Washington vào ngày 19-6-1910.
Rộn rịp với Ngày của cha nhất vẫn là ở nước Mỹ. Khắp các bang đều có lễ hội trong ngày 19-6. Trẻ con thì xuống đường diễu hành, kèn trống tưng bừng trong ánh mắt hãnh diện của người lớn. Ở lễ hội chính của thành phố Kennewick (bang Washington), trẻ em sẽ tha hồ vui chơi như trong Ngày quốc tế thiếu nhi; tranh tài trong các trò chơi vận động…
Father’s Day dần dần lan tỏa trên nhiều thành phố, nhiều tiểu bang và các quốc gia khác. Bà cũng khuyến khích việc cài hoa hồng để tạ ơn cha trong ngày Father’s Day. Hoa hồng đỏ cài trên áo thể hiện cha còn sống, hoa hồng trắng để tưởng nhớ người cha quá cố. Một trùng hợp ý nghĩa với ngày Vu Lan ở Việt Nam !
Father’s Day được Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson ấn định vào 1966, chọn ngày Chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu. Tuy nhiên ngày lễ này không thực sự được hưởng ứng. Mãi cho tới năm 1972, Tổng thống Richard Nixon ký quyết định ngày này là ngày chính thức tại Mỹ.
Nhiều quốc gia ảnh hưởng văn hóa phương Tây cũng tổ chức Father’s Day trong ngày này. Tại các nước nói tiếng Hoa, Father’s Day được ấn định vào 8/8 vì phát âm tiếng Quan Thoại “ngày tám tháng tám” nghe như “ba ba”, tiếng gọi cha yêu của con trẻ. Father’s Day của Thái Lan rơi vào ngày 5/12 vì là sinh nhật của Quốc vương Bhumibol Adulyadej.