Cn VI phục sinh : Tình Yêu Cao Quý

Cn VI phục sinh : TÌNH YÊU CAO QUÝ

 

Cn VI phục sinh : Tình Yêu Cao QuýVăn hào Anh, William Oscar Wilde có viết một huyền thoại về tình yêu : “Họa mi và bông hồng đỏ”:

Một sớm mùa hè, con họa mi làm tổ trên cành dương đã nghe trọn lời than thở của một chàng trai bên cửa sổ: “Nếu anh không kiếm nổi bông hồng đỏ để em cài ngực áo trong buổi dạ hội đêm nay, em sẽ xa anh mãi mãi”. Họa mi dư hiểu chàng trai đã lang thang khắp các nương đồng. Nhưng tìm đâu một bông hồng màu đỏ dưới nắng cháy mùa hạ này ? Trời ơi, người tình sẽ chắp cánh bay xa mất thôi. Họa mi không chịu nổi dằn vặt bi thương của chàng. Họa mi phải ra tay giúp đỡ.

Họa mi khép cánh trước cây hoa hồng bên giếng nước nài xin : – Chị hồng ơi, chị có vui lòng tặng em một bông hồng đỏ thắm không ?

Chị hồng rung rung cành lá giận dỗi. – Họa mi ơi ! Em vô tâm như những chiếc gai trên thân chị. Mùa hạ nắng cháy sao em lại xin hoa hồng đỏ ?

Họa mi tiếp tục tìm kiếm. Nàng nép mình đậu trên một cành hồng ngoài xa hàng dậu : – Chị hồng ơi, có phép mầu nào làm nở cho em một bông hồng đỏ chăng ?

– Họa mi ơi, đời cần hoa chi cho thương đau ?
– Sao cũng được, miễn là em kết chặt một mối tình.
– Được, những phép mầu cần phải có máu đỏ.
– Bằng mọi giá chị ạ.
– Bằng giá sinh mạng ư ?
– Kể cả sinh mạng em.

– Họa mi ơi ! Hãy đặt cổ em trên gai nhọn của chị, hãy hót cho chị, cho cây cỏ, cho đất trời khúc tình ca thắm thiết nhất đời em. Hãy đổ máu đỏ cho bông hồng nở. Hãy nhuộm máu cho bông hồng đỏ. Mình sẽ có một bông hồng đỏ như máu đẹp nhất trần gian.

Họa mi đã hót say mê đến giây phút cuối cuộc đời, đã đổ đến giọt máu cuối cùng, đã chết rũ trên cành hồng bên cạnh đóa hồng bí nhiệm đỏ thắm nở tươi. Chàng trai mừng vui cất tiếng cười vang. Đóa hồng được hái về trau chuốt trước khi có mặt trong dạ hội.

Điều lạ lùng nhất và cũng phi lý nhất, phi lý như chính cuộc đời phi lý, là người tình đã khước từ đóa hồng bí nhiệm, vì trên ngực áo cô gái một bông hồng giả đang ngự trị … Sáng hôm sau, dân làng bắt gặp một đóa hồng bị nghiền nát, nằm tả tơi dưới vết bánh xe bò .

Họa mi yêu người, đã lấy máu và sinh mạng đổi lấy bông hồng. Người thiếu nữ nhận bông hồng giả để chối từ một tình yêu chân thật.

Câu truyện chỉ là một huyền thoại nhưng chở chuyên một nội dung rất thực : Đó là nét thực của tình yêu, của tự do, của hy sinh. Tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng hy sinh, bằng máu, bằng cả sinh mạng. “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”.

Họa mi đã cất tiếng hót bi thương trước khi chết vì muốn hiến tặng đóa hồng. Chúa Giêsu trước khi chịu khổ nạn, chịu chết đã để lại cho các môn đệ những lời tâm huyết rất chân thật và cũng là những chỉ thị cuối cùng của Ngài. ”Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chỉ thị này bao hàm mọi chỉ thị khác.

Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Chúa Giêsu đã so sánh : Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em. Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.

Như Cha đã yêu mến Thầy. Đức Giêsu đã nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người (x. Ga 3, 35; 5, 20; 17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x.Mt 3,17; 17, 5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẻ và trao ban. Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Người.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 trong thông điệp Sự Rạng Ngời Chân Lý số 20 đã viết: ”Chữ như này đòi hỏi phải bắt chước Chúa Giêsu, nơi tình yêu của Người mà việc rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể. Chữ như cũng chỉ mức độ mà Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ và các môn đệ cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Để lại một bình luận