MARIA. MẸ CỦA CHÚNG TA
“Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu.”
“Lòng mẹ” của Y vân là thế đó. Mỗi khi nhạc phẩm này được tấu khúc lên; ai trong chúng ta lại không bồi hồi, xúc động. Để rồi một cảm xúc trong lòng cuồn cuộn trào dâng như những cuộn sóng vỗ rì rào ngoài biển khơi bao la.
Mẹ ! người Mẹ của mỗi chúng ta nay còn hay mất !
Có một người Mẹ, dù đã đi xa nhưng vẫn rất gần với chúng ta. Có một người Mẹ, dù đã khuất xa, nhưng – bà ấy vẫn hiện diện bên cạnh đời ta mỗi ngày. Người Mẹ đó là ai ?
Người ấy chính là Đức Maria mà hôm nay chúng ta đều phải ngước nhìn và cùng cất tiếng chúc tụng lời hoan ca : “Ave MARIA, con dâng lời chào Mẹ”
Làm sao không chúc tụng cho được; khi mà người thiếu-nữ-sion này đã hy sinh trọn tuổi thanh xuân chỉ để đáp lại một lời “xin vâng”. Lời xin vâng đó đã góp phần tạo nên một biến cố lịch sử – lịch sử ơn cứu độ.
Để hoàn tất vai trò được giao phó, Đức Maria đã phải gánh chịu nhiều gian truân và thử thách. Những thử thách đó đã vẽ nên một hình ảnh toàn bích về Đức Maria.
Maria – con người của niềm tin.
Thật vậy, ngay từ lúc đón nhận lời truyền tin của sứ thần Gaprien : “Mừng vui lên,hỡi Đấng đầy ân sủng”, một cơn bão lòng trong con người Maria nổi sóng. Maria “rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy là có nghĩa gì” – “Thưa bà Maria, xin đừng sợ.” – Sứ thần nói tiếp rằng : “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Nghe tới đó Maria thưa với Sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng.” (Lc 1 : 34). Đúng là nghiệt ngã quá ! Nếu chấp nhận thực thi sứ vụ, có khác chi Maria khoác lên mình một bản án tử hình, vì theo luật Do Thái lúc bấy giờ, gái không chồng mà lại có con thì sẽ bị xử ném đá cho đến chết. Đang lúc tâm thần bấn loạn hoang mang thì sứ thần Chúa mở lòng Maria bằng một lời nói đầy tính chất thần linh : “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1 : 37). Maria như bừng tỉnh và không ngần ngại mà thốt lên : “tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1 : 38). Maria đón nhận sứ vụ với tất cả niềm tin phó thác.
Thế nhung niềm tin vào Thiên Chúa thường luôn bị thử thách. Như Ápraham khi xưa, niềm vui có một người con để nối dõi tông đường như tan biến khi ông nghe lời phán của Thiên Chúa : “ Hãy đem con của ngươi , đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac… mà dâng nó làm của lễ” cho Ta !!! Và hôm nay, Maria cũng không là ngoại lệ. Cuộc truy sát của Hêrôđê đã khiến gia đình Nazareth phải “vượt biên” sang Ai-cập. Ôi ! còn gì đau khổ khi phải sống kiếp tha hương. Không biết lúc đó Maria còn đủ niềm tin để mà ca bài Magnificat ?
Câu hỏi đã được trả lời trên đỉnh Núi Sọ – Đồi Canvê. Maria đứng đó, gần ba tiếng đồng hồ “đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín”. Maria ngước nhìn Giêsu – còn Giêsu thì rướn mình trên thập giá, Ngài “thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh” (Ga 19 : 26). Ôi ! Maria, Mẹ ơi… giờ con sắp hoàn tất rồi… từ đây, vâng, từ đây…nghĩ tới đó Giêsu liếc mắt về Mẹ Maria và nói : “Mẹ, đây là con Mẹ. Cũng một cử chỉ như thế Giêsu nói tiếp, Gioan… Gioan … đây là Mẹ của anh” (Ga 19 : 26 – 27).
Đỉnh Núi Sọ – Đồi Canvê đã trở thành “đỉnh của tình yêu thương” . Tình Mẹ yêu con – tình con yêu Mẹ. Nó đã được đóng ấn bởi chính lời Giêsu con Mẹ trước lúc biệt ly. “Đây là con Mẹ. – Đây là Mẹ của anh”. Kể từ đó Gioan – “rước Bà về nhà mình”.
… một phút suy tư.
20 thế kỷ trôi qua câu chuyện Maria – Gioan nếu chỉ có thế thì không có gì đáng nhớ. Không, Maria không chỉ là Mẹ của Gioan. Maria còn là Mẹ của Giáo Hội và cũng là Mẹ của mỗi chúng ta.
Chính vì thế, Giáo Hội – qua hằng bao thế kỷ – đã không ngừng tôn vinh Mẹ qua những tước hiệu. Những tước hiệu – nếu có – cũng chỉ là thực thi lời Thiên sứ tôn vinh Mẹ xưa kia : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà. Và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp trên bóng Bà.” Quyền năng đó đã tỏ lộ ở Fatima, ở Lộ Đức, ở Lavang và sẽ còn được tỏ lộ “cho con cháu (chúng ta) đến muôn đời” (Lc 1 : 55).
Với một niềm tin như thế vào Mẹ Maria, chúng ta hãy cùng Mi Trầm cất lên lời ca, chung một tâm tình như Mẹ Maria : “Mẹ ơi ! đời con dõi bước theo Mẹ. Lòng con quyết noi gương Mẹ. Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng.”
Xin vâng… xin vâng…
petrus.tran