Men Gia Đình

CHẤT MEN TẠO HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nghĩa Hạ

Men Gia ĐìnhTục ngữ có câu “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Câu nói này phần nào thực sự có ý nghĩa, vì trong đời sống vợ chồng là sự kết hợp hai con người hoàn toàn khác nhau lại sống chung trong một mái nhà, để có sự đồng thuận hoàn toàn với nhau thật là khó. Để giữ gìn hạnh phúc gia đình hay làm bất cứ một chuyện gì có liên quan đến gia đình thì cần được sự tham gia đóng góp của cả hai người. Có như vậy mọi công việc sẽ được thực hiện một cách trôi chảy và sẽ không gây ra sự hiểu lầm giữa người này với người kia. Có thể nói hôn nhân tan rã là nguyên nhân của sự thiếu hòa hợp. Ngày nay người ta thường nói đến sự không chung hòa về tính cách, nói đến sự bất đồng quan điểm về công việc, và một vấn đề tương đối nhạy cảm đó là không hòa hợp được trong chuyện quan hệ chăn gối. Đây hẳn là những lý do mà mỗi người sống trong đời sống vợ chồng hay những người đang chuẩn bị bước vào đời sống vợ chồng cần lưu ý, để có những khắc phục nhằm duy trì hạnh phúc gia đình.

Chấp Nhận Người Bạn Mình Như Những Gì Họ Có

Để có cuộc sống hôn nhân bền vững, trước hết cần phải chấp nhận người bạn đời của mình như những gì người ấy có. Đừng đòi hỏi quá cao đối với khả nằng người bạn đời có thể đáp ứng và cũng đừng mong muốn thay đổi những gì thuộc bản chất mà nên biết hài lòng về người bạn đời của mình. Chúng ta thấy rằng, đời sống hôn nhân xuất phát từ hai người hoàn toàn khác nhau, khác nhau về nơi sinh, khác nhau về tập quán, khác nhau về nếp sống, khác nhau về thói quen… Tóm lại là có rất nhiều điểm khác nhau ngay từ điểm xuất phát ban đầu. Như vậy sống đời sống hôn nhân dù có hòa hợp cách mấy đi nữa thì cũng có những bất đồng, có khi còn là những mâu thuẫn. Khi yêu nhau những sự khác biệt này ít thấy, bởi vì cả hai cùng dấu những khuyết điểm của mình, hoặc là có thấy thì cũng dễ dàng tha thứ và bỏ qua. Lúc đang yêu mấy ai còn đủ tỉnh táo để nhận thấy sự khác biệt, mà chủ yếu làm thế nào để có được nhau trong đời. Tuy nhiên khi đã về sống với nhau rồi, dần những thói quen và những khuyết điểm bắt đầu lòi ra. Có những khó khăn nảy sinh do nguyên nhân khách quan: khó khăn về kinh tế, những nguyên nhân chủ quan: tính cách, lối sống, thói quen…

Thực sự nếu không thay đổi được, thì nên chấp nhận nhau để làm sao giữ được bầu khí êm đềm trong gia đình, đó là điều nên làm. Trong những năm đầu của đời sống lứa đôi, không thể tránh khỏi những va chạm, xung đột. Có những đôi thực hiện sự va chạm này dữ dội gay gắt, hoặc ít là cũng có những va chạm nhưng chỉ là những gợn sóng lăn tăn. Những điều xảy ra như vậy, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng người cụ tể. Tất cả những gì tốt xấu thuộc về tính cách trong thời kỳ đang yêu chưa bộc lộ, thì bây giờ trong đời sống hôn nhân bộc lộ ra một cách rõ nét, dễ mang thất vọng cho nhau, quả thật đây là thời kỳ thử thách khó khăn và không ít gia đình đã gục ngã trong giai đoạn này.

Đừng Đòi Hỏi Nhau Qúa Nhiều

Khi đến với hôn nhân, người ta sẽ mong đợi có một gia đình thật hạnh phúc, một gia đình ở đó vợ chồng ấm êm, con cái hiếu thảo… đây là điều bình thường mà khi lập gia đình ai cũng mong muốn. Xuất phát từ mong muốn này, nên trước khi cưới người ta thường có khuynh hướng đặt quá nhiều kỳ vọng về nhau. Có những người mong khi kết hôn sẽ được đổi đời, có những người kết hôn là để giúp đỡ gia đình đỡ khổ, có người kết hôn để có được một vị trí nào đấy… những nhu cầu không xuất phát từ tình yêu, nên đến khi sống trong đời hôn nhân, người ta mới vỡ lẽ ra đối tác của mình không tốt như mình mong đợi, vì đã không đáp ứng được những gì mình mong mỏi.

Thực tế trong đời sống hôn nhân, chúng ta thấy rất nhiều trường hợp, các bà vợ thường yêu cầu chồng mình vừa thực hiện tốt công việc ngoài xã hội, nhưng công việc gia đình vẫn phải hoàn thành nghiêm chỉnh (chăm sóc, dạy dỗ con cái, công việc nhà…). Còn những ông chồng lại có khuynh hướng muốn vợ làm tất cả những công việc trong gia đình, bởi vì các ông chồng này cho rằng, mình chỉ có mỗi việc chăm lo kinh tế gia đình, còn chuyện lặt vạch bếp núc, con cái là dành cho bợ. Ngoài ra có những cặp vợ chồng còn có khuynh hướng thay đổi thói quen của nhau. Chẳng hạn như các bà vợ thường cố gắng thay đổi những thói quen của chồng (hút thuốc, uống rượu, giao tiếp bạn bè…), còn đàn ông thì thường đòi hỏi vợ mình lúc nào cũng phải thật xinh đẹp và luôn hoàn thành mọi việc. Những đòi hỏi quá đáng nơi người bạn đời của mình, lâu ngày dồn nén chắc chắn sẽ có bùng nổ. Đây là một trong những nguyên nhân tuy rất nhỏ, nhưng cũng dễ làm cho cuộc sống gia đình gặp trục trặc.

Hôn nhân ngày nay khác nhiều với hôn nhân cách đây vài thập niên về trước, nếu trước đây trong gia đình người vợ sẽ đảm đương tất cả việc nội trợ, lo cho chồng lo cho con, ngược lại người chồng sẽ lo kinh tế gia đình. Sống trong thời đại bình đẳng vợ chồng được đề cao, đòi hỏi vợ chồng phải cùng nhau giải quyết mọi việc, không chỉ trong gia đình mà cả những khó khăn ngoài xã hội. Khi những khó khăn được người bạn đời của mình quan tâm, chia sẻ chắc chắn rằng người ta sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để vượt qua những khó khăn.

Tự Điều Chỉnh Cho Phù Hợp Với Đời Sống Lứa Đôi

Chắc chắn rằng đời sống sau khi kết hôn sẽ không giống với đời sống trước đây khi còn ở với gia đình hoặc sống độc thân. Sẽ không còn được tự do sống và làm theo những gì mình thích, vì vậy cần thiết phải thay đổi và điều chỉnh những thói quen cho phù hợp với cuộc sống gia đình. Như đã nói ở trên mỗi người đều có những xuất phát điểm khác nhau (kinh tế, địa vị gia đình, phong tục tập quán, giáo dục…), nên khi sống chung với nhau sẽ nảy sinh những xung đột. Sống đời sống vợ chồng sẽ không còn những mơ tưởng, những ảo vọng, mà đây sẽ là thời gian người ta sống thực nhất, vì vậy những khuyết điểm lúc đang yêu thường được che dấu, thì bây giờ nó sẽ phát ra. Để có sự hạnh phúc và không xảy ra những mâu thuẫn trong gia đình, mỗi người phải biết tự mình điều chỉnh bản thân, sự điều chỉnh kịp thời sẽ tránh cho đời sống hôn nhân những trục trặc và như vậy sẽ giữ được sự bền vững của gia đình.

Trong những năm tháng sống chung , tự mỗi người trong sự va chạm với xã hội, với đời thường, với những người xung quanh và với chính người vợ hoặc người chồng của mình sẽ bộc lộ ra những điểm yếu và điểm mạnh, những gì không phù hợp nhau. Nếu không muốn gia đình ta vỡ thì cả hai người phải biết tự điều chỉnh những nét tính cách có nguy cơ dẫn đến xung đột. Phải biết hạn chế những thói quen xấu, nếu cả hai cùng khăng khăng theo kiểu tôi như thế này đó, sống được thì sống, còn không thì chia tay, với quan niệm như vậy chẳng chóng thì chày sẽ đưa đến một kết quả không ai mong muốn. Đứng trước những sai lầm mỗi người hãy biết dừng lại để chiêm nghiệm lại những việc mình làm xem đúng sai như thế nào. Nếu htấy mình sai, thì cách tốt nhất là nên sửa sai. Khi đã biết sửa sai nhìn nhận khuyết điểm của mình và tự điều chỉnh cho phù hợp thì chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt lành cho đời sống gia đình.

Hòa Hợp Là Sự Cần Thiết Để Cho Hôn Nhân Bền Vững

Khi đã về chung sống với nhau dưới một mái nhà, người ta thường không cần che dấu về mình nữa. Lúc này những ưu khuyết điểm dần dần lộ diện, nếu không biết dung hòa, thì rất nhiều điều đáng tiếc sẽ xảy ra de dọa đến hạnh phúc gia đình. Trước đây, lúc đang yêu người ta ít để ý đến sự trái ngước tính cách, vì cho rằng nếu có khác nhau một chút càng thêm thi vị và khi nào cưới nhau sẽ khắc phục. Tuy nhiên quan niệm như vậy thường dẫn đến sai lầm, đời sống gia đình sẽ khó mà sửa được, nếu không có sự cố gắng. Cưới được nhau rồi, làmgì còn nghĩ đến việc sửa đổi tính cách, có như nào cứ để như vậy. Chính điều này góp phần không nhỏ vào những mâu thuẫn gia đình. Trong đời sống mâu thuẫn thường phát sinh từ những trái ngước tính cách. Một người ngăn nắp chăm chỉ thì sẽ khó sống được với người lười biếng cẩu thả, hoặc một người vị tha rộng rãi thì khó sống nổi với người cố chấp keo kiệt. Khi đã có sự khác biệt như vậy, vợ chồng khó có cùng một quan điểm, vì vậy khó mà tạo được sự đồng lòng giữa hai vợ chồng. Đời sống vợ chồng khi đã trái ngược nhau về tính cách sẽ kéo theo sở thích và thị hiếu cũng khác biệt. Vợ chồng sẽ không bao giờ thống nhất được với nhau về chuyện xung quanh chuyện ăn mặc, mua sắm, thưởng thức văn hóa nghệ thuật, sử dụng thời gian nhàn rỗi… Như vậy, cách nào đấy chúng ta thấy được rằng sự hòa hợp tính cách sẽ làm cho đời sống gia đình hạnh phúc hơn, bởi vì không có gì bằng sự đồng thuận của vợ chồng. Chính sự hòa hợp tính cách sẽ làm cho cả hai vợ chồng có cái nhìn về một hường, khi có cùng cái nhìn thì dễ dàng thông cảm cho nhau hơn.

Chuyện cơm áo gạo tiền được nhắc đến nhiều trong đời sống hôn nhân, nó góp phần không nhỏ đến hạnh phúc gia đình. Ngày nay trong đời sống vợ chồng, người ta ít lệ thuộc nhau về vấn đề kinh tế hơn, bởi vì trước khi đến với nhau đa số đã có công việc riêng và thu nhập riêng. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề dẫn đến sự trục trặc trong các gia đình. Mỗi người một công việc, mỗi người một thu nhập, nếu cả hai cùng góp phần của mình vào một quỹ chung để xây dựng hạnh phúc gia đình thì chẳng nói làm gì. Rất nhiều trường hợp đã không thống nhất được với nhau trong việc mua sắm chỉ vì mình đóng góp nhiều hơn, điều này lâu dần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình. Ngoài ra còn những khoản chi tiêu trong các mối quan hệ, chi tiêu cho bên vợ hoặc bên chồng, chi tiêu cho bạn bè, chi tiêu cho công việc… những chuyện này tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng thực tế trong đời sống gia đình nó lại không nhỏ, chỉ cần một bên không đồng thuận với những chi tiêu đó thôi, thì chuyện cơm không lành canh không ngọt sẽ xảy ra ngay tức khắc. Cùng với những lo ngại từ kinh tế, chúng ta cũng có thể nói đến các mâu thuẫn, mà nguyên nhân chính liên quan tới con cái, chẳng hạn như trong cách nuôi dạy con, việc lựa chọn hướng phát triển năng khiếu của con. Ngày nay do đời sống kinh tế mỗi ngày một gia tăng, các cặp vợ chồng có khả năng lựa chọn nhiều phương án trong việc giáo dưỡng con cái nên mâu thuẫn thường hay nảy sinh, điều này đặc biệt cao nơi các gia đình trẻ và gia đình khá giả.

Một vấn đề mà ai cũng ngại nói đến trong đời sống vợ chồng, đó là thỏa mãn tình dục. Có thể đây là điều tế nhị, nhưng chính điều này là ảnh hưởng rất lớn nếu hai vợ chồng không có sự hòa hợp. Các cặp vợ chồng thường có khuynh hướng giấu diếm cảm xúc của mình trong sinh hoạt vợ chồng. Ngoài mặt thì họ tỏ ra hài lòng nhưng thực chất bên trong vẫn còn nhiều điều uẩn khúc. Sự không hài lòng này nếu không được giải tỏa về lâu dài chắc chắn sẽ gây ra những trục trặc, thậm chí có thể gây ra đổ vỡ. Vậy làm sao để các cặp vợ chồng có thể thẳng thắn với nhau trong chuyện này? Có thể hơi khó nói, nhưng để hạnh phúc được bền lâu, đòi hỏi những người sống trong đời sống vợ chồng cần có sự chia sẻ với nhau, qua đó nói lên những trăn trở và những điều không hài lòng về đối tác của mình. Trò chuyện để hiểu nhau để thông cảm nhau, điều này thực sự tốt. Ngược lại trò chuyện để soi mói nhau thì chỉ làm cho những trục trặc ngày. Tình dục là điều không thể thiếu trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào. Sự hòa hợp về tình dục sẽ khiến cho những người sống đời sống gia đình cảm thấy cuộc sống vợ chồng ngày càng hạnh phúc hơn.

Tóm kết

Đến với hôn nhân ai cũng mong muốn cho mình có một cuộc hôn nhân bền vững, sống được với nhau tới đầu bạc răng long. Để làm được điều nay không phải là dễ, vì đời sống hôn nhân còn tiềm ẩn biết bao điều khó khăn và phức tạp. Mỗi người sẽ có những kinh nghiệm riêng của mình về đời sống hôn nhân và tự rút ra cho mình những bài học quý báu. Những vì viết trên đây chỉ là những góp nhặt và những suy tư của bản thân, mong rằng sẽ góp được chút gì đó cho những người đang sống trong đời sống hôn nhân cũng như những người đang chuẩn bị bước vào đời sống này có những chuẩn bị cần thiết cho một cuộc sống mới. Cuộc đời đầy những niềm vui và nỗi buồn ẩn chứa, một khi mỗi người sống trong đời sống hôn nhân biết chân trọng những gì mình đang có, thì một gia đình đầy ắp tiếng cười sẽ trở thành hiện thực. Hy vọng rằng hôn nhân sẽ không là mồ chôn vùi tình yêu như ai đó đã từng nói.

 

Để lại một bình luận