Tản Mạn Về Vai Trò Phụ Nữ
Nhân ngày 8 tháng 3
Lm Nguyễn-Thái-Hợp,O.P.
Theo trình thuật thứ nhất của sách Sáng thế, từ buổi ban sơ của nhân loại, Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài. Và con người nguyên thủy phát xuất từ bàn tay nhân từ của Thiên Chúa là một con người tròn đầy, “là nam, là nữ”(St 1,27). Trình thuật thứ hai đã dùng những hình ảnh bóng bảy và gợi hình để diễn tả việc tạo dựng nên người phụ nữ. Thiên Chúa đã nhìn thấy rõ nhân lọai không thể chỉ là nam giới và trách nhiệm về cuộc sống càng không thể trao phó cho riêng nam giới. Người đàn ông cần có bạn đồng hành và cũng đã công khai nhìn nhận “nàng như chính xương thịt của mình” (St.2,18-24).
Rất nhiều trần thuật về sáng tạo của các tôn giáo và dân tộc ở Á châu cũng đặt nổi tính toàn diện và tròn đầy này của nhân loại. Con người lý tưởng luôn bao gồm nam và nữ, cũng như âm và dương. Do đó người nam hay người nữ, xét như một cá nhân riêng biệt, chỉ mới là một nửa con người đích thực. Kinh Dịch chẳng hạn đã khẳng định: “Dương chi trung hữu âm căn; âm chi trung hữu dương căn” (trong dương có mầm âm, trong âm có dương). Âm dương cần phải quân bình và hỗ tương hầu kiến tạo một xã hội thực sự nhân bản.
Kinh Brhâdâranyaka-Up đã diễn tả một cách thật ngắn gọn và sắc nét tính hợp nhất, bổ túc, hỗ tương nói trên của nhân loại : “Đàn ông hay đàn bà, xét về phương diện cá nhân, mỗi người chỉ là một nửa !”.
1)-…Nhưng một nửa nhân loại luôn bị thiệt thòi và áp bức.
Tuy nhiên trải qua dài đời lịch sử, một nửa nhân loại tự mệnh danh là “phái mạnh” đã xây dựng một mô hình xã hội theo sở thích, nhu cầu và quyền lợi của riêng mình. Dĩ nhiên trong cái trật tự và khuôn khổ của xã hội được dựng nên theo “hình ảnh người đàn ông” này, không có chuyện bình quyền về phái tính. Phụ nữ luôn luôn bị thiệt thòi, chèn ép, khinh miệt, đàn áp và bóc lột. Hẳn chúng ta chưa quên câu nói đã được người Á Đông lặp đi lặp lại như một điệp khúc, tư đời nọ sang đời kia, trải qua không biết bao nhiêu thế hệ: “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.
Nhưng quan niệm trọng nam khinh nữ này đâu phải chỉ là khuyết điểm riêng của các nước Á Đông. Ở Tây phương ngày xưa phụ nữ cũng bị đối xử bất công và tàn tệ chẳng kém gì. Tín đồ Do Thái chẳng hạn không bao giờ khởi đầu lễ nghi phụng tự khi chưa hội đủ 7 người đàn ông, bất kể sự hiện diện của hàng trăm, hàng ngàn phụ nữ. Rồi trên thiên đàng của Hồi giáo, phụ nữ cũng không dứt nổi cái “nghiệp chướng” của đời mình, nghĩa là vẫn phải đóng vai tiếp đãi viên để tiếp tục phục vụ bọn đàn ông con trai.
Tại một vùng đất vốn có truyền thống nhân quyền và có nhiều qúa trình tranh đấu cho công bằng xã hội như nước Pháp chẳng hạn, thế mà trong những thế kỷ trước đây đã nẩy sinh cái trò quái đản và tàn nhẫn đối với phụ nữ thuộc giới thượng lưu đó là “vòng đai trinh tiết”. Ngay tại một nước đi tiên phong về dân chủ như Hoa kỳ, quyền bầu cử của phụ nữ cũng chỉ được áp dụng từ đầu thế kỷ này thôi.
Trên phương diện suy tư triết học, đại triết gia Aristoteles xác quyết đàn bà tự bản chất thấp kém hơn đàn ông. Kể từ đó biết bao triết gia, thần học gia, trí thức, văn sỹ… đã lập đi lập lại ý kiến trên như thể là một định đề toán học. Bên trời Đông, Khổng phu tử và ngàn ngàn lớp lớp nho gia kế tiếp vẫn đinh ninh rằng “phụ nhân nam hóa”. Họ quan niệm “người phụ nữ khó dạy”, bởi vì một mặt không có khả năng tiếp thu cái hay và cái mới, mặt khác khó bỏ tính nết xấu. Nói một cách giản dị, phụ nữ tự bản chất vừa ngu dốt vừa thiếu khả năng và ý chí cầu tiến. Có lẽ chính vì vậy, trong hệ thống Nho giáo, người phụ nữ suốt đời bị lệ thuộc và phải phục tùng: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (khi còn sống trong gia đình phục tùng bố, khi đi lấy chồng phục tùng chồng, chồng chết phục tùng con). Rút cục suốt đời phải tận tụy, hy sinh cho chồng con và đành luẩn quẩn quanh cái cối xay hay bên lũy tre làng.
Nhiều người xưa vẫn tin rằng “tài mệnh tương đố” hay “hồng nhan bạc mệnh”. Có lẽ người tạo ra vậy để ru xoa dịu các nạn nhân, chứ không lẽ Thượng đế lại qúa hẹp hòi và ghen tị với người phụ nữ như thế sao? Mà dù có thật như vậy đi chăng nữa, ít ra có gì an ủi và cũng được bù trù phần nào. Tuy nhiên trong thực tại cuộc sống, đại đa số phụ nữ chẳng có gì “tài sắc” hay “hồng nhan” mà vẫn “bạc mệnh”. Trong bối cảnh đó, cụ Nguyễn Du có lý để cất tiếng than:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Quan niệm trọng nam khinh nữ và đánh giá thấp người phụ nữ nói trên không những chỉ gặp thấy trong văn chương bác học, mà còn ăn sâu vào tâm thức và não trạng của giới bình dân. Nó thể hiện rõ rệt qua lối suy nghĩ, cách đối xử, đánh gia, phán đoán của người dân, kể cả người phụ nữ. Giữa muôn vàn dẫn chứng, chỉ xin đan cử một vài câu ca dao sau đây như một thí dụ điển hình:
“Khôn ngoan cũng thể đàn bà
dù rằng vụng dại cũng là đàn ông”
“Đàn ông nông nổi giếng khơi
đàn bà sâu sắc tựa cơi đựng trầu”
Xem như vậy, cái nông nổi, thấp kém, thua sút, ngu muội, dốt nát của “đàn bà” không phải chỉ do yếu tố cá nhân của bà này hay bà nọ, mà nó nằm sâu ở “phái tính” của tất cả các bà, các cô. Nói một cách rõ hơn, theo quan niệm phong kiến cổ xưa, đàn bà tự bản chất là thấp hèn, ngu muội và “khó dạy”. Ngay cả ông thi sĩ thơ mới nào đó, ở thời tiền chiến, tưởng rằng đã vượt khỏi quan niệm “lạc hậu” trên, ví von ca ngợi nam nữ bình quyền. Nào ngờ trong sâu thẳm của tâm thức vẫn hiện rõ quan niệm phân biệt, trịch thượng và đánh giá phụ nữ rất thấp :
Chàng như mây mùa thu
thiếp như khói trong lò
cao thấp tuy có khác
thả ra vẫn tuyệt vời.
Giả sử “mây mùa thu” và “khói trong lò” khi thả ra vẫn tuyệt vời như nhau đi chăng nữa, vẫn sờ sờ trước mắt khác biệt về bản chất, chênh lệch lộ liễu về cao thấp giữa mây và khói, cũng như giữa chàng và nàng. Nếu ca ngợi mà còn như vậy, thì chê bai sẽ thảm hại đến độ nào !
2)- Những biến chuyển và tiến bộ quan trọng.
Phong trào tranh đấu cho sự phát triển và bình đẳng của phụ nữ là một trong những hiện tượng đặc biệt nhất ở hậu bán thế kỷ XX. Đây là một phong trào do chính phụ nữ khởi xướng và lãnh đạo, với sự yểm trợ ngày càng đông đảo của nam giới. Những Hội nghị quốc tế về Phụ nữ trở thành “dấu chỉ thời đại” có tác dụng đánh thức lương tâm của nhân loại, giúp chúng ta đánh giá đúng đắn hơn về vai trò và ơn gọi của phụ nữ.
Hội nghị phụ nữ thế giới (HNPNTG) lần thứ I ở Mễ-tây-cơ mở đầu cho thập niên sôi động về vấn đề phụ nữ. Kế đó, năm 1979, Công ước quốc tế nhằm chấm dứt những hình thức bất bình đẳng đối với phụ nữ (Convention for the Elimination of All forms of Discrimination Against Woman, CEDAW) đã đặt nền tảng pháp lý cho nguyên tắc nam nữ bình quyền. HNPNTG lần thứ II ở Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 1980 đã quyết định thiết lập những trung tâm nghiên cứu chuyên biệt về vai trò của phụ nữ và thành lập mạng lưới giữa những cơ quan và những người nghiên cứu về vấn đề này. HNPNTG lần thứ III tại Nairobi (Phi Châu) lấy chủ đề bình đẳng, phát triển và hòa bình làm mục tiêu hoạt động.
Hội nghị quốc tế về nhân quyền tại Viena ( Áo), năm 1993, bước thêm một bước quan trọng trên hành trình thăng tiến phụ nữ. Bản tuyên ngôn nhân quyền được 171 nước tham dự chấp thuận nêu lên những nguyên tắc căn bản sau đây: bình đẳng giữa nam và nữ về quyền công dân trong lãnh vực công, tư cũng như trong phạm vi gia đình; bình đẳng về cơ hội trong những gì liên quan đến an sinh xã hội, giáo dục và y tế; bình đẳng trong tiến trình tham dự vào những quyết định thuộc lãnh vực chính trị và kinh tế; bình đẳng về lương bổng khi đảm nhận cùng một việc làm,v.v. Cuối cùng, HNPNTG lần thứ IV ở Bắc kinh tiếp tục khai triển và đào sâu thêm những chủ đề căn bản nói trên.
Nhờ sự tranh đấu của các phong trào phụ nữ và sự yểm trợ của các tổ chức quốc tế, trong hai thập niên vừa qua đại đa số các quốc gia đã cố gắng phát triển phụ nữ về phương diện y tế và giáo dục. Một kết quả rất khích lệ là tuổi thọ của phụ nữ đã tăng lên 20% so với tuổi thọ của nam giới. Tỉ lệ sinh sản đã giảm xuống 1/3 (từ 4,7 trẻ em sinh ra sống cho mỗi phụ nữ, vào năm 1970, giảm xuống 3 trong những năm 1990-95). Tỉ lệ tử vong của các sản phụ cũng giảm nhiều và nhanh.
Tại những nước đang phát triển, trong năm 1990, hơn nửa số phụ nữ có gia đình ở tuổi có thể thụ thai (hoặc chồng của họ) đã dùng những phương pháp ngừa thai hiện đại, trong khi đó vào năm 1980 chỉ có 1/4. Việc phát triển kế hoặch hóa gia đình không những đã cho phép phụ nữ có thời giờ hơn để săn sóc cho những đứa con đã chào đời, mà còn có điều kiện để phát triển nhân bản và tài năng.
Trong thời gian từ năm 1970 đến 1990, tỉ lệ phụ nữ lớn tuổi tham gia phong trào xóa nạn mù chữ tại các nước đang phát triển tăng nhanh hơn nam giới: từ 54% so với nam giới vào năm 1970, đã tăng lên 74% vào năm 1990. Đồng thời tỉ lệ phụ nữ ghi danh theo học ở tiểu và trung học cũng gia tăng đáng kể so với tỉ lệ của nam giới: từ 67% vào năm 70 đã tăng lên 86% vào năm 90. Nói chung, tỉ lệ phụ nữ ghi danh tiểu học tại các nước đang phát triển tăng 1,7% mỗi năm trong giai đoạn từ 1970-1990, trong khi đó tỉ lệ tăng của nam giới là 1,2%. Xét về tỉ lệ ghi danh tiểu và trung học của nữ giới, Châu Á Thái bình dương (83%) và Mỹ châu La-tinh (87%) hầu như gần theo kịp mức độ của các nước kỹ nghệ hóa (97%).
Sự cách biệt giữa nam và nữ ở cấp độ Đại học cũng được rút ngắn. Tại các nước đang phát triển, năm 1970, tỉ số phụ nữ ghi danh vào Đại học hay các trường cao đẳng, chuyên nghiệp… chỉ xấp xỉ bằng một nửa tỉ số nam giới, nhưng năm 1990 đã lên tới 70%. Ngoài ra hiện nay tại 32 nước trên thế giới, tỉ lệ phụ nữ ghi danh vào Đại học hay các trường cao đẳng đã vượt tỉ lệ nam giới.
Hơn bao giờ hêt chiều khóa của việc thăng tiến phụ nữ nói riêng và phát triển nhân loại nói chung luôn luôn hệ tại việc nâng cao giáo dục cho phụ nữ. Khi một người phụ nữ được giáo dục thì cả gia đình và cả công đoàn được giáo dục, vì phụ nữ là nhà giáo dục đầu tiên, tuyệt vời nhất, tận tụy nhất và hữu hiệu nhất.
3)- Nhưng vẫn còn nhiều bất bình đẳng về phái tính
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ nói trên về phương diện giáo dục và y tế, phụ nữ vẫn còn phải chịu đựng rất nhiều thiệt thòi và bất bình đẳng về phương diện xã hội, kinh tế và chính trị.
Thật vậy phụ nữ vẫn chiếm 2/3 trên tổng số 900 triệu người mù chữ tại các nước đang phát triển. Trong số 130 triệu trẻ em bất hạnh, không được may mắn cắp sách đến trường, 60% là trẻ nữ. Ngoài ra ở một số nước nghèo, tỉ lệ sinh sản tăng nhanh hơn tỉ lệ phụ nữ ghi danh theo học, vì vậy số phụ nữ không biết đọc biết viết sẽ có nguy cơ tăng thêm.
Tại nhiều nước đang phát triển, vì phương tiên y tế còn quá thô sơ, nhất là những gì liên hệ đến khoa sản phụ, cũng như việc săn sóc trước và sau khi sinh, cho nên nhiều phụ nữ phải thiệt mạng. Thật vậy, những khó khăn trong thời kỳ thai nghén là nguyên nhân của phần lớn tình trạng tử vong của phụ nữ ở tuổi sinh con. Con số tử vong liên hệ đến việc sinh sản ở các nước nghèo lên tới gần nửa triệu mỗi năm. Thêm vào đó mỗi năm vẫn có khoảng 100000 phụ nữ chết vì nạo thai bất hợp pháp.
Trong một thế giới giàu sang và tiến bộ như thế giới của chúng ta vẫn còn 1,3 tỉ người nghèo. Nhưng xưa cũng như nay nghèo đói vẫn luôn mang một khuôn mặt rất phụ nữ, vì 70% người nghèo nói trên là phụ nữ. Theo phúc trình của Tổ chức Lương nông quốc tế (tháng 2 1996), trên thế giới hôm nay vẫn còn 800 triệu người đói. Không cần nói ai cũng biết phụ nữ chiếm đa số những người bị đói này, bởi vì trong một gia đình đói ăn, thường thường những người mẹ, những người chị, những cô em… luôn nhường miếng ăn hiếm hoi còn lại cho con, cho chồng, cho cha, cho em…
Tình trạng nghèo đói hiện tại của nữ giới còn là hậu quả của những bất bình đẳng ở lãnh vực lao động, điều kiện xã hội, vai trò và trách nhiệm của nữ giới trong gia đình. Trong hai mươi năm qua, việc tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động đã tang lên 4%: từ 36% trong năm 1970 lên 40% ở năm 1990. Dù vậy, tỉ lệ tín dụng dành cho phụ nữ vẫn quá thấp, bởi vì vẫn duy trì quan niệm cho rằng phụ nữ không có khả năng để kinh doanh và quản trị tốt. Tại Mỹ châu La-tinh chẳng hạn, phụ nữ chỉ chiếm khoảng từ 7% đến 11% những người được hưởng chương trình tín dụng.
Lương trung bình của phụ nữ cũng thấp hơn lương trung bình của nam giới, bởi vì phụ nữ thường làm việc trong những ngành lợi tức thấp, hoặc thuộc diện kinh tế chui. Tuy nhiên có nhiều trường hợp phụ nữ làm cùng một sở và một việc với nam giới vẫn lãnh ít lương hơn. Theo nghiên cứu của Chương trình phát triển của Liên-hiệp-quốc(1995), tại 55 nước lương trung bình của phụ nữ chỉ bằng 3/4 lương trung bình của nam giới. Và ở khắp nơi trên thế giới tỉ lệ thất nghiệp của phụ nữ bao giờ cũng cao hơn nam giới.
Trong các nước kỹ nghệ hóa, nam giới xử dụng khoảng 2/3 thời giờ lao động vào những hoạt động được trả lương và 1/3 vào những hoạt động không trả lương. Trường hợp của phụ nữ ngược lại: 1/3 thời giờ lao động dành cho hoạt động trả lương và 2/3 lao động còn lại không trả lương. Ở các nước đang phát triển, trên 3/4 lao động của nam giới nhằm vào những hoạt động có lợi tức, trong khi đó đại đa số những hoạt động của nữ giới thuộc lãnh vực không được trả lương và cũng không được thừa nhận như một hoạt động có tính sản xuất. Chính vì vậy nam giới đóng góp nhiều hơn vào kinh tế gia đình và chiếm nhiều ưu thế trong cuộc sống.
Việc không thừa nhận giá trị kinh tế của những việc làm của phụ nữ đã đưa đến chỗ đánh giá thấp sự đóng góp của phụ nữ trong sinh hoạt kinh tế. Hậu quả trực tiếp của nó là phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay tiền ở ngân hàng, bởi vì trong xã hội tiêu thụ hiện nay ưu thế xã hội của một người phần lớn lệ thuộc vào lợi tức và việc làm của người đó.
Việc không đánh giá đúng mức vai trò và nhân phẩm của phụ nữ còn dẫn đến những vụ bạo hành thể lý. Rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, và suốt cuộc đời vẫn luôn luôn bị ám ảnh bởi những hành động vũ phu đó. Tại Chí lợi, Mễ tây cơ, Tân Guiné, Nam Hàn, chẳng hạn, khoảng 2/3 phụ nữ có gia đình là nạn nhân của bạo lực trong gia đình. Một phần ba phụ nữ ở Barbados, Canada, Bỉ, Hòa Lan, Tân Tân lan, Na uy và Hoa kỳ là nạn nhân của sự lạm dụng tính dục trong thời thơ ấu hay ở tuổi thanh xuân. Mỗi năm có tới một triệu trẻ em, đặc biệt các cô gái á châu, bị cưỡng bức làm điếm.
Gần một nửa những thủ phạm giết phụ nữ tại Bangladesh, Ba tây, Kenya, Tân Guiné, Thái Lan… là chồng, hoặc chồng cũ hay người tình. Những bạo lực trong gia đình cũng thường là nguyên nhân chính của những vụ tự tử của phụ nữ. Sự khinh miệt phụ nữ nói trên bắt đầu ngay từ lúc chưa lọt lòng mẹ hoặc vừa mới chào đời. Tại một số nước, người ta áp dụng phân tích y học để thẩm định phái tính của bào thai và khi cha mẹ biết bào thai tương lai là con gái thường dễ cấp nhận việc phá thai hơn.
4)- Thiếu cơ may về chính trị và kinh tế.
Nếu như cánh cửa giáo dục và y tế tương đối đã mở rộng cho nữ giới, những cơ may thuộc phạm kinh tế và chính trị vẫn đóng kín. Chính nơi đây là yếu tố quan trọng đã tạo nên và tiếp tục duy trì tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ.
Bất chấp những tiến triển lớn lao về việc phát triển tài năng và sự hiện diện đông đảo của phụ nữ trong những nghề tự do như giáo sư, bác sỹ, luật sư … , vai trò của phụ nữ trong lãnh vực chính trị còn rất giới hạn và quá khiêm tốn. Hầu như ở khắp nơi trên thế giới hôm nay người công dân có quyền bầu phiếu và phụ nữ chiếm hơn 50% cử tri. Nhưng sự hiện diện của phụ nữ ở những chức vụ có tính cách lãnh đạo và quyết định về chính trị như tổng thống, thủ tướng, dân biểu, bộ trưởng, thị trưởng, gíam đốc…còn quá ít ỏi. Theo thống kê của Liên-hiệp-quốc, phụ nữ chỉ chiếm 10% tổng số dân biểu quốc hội và vỏn vẹn 6% chức vụ lãnh đạo trong chính quyền. Tại 55 quốc gia trên thế giới, người ta nhận thấy phụ nữ hoàn toàn vắng bóng trong quốc hội hoặc chỉ diện diện một cách thật khiêm tốn: dưới 5%. Hiện tượng này gặp thấy ở nhiều nước nghèo (Afganistan, Bhutan, Etiopia, Mali chẳng hạn) cũng như ở nước giàu (Arabia Saudita, Hy lạp, Kuwait, Nam Hàn, Singapore).
Theo “Phúc trình về phát triển nhân bản”(1995) của Chương trình phát triển của Liên-hiệp-quốc, trong thế giới hôm nay phụ nữ lao động nhiều giờ và cần mẫn hơn nam giới. Trung bình phụ nữ đảm nhận 53% tổng số lao động tại các nước đang phát triển và 51% tại các nước kỹ nghệ hóa. Tuy nhiên kết quả thật trớ trêu: phụ nữ chiếm 1/2 dân số hoàn cầu, làm 2/3 công việc, nhưng chỉ hưởng 1/10 thu nhập và sở hữu 1/100 tài sản của thế giới.
Cũng theo tài liệu của Liên Hiệp quốc về phát triển nhân bản, trong số 130 nước được nghiên cứu, bốn nước Bắc Au (Thụy điển, Phần lan, Na uy và Đan mạch) đứng đầu thế giới về vấn đề phát triển phụ nữ. Tại các nước này nam và nữ đều ngang nhau trong mức độ xóa nạn mù chữ của người lớn, nhưng tỉ lệ phụ nữ ghi danh tại trường học cao hơn nam giới. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ cũng cao hơn nam giới đến 7 năm, trong khi sự khác biệt trung bình trên thế giới là 5 năm. Tuy nhiên xét về mặt kinh tế, lợi tức trung bình của phụ nữ vẫn chỉ khoảng 3/4 lợi tức của nam giới. Xem như vậy, thực sự chưa có một xã hội nào trong thế giới hôm nay phụ nữ được hưởng cơ hội đồng đều với nam giới về phương kinh tế và chính trị.
Một so sánh quan trọng khác là tỉ lệ của việc phát triển về phái tính và phát triển nhân bản của các nước trên thế giới không luôn luôn đồng đều nhau. Những nước có mức độ phát triển về phái tính cao hơn mức độ phát triển chung về nhân bản là Thụy điển, Đan mạch, Na uy, Phần lan, Cộng hòa Tiệp, Ba lan, Thái Lan, Tích lan, Mã lai, v.v., trong khi đó một số nước khác như Canada, Chí lợi, Tây ban Nha, các nước Ả rập thì mức độ phát triển về phái tính thấp hơn việc phát triển nhân bản. Riêng Canada đứng đầu về phát triển nhân bản, nhưng xét về phát triển phụ nữ bị tụt xuống hạng thứ 9, còn Việt Nam phát triển chung về nhân bản đứng hạng 85, nhưng phát triển phụ nữ được xếp hạng 74, nghĩa là cao hơn 11 hạng.
Nguyên nhân của sự khác biệt này không hoàn toàn lệ thuộc vào mức độ giàu nghèo của mỗi nước mà còn do sự khác biệt về lợi tức giữa nam và nữ, cũng như cơ hội tham gia vào lãnh vực xã hội, kinh tế và chính trị của người phụ nữ. Chính trị, văn hóa và giáo dục chiếm một vài trò rất quan trọng ở đây, chẳng hạn về phương diện phát triển phụ nữ Trung Quốc xếp hạng 71, nghĩa là 10 hạng trên Arabia Saudia, trong khi xét về lợi tức bình quân trên đầu người, Trung Quốc chỉ bằng 1/5 Arabia Saudita. Ba lan hơn Siria 50 hạng về phát triển phụ nữ, dù rằng hai nước có lợi tức bình quân trên đầu người bằng nhau. Thái Lan được xếp cùng hạng với Tây ban Nha, dù rằng xét về lợi tức Thái Lan chỉ bằng nửa Tây ban nha. Nói một cách tổng quát, ở những nước theo khuynh hướng dân chủ, tự do hoặc xã hội vấn đề phát triển phụ nữ cao hơn, trong khi những nước Ả rập, hoặc theo Hồi giáo, việc phát triển phụ nữ thấp và chậm hơn.
Còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua trên hành trình thăng tiến phụ nữ. Theo Tổ chức phát triển của Liên-hiệp-quốc một trong những cố gắng phải cấp tốc thực hiện trong một giai đoạn ngắn là “thiết lập bình đẳng về pháp lý”. Công ước quốc tế nhằm loại trừ tất cả những hình thức đối xử phân biệt giữa nam và nữ (Convention for the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women, CEDAW, 1979), được Liên-hiệp-quốc coi như một viên đá mốc để xây dựng quyền bình đẳng của phụ nữ. Rất tiếc hiện tại 41 nước hội viên vẫn chưa chịu ky, 6 nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn và 43 nước khác phê chuẩn nhưng không chấp thuận một số khoản. Nói khác đi, vẫn còn 90 nước chưa chấp thuận tất cả nguyên tắc “bình đẳng pháp lý” giữa nam và nữ.
Về phương diện kinh tế, cần sửa đổi và hiện đại hóa rất nhiều luật lệ và cách thế tổ chức ngõ hầu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người phụ nữ có con mọn, chẳng hạn cho phép người chồng ở nhà săn sóc con thay vợ, cho phép người phụ nữ có con thơ được làm việc bán thời gian, hoặc linh động hơn giờ làm việc cho họ, tăng thêm nhà giữ trẻ,vv.
Về mặt chính trị, nhiều tổ chức đưa ra đề nghị tối thiểu nên dành cho phụ nữ 30% những chức vụ chính trị có tầm mức quyết định trên bình diện quốc gia hoặc thành phố. Hiện tại chỉ ở Thụy điển, Đan mạch, Na uy, Phần lan, Hà Lan… tỉ lệ phụ nữ trong nội các chính phủ và quốc hội vượt trên 30%. Đối với các chức vụ giám đốc và quản trị hiện có 15 nước đã vượt mức 30%, còn ở cấp bực thành phố có 8 nước. Tuy nhiên đại đa số các nước trên thế giới còn ở rất xa chỉ tiêu nói trên. Tại Việt Nam, trong danh sách Ban chấp hành Trung ương của Đại hội Đảng khóa VIII có 20 phụ nữ, trong 19 Uy viên Bộ chính trị chỉ vỏn vẹn một đại diện phụ nữ và cuối cùng phụ nữ hoàn toàn vắng bóng trong Thường vụ Bộ chính trị.
Đối riêng với Giáo hội Công giáo, dù có biện minh, giải thích hay ho và khéo léo thế nào đi chăng nữa, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp lớn lao của phụ nữ cho Giáo hội và vai trò phụ thuộc của phụ nữ trong Giáo hội. Mâu thuẫn trên càng hiện rõ khi ta đối chiếu với ngôn từ và hành động của chính Đức Kitô.
Trải qua dài đời lịch sử, những người mẹ, người vợ, người chị Việt Nam luôn tần tảo, tận tụy và quảng đại lo cho chồng, cho con, cho đàn em dại. Không ai có thể quên được cái chân dung cao đẹp đó và ước mong sao dù phải trải qua “những cuộc bể dâu” người phụ nữ Việt Nam sẽ không đánh mất căn tính của mình. Tuy nhiên vận hội mới của dân tộc, giai đoạn đặc biệt của lịch sử và những thách đố của “hòan cầu hóa” đang đặt ra cho người phụ nữ Việt Nam nhiều yêu cầu mới.
Hy vọng với sự nhạy cảm thiên phú của đàn bà, cộng thêm óc thông minh, chí kiên cường, lòng chung thủy, quảng đại tích luỹ từ bao ngàn đời, người phụ nữ Việt Nam ở năm 2000 sẽ không thụ động “ôm con chờ chồng” như nàng Tô thị, cũng chẳng tiếp tục bị giam hãm trong một thế giới chật chội, trái lại sẽ mạnh dạn tiến lên, đồng hành với phụ nữ thế giới, nhưng vẫn không sa vào vết xe đổ của nhiều phụ nữ Âu Mỹ.