Trần Bình, OP.
Anh bạn thân từ phương trời xa gửi thư về thăm, trong thư anh viết : “cậu có thấy mình thật hạnh phúc khi mà mỗi sáng mở mắt thúc giấc đã được tiếng chổi tre mẹ già quét rác loẹt xoẹt ngoài sân; gần hơn là hình bóng cha già đang trầm ngâm, ngồi co ro lặng lẽ nhâm nhi thả khói thuốc bên cạnh tách trà còn ấm nóng…. Và ngày nào cậu không còn nhận thấy những hình ảnh và âm thanh thân thương ấy nữa, thì cậu thành người bất hạnh, bất hạnh nhất trong những kẻ bất hạnh, như tớ đây…”
Có một điểm chung là ai ai cũng có thể dễ dàng nói về mẹ mình với những tình cảm chân thành và bộc trực, còn dãi bày những thương mến về cha thì có vẻ khó khăn. Tại sao vậy nhỉ?
Hình như trong gia đình, người phải bôn ba với cuộc đời. Sớm sớm, sáng sáng đã phải phơi mặt với đời. Cả ngày căng thẳng đầu óc, suốt ngày đương đầu với những thách thức để mang về cho gia đình từng bữa ăn… cho nên tình cảm cha không ồn ào như của mẹ. Cha là cột để cho mái nhà vững chãi. Cha là khung dàn cho đời con leo. Mẹ là cung thanh còn cha là điệu trầm.
Cuộc sống con cái khởi đi từ dòng sông cha. Dòng sông ấy đã tạo ra những nhánh sông con, những mương rạch. Có những con sông chảy qua đồng bằng xanh tươi. Có những con sông khác lại uốn lượn theo những vùng đồi núi quanh co. Có con sông mang mầm sống cho vườn tược. Cũng có con sông đi vào nơi ao tù, và sình thối ở đấy…. Dòng sông cha nào hay biết vận mệnh tương lai con mình ra sao, và cũng chẳng bao giờ thu hồi lại nguồn sống mình đã sản sinh ra. Dòng sông mang nước từ những giọt mưa trời, nguồn sống được ban nhưng từ trên, nên cũng luôn luôn chảy xuôi cách hiền hoà mãi mãi.
Có anh sinh viên, mải chơi nên thi rớt môn, phải học lại. Như hình thức phạt, nhà trường bắt học từ 5 giờ chiều tới 10 giờ khuya. Trời gần Tết, lạnh nhức xương. Về đến nhà thấy cha già co ro ngủ gật gà bên bậu cửa.
– Sao con học về trễ thế?
– Giờ mới xong, có giấy của nhà trường đây ạ.
– Vào nhà mau, ăn cơm rồi ngủ. Tội nghiệp!!!
Sao vậy ? Đầu bạc ngồi đón đầu xanh trong cái lạnh tê người cuối năm. Tội ai? Ai tội ?
Chính vì nét thâm trầm mà khó ai có thể bộc lộ tình cảm ra với cha mình. Có những thanh niên vướng lưới tình uỷ mị ướt át, miệng hót lích chích như con sáo, không kéo da non được. Vậy mà khi đứng trứơc cha mình, anh ta lóng ngóng sao sao, không cất nổi tiếng thương yêu chân thành với với Đấng sanh thành. Tình cảm của Cha thô ráp và sần sùi như tay Người. Từ bàn tay ấy, tình yêu thương nhè nhẹ bao phủ đời con. Cũng như viên đá quý, bên ngoài thì chẳng có gì để quan tâm, nhưng gột bỏ lớp đất phủ là cả kho tàng, kho tàng kinh nghiệm và tình yêu.
Để nhận ra điều tế nhị ẩn khuất này, những tâm hồn ồn ào nào nhiệt mấy khi chạm và được. Đến khi không còn cơ hội nữa người ta mới thấy hối tiếc. Bs Đỗ Hồng Ngọc, khi nói với những bệnh nhân trẻ, những người muốn nổi loạn với cha mẹ mình rằng : “Có chuyện những tưởng là bình thường, thậm chí là tầm thường. Nhưng khi vuột qua mất thì không sao có thể níu lại được, khi ấy mới thấy chính những điều tầm thường là phi thường”.
Bố là con ngựa con cỡi con chơi… Ông nhạc sĩ ơi, cám ơn ông đã nói thay nhiều người có cả người viết, lời yêu thương chân thành mà nhiều người mang nợ cha mình : Ba ơi, con yêu ba.