Thánh Lễ: nơi ta nhận sự Bình An

 

Thánh Lễ: nơi ta nhận sự Bình AnThế giới hôm nay, có thể nói, là một thế giới đầy bất ổn và bất an. Bất ổn bởi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái. Chính sự tranh giành quyền lực đã làm cho đời sống của người dân luôn ở trong tình trạng không ổn định. Sự kiện đảo chánh ở Myanmar hơn một tháng qua, đã cho chúng ta thấy rõ nét về điều này.

Còn sự bất an ư! Rất… rất là bất an, khi hôm nay, không ít chính phủ, nay ban hành sắc lệnh này, mai lại ký sắc lệnh kia, mà những sắc lệnh đó chỉ làm tổn hại đến quốc gia, và tăng thêm gánh nặng cho đời sống dân chúng. Không bất an sao được, khi đã có chính phủ, đã có “nhà nước”, không tiện nêu tên  ở đây, nay đe dọa khủng bố, mốt lại đe dọa tấn công vũ khí hạt nhân v.v…!

Với một thế giới như thế, cuộc sống của con người,  chẳng phải là không có bình an, sao!  Marcus Tullius Cicero nói: “Một cuộc đời hạnh phúc, cần có sự bình an”. Đúng, cuộc sống hạnh phúc là cuộc sống có sự bình an.

Trước giờ tử nạn, Đức Giê-su chẳng hứa gì với các môn đệ, ngoài lời hứa, rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Rồi, sau khi từ cõi chết trở về, với lần hiện ra vào ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su cũng đã lập lại lời phán hứa này với các môn đệ:”Bình an cho anh  em”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (Ga 20, 19-31)

**

Vâng, đó là một buổi chiều, nói theo cách nói của chúng ta hôm nay, “buổi chiều Chúa Nhật Phục Sinh”. Nhóm Mười Một các môn đệ chìm trong tâm trạng lo lắng.

Các ông lo lằng điều gì? Thưa, lo lắng vì nhóm thượng tế và các kỳ mục, họ mua chuộc nhóm lính tung tin đồn rằng “các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác”. Tin đồn đó như một cái cớ để chính quyền có thể bắt các môn đệ bất cứ lúc nào. Vâng, trộm xác là một trọng tội, vào thời đó. Vì là trọng tội nên các môn đệ rất “sợ”, sợ đến nỗi “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín”.

Lo lắng và sợ hãi. Sợ hãi và lo lắng… Cứ thế… cứ thế. Thế rồi, đang lúc Phêrô và Gioan suy đi nghĩ lại về hiện tượng lúc buổi sáng ra mộ, chỉ thấy ngôi mộ trống… Còn các người môn đệ khác, thì sao nhỉ! Vâng, nếu được phép, chúng ta hãy tưởng tượng, có lẽ các ông đang buồn bã cất tiếng ca bài “Sombre Dimache”, lời ca rằng: “Chúa Nhật buồn đi lê thê. Cầm một vòng hoa đê mê. Bước chân về với gian nhà với trái tim cùng nặng nề… Ngồi một mình nghe mưa rơi. Mặc lệ tràn câu thiên thu. Gió hiên ngoài nhắc một loài dế giun hoài thương ru..”… thì bất ngờ, một điều không tưởng đã xảy ra. Nơi ở của các môn đệ quả thật có tiếng “gió hiên ngoài”, tiếng gió của một cuộc thần hiện: “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông”. Người đã hiện đến và nói rằng: “Bình an cho anh em” (Ga 20, 19).

Sau lời chào bình an, khung cảnh đìu hiu của gian phòng nơi các ông tụ tập được nhường chỗ cho sự vui mừng. Vâng, các ông “vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20). Thầy đó ư! Lời Thầy đã ứng nghiệm rồi sao! Nhớ lại lời bà Maria Mác-đa-la cho biết “Tôi đã thấy Chúa” và đã “kể lại những gì Người đã nói với bà”, bây giờ các ông mới cảm thấy xấu hổ vì đã “cho là chuyện vớ vẩn” (x.Lc 24, 11).

Chính Đức Giêsu chứ không là ai khác. “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Bàn tay và cạnh sườn in đậm dấu tích của vết đinh và mũi đòng, chứng tích của cuộc khổ nạn mà Ngài đã phải trải qua.

Các ông như người chết sống lại. Mà quả thật, các ông sống cũng như chết. Sau cái chết của Thầy Giê-su, các ông mất hẳn phương hướng, chỉ còn sợ hãi và lẩn trốn. Và hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh đến, các ông đã được “tái sinh”, tái sinh qua việc Đức Giê-su “thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, một sự tái sinh đúng nghĩa, đó là “tái sinh trong Thần Khí”, một sự tái sinh đủ mạnh để đón nhận niềm tin, tin rằng “Người đã sống lại thật”. Cuối cùng, sự tái sinh đó đã xóa tan nỗi lo lắng và sợ hãi nơi các ông.

Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, một người trong Nhóm Mười Hai, hôm đó, “không ở với các ông khi Đức Giê-su đến”. Và, đó là lý do ông không tin điều các môn đệ đã xác quyết rằng, “chúng tôi đã được thấy Chúa!” Không tin cũng không sao, nhưng có “sao” là khi ông lớn tiếng thách thức rằng, “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin…”

Để rồi, tám ngày sau, Tôma đã phải giật thót tim khi nhìn thấy Đức Giê-su. Cũng giống như lần trước, mặc cho “các cửa còn đóng kín” Đức Giêsu hiện đến, Ngài đứng giữa các ông, cũng một lời chúc “Bình an cho anh em”, rồi Ngài bảo với ông Tôma rằng, “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27).

Nghe thế, Tôma đứng sững như hình hài pho tượng, nghĩ đến những chữ “nếu… nếu tôi… nếu tôi…”, có lẽ lúc đó ông ta lẩm bẩm “nếu ngày đó mình đừng (cứng lòng tin), thì ngày nay có đâu buồn đau, có đâu buồn đau”!!!

Hôm ấy, khi nhìn Thầy Giê-su, một Giê-su bằng xương bằng thịt, với tất cả dấu tích của cuộc khổ hình, sự hồ nghi đã biến khỏi tâm hồn của Tôma, thay vào đó là một tâm hồn tan vỡ, một tâm hồn mở ra, xác tín niềm tin của mình vào Đức Giê-su với lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su không một lời trách Tô-ma, Ngài chỉ nói: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”.

***

Đức Giê-su đã Phục Sinh. Người đã không hiện ra với Hê-rô-đê, hoặc với Phi-la-tô,  bởi nếu có hiện ra, có phần chắc, quý ông này sẽ bỏ chạy mất dép…

Người đã hiện ra với các môn đệ của mình. Hiện ra với các môn đệ, không phải để “tính sổ” tội chối Thầy của Phê-rô, không phải để trách móc những yếu đuối của các ông.

Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến là để chứng tỏ cho các ông biết rằng, Ngài đã chiến thắng sự chết, như lời Ngài đã phán rằng “Ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy”.

Hơn nữa, Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến còn là để biểu lộ tình yêu thương của Ngài, qua việc “Ban Bình An” cho các ông, một thứ bình an, như Ngài đã nói, “không theo kiểu thế gian” ban cho. Một thứ bình an chỉ thật sự bình an “nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,…31).

Thế nên, hôm nay, sau khi nghe lại sự kiện này, chúng ta hãy để tâm hồn chìm vào trong thinh  lặng và tự hỏi mình, rằng: “Tôi có được sự bình an của Chúa?”

Vâng, như đã nói ở trên, chúng ta đang phải sống trong một xã hội đầy bất an và bất ổn, bất an bởi những “bác tài phê đá”, bất ổn bởi sự “mất giá” của đồng tiền. Đó là chưa nói đến việc chúng ta luôn nơm nớp lo sợ phải đối mặt với những con người bất nhân, bất nghĩa, bất lương, bất hảo v.v… Đó là lý do  lời chúc “Bình An cho anh em” là lời chúc rất cần thiết cho chúng ta, hôm nay. Đó là lý do chúng ta rất cần có “Bình An của Chúa ở cùng”.

Tiền bạc không đem lại sự bình an. Danh vọng quyền lực, không đem lại bình an. Gần đây, nhiều quan chức ở trong nước cũng như ở ngoại quốc quyền lực đầy mình, tiền bạc chất cao như  núi, thế mà vẫn phải vào “nhà đá” như những minh chứng điển hình

Chuyện đã cũ, nhưng thiết tưởng nên nhắc lại, đó là siêu sao điện ảnh Mỹ, Marylin Monroe, dầu đã có một cuộc sống vật chất quá dư thừa, nhưng cô ta vẫn còn thiếu một thứ. Sau khi cô ta tự tử, người ta tìm thấy bức thư tuyệt mạng của cô ta với dòng chữ ngắn: “Tôi không tìm thấy sự bình an”.

Tôi không biết vì sao cô Marylin Monroe không tìm thấy sự bình an. Nhưng tôi biết một nơi có thể “tìm thấy sự bình an”. Đó chính là “Thánh Lễ”.

Đức Giê-su Phục Sinh không keo kiệt đến độ không ban cho chúng ta sự bình an. Đức Giê-su Phục Sinh vẫn đang hiện hiện trong Thánh Lễ. Nơi đó Ngài vẫn lớn tiếng nói: “Hãy đến cùng Ta”. Hãy đến và Ngài sẽ ban cho chúng ta sự bình an.

Nếu chúng ta muốn nhận! Đừng vắng mặt như tông đồ Tô-ma vào “ngày thứ nhất trong tuần”. Nói rõ hơn, muốn Bình An của Chúa ở cùng, chúng ta đừng vắng mặt trong “Thánh Lễ ngày Chúa Nhật”. Trong Thánh Lễ, qua vị Linh Mục chủ tế, Người vẫn nói với chúng ta, rằng: “Bình An của Chúa ở cùng anh chị em”. Hãy tham dự Thánh Lễ, nơi chúng ta được gặp Đức Ki-tô Phục Sinh, và sẽ nhận được “Bình An của Chúa”.

Petrus.tran

 

 

Trả lời