Tản Mạn Về Đại Hội Dân Chúa

 

TẢN MẠN VỀ “ĐẠI HỘI DÂN CHÚA”


Tản Mạn Về Đại Hội Dân ChúaTrong những ngày này, tại Sài gòn vừa diễn ra một cuộc hội nghị mang tính tôn giáo rất quan trọng. Cuộc hội nghị mang tên “Đại Hội  Dân Chúa”.

Theo nghĩa thật rộng, đại hội mang tên như thế thì cũng có sự góp mặt của toàn thể dân Chúa, hay ít ra là rất đông, rất nhiều thành phần cùng tham dự. Tuy nhiên, có lẽ vì một lý do khách quan nào đó nên chỉ có một số ít góp bài tham luận. Những chủ đề về thần học được diễn giải rộng hơn, đề tài giáo hội được khai thác nhằm đem chiều kích thần thiêng sát gần với cuộc sống con người hơn. Dù vậy, chiều kích tâm hồn và sống động cho những lý luận này vẫn còn là dấu chấm hỏi…

Người tín hữu ở Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, còn rất mến mộ giáo hội và thực thi tinh thần nhà đạo khá tích cực. Dầu vậy, có thể nói cách hơi hàm hồ rằng việc sống đạo của đa số giáo dân Việt Nam quá nặng về kinh kệ và thiếu chất suy tư. Có thể trưng ra nhiều lý do dẫn tới thực tại này, nhưng điều mà theo tôi, có tác động rõ nét nhất là sự non yếu về giáo lý đức tin. Với nhưng người cao tuổi thì chắc là chỉ biết sống đạo bằng việc siêng đến nhà thờ “đọc kinh xem lễ”, hay ngồi trong góc nhà tay cầm xâu chuỗi lâm râm lời kinh có sẵn. Giới trung niên thì lòng đạo cũng nồng nàn, nhưng lại có phong trào hơn là sự ý thức. Giới trẻ hay ‘teen’ thì cũng thích ‘đi nhà thờ’, vì lòng đạo cũng có, vì cha mẹ bắt buộc cũng có, vì để gặp bạn bè hay khoe áo mới cũng có.

Ở những xứ đạo ‘toàn tòng’ thì những tổ chức lễ lạc, sinh hoạt mục vụ có vẻ rầm rộ hơn. Các hội đoàn, ban bệ cũng nhiều để lôi kéo nhưng tín hữu thiện chí tham gia cho có tinh thần đạo đức hay góp tay cho những buổi lễ thêm sinh động. Thế rồi lại những hình thức kéo theo cho đoàn thể ‘nổi hơn’. Nào là đồng phục riêng, đóng góp riêng, quy chế riêng…và cũng có cả cạnh tranh riêng nữa. Thôi thì cho rằng có mục đích tốt thì phương tiện cũng phải tốt, nên những cái rườm rà đó cũng chẳng cần để tâm làm chi cho mệt. Điều mà tôi và anh chị đang khắc khoải từng ngày, là làm sao cho những hình thức bên ngoài đó tô đậm cho nội dung bên trong, cái mà Đại Hội Dân Chúa cũng đang tìm kiếm.

Quan sát trong thực tế, kiểm chứng qua sinh hoạt thường ngày, ‘người có đạo’ và ‘người vô đạo’ có khác chi nhau là mấy. Trong một tiệc cưới rộn ràng tiếng đàn ca, nếu là dân có đạo thì mời vị khách  là linh mục lên phát biểu chúc phúc rồi ‘ban phép lành’ cho bữa tiệc. Nhưng một tiệc cưới không của giới Amen, thì những người dự tiệc biết Amen cũng không ‘làm dấu’ trước khi nâng chén. Trong một nhà ăn tập thể của công ty kia, tôi biết có vài người có đạo, nhưng chưa lần nào thấy họ có tí phút cầu nguyện trước khi ăn. Không dám bày tỏ dấu hiệu người có đạo tại nơi công cộng, thì chắc gì có được bày tỏ khi ở nhà. Nét độc đáo của giáo lý công giáo là Mến Chúa Yêu Người. Cả hai đối tượng đều thể hiện bằng động từ, động từ chỉ hành động.

GIÁO DỤC ĐỨC TIN

Đức tin không phải là nhân đức tập thành, nghĩa là những đức tính do luyện tập mà có. Đức tin là một ân sủng.  Để đến với cái tin này, người ta không thể luyện tập mà có được. Đức khiêm nhường, đức vâng lời… là sự khổ luyện. Đức tin lại là ân sủng, là ân ban không qua kinh nghiệm mà qua cảm nghiệm.

Đức tin của tôi có thể lúc mạnh lúc yếu, lúc bừng cháy khi lụi tàn, nhưng tác động đó chỉ có nơi chủ thể tin chứ không ở đối tượng tôi tin. Nếu đức tin của tôi không được nuôi dưỡng trong môi trường ‘lành mạnh’, nhiều khi còn phát triển theo chiều mê tín, cuồng tín và nhất là thần thánh hoá thụ tạo, nhìn gà hoá cuốc. Vì thế, việc giáo dục đức tin cũng giống như tác động của môi trường làm cho hạt giống nảy mầm xanh tươi. Môi trường tốt, sự sinh trưởng của hạt giống chắc cũng tốt.

Nhiều người vẫn bảo rằng mình tin Chúa, nhưng những dịp gieo quẻ cầu may hay rút săm đoán mệnh cũng có mặt họ luôn. Hễ nghe nơi nào có ‘phép lạ’, có nước thánh’ là sẵn sàng bỏ hết công ăn việc làm để tới xem cho kỳ được. Hình như Chúa ở nhà mình có khác với Chúa với Đức Mẹ ở nơi ấy chăng ! Chỉ có khác nhất là những nơi có ‘phép lạ’ thì việc buôn bán tượng ảnh, dịch vụ xe ôm, quầy hàng ăn uống sẽ sầm uất hơn nhiều! Cơ hội của những kẻ buôn thần bán thánh sẽ phất lên trông thấy.

Cuộc hành trình của đức tin ít khi suôn sẻ. Ngay từ trong ‘sấm truyền cũ’ cũng nhan nhản những cuộc thử thách của đức tin. Từ những chuyện phi lý của Abraham, Giuse Ai Cập đến Isaia …cho đến những mẩu chuyện nhỏ trong ‘sấm truyền mới’ như việc bà goá dân ngoại xin chữa bệnh cho con, chuyện Phêrô đằng thuỷ rồi suýt chìm, chuyện Toma hậu phục sinh…Rồi bao cuộc bách hại đẫm máu chỉ vì cái chữ tin mà bị coi là tà đạo.

Sự nghịch lý thường chỉ do lối nhận xét của con người, chứ với chủ thể tin thì không nghịch lý. Tin đến độ xác tín, không nghi ngại, cho dù lý trí có những biện minh khác. Tin vào sự khôn ngoan, sự quan phòng, lòng thương yêu của Đấng mình tin. Nó nhấn mạnh tới một yếu tố thẳm sâu trong tâm hồn là lòng yêu mến, người Việt dùng từ  Hán là ‘Ái’, nhà đạo gọi là Đức Mến. Đức tin tăng cường đức cậy và củng cố đức mến. Thánh Phaolo có những lý luận rất thuyết phục về mệnh đề này. Đức mến sẽ còn thăng hoa, trong khi đức tin, đức cậy không còn cần thiết trong cõi vĩnh hằng. Và ngay hôm nay, đức mến cũng chi phối cả mọi thái độ của niềm tin. Các thánh Tử Đạo phải được coi là biểu tượng của đức Mến hơn đức Tin. Bởi chính tình yêu Chúa nung nấu tâm hồn và chỉ muốn bày tỏ cho mọi người chiêm ngưỡng sự cao cả của tình yêu đó mà họ sẵn sàng dùng sự sống của mình mà trình bày.

Không tin thì không mến. Nhưng niềm tin sâu sa đó là của tôi, ở sâu trong mọi hành động và ý chí của tôi để được bộc bạch ra bằng tình mến. Và như có một hệ luỵ: càng yêu nhiều càng bị thử thách nhiều, càng thử thách thì càng tin hơn và xác tín hơn. Toma đã kinh nghiệm điều ấy và trong một lúc tột đỉnh của lòng tin đã phải bộc bạch : Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của tôi. Và thế là đủ, không cần thêm lời nào nữa. Thiên Chúa của tôi chứ không phải Thiên Chúa mà người ta thường nói, không phải Chúa trong sách vở hay các bài thuyết trình hay trên miền thượng giới nào đó. Chúa của tôi là cảm nghiệm của riêng tôi, để tôi sống với Ngài, trong Ngài và nhờ Ngài. Suy tư, việc làm, tính toan, vui buồn của tôi đều có Ngài cùng cảm thông dẫn dắt, thế mới là “tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa sống trong tôi” (thư Phaolo).

Bằng phương thế nào đó, kể cả những giáo điều, những phong trào hay đại hội… Những người có vai trò dẫn dắt dân Chúa phải khơi dậy được lòng tin sâu sắc và trưởng thành nơi người giáo hữu, từ đó mới có thể ‘kích hoạt’ những bài giáo lý thiết thực và sống động.

GIÁO DỤC NHÂN BẢN

Trước khi là người công giáo tốt, phải là con người tốt trước đã.

Xưa nay việc giáo dục vẫn được xã hội coi trọng và là mối quan tâm hàng đầu của giáo hội. Nhân chi sơ tính bổn thiện, nhưng rồi những ảnh hưởng xấu trong đà phát triển thường du nhập những thói xấu dễ hơn tính tốt. Giới trẻ dễ lây nhiễm những tật xấu mà không hề hay biết mà lại còn coi đó như ‘cá tính’ để khẳng định mình. Người lớn cũng không khác mấy nếu như mức độ nhận thức kém và thói sống a dua ‘ai sao tôi vậy’ cũng làm giảm tư cách con người.

Chúng ta không phủ nhận cái “tôi” đáng quý của mỗi người. Cái Tôi nhân bản chính là nét độc lập trong phong cách sống, nó thể hiện qua tinh thần trách nhiệm, lòng khoan dung, ý chí, quyết tâm và định hướng rõ rệt. Nó khác cái tôi của tự ái và tự cao ‘tôi là cái rốn của vũ trụ’, dù tự thân cũng biết những ý kiến cá nhân hay cách sống của mình hơi lập dị. Sách tu đức nhà đạo hay phê phán cái tôi kiểu này.

Quả tình việc giáo dục nhân cách trong xã hội hôm nay rất khó khăn nếu như không có sự đồng thuận từ trong gia đình đến nhà trường, nhà thờ, và cả xã hội. Cứ xem những sự kiện rối rắm trong xã hội, nhà trường, xí nghiệp…hầu như đều có căn là tại thiếu giáo dục. Ngay từ ghế nhà trường đã tràn lan ‘tệ nạn’ chạy trường chạy điểm, bằng giả dấu giả, trò xử thầy theo kiểu xã hội đen, thầy lạm dụng tình cảm học sinh, học trò thanh toán nhau như loài sói, và nhiều tiêu cực nữa kể không hết. Ngoài xã hội thì còn lắm cái vô giáo dục hơn nữa : tham nhũng từ trên xuống dưới nhưng ẩn trong chiêu bài tình cảm biếu xén. Hối lộ, ăn chặn đồ cứu tế, tự làm luật với những kẻ thấp cổ bé miệng…được báo chí đăng tin ngày một nhiều. Ngoài ra cũng không thể không đề cập đến những tiện ích của khoa truyền thông đại chúng. Cái hay cái đẹp thì ít được quan tâm học hỏi, nhưng những thông tin ‘đen’ thì người ta nô nức kéo nhau vào tìm tòi. Ngay cả lĩnh vực âm nhạc là nét tinh hoa của cuộc sống cũng đầy dẫy những đám mây đen ám bụi làm ô nhiễm cả nghệ thuật. ..

Thực ra cũng có những bài học có tính cách nhân bản trong nhà trường, nhưng chắc chiều sâu không thiết thực lắm nên không tạo thành ý thức cho con người. Tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng, coi thường luật giao thông, la hét ngoài đường, ăn mặc lố lăng…là bằng chứng cho cách giáo dục đạo đức cách mạng chưa thuần thục. Những đức tính của ‘người lịch sự’ còn xa xỉ lắm cho cộng đồng hôm nay, nói chi đến tính trung thực, lòng vị tha, óc tế nhị, sự cần mẫn, sống nhân đạo…

Cây tốt mới có hoa trái tốt, nền giáo dục sâu sắc mới tạo được thế hệ có văn hóa và đạo đức làm người. Giáo hội chắc chắn phải là môi trường có men giáo dục tốt để làm dậy lên cả một xã hội có giáo dục. Hoàn cảnh xã hội ngày nay mà thực hiện được điều này thật khó, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đành bó tay chờ thời.

Giáo dục nhân bản phải được thực hiện trong mọi thành phần dân Chúa. Kể cả các Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ lẫn giáo dân. Ngày trước, các tu sĩ, chủng sinh được đào tạo từ nhỏ trong một trường tu viện, nên có thể nói tư cách họ có nét độc đáo mà gặp họ nơi nào cũng lộ ra chân dung người tu sĩ. Sau này hoàn cảnh không cho phép nên các tu sĩ trẻ thường đã lăn lộn nhiều trong cuộc sống và cũng ảnh hưởng phần nào nhưng kiểu sống hoặc tư cách của ‘người đời’, nên những bài học nhân bản có thể còn mới lắm đối với họ. Còn với người giáo dân trẻ thì chắc chắn còn xa lạ với ý tưởng này, nếu như ngay tại gia đình chưa có ý thức giáo dục đức tin lẫn nhân cách cho con cái.

Người Kitô hữu có Lời Chúa là ánh sáng soi đường, có những lời giáo huấn của giáo hội chấn chỉnh hành động, có lời cầu nguyện là sức mạnh giúp thắng vượt nhưng chướng ngại giăng mắc muôn nơi, có cộng đồng là nơi thực hiện những bài học của Tin Mừng, nên chúng ta có nhiều cơ hội để sống là người Kitô hữu gương mẫu và cũng là một con người đầy nhân bản.

Thế nhưng việc thực hiện những bài học giáo dục nhân bản thế nào, lại còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thành quả còn phải mãi chờ trong tương lai.

Mùa vọng 2011
Bs. TRẦN MINH TRINH

 

Tản Mạn Về Đại Hội Dân Chúa


Trả lời