Đức Giê-su – Ngài có “đang ở sẵn trong thuyền”?

 

Đức Giê-su - Ngài có “đang ở sẵn trong thuyền”?Sợ hãi là gì? Thưa, “Sợ hay sợ hãi là cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa. Đây là một cơ chế tồn tại căn bản xảy ra trong phản ứng với một kích thích cụ thể, ví dụ như: đau, hoặc bị đe dọa, hoặc nguy hiểm đe dọa. Nói ngắn gọn, sợ là khả năng nhận ra nguy hiểm và chạy trốn khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại nó” (nguồn:Wikipedia)

Nói tới sợ hãi ư! Vâng, có trăm ngàn thứ sợ. Có người sợ bóng tối, có người sợ ma, có người sợ cô đơn, có người, rất giản dị, họ sợ con chuột hay con gián v.v… Ngoài những nỗi sợ tự nhiên đó, còn những nỗi sợ phát xuất từ thiên nhiên như: lụt lội, giông tố, và những nỗi sợ do con người gây ra như chiến tranh chẳng hạn. Nói tắt một lời, trong cuộc sống, từ khi sinh ra cho tới lúc chết đi, không ai mà không có một nỗi sợ riêng tư nào đó.

Dale Carnegie, là một nhà văn và cũng là một diễn giả, khi nói tới sự sợ hãi, qua cuốn “lời hay ý đẹp”, ông đã cho nhiều lời khuyên giúp vượt qua nỗi sợ hãi. Chẳng hạn như:  “Bạn có thể chế ngự được bất kỳ nỗi sợ hãi nào nếu bạn quyết chí làm như vây. Hãy nhớ rằng, nỗi sợ không tồn tại ở đâu cả ngoại trừ trong tâm trí bạn.”  Hoặc như câu: “Sợ hãi là một kẻ bốc phét và hèn nhát; để chế ngự nỗi sợ hãi, ta chỉ cần quên đi sự có mặt của nó. Bạn có thể làm được việc đó” (Carnegie 27)

Vâng, quả là  ý đẹp lời hay. Thế nhưng, trong thực tế, có mấy ai đã vượt qua nỗi sợ hãi khi áp dụng lời khuyên này cho trường hợp của mình!

Với Phật giáo, để giúp cho con người chiến thắng nỗi sợ hãi, đạo Phật đã dùng giáo lý “Vô úy thí” như là một phương pháp để vượt qua. Theo lời giải thích của một người trong “tổ tư vấn”, thì, “Vô úy là không sợ hãi, cũng còn gọi là Vô sở úy, Vô bố úy. Bố thí vô úy tức là trang bị cho mọi người, cho chúng sanh năng lực không còn sợ hãi. Muốn thực hiện pháp thí này, yêu cầu trước hết là hành giả phải tự trang bị cho mình khả năng thắng vượt tất cả những nỗi sợ hãi. Muốn thoát khỏi lo sợ, điều đầu tiên là phải biết nguyên nhân, nguồn gốc các nỗi sợ và can đảm đối diện với chúng” (nguồn: internet). Vâng, “hành giả phải tự trang bị cho mình khả năng thắng vượt tất cả những nỗi sợ hãi” quả là một yêu cầu khó thực thi.

Với người vô thần thì sao? Tôi không biết, có lẽ đối với họ, trên thế gian này chẳng có gì làm cho họ sợ hãi!!!

Còn Ki-tô giáo thì sao? Thưa, không gì tốt hơn là đặt niềm tin phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Thật vậy, Lời Chúa được ghi lại trong sách Thánh Vịnh cho biết, rằng: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”(x.Tv 37, 5). Và, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa cũng đã phán: “Đừng sợ… Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn… Vì chính Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 43, 2-3)

Đặt niềm tin phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa ư! Thưa, đúng vậy, chính Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã dạy cho các môn đệ bài học này trong một lần Thầy và trò cùng nhau thực hiện một chuyến hải hành vượt qua Biển Hồ Ga-li-lê.

Câu chuyện đã được kể lại rằng: Hôm ấy, khi chiều xuống, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi”. Vâng, đây là một cuộc hành trình như bao cuộc hành trình khác của Đức Giê-su và các môn đệ.

“Sang bờ bên kia” ư! Có lẽ… vâng, có lẽ các môn đệ đã coi  cuộc hải hành này như một cuộc “dạo mát trên Biển Hồ”, một cuộc đi mà các ông vẫn thường đi mỗi ngày.  Thì đây, với cái biển dài non hai mươi cây số, rộng khoảng mười một cây số thì có gì trở ngại với những ngư phủ dày dạn kinh nghiệm như các ông!

Thế nên, rất tự tin, tuân theo lệnh truyền của Thầy mình, các môn đệ lên thuyền “chở Người đi”. Thế nhưng, như người Việt Nam chúng ta thường nói: “Người tính không bằng trời tính”. Và quả thật, chuyến hải trình của các ông hôm đó không suôn sẻ chút nào.

Hôm đó, khi chiếc thuyền của các ông còn đang lướt sóng  giữa Biển Hồ, chuyện chép lại rằng: “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”.

Dù là những chàng “kình ngư” lão luyện, nhưng Phê-rô, An-rê, Gioan, Gia-cô-bê và những đồng môn khác đều hoảng sợ. Các ông chạy đến “đánh thức Người dậy và nói: Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Vâng, lúc đó, Đức Giê-su “đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” (x.Mc 4, 38)

Khi câu chuyện được kể  tới đây, có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc, tại sao các môn đệ, là những người kinh nghiệm về biển, lẽ ra họ phải biết cách để lèo lái con thuyền vào bờ an toàn, chứ sao lại phải kêu cầu đến Đức Giê-su, Ngài chỉ là một người “thợ mộc”?

Vâng, Đức Giê-su đã cho ta câu trả lời thỏa đáng khi Ngài nói với họ rằng: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh  em vẫn chưa có lòng tin?”. Hôm đó,  bằng quyền năng  của Con Một Thiên Chúa, Đức Giê-su  thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”. Thật nhiệm mầu, “Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (x.Mc 4, 39) Sự nhiệm mầu đó đã khiến các ông hoảng sợ và thốt lên “Vậy người này là ai, mà cả đến gió  và biển cũng tuân lệnh”.

“Người này là ai?” Vâng, có phần chắc, sau này, các môn đệ cảm nghiệm được rằng, với quyền năng trên thiên nhiên, Ngài phải là Thiên Chúa của vũ trụ này, và hơn thế nữa, Ngài chính là người để các ông “tin tưởng ký thác đường đời” mình.

Thưa Bạn, như người ta thường nói, cuộc đời ta là một con thuyền – “con thuyền cuộc đời”. Quả đúng là vậy. Và có con thuyền cuộc đời của ai mà không hơn một lần gặp phong bao bão táp.

Có những lúc, con thuyền cuộc đời của ta phải đương đầu với bão táp của sự suy thoái kinh tế, dẫn đến thất nghiệp để rồi ta chán nản. Có những lúc, con thuyền cuộc đời của ta phải đối diện với những cơn sóng thần bệnh tật, để rồi dẫn ta đến sự tuyệt vọng.

Có những lúc,  con thuyền cuộc đời của  ta phải chống chõi những trận cuồng phong của mất mát, chia ly, của tử biệt v.v.. để rồi  ta cứ phải “nhớ nhớ buồn buồn với chán chường”.

Có những lúc, con thuyền cuộc đời của ta phải đương đầu với những cơn bão táp của sự trống vắng, của sự cô đơn, để rồi ta phải tự hỏi: Tại sao tôi không có sự bình an! Tại sao tôi luôn phải bất an?

Đừng quên, khi còn tại thế, Đức Giê-su không hứa cuộc đời của những ai theo Ngài sẽ phẳng lặng. Trái lại, Ngài còn cảnh báo rằng, “các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

Tuy nhiên, Chúa không bỏ mặc chúng ta. Thật vậy, tác giả sách Thánh Vịnh, với kinh nghiệm của mình, đã nói: “Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa. Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì”.

Thế nên, đừng ngần ngại mà  không “kêu cầu Chúa”.Có một câu nói rằng “No Jesus… No life – Không Chúa Giêsu… Không có cuộc sống”.

Nói cách khác, tin Chúa, cuộc sống của ta dù có gặp gian truân, Chúa cũng sẽ gửi đến ta những “tín hiệu” để ta biết làm thế nào để vượt qua được những gian truân đó.

Câu chuyện tông đồ Phê-rô “đi trên mặt nước” như là minh chứng điển hình. Chưa thật sự tin vào quyền năng của Chúa, Phêrô “bắt đầu chìm”. Nhưng  khi Phêrô đã tin Chúa với lời cầu khẩn “xin cứu con”. Vâng, lúc đó ông mới có thể cùng Thầy Giêsu bước “lên thuyền”.

Thưa Bạn, Bạn đã làm gì trong những “cơn bão tố” của cuộc đời mình? Nên chăng, chúng ta hãy làm như những môn đệ xưa đã làm là “đánh thức Chúa” với lời khẩn nguyện: “Thầy ơi! – Chúa ơi”?

Trên đây, chúng ta đã nói tới những cơn bão ảnh hưởng đến “thể xác”, thế còn những cơn bão ảnh hưởng đến “tâm hồn”, hay nói rõ hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đức tin của chúng ta,  thì sao? Vâng, đó là những cơn “bão lòng” xuất phát  từ trong tâm lòng chúng ta. Và đó chính là những cơn bão đáng sợ nhất.

Thế nên, hãy tự hỏi, tôi có để cho những cơn bão “Cơn – bão – dâm – dục… Cơn – bão – hận – thù… Cơn – bão – ích – kỷ… Cơn – bão – phóng – đãng… Cơn – bão – bè – phái… Cơn – bão – ganh – tị… Cơn – bão – say – sưa… Cơn – bão – thờ – quấy v.v.. xâm nhập và quậy nát tâm hồn tôi không?

Chính những cơn bão này nó làm cho lý trí ta bị lu mờ, làm cho nhận thức của ta méo mó, để rồi, ta mất phương hướng không còn biết đâu là đường dẫn ta đến chỗ Đức Giê-su, nơi ta có thể nhận được tấm phao cứu sinh, cứu ta, trước là có được một cuộc sống bình an ở đời này, sau là, một cuộc sống đời đời mai sau.

 

Vâng, chia sẻ về câu chuyện “Đức Giê-su dẹp sóng gió”, Lm. Charles E Miller có nói về chuyện chiếc tàu Titanic, rằng: “Chiếc Titanic được gán cho là chiếc tàu “không thể đắm”. Vậy mà, sau khi va chạm với một tảng băng trôi trong chuyến hải hành đầu tiên, nó đã chìm nghỉm xuống đáy Đại Tây Dương, theo nhận xét của một vài hành khách còn sống xót. Đại dương hùng vĩ hơn bất cứ con tàu nào, đã nuốt trửng chiếc Titanic như thể nuốt một hộp cá mòi”.

Nói đến câu chuyện chiếc tàu Titanic để làm gì? Thưa, là để nói tới con thuyền cuộc đời của ta. Ai… ai dám khẳng định là nó sẽ không bao giờ va chạm một tảng băng nào đó, đại loại như tảng-băng-tiền-bạc, tảng-băng-quyền-lợi, tảng-băng-lừa-lọc, tảng-băng-dối-trá, giữa “biển đời” hôm nay!

Làm sao để con thuyền cuộc đời của ta, không bao giờ va chạm vào những tảng băng đó? Thưa, một cách tốt nhất, hãy thiết kế con thuyền cuộc đời của ta bằng một chất liệu “2 in 1”, đó là chất liệu “Thánh Kinh và Thánh Thể”.

“Thánh Kinh” chính là “ngọn đèn” soi con thuyền cuộc đời của ta đi. Còn Thánh Thể ư! Vâng, đó chính là lương thực cho cuộc hải hành, một cuộc hải hành về Thiên Quốc, và hơn thế nữa, nó bảo đảm con thuyền cuộc đời của ta luôn luôn có Đức Giê-su “đang ở sẵn trong thuyền”.

Thưa Bạn, bất luận bạn và tôi là ai, chúng ta cũng đang là những người lèo lái con thuyền cuộc đời của mình. Và điều khôn ngoan hơn hết, đó là xem lại con thuyền cuộc đời của ta, có “ngọn đèn Thánh Kinh” và nhất là có Giê-su, Ngài có  “đang ở sẵn trong thuyền”, hay chưa?

Petrus.tran

 

Trả lời