Cn II chay : Vác thập giá hàng ngày mà theo Thầy

Vác thập giá hàng ngày mà theo Thầy
Mt 17: 1-9

Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ Anh Em HV Đaminh Gò Vấp

Cn II chay : Vác thập giá hàng ngày mà theo ThầyNgoài những người tuyệt vời tôi từng gặp thì một trong những ưu điểm đối với việc giảng thuyết lưu  động là cơ hội được thấy nhiều thứ trong đất nước mình, đôi khi ở cả nước ngoài. Tôi là một đứa trẻ sống ở thành thị và ở New York chúng tôi không còn có những ngọn núi ở phía xa chân trời, mà chỉ còn đường chân trời Manhattan!

Tuy nhiên, trải qua những năm đi đây đi đó, tôi đã từng đến những ngọn núi cao như dãy núi Rocky và Sierra Nevada ở phía Tây; những dãy núi thấp hơn một chút nhưng vẫn được xem là hùng vĩ ở bang Vermont, Bắc Carolina, Tây Verginia và thượng bang New York. Tôi thường cảm thấy sung sướng khi ở trên đỉnh của những dãy núi này vì không khí trong lành, gió mạnh và cảnh vật hùng vĩ. Đứng trên đỉnh núi cũng cho tôi cảm giác an toàn nhờ khối đá rắn chắc dưới chân. Với tôi, dường như đó là một kinh nghiệm tôn giáo khi trèo lên một ngọn núi rồi để cho tâm trí và cảm xúc ùa về cùng với dòng cảm nghiệm.

Chẳng phải ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng có những cảm xúc như thế khi các ông lên tới đỉnh của “ngọn núi cao” với Đức Giêsu hay sao? Sau khi các ông lên tới đỉnh núi, dường như được ở đó với Người vẫn chưa đủ, các ông còn có cảm nghiệm về sự Biến Hình! Đó là một câu chuyện ấn tượng và xảy ra ở một thời điểm quan trọng trong Tin Mừng thánh Mátthêu, trong đó có vài chủ để cùng được đề cập đến.

Thánh Mát-thêu có những biểu tượng Dothái cụ thể  trong Tin Mừng của ngài. Chẳng hạn khi so sánh giữa Đức Giêsu và ông Mô-sê. Đức Giêsu là Môsê mới giải phóng dân Người. Còn nhớ Chúa Nhật tuần trước, Đức Giêsu trải qua 40 ngày trong sa mạc, nơi Người chịu cám dỗ – một sự ám chỉ hiển nhiên đối với sa mạc của người Do Thái tạm cư, nơi họ chịu cám dỗ và, khác với Đức Giêsu, họ đã không chống nổi sự cám dỗ. Trên núi, Đức Giêsu đàm đạo với ông Mô-sê (Nhà lập pháp) và ông Ê-li-a (đại diện cho các ngôn sứ). Cũng có tiếng nói từ đám mây, gợi lại việc Thiên Chúa mạc khải cho ông Mô-sê ở trên núi và trình thuật của thánh Mát-thêu về việc Đức Giêsu chịu phép rửa (3,17)

Cũng như trong các trình thuật Tin Mừng, bối cảnh của biến cố Biến Hình là quan trọng. Mạc khải trên núi cho ba môn đệ diễn ra ngay sau khi ông Phêrô tuyên xưng về Đức Giêsu (“Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”). Điều này diễn ra tiếp sau việc Đức Giêsu khiển trách ông Phêrô; lần đầu tiên Người nói đến cuộc thương khó; rồi Người mời gọi các môn đệ từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Người.

Đó là một sứ điệp khó khăn cho các môn đệ Đức Giêsu. Họ nghĩ rằng họ đã biết chắc chắn về Đức Giêsu, một ngôi sao chổi quét ngang bầu trời. Thay vì trở thành những người bạn thân thiết của Đấng mà họ nghĩ rằng sẽ đạt đến đỉnh vinh quang và dẫn họ đi cùng, thì các môn đệ mới hay rằng mình phải sẵn sàng theo Đức Giêsu tới cuộc khổ nạn sắp diễn ra của Người. Thật không hoàn toàn như những gì các ông nghĩ!

Cuộc Biến Hình, với những tin có vẻ không tốt cho các môn đệ ngay lúc đầu, có thể nhằm để mở rộng tầm nhìn của các ông về những gì sẽ xảy đến. Vượt trên sự hy sinh cần có đối với bất cứ ai muốn theo Đức Giêsu là điều hàm ẩn chắc chắn mà cuộc Biến Hình đã mang lại cho các môn đệ khi các ông xuống núi. “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”. Vì thế sau khi Đức Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết, Người sẽ sống lại – và những ai theo Người cũng sẽ được sống lại. Sự phục sinh là sự kết thúc đầy hứa hẹn dành cho các môn đệ trung tín.

Nhiều nhà thờ có một hình ảnh thập giá với Đức Ki-tô, trên áo linh mục thì tách hai hình ảnh đấy ra, ý muốn mô tả Người không còn ở trên thập giá nữa nhưng đã phục sinh. Hoặc các nhà thờ có cửa sổ bằng kính màu diễn tả sự Phục Sinh. Khi chúng ta ngắm nhìn những biểu tượng này trong lúc cầu nguyện thì chúng không chỉ nói về điều gì đó Đức Giêsu đã cảm nghiệm, mà chúng còn diễn tả tương lai của chúng ta: một lời hứa về sự phục sinh từ cõi chết dành cho các môn đệ, những người đã tự nguyện vác thập giá.

Vẫn là bối cảnh: Sau cuộc Biến Hình, Đức Giêsu lại tiên báo về cuộc khổ nạn, chịu chết và phục sinh của Người. Càng ngày Người càng ý thức về vận mệnh của mình và Người muốn các môn đệ của mình biết mình muốn gì nếu họ vẫn tiếp tục theo Người. Ông Phêrô muốn ở lại trên núi – ai chẳng muốn thế? Ông muốn né tránh những gì Đức Giêsu đã nói với các ông trước đó về sự đau khổ dành sẵn cho Người, và rồi cho cả các môn đệ nữa. Buổi tối trong vườn trước khi chịu khổ hình thập giá, Đức Giêsu cũng muốn được miễn khỏi cuộc khổ nạn đang chờ đợi Người, khi Người xin miễn khỏi chén khổ. Nhưng Người vẫn chấp nhận thập giá. Và vì Người đã làm được nên chúng ta cũng có thể.

Nhiều người, sau một kinh nghiệm hoán cải hay khi họ đạt đến một ý thức sâu xa về niềm vui và  bình an mà kèm theo một cuộc sống đặt trọng tâm vào Đức Ki-tô, thì sẽ có được một “cảm nghiệm trên đỉnh núi”, giống như cảm nghiệm của các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Nhưng chẳng chóng thì chày, chúng ta cũng cần phải trở về với thực tế cuộc sống và đối mặt với thập giá của cuộc đời người  môn đệ.

Một cuộc sống của người Ki-tô hữu đích thực có nhiều chọn lựa: Chúng ta có chấp nhận những tiêu chuẩn sống của xã hội đặt ra với những tham vọng vô độ như: thành công, quyền lực, của cải, danh vọng…? Hay chúng ta chọn theo đường lối của Đức Giêsu là: phục vụ, xây dựng hòa bình, từ bỏ chính mình…? Nếu chúng ta chấp nhận theo đường lối của Đức Giêsu thì chúng ta cũng sẽ chấp nhận sự đau khổ đi kèm.

Khi đối mặt với thập giá của người môn đệ, chúng ta phó thác mình trong tay Đức Giêsu, vì Người có quyền năng giải thoát chúng ta khỏi bóng đêm và sự tuyệt vọng. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi hay để chúng ta hư mất khi chúng ta chấp nhận những đau khổ chắc chắn xảy đến trên hành trình chúng ta khi cố gắng sống như những người Ki-tô hữu trong xã hội không mấy thân thiện này. Cảm nghiệm trên đỉnh núi đảm bảo rằng: nếu chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu qua bí tích Rửa tội, thì chúng ta cũng sẽ trở nên những anh chị em được Thiên Chúa thương mến.

Hôm nay, việc thánh Phaolô khích lệ ông Timôthê thật có ý nghĩa đối với chúng ta, là những môn đệ cũng được mời gọi kiên tâm chịu đựng những cuộc đấu tranh trong việc trở thành một Kitô hữu trong thế giới của chúng ta. Thánh Phaolô nhắc rằng ân sủng của Chúa luôn tuôn đổ trên chúng ta qua Đức Giêsu Ki-tô. Trong Tin Mừng chúng ta đã được ban cho một ánh sáng tỏ tường để dẫn bước và giúp chúng ta có thể chấp nhận bất cứ nỗi khổ nào xảy đến trên hành trình của mình, khi chúng ta chấp nhận cái giá trong cương vị môn đệ.

Thánh Phaolô dùng từ “epiphaneia” khi nói về ân sủng “giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giêsu  đã xuất hiện”. Chúng ta không cần phải biết tiếng Hylạp để hiểu được ngụ ý của từ đó. “Epiphaneia” diễn tả việc Thiên Chúa biểu lộ quyền năng cao cả trong lịch sử dân Do Thái. Hôm nay, Thiên Chúa cũng tỏ cho chúng ta việc biểu lộ này (“epiphaneia”) ở trên núi.  Trong Đức Giêsu có sức mạnh giúp ta vượt thắng cả tội lỗi và sự chết. Trên thực tế, toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu là một “epiphaneia” về sự quan tâm rất lớn Thiên Chúa dành cho chúng ta trong những cuộc chiến đấu vượt qua quyền lực của bóng đêm và tội lỗi.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta vác lấy thập giá của Người và sự đau khổ chắc chắn cùng xảy ra. Nhưng Người không tôn vinh đau khổ chỉ vì chính đau khổ. Có một thứ đau khổ có thể cứu vãn được. Chẳng hạn như có sự đau khổ kèm theo sự hiến thân cho công lý vì người khác. Trong sự đau khổ có thể cứu vãn này là một sức mạnh để yêu thương ngay cả khi sự đối kháng và ghen ghét nhắm thẳng vào chúng ta. Với sự chịu đựng có thể cứu vãn cũng là sức mạnh và sự bền đỗ khi chúng ta hành động để giúp anh chị em, những người bị xã hội chúng ta đối xử cách bất công.

Nhiều người đã sẵn sàng chịu chết để anh chị em có thể có một đời sống mới. Cái chết của họ được kết hiệp với cái chết mang lại sự  sống, cái chết mà Đức Giêsu đã cam chịu trên thập giá. Đây là những gì sẽ xảy ra khi những môn đệ của Đức Giêsu đáp lại lời mời gọi của Người, vác thập giá mình mà đi theo Người. Những môn đệ này phải đối mặt với đau khổ của thập giá, nhưng họ có thể chịu đựng được nhờ vào niềm tin chắc chắn rằng họ cũng sẽ sống lại để chia sẻ cuộc sống đã được hứa ban bởi chính Đấng đã biến đổi hình dạng ở trên núi.

 

Trả lời