CN 30 B: Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được


Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được
Gr 31, 7-9; Hr 5, 1-6; Mc 10,46-52

Lm. Jude Siciliano, OP.
(Anh em Học viện Đaminh chuyển ngữ)

Kính thưa quý vị!

CN 30 B: Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy đượcVào đầu năm nay, một thay đổi lớn đã xảy ra, tôi chuyển đến sống ở bang Texas. Người dân rất dễ mến, địa thế cũng đáng yêu, nhưng đường xá thì ôi thôi! Một số người bạn chu đáo đã tặng tôi thiết bị “GPS” (hệ thống định vị toàn cầu) đặt trong xe, vì biết rằng tôi sẽ phải chật vật với những con đường xa lạ và bối rối trên những đường cao tốc ở Texas. Nếu không quen, thì đây là cách sử dụng nó. Bạn nhấn vào nơi bạn đang ở và nơi bạn muốn đến, hệ thống sẽ kích hoạt. Một bản đồ xuất hiện trên màn hình và dò tìm lộ trình khi quý vị lái xe đến nơi muốn đến. Trước khi khởi động, quý vị có thể chọn một “lộ trình có cảnh đẹp”, hay “lộ trình ngắn nhất”. Và, một chút bất ngờ… có một giọng nói cho biết phải làm gì ở mỗi bước tiếp theo trên đường. Quý vị có thể chọn trực tiếp giọng nói mà mình muốn nghe. Tôi đã chọn giọng của “Julie”, vì cô nói giọng Anh. Ngay cả khi tôi đi xe một mình, “Julie” cũng ở đó, sẵn sàng hướng dẫn tôi: “Rẽ phải ở ngã tư kế tiếp”. Ngạc nhiên hơn nữa là khi tôi quên rẽ “Julie” nhắc nhở và “Tính toán lại”. Cô chỉ cách làm sao quay lại. Tiếp đến, cố ấy lại chỉ cho tôi những hướng mới. Cho dù tôi đã làm rối tung lên, nhưng giọng nói vẫn cứ dịu dàng và điềm tĩnh, tự tin và không phiền trách chút nào về lỗi của tôi. Thật là một người bạn đồng hành hoàn hảo! “Tính toán lại”.

Không phải quý vị mong cuộc sống được trang bị với hệ thống hướng dẫn sao? Quý vị có thể nhấn vào nơi đang ở lúc này và đích điểm đời mình. Thế nên, ví dụ, đầu tiên đánh vào hàng chữ “Về nhà Chúa” và rồi lắng nghe những hướng dẫn – khi nào phải rẽ phải, khi nào phải rẽ trái và đi thẳng. Giọng nói sẽ luôn phát ra ở đó, hướng dẫn ta từng bước một – hôm nay, ngày mai và ngày sau – “Về nhà Chúa”. Khi quý vị phạm sai lầm và đi sai hướng, trong một chuyến đi dù ngắn hay dài (như thỉnh thoảng chúng ta có nguy cơ), thì giọng nói vang lên và rõ ràng, “Tính toán lại”. Kế đó quý vị sẽ có những hướng dẫn mới, hầu có thể quay lại đúng đường – “Về nhà Chúa”.

Trải nghiệm khó khăn hẳn đã dạy chúng ta rằng chẳng có thiết bị nào như thế, chẳng có con đường nào dễ dàng, chẳng có thiết bị cài đặt hướng dẫn từng bước một sẵn sàng xuất hiện theo yêu cầu của chúng ta. Ngay cả người giàu nhất thế giới cũng không thể mua được nó; nó không tồn tại. Chúng ta phải tiếp tục lên đường với tầm nhìn và sự hiểu biết hiện có. Chúng ta về “Nhà” bằng việc lần bước trên đường Đức Giêsu đã đi qua – và bây giờ đang đi cùng chúng ta. Nếu bị lạc, Người giúp chúng ta “Tính toán lại”.

Vâng, chúng ta kết bạn trên đường, chào đón anh Batimê vào cuộc sống chúng ta. Anh không thể nhìn bằng mắt, nhưng chúng ta có nhiều điểm chung với anh ấy lúc này, hay trong quá khứ, bởi vì chúng ta hiểu bị thế nào là mù lòa hay mờ mắt. Bao lần chúng ta đã thừa nhận mình không thấy rõ? Thực vậy, rất nhiều lần chúng ta đã phải thừa nhận: “Chắc hẳn tôi đã mù! Làm sao tôi lại làm hay nghĩ như thế!

Chúng ta tìm thấy anh Batimê ở chỗ nào trong câu chuyện Tin mừng hôm nay? Anh đang ngồi bên vệ đường, mù lòa và xin ăn. Như chúng ta, anh Batimê là một gã lang thang và là một kẻ hành khất. Vào thời Đức Giêsu, nếu một người không giàu có, không may mắn, hay có thể là bất lương, thì họ sẽ phải vật lộn với nghèo đói, như hàng tỉ người nghèo trong thế giới hôm nay vậy. Một người mù, tàn tật hay đau bệnh có cơ hội nào trong hoàn cảnh khốc liệt như vậy? Không nhiều! Anh Batimê, người chẳng thể thấy đường để đi – quay lại làng, về nhà, hay thậm chí theo Đức Giêsu – đã làm tất cả những gì có thể trong điều kiện của mình. Anh đã dừng bên vệ đường và xin người qua kẻ lại.

Ra như anh Batimê không làm được gì cả. Không phải thế – Anh ta có thính giác. (Người ta nói rằng người mù có thính giác rất nhạy bén). Người ăn xin mù cần thính giác tốt, hầu có thể nghe được tiếng dép hay tiếng chân trần của khách bộ hành, và kịp thời kêu xin và chìa tay ra. Thính giác tốt có thể giúp cho người ăn xin mù lòa cơ hội kiếm sống.

Vào chính ngày đặc biệt này, quả thực anh Batimê chắc chắn đã nghe rất rõ. Hôm ấy, anh đã nghe thấy Đức đang đi ngang qua. Vì thế, anh sử dụng “chiêu thức” hữu dụng khác của giới ăn mày – Anh đã kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”. Chúng ta ấn tượng rằng anh Batimê biết Đức Giêsu có nhiều thứ cho anh ta hơn là một vài xu. Thính giác đã giúp anh rất nhiều. Phải chăng anh ta đã nghe nói về Đức Giêsu rồi? Đức Giêsu đã chữa bệnh cho dân chúng như thế nào? Đức Giêsu giúp cho dân chúng thấy đường đưa họ về Nhà ra sao? Người mang sự nghỉ ngơi đến cho những tâm hồn mỏi mệt ra sao? Mang bình an cho họ, láng giềng họ và đưa họ đến với Chúa?

Cho dù anh Batimê vẫn còn bị mù đi chăng nữa, nhưng anh có thể thấy, vì anh đã biết Đức Giêsu là: “Con vua Đavít”. Anh gọi Đức Giêsu là Đấng Mêsia và, khi có cơ hội, anh đã xin Đức Giêsu một ân huệ lớn, được nhìn thấy. Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta như đã hỏi anh Batimê: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh Batimê mà chúng ta chào đón vào cộng đoàn niềm tin, cho chúng ta lời đáp đơn giản và trực tiếp. Đó chính là “Lời nguyện xin của Batimê” – “Thưa Thầy, tôi muốn được thấy”. Cái nhìn của chúng ta được khởi đi bằng phép rửa, khi mắt chúng ta mở ra và bắt đầu tin. Tuy nhiên, hành trình đức tin của chúng ta vẫn chưa kết thúc.

Gần đây, có một thanh niên nói với tôi: “Con được nhiều phúc lành lắm”. Và quý vị biết anh ta đã kể ra những gì không? “Cha mẹ, anh chị, vợ và hai con gái tôi”. Để ý, anh ấy đã không gọi nhà lầu hay xe hơi mới là “phúc lành”. Anh ta đã mở mắt để thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, trong các mối tương quan. Anh ta thấy!

Vì vậy, chúng ta tự hỏi: chúng ta cần được sáng hơn ở chỗ nào? Làm sao để mở mắt thấy những sai lỗi của mình? Những lời chúc lành?…những thất bại?… Những nhu cầu của tha nhân?… Làm sao cái nhìn của chúng ta lại bị lu mờ bởi một thành kiến này khác?

Hãy điền vào chỗ trống.

“Tôi muốn thấy…”

Khi tôi chọn lựa điều ảnh hưởng đến tôi và gia đình tôi.

Những dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi trong mỗi ngày đời.

Tôi nên chọn lối đi nào cho thời gian tới, khi tôi quyết định lập gia đình… Công việc mới… Trường học… Bạn bè… Giải trí, vv.

Chúa ở cùng tôi, khi tôi phải điều trị bệnh, dẫu cho đó là tin xấu.

Chúa ở cùng tôi, khi tôi ngày càng già đi và những thứ trước đây tôi đã làm dễ dàng, nay lại quá khó khăn.

Những người bị gạt ra bên lề, những kẻ nghèo khó và những người bị đối xử như “không như con người”.

Lời cầu xin của anh Batimê – cách nào đó cũng là lời cầu nguyện của chúng ta: “Thưa Thầy, tôi muốn được thấy”.



Trả lời