CN 14 TNB: Thiên Chúa thất bại


Thiên Chúa thất bại

(Mc 6,1-6)

 Giacôbê Phạm Văn Phượng OP.

CN 14 TNB: Thiên Chúa thất bạiVào năm 1912, người ta hạ thủy một con tàu khổng lồ và hiện đại nhất thời đó : tàu Ti-ta-níc, có trọng tải 60.000 tấn, dài 270 m. Các kỹ sư đã tính toán rất kỹ để trong bất cứ trường hợp nào, dù bão tố hay hư hỏng máy móc, con tàu vẫn tiếp tục được cuộc hành trình. Vì thế, họ kẻ một hàng chữ thật lớn bên hông con tàu : “Dù Thiên Chúa cũng không thể nhận chìm được”. Thế rồi, ngay trong cuộc hành trình đầu tiên đi từ Luân Đôn đến Nữu Ước, vào đêm 14-4-1912, trong khi hàng ngàn hành khách đang vui vẻ ăn uống, khiêu vũ trong một ngày trời yên biển lặng, bỗng nhiên một tảng băng lớn đã lặng lẽ va vào con tàu, cắt đứt hàng chữ phạm thượng trên, tức là con tàu bị cắt làm đôi, rồi từ từ chìm xuống lòng biển, chôn theo 1513 hành khách.

Câu chuyện này được truyền tụng khắp nơi, và cách đây mấy năm, người ta đã dựng thành phim về con tàu này qua một câu chuyện tình đầy thơ mộng. Qua sự kiện này, người ta cảm nghiệm được rằng : Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài có thể làm được mọi sự và không thể bị xúc phạm bằng bất cứ cách nào, Ngài phải luôn luôn thành công. Cứ nhìn vào vũ trụ bao la, vào những bông hoa xinh đẹp, những cánh bướm sặc sỡ, những cấu trúc kỳ diệu của các bộ phận trong cơ thể con người, người ta cũng có thể nhận ra được quyền năng của Thiên Chúa và sự thành công của Ngài, người ta chẳng bao giờ dám nghĩ rằng Thiên Chúa đã thất bại.

Thế mà các bài Kinh Thánh của ngày Chúa nhật hôm nay lại nói đến những thất bại của Thiên Chúa qua việc Ngài bị dân Ít-ra-en chối bỏ, và Đức Giê-su bị xua đuổi ngay tại quê hương mình. Một khi hiểu được ý nghĩa của các thất bại đó, có lẽ chúng ta sẽ có thái độ chân thành và khiêm tốn hơn trong những thất bại của chính mình. Sau đây chúng ta tìm hiểu sự thất bại của Chúa Giê-su tại quê hương Na-da-rét của Ngài.

Sau một thời gian lên đường rao giảng Tin Mừng và làm nhiều phép lạ, Chúa Giê-su trở lại thăm nơi Ngài đã sinh sống suốt thời thơ ấu, đó là Na-da-rét. Dân làng Na-da-rét đã nghe đồn thổi rất nhiều về những điều Chúa Giê-su đã giảng dạy và các phép lạ đã làm ở nhiều nơi. Hôm nay họ trực tiếp nghe lời Ngài giảng dạy, họ ngạc nhiên về tài năng của Ngài. Sự ngạc nhiên này đáng lẽ phải đưa họ đến việc tìm hiểu sâu xa hơn về con người kỳ diệu Giê-su để khám phá và nhận biết rằng Thiên Chúa đã yêu thương và muốn cứu độ họ, thì ngược lại, chỉ khiến họ thắc mắc, nghi ngờ : “Bởi đâu ông ta được như thế ?”.

Sự nghi ngờ này bắt nguồn từ dáng vẻ bề ngoài và cách sống của Chúa Giê-su cũng bình thường như bao người khác. Sự từ chối này phát xuất từ lý lịch bình thường của gia đình Ngài: “Ông ta lại không phải là bác thợ mộc, con bà Maria, và anh em họ hàng ông, chị em ông, không phải là bà con lối xóm chúng ta sao ?”. Họ mong đợi vị cứu tinh có dáng vẻ cao lớn, có nguồn gốc sang cả, có đời sống huyền bí hay như Giô-na trong bụng cá suốt ba ngày.

Suy nghĩ như thế là dân làng Na-da-rét đã đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong định kiến hẹp hòi, trong khuôn khổ vụ lợi và trong cái nhìn trần tục của họ. Vì thế, họ không thể nhìn thấy được chân trời bao la, mới mẻ của Thiên Chúa, họ không thể ngờ rằng Thiên Chúa lại có thể ẩn thân nơi một con người bình dị như Chúa Giê-su, họ không thể hiểu về một Thiên Chúa đã làm người và sống ở giữa họ. Vì thế, sự cứng lòng tin của họ đã dẫn đến sự thất bại của Chúa Giê-su.

Tóm lại, thánh Mác-cô đã không ngần ngại ghi lại bi kịch ở Na-da-rét để chúng ta thấy một Thiên Chúa bị thất bại và bất lực ngay nơi những người đồng hương của Ngài. Ngày nay, Thiên Chúa có lẽ còn thất bại thê thảm hơn, vì mới chỉ có gần hai tỉ người biết đến Thiên Chúa và Chúa Giê-su trong số gần sáu tỉ người sống trên trái đất này. Hàng trăm triệu người đang tôn thờ ngẫu tượng, hàng chục triệu người vẫn mạt sát và công kích Đức Giê-su. Mỗi ngày có biết bao nhiều bài báo, cuốn sách, phim ảnh nói những lời phạm thượng, khiêu khích đối với Thiên Chúa. Mỗi tối trên thế giới có rất nhiều cuộc lễ tôn thờ sa-tan, tôn sùng ma vương của hàng trăm ngàn người. Trong các lễ tế này, người ta hít Hê-rô-in và làm tình tập thể để thỏa mãn thú tính. Những phong trào này đã có mặt ở Việt Nam, trong một vài thành phố.

Những con người chống đối Thiên Chúa đó vẫn sống yên lành, vẫn giàu sang hạnh phúc, Thiên Chúa không ra tay trừng phạt họ, Ngài cũng chẳng trực tiếp lưu đày dân Ít-ra-en hoặc làm bể tan tàu Ti-ta-níc. Các tai họa này thật sự chỉ là kết quả từ sự suy đồi, sa đọa của dân Do Thái, hay từ sự bất lực của con người trong việc tính toán, dự phòng. Ngài đành chịu thất bại để tôn trọng tư do của con người, thứ tự do như một ân sủng cao quý Ngài dành cho con người, thứ tự do đólàm nên giá trị cho con người.

Chúng ta nên hiểu rằng sự thất bại của Thiên Chúa không phát xuất từ sự bất lực hay yếu kém của Ngài, nó chỉ nói lên tội lỗi và bất lục của con người. Chúa Giê-su đã không thể làm phép lạ ở Na-da-rét chỉ vì người Na-da-rét thiếu lòng tin, do đó Ngài đành chịu thất bại. Sự thất bại này đồng thời nói lên tình yêu vô biên của Ngài dành cho con người.

Bài học về sự thất bại của Chúa Giê-su hôm nay mời gọi chúng ta khám phá lại Thiên Chúa theo một cách nhìn mới, cách nghĩ mới, theo chiều hướng rộng mở hơn, khoan dung hơn, khiêm tốn hơn, lúc đó chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa và Đức Giê-su có mặt ngay trong những con người rất bình thường và tội lỗi quanh chúng ta, hoặc trong những sự việc có vẻ mang đến cho chúng ta điều bất lợi và sự thất bại, nhưng lòng chúng ta vẫn giữ vững được bình an, niềm vui và tràn đầy tin yêu thật sự, bởi vì đối với những ai luôn tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa thì Thiên Chúa chẳng bao giờ thất bại.

 

 

Trả lời