Sáng thứ Tư 23 tháng 9 lúc 9 giờ sáng Đức Thánh Cha đã rời Tòa Sứ Thần để đến tòa Bạch Ốc cách đó hơn 4 cây số, nơi diễn ra lễ nghi tiếp đón chính thức. Tòa Bạch Ốc là tư dinh của các tổng thống Mỹ do tổng thống George Washington xây năm 1792 và hoàn thành năm 1800 sau khi ông qua đời.
Đức Thánh Cha Phanxicô được tổng thống Obama và phu nhân đón tiếp tại tiền sảnh toà Bạch Ốc và tháp tùng tới khán đài trong công viên bên cạnh nơi có khoảng 15,000 người tham dự lễ nghi chào đón chính thức. Cùng hiện diện cũng có các Hồng Y Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục và các Giám Mục Phụ tá tổng giáo phận Washington. Đức Thánh Cha và tổng thống đã duyệt qua hàng chào danh dự trong khi đại bác bắn 21 phát chào mừng vị thượng khách. Ban quân nhạc cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Hoa Kỳ. Tiếp đến tổng thống Barack Obama đã đọc diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha.
https://www.youtube.com/watch?v=NELxNqjaszw
Đáp từ tổng thống Đức Thánh Cha nói: là người con của một gia đình di cư ngài vui mừng được là khách của Hoa Kỳ, có đa số dân gốc di cư. Ngài chuẩn bị cho các ngày gặp gỡ và đối thoại này với hy vọng lắng nghe và chia sẻ nhiều giấc mơ và các niềm hy vọng của nhân dân Hoa Kỳ.
Trong chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha nói, tôi sẽ được hân hạnh phát biểu trước Quốc Hội, nơi tôi hy vọng, như là người anh em của quốc gia này, có thể nói lên một lời khích lệ những ai được mời gọi hướng dẫn tương lai của quốc gia này trong sự trung tín với các nguyên tắc thành lập. Đức Thánh Cha cũng nhắc tới việc tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Philadelphia để cử hành và nâng đỡ các cơ cấu hôn nhân và gia đình trong một thời điểm khó khăn của lịch sử nền văn minh của chúng ta. Đề cập tới phần đóng góp của các tín hữu Công Giáo Mỹ Đức Thánh Cha nói:
Thưa ngài Tổng thống, cùng với các công dân khác tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ đã dấn thân xây dựng một xã hội thực sự khoan nhượng và bao gồm mọi người, bảo vệ các quyền của các cá nhân và các cộng đoàn, và đẩy lùi mọi hình thái kỳ thị bất công. Cùng với nhiều người thiện chí khác nữa của nền dân chủ vĩ đại này, các tín hữu Công Giáo mong chờ rằng các nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng và trật tự một cách khôn ngoan, tôn trọng các âu lo sâu xa nhất của họ và các quyền lợi gắn liền với sự tự do tôn giáo. Sự tự do này là một trong những chinh phục qúy báu nhất của nưóc Mỹ. Và như các anh em Giám Mục Mỹ của tôi đã nhắc nhớ, tất cả mọi người đều được mời gọi tỉnh thức, chính vì là các công dân tốt, để duy trì và bảo vệ quyền tự do đó khỏi bất cứ gì có thể gây nguy hiểm hay làm tổn thương cho nó.
Cần thành toàn một số dấn thân có tầm quan trọng đối với toàn nhân loại và các thế hệ tương lai: bảo vệ cẩi tiến môi sinh, thăng tiến tôn trọng nhân quyền, phát triển, hoà bình, công lý, tự do và thịnh vượng
Tiếp dến Đức Thánh Cha đã ca ngợi tổng thống Obama có sáng kiến giảm việc gây ô nhiễm môi sinh. Đây là một điều cấp thiết cần giải quyết, chứ không thể để cho thế hệ tương lai. Lịch sử đã đặt để chúng ta vào một thời điểm nòng cốt cho việc săn sóc “ngôi nhà chung”. Tuy nhiện chúng ta còn có thời giờ để đương đầu với các thay đổi bảo đảm cho “một sự phát triển có thể chịu đựng nổi và toàn diện, bởi vì chúng ta biết rằng các sự việc có thể thay đổi” (Laudato si’ 13). Các thay đổi đòi buộc từ phía chúng ta một sự thừa nhận nghiêm chỉnh và có trách nhiệm đối với loại thế giới, mà chúng ta muốn để lại không phải chỉ cho con cháu chúng ta, mà cho cả hàng triệu người phải sống dưới một hệ thống lơ là với nó. Căn nhà chung của chúng ta đã là phần của nhóm bị loại bỏ đang kêu thấu tới trời, và ngày nay đang gõ cửa các nhà, các thành phố và các xã hội của chúng ta. Lấy lại lời của mục sư Martin Luther King chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã không chu toàn vài dân thân và giờ đây là lúc phải hoàn thành các dấn thân đó.
Do lòng tin chúng ta biết rằng “Đấng Tạo Hóa không bỏ rơi chúng ta, Ngài không bao giờ lùi bước trong chương trình tình yêu của Ngài, Ngài không hối hận đã tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng căn nhà chung” (ibid. 13). Như là các kitô hữu đuợc linh hoạt bởi xác tín này, chúng ta hãy tìm dấn thân cho việc săn sóc ý thức và có tinh thần trách nhiệm đối với căn nhà chung của chúng ta.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong diễn văn đáp từ: Các nỗ lực làm được mới đây để hoà giải các tương quan đã bị bẻ gẫy và việc mở ra các con đường cộng tác mới bên trong gia đình nhân loại diễn tả các bước tiến tới tích cực trên con đường của hòa giải, công lý và tự do. Tôi cầu chúc rằng tất cả mọi người nam nữ thiện chí của quốc gia vĩ đại và thịnh vượng này nâng đỡ các cố gắng của cộng đoàn quốc tế nhằm bào vệ những người yếu đuối nhất trên thế giới này và thăng tiến các mô thức phát triển toàn vẹn và bao gồm, như thế các anh chị em của chúng ta ở khắp nơi có thể biết tới phuớc lành của hòa bình, thịnh vượng, mà Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi con cái Ngài.
Kính thưa tổng thống, một lần nữa tôi xin cám ơn ngài về sự tiếp đón, và tôi tin tưởng nhìn vào các ngày viếng thăm này trên đất nước của quý quốc. Xin Thiên Chúa chúc lành cho nước Mỹ.
Diễn văn của Đức Thánh Cha đã bị ngắt quãng nhiều lần vì các tràng pháo tay tán thưởng của những người hiện diện. Một ca đoàn đã hát bài thánh ca “Chúa là sự sống của con” để chào mừng Đức Thánh Cha và toàn cử tọa.
Sau lễ nghi chào đón, Đức Thánh Cha và tổng thống đã vào thư phòng bầu dục đàm đạo riêng với nhau, trao đổi quà tặng, giới thiệu các thân nhân và chụp hình lưu niệm. Đức Thánh Cha đã tặng tổng thống bức khắc bằng đồng kỷ niệm Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình giống huy hiệu Giáo hoàng được làm cho dịp này.
Trong một phòng khác đồng thời cũng diễn ra cuộc hội kiến giữa Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry có sự tham dự của Đức Tổng Giám Mục Phụ tá Becciu, Đức Tổng Giám Mục ngoại trưởng Toà Thánh Paul Richard Gallagher và Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington.
VietCatholic Network9/23/2015