Video: Bài giảng Đức Thánh Cha tại VCTĐ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Manila

 

Video: Bài giảng Đức Thánh Cha
tại Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm, Manila
Dành cho các giám mục, linh mục và tu sĩ

 

Video: Bài giảng Đức Thánh Cha tại VCTĐ Đức Mẹ Vô Nhiễm, ManilaSau cuộc gặp gỡ tại dinh tổng thống với các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự của Phi Luật Tân, cùng với các vị đại sứ các nước trong ngoại giao đoàn, lúc 11:15 sáng thứ Sáu 16 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ với các Giám Mục, linh mục và tu sĩ Phi Luật Tân tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm của thủ đô Manila.

Tổng giáo phận Manila được thành lập từ năm 1595, hiện có 3 triệu 484 ngàn dân trong đó có 3 triệu 49 ngàn người Công Giáo, tức chiếm 88%. Tổng giáo phận có 88 giáo xứ, 260 nhà thờ hay cứ điểm truyền giáo, 271 linh mục triều, 369 linh mục dòng, 529 tu huynh, 899 nữ tu khấn trọn, 89 đại chủng sinh và 1 thầy sáu vĩnh viễn. Giáo Hội điều khiển 204 cơ sở giáo dục và 38 trung tâm bác ái.

 

[youtube]0FW3lwc2PYw[/youtube]

 

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Anh em có yêu mến thầy không … Hãy chăn dắt chiên của thầy?” (Ga 21: 15-17). Những lời Chúa Giêsu nói với tông đồ Phêrô trong Tin Mừng hôm nay cũng là những lời đầu tiên tôi muốn thưa với anh chị em, các giám mục và linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh trẻ rất thân mến. Những lời này nhắc nhở chúng ta về một điều gì đó rất quan trọng. Tất cả sứ vụ mục tử đều được phát sinh từ tình yêu. Toàn bộ đời sống thánh hiến là một dấu chỉ cho tình yêu hoà giải của Chúa Kitô. Giống như Thánh Têrêxa, trong sự đa dạng của ơn gọi của chúng ta, mỗi người chúng ta được mời gọi, một cách nào đó, để trở thành tình yêu trong trái tim của Giáo Hội.

Tôi chào đón tất cả anh chị em với tình cảm trìu mến. Và tôi xin anh chị em chuyển tình cảm của tôi tới tất cả các anh chị em những người già và đau yếu của anh chị em, và tất cả những ai không thể tham gia với chúng ta ngày hôm nay. Trong thời điểm Giáo Hội tại Philippines đang trông đợi ngày kỷ niệm 500 năm được Phúc âm hóa này, chúng ta cảm thấy một lòng biết ơn sâu xa đối với những di sản của rất nhiều giám mục, linh mục và tu sĩ của các thế hệ đi trước chúng ta. Các vị đã lao động không chỉ để rao giảng Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội ở đất nước này, nhưng còn là để tạo nên một xã hội lấy cảm hứng từ Tin Mừng bác ái, sự tha thứ và tình liên đới trong việc phục vụ công ích. Hôm nay anh chị em tiếp tục gánh vác công việc tình yêu này. Cũng như các vị, anh chị em đang được kêu gọi để xây dựng những nhịp cầu, chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô, và chuẩn bị cho những nẻo đường mới cho Tin Mừng tại châu Á vào buổi bình minh của một thời đại mới.

“Tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cor 5:14). Bài đọc thứ nhất trong ngày hôm nay của Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng tình yêu mà chúng ta được mời gọi để loan báo là một tình yêu hoà giải, tuôn trào ra từ trái tim của Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh. Chúng ta được mời gọi là “những đại sứ cho Chúa Kitô” (2 Cor 5:20). Sứ vụ của chúng ta là một sứ vụ hòa giải. Chúng ta loan báo Tin Mừng về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, lòng thương xót và từ bi của Ngài. Chúng ta loan báo niềm vui của Tin Mừng. Tin Mừng là lời hứa ban ân sủng của Thiên Chúa, là điều duy nhất có thể mang lại sự viên mãn và sự chữa lành cho thế giới tan nát của chúng ta. Vì thế, Tin Mừng có thể truyền cảm hứng cho việc xây dựng một xã hội công chính trong đó trật tự được tái lập.

Để trở thành một đại sứ cho Chúa Kitô, trên tất cả có nghĩa là mời gọi mọi người đến với một cuộc gặp gỡ cá vị được đổi mới với Chúa Giêsu (Niềm Vui Phúc Âm, 3). Lời mời gọi này phải là cốt lõi trong lễ kỷ niệm Phúc Âm Hoá Phi Luật Tân. Nhưng Tin Mừng cũng là lời hiệu triệu cho việc hoán cải, cho việc duyệt xét lại lương tâm chúng ta, từng cá nhân, cũng như toàn dân tộc. Các Giám Mục của Phi Luật Tân đã dạy rất đúng rằng Giáo Hội tại Phi Luật Tân được mời gọi để nhìn nhận và chống lại tất cả những nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng và bất công đang làm u mờ diện mạo của xã hội Phi Luật Tân, và mâu thuẫn triệt để với giáo huấn của Đức Kitô. Tin Mừng kêu gọi cá nhân Kitô hữu phải sống một cuộc sống trung thực, liêm chính và quan tâm đến công ích. Nhưng Tin Mừng cũng kêu gọi cộng đồng Kitô hữu hình thành nên những “vòng liêm chính”, những mạng lưới đoàn kết có thể mở rộng để ôm ấp toàn bộ xã hội và biến đổi nó bằng những chứng tá tiên tri của họ.

Là đại sứ cho Chúa Kitô, chúng ta, các giám mục, linh mục và tu sĩ, phải là những người đầu tiên chào đón ân sủng hòa giải của Ngài vào tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã làm rõ ý nghĩa của điều này. Nó có nghĩa là bác bỏ những quan điểm trần tục và nhìn tất cả mọi thứ một cách mới mẻ trong ánh sáng của Chúa Kitô. Nó có nghĩa là, trước hết, duyệt xét lại lương tâm của chúng ta, thừa nhận những thiếu sót và tội lỗi của mình, và sau đó chấp nhận con đường hoán cải liên tục. Làm thế nào chúng ta có thể công bố sự mới mẻ và năng lượng giải phóng của Thập giá với những người khác, nếu chúng ta từ chối cho phép lời của Thiên Chúa lay động sự tự mãn của chúng ta, sự sợ hãi thay đổi của chúng ta, những thỏa hiệp nho nhỏ của chúng ta với đường lối thế gian, và “tinh thần thế gian” của chúng ta (x. Niềm Vui Phúc Âm, 93)?

Đối với chúng ta là các linh mục và những người sống đời thánh hiến, hoán cải để vươn tới sự mới mẻ của Tin Mừng đòi hỏi một cuộc gặp gỡ hàng ngày với Chúa trong lời cầu nguyện. Các thánh dạy chúng ta đó là nguồn mạch của tất cả lòng nhiệt thành tông đồ! Đối với các tu sĩ, sống sự mới mẻ của Tin Mừng cũng có nghĩa là không ngớt tìm kiếm trong từng con đường của đời sống cộng đoàn và các việc tông đồ tập thể một sự linh hứng cho sự gần gũi hơn bao giờ với Chúa trong đức ái hoàn hảo. Đối với tất cả chúng ta, nó có nghĩa là, sống một cuộc sống phản ảnh sự khó nghèo của Chúa Kitô, là Đấng mà toàn bộ cuộc sống được tập trung vào việc thực hiện thánh ý Chúa Cha và phục vụ người khác. Nguy hiểm rất lớn cho điều này, tất nhiên, là một hình thái của chủ nghĩa vật chất nhất định nào đó, có thể len lỏi vào cuộc sống của chúng ta và hủy hoại các chứng tá chúng ta đưa ra. Chỉ bằng cách tự trở nên người nghèo, tước bỏ sự tự mãn của mình, chúng ta mới có khả năng đồng hoá với những anh chị em hèn kém nhất của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy mọi thứ trong một ánh sáng mới, và như thế, có thể đáp trả một cách trung thực và liêm chính trước những thách đố trong việc công bố tính triệt để của Tin Mừng trong một xã hội ngày càng quen thuộc hơn với sự loại trừ nhau, với sự phân cực và bất bình đẳng đầy tai tiếng.

Ở đây tôi muốn đề cập một vài lời dành riêng cho các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh trẻ giữa chúng ta. Tôi yêu cầu anh chị em hãy chia sẻ niềm vui và sự nhiệt thành trong tình yêu mà anh chị em dành cho Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là với đồng nghiệp của anh chị em. Hãy hiện diện với những người trẻ, những người có thể đang hoang mang và thất vọng, nhưng vẫn tiếp tục coi Giáo Hội như một người bạn trên hành trình cuộc đời và như một nguồn hy vọng của họ. Hãy hiện diện với những ai, đang sống giữa một xã hội bị nhận chìm trong nghèo đói và tham nhũng, tan vỡ trong tinh thần, bị cám dỗ để buông xuôi, bỏ học và sống lang thang trên hè phố. Hãy giới thiệu vẻ đẹp và sự thật của sứ điệp Kitô giáo cho một xã hội đang bị cám dỗ bởi những trình bày đầy lung lạc về tình dục, hôn nhân và gia đình. Như anh chị em đã biết, những thực tại này đang ngày càng bị tấn công từ các thế lực rất mạnh đang đe dọa làm biến dạng kế hoạch của Thiên Chúa dành cho kỳ công sáng tạo của Ngài; và phản bội lại chính những giá trị đã truyền cảm hứng và hình thành nên tất cả những gì là tốt đẹp nhất trong nền văn hóa của anh chị em.

Nền văn hóa Phi Luật Tân trên thực tế đã được hình thành bởi trí tưởng tượng của đức tin. Người Phi Luật Tân ở khắp mọi nơi trên thế giới đều nổi tiếng với tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa, lòng nhiệt thành và mộ mến dành cho Đức Mẹ và chuỗi Mân Côi. Di sản tuyệt vời này chứa đựng một tiềm năng truyền giáo mạnh mẽ. Di sản vĩ đại này chứa đựng một tiềm năng truyền giáo mạnh mẽ. Đó là cung cách người dân anh chị em đã hội nhập văn hóa Tin Mừng và tiếp tục đón nhận những sứ điệp của Tin Mừng (xem Niềm Vui Phúc Âm, số 122). Các cố gắng chuẩn bị mừng 500 năm của anh chị em nên được xây dựng trên nền tảng vững chắc này.

Chúa Kitô đã chết cho mọi người để, sau khi chết cho Người, chúng ta sẽ không còn sống cho chính mình nữa mà là cho Ngài (xem 2 Cor 5:15). Các hiền huynh giám mục, các linh mục và tu sĩ thân mến, tôi cầu xin Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, khẩn cầu cùng Chúa tuôn đổ trên tất cả anh chị em lòng nhiệt thành, để anh chị em tận hiến mình cho việc phục vụ anh chị em của mình cách vô vị kỷ. Xin tình yêu hòa giải của Chúa Kitô nhờ thế càng ngày càng thấm sâu trọn vẹn hơn vào cơ cấu xã hội Phi Luật Tân và qua anh chị em, tới những vùng xa xôi nhất của thế giới.

(vietcatholic)

Để lại một bình luận