Tháo đinh, viếng xác Chúa (Trích đoạn)

Lễ hội tuần thánh.

Tháo đinh, viếng xác Chúa (Trích đoạn)Thời trước giáo hội không cử hành thánh lễ chiều, nên các ngày Tuần Thánh là cơ hội đặc biệt để giáo dân “mở lễ” giúp nhau suy niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa.

Tất cả được dựa trên sách đoạn “giảng sự thương khó Đức Chúa Giêsu”, nhiều nội dung vốn lấy từ sách Tin Mừng.

Mọi người trong xứ đều có thể tham gia : người thì nhập vai các tông đồ, quân dữ, Mađalêna, Nicôđêmô …; kẻ được chọn để ngắm đứng, dâng hạt, than mồ ; người tham gia đánh trống, chiêng, trắc, lệnh, sênh, phách ; hoặc các dịch vụ chuẩn bị như nấu cơm nếp mật, đắp chiên, treo cờ, dựng rạp, làm nhà mồ, sơn kiệu, trang trí … Tối thiểu thì ai cũng có thể tham gia vai quần chúng.

 Thứ năm tuần thánh, tín hữu dựng “nhà tiệc ly” và rước chiên. Cha xứ và 12 tông đồ ăn lễ Vượt qua, rửa chân, rồi tất cả tham dự ngắm đứng. 

  Clip Tháo đinh Táng xác tại giáo xứ Khoái Đồng

[youtube]lvRplIRjr2Q[/youtube]

Xem thêm: Clip Tháo đinh Táng xác tại giáo xứ Giáo Lạc – Bùi Chu

[youtube]n-DaFNkIxrY[/youtube]

Thứ sáu tuần thánh thì có việc diễn lại cuộc thương khó. Thánh Gioan báo tin, Đức Mẹ gặp và theo Chúa đến “đẳng ngắm” tượng trưng đồi Canvê, hợp với lời “Con tôi đi đâu thì Mẹ theo đi đấy”. Một nhân vật tuyển chọn với cung giọng diễn cảm đọc sách “giảng sự thương khó”, khi bổng khi trầm, khi thảm thương não nuột. Từ hậu trường vọng ra các âm thanh đang được mô tả, như tiếng xé áo, tiếng xô ngã trên thập giá, tiếng gân cốt dãn ra, tiếng búa đóng đinh, tiếng reo hò của quân dữ… Nhiều tín hữu tham dự cảm động đã bật khóc vì thương Chúa

Một số chức sắc mặc áo tang ngắm 15 sự thương khó. Cứ sau 5 ngắm lại có “dâng hạt”. Sau đó nhóm “tập đòn” các nhân viên tháo đanh và “phù giá kiệu táng xác”. Tượng xác Chúa được liệm vào “săng” được lộng kính nên ai ai cũng thấy Chúa. Rồi mọi người đều đội khăn tang, thắp nến và rước Chúa tới mộ, vừa đi vừa niệm lời Kinh Cầu chịu nạn : “Chúa Giêsu đầy tớ táng trong hang đá – Thương xót chúng tôi”. Đến nơi, một tốp thiếu nữ đại diện để “than mồ”, cha chủ sự hôn và xức dầu thơm chân tượng Chúa. Sau đó đến lượt giáo dân, họ đi bằng đầu gối vào kính viếng và hôn chân Chúa. Họ đổ nả và hoa xoan làm cho hang đá phảng phất một mùi thơm đặc biệt.

Chiều thứ bảy, thường có Đàng Thánh Giá trọng thể ngoài trời. Sau đó là Ngắm Dấu Đanh, suy niệm về Năm Dấu Thánh Chúa, đã bị đanh sắt và lưỡi đòng đâm thâu. Trong lễ đêm Phục Sinh, sau lời xướng kinh Gloria, chuông trống vang lên những hồi dài với âm điệu hân hoan mừng Chúa khải hoàn. Từ mồ thánh, tượng Chúa Phục Sinh uy nghi lẫm liệt được rước lên bàn thờ, trong khi đám thanh niên hò reo “phá Lâm-bô”, dỡ bỏ hang táng Xác Chúa.

 Cuối cùng, chiều Chúa nhật Phục Sinh có cuộc rước “kiệu mừng”. Kiệu tượng Đức Mẹ gặp kiệu Tượng Chúa Phục Sinh, kèm với nghi thức “bái kiệu”. Kiệu Đức Mẹ bái Chúa ba lần, trịnh trọng và trang nghiêm. Kiệu Chúa Phục sinh bái đáp lễ một lần, kèm với lời hát chào của nhóm khiêng tượng. Sau khi hai kiệu tiến vào nhà thờ, người ta ngắm năm sự Mừng Kinh Mân côi, với cung giọng Evan …

 Với nhiều tín hữu, sau ba bốn chục năm xa xứ, vẫn không thể quên ấn tượng thời thơ ấu, được chứng kiến cảnh Đức Mẹ gặp Chúa vác thánh giá, cảnh tháo đanh Chúa xuống rồi phó vào tay Đức Mẹ, cảnh Đức Mẹ và thánh Gioan đứng dưới chân Thánh giá, và hình tượng Thánh Giá với khăn tang vắt ngang … Đúng là :

Tháng giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng hai Ngắm đứng, tháng ba ra Mùa.
 

 Trích “Dấu Ấn Dòng Đaminh trên Quê Hương Việt Nam”
Lm Px. Đào trung Hiệu OP – báo Hiệp Thông số 54, tr 165-168
 

Để lại một bình luận