Thánh Giuse 28 : Đưa Chúa vào xã hội nhân loại

Thánh Giuse Trong Thánh Kinh

Bài 28 : Đưa Chúa vào xã hội nhân loại

“Ông này không phải là con ông Giuse sao” (Lc 4,22).

 

Thánh Giuse 28 : Đưa Chúa vào xã hội nhân loạiĐể thực hiện ơn cứu độ con người, Thiên Chúa đã không chỉ “đứng” ở trên trời mà xuê xoa tột lỗi của nhân loại, để vung vãi ơn cứu độ xuống cho con người. Tình yêu bao la của Ngài muốn thực hiện những gì lớn hơn thế nữa. Ngài muốn làm người như con người và Ngài đã nhờ đến Đức Maria để nhận lấy một thân xác hầu có thể sống bên cạnh “con cái loài người”. Thế rồi để “đồng lao cộng khổ với con người” Thiên Chúa lại muốn nhờ đến thánh Giuse, qua nghề thợ mộc, để đi vào xã hội con người.

Lao động, việc làm, nghề nghiệp, đó là cách thức chẳng những để kiếm cơm, để nuôi sống bản thân mình, nhưng còn là chiếc cầu để sống liên đới với người khác nữa. Mỗi người đều phải làm việc để nuôi sống mình, để không ươm hèn, ỷ lại, ăn bám, như thánh Phaolô có lần cảnh cáo: “ai không làm thì đừng ăn” (2Tx ).

Hơn nữa, qua nghề nghiệp, con người phân công với nhau và cùng nương tựa vào nhau để sống. Không ai có thể tự mình chu cấp tất cả mọi nhu cầu của đời mình một cách trọn vẹn, nhưng mỗi người đều phải nương tựa vào người khác, cần giúp đỡ và nhận giúp đỡ để sống trọn vẹn cuộc đời mình. Mỗi người một nghề nghiệp, mỗi người chuyên chăm cải tiến nghề nghiệp của mình, điều đó sẽ giúp xã hội mỗi ngày mỗi sung túc hơn, ấm no hơn. Vì từ đó mỗi người có thể thăng tiến bản thân và đồng thời giúp đỡ người khác bằng chính công việc của mình, đồng thời cũng đón nhận sự giúp đỡ của người khác bằng nghề nghiệp của họ.

Đức Giêsu cũng vậy, Ngài đã chọn thánh Giuse làm cha và đã học nghề thợ mộc với cha mình. Ngài đã nhờ thánh Giuse để bước vào xã hội phân công của con người. Ngài đã nhờ thánh Giuse để học biết lao động, biết thực sự chia sẻ và đón nhận thành quả lao động của nhau. Quả thực Đức Maria đã tạo điều kiện để Thiên Chúa làm người, còn thánh Giuse đã dẫn đưa Chúa Giêsu trở thành một thành viên trong xã hội, trở thành một người đồng trách nhiệm với nhân loại trong việc mang lại miếng cơm manh áo của con người. Thiên Chúa đã làm người như chúng ta, thật là hạnh phúc biết bao. Và cũng thật vui mừng, hạnh phúc biết bao khi Thiên Chúa cũng cầm chiếc cưa, chiếc đục cũng đổ mồ hôi trên tấm ván để tạo ra những đồ dùng cho con người. Thiên Chúa cũng đục, bào, cắt. Thiên Chúa xăm xoi trên những thực tại của cuộc sống để tạo cho nó trở nên đẹp hơn, tốt hơn, ích lợi hơn, tiện dụng hơn…

Thánh Giuse đã đưa Chúa vào xã hội, để từ đây, lao động không còn là gánh nặng mà thôi, nghề nghiệp không còn là một cách bức giành giật cuộc sống. Lao động từ nay đã trở thành một trách vụ Chúa trao phó để làm cho con được no ấm để tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nghề nghiệp từ nay trở thành một cách thức để hiệp thông với người khác, một cách thức để chia sẻ, kết đoàn, đồng lao cộng khổ với nhau và mỗi ngày mỗi liên đới, gắn bó với nhau một cách thiết thực hơn, chứ không phải chỉ là lời nói hay tình cảm suông.

Noi gương thánh Giuse, chúng ta vui mừng vì mình được làm việc, được có một nghề để làm. Vì qua nghề nghiệp, chúng ta cũng có thể gắn bó với Chúa sâu xa hơn và có thể đưa Chúa cho người khác nữa. Thiên Chúa cũng đã từng lao động, thì với người Kitô hữu, lao động chẳng thể nào lại là một điều xấu xa, hay chỉ là một gánh nặng. Thiên Chúa cũng đã có một nghề, thì nghề nghiệp của chúng ta chẳng thể nào lại là điều gì xa lạ với Đức tin, nghề nghiệp không còn là một công việc hoàn toàn trần tục, một công việc không có Chúa.

Với thánh Giuse, nghề thợ mộc đã trở thành một điều chính Thiên Chúa cũng muốn học hỏi, công việc thợ mộc trở thành nơi cha con cùng bàn bạc, cùng góp sức, cùng hợp tác, cùng thể hiện mối giây thâm tình mỗi ngày mỗi sâu đậm hơn. Với thánh Giuse, Chúa Giêsu có được cơ hội để cùng đóng góp vào việc xây dựng thế giới, cơ hội để Chúa trao cho người khác những chiếc bàn, chiếc ghế do chính tay Ngài làm ra. Qua thánh Giuse, Chúa Giêsu trở thành đồng nghiệp với con người, với trần thế.

Như vậy, noi gương thánh Giuse, chúng ta bắt tay làm việc như một sứ vụ gắn liền với Đức tin, nhìn ra sự hiện diện của Chúa trong công việc của mình, trung thành với công việc, tận tâm tận lực với công việc, để không phải là một người ươn hèn, ỷ lại, vì trong công việc chúng ta có thể gặp Chúa như thánh Giuse đã từng được gặp. Trong công việc, chúng ta có thể “bàn bạc” với Chúa về dự định của Chúa trong cuộc đời ta. Tận tâm làm việc, đó cũng là một cách chúng ta nói với Chúa về lòng nhiệt tâm của ta, và để ta được sống thân tình với Chúa như thánh Giuse.

Noi gương thánh Giuse, chúng ta thi hành nghề nghiệp của mình như một nhịp cầu liên đới với người khác, ý thức rằng khi ta giao cho người khác thành quả lao động của mình và khi ta nhận lãnh thành quả lao động của người khác, đó là chúng ta cùng nhau xây dựng thế giới. Có Chúa ở giữa, Ngài cũng làm việc, Ngài nối kết chúng ta lại thành một cộng đồng những người thực hiện ý Chúa Cha.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
có lẽ mối bận tâm lớn của chúng con hiện nay
chính là công ăn việc làm.
Chúa hiểu hoàn cảnh của chúng con đang sống
trong một đất nước nghèo nàn là thế nào,
và chắc chắn Chúa vẫn đang trợ giúp,
vẫn đang hướng dẫn chúng con trong công việc thường ngày.

Lạy Chúa Giêsu,
phải chăng điều Chúa muốn nói với chúng con,
những người dân trong một đất nước còn nghèo,
là hãy nhìn lên mẫu gương thánh Giuse ?
Nếu công ăn việc làm đang là mối bận tâm của chúng con,
thì phải chăng chính công việc
lại là nơi Chúa muốn gặp gỡ chúng con ?

Trong công việc,
chính Chúa sẽ nói với chúng con ý định của Chúa.
Trong nghề nghiệp,
chúng con sẽ được Chúa nối kết để hình thành Nước Trời.
Xin cho chúng con học được một chút nào đó
mẫu gương của thánh Giuse
mà Chúa muốn trao cho chúng con trong mọi hoàn cảnh. Amen.

 

Trả lời