Thần Học Niềm Vui 04 : Thực hành niềm vui
Lm Giuse Phan Tấn Thành op
Kính thưa quý vị và các bạn,
Sau khi đã rảo qua các thứ học thuyết về nguồn gốc và bản chất của niềm vui bây giờ tới lúc bước sang phần thực hành. Chúng ta thử cố gắng tìm hiểu những bí quyết để sống vui. Hơn thế nữa, đã có những tác giả đề nghị làm việc tông đồ cho Chúa Kitô qua việc gieo rắc niềm vui.
I. LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC VUI ?
Dựa theo giáo huấn của các thánh nhân đã trình bày trên đây, chúng ta có thể phân biệt hai cấp độ của nguồn vui: những niềm vui tự nhiên, và những niềm vui siêu nhiên. Chúa không cấm ta hưởng những niềm vui tự nhiên, cùng với bao thụ tạo khác. Người Kitô hữu có thêm lợi điểm là họ khám phá một nguồn vui mới, nhờ ánh sáng đức tin.
A. Vui tự nhiên.
Có những người bẩm tính sinh ra đã lạc quan yêu đời rồi. Họ lại còn gặp may mắn, khiến cho đời họ càng thêm tươi hơn nữa. Tuy nhiên, ngoài cái tính vui bẩm sinh, tất cả mọi người chúng ta có thể và cần tập luyện để sống vui. Dưới khía cạnh này, chúng ta có thể thâu lượm bao nhiêu lời khuyên khôn ngoan từ kho tàng kinh nghiệm của các dân tộc. Xin mạn phép tóm lại vào một vài điểm căn bản sau đây.
1) Nếu sự vui là hậu quả của việc chiếm hữu điều tốt đẹp, thì nguyên tắc căn bản hơn cả để sống vui là biết nhận ra cái tốt đẹp chung quanh mình. Nói như vậy có nghĩa là bí quyết sống vui lệ thuộc vào bản thân của ta hơn là vào ngoại cảnh ! Hằng ngày ta chìm ngập giữa bao nhiêu điều tốt đẹp, nhưng vì không biết đánh giá chúng cho nên ta không biết vui. Chừng nào nằm liệt giường ta mới biết rằng sức khoẻ đáng già ngàn vàng. Khi bị nhốt trong ngục tối ta mới biết ánh sáng là quý.
Thế nhưng có biết bao người nhận thấy mình hạnh phúc vì được sức khỏe, đôi mắt để nhìn, miệng lưỡi để nói, tay chân để cự động ? Chúng ta còn nhớ bài hát ở Việt Nam: “Ai bảo chăn trâu là khổ ? không chăn trâu sướng lắm chứ?”. Anh chăn trâu cảm thấy sướng vì khám phá ra bao nhiêu cái vui thú của công việc của mình : “Đầu tôi đội nón nhẹ như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất ngểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ”. Nếu chúng ta biết thưởng thức bao nhiêu cái tốt cái đẹp như em bé chăn trâu kia, thì đời ta sẽ thấy vui sướng biết bao !
2. Điểm thứ hai là một hệ luận đối lại với điểm thứ nhất vừa rồi. Đó là đừng than thân trách phận. Người nào thường hay than trách nhăn nhó thì chỉ thấy toàn là chuyện xui xẻo, trục trặc, hư hỏng chung quanh mình. Hơn thế nữa, xem ra người đó chỉ biết có cái “tôi”, lấy mình làm trung tâm của vũ trụ. Người ích kỷ như vậy thì dễ có khuynh hướng phóng đại những hẩm hiu của mình. Thế thì làm sao mà vui nồi ?
3. Từ đó, ta có thể rút thêm một nhận xét thứ ba. Để có thể sống vui, ta phải biết khiêm nhường. Khiêm nhường để chấp nhận những giới hạn của mình, chấp nhận tính cách tương đối của những cái mình cho là đáng giá. Khiêm nhường để dám chế nhạo những cái lố lăng của mình. Khiêm nhường để nhận ra những điều hay điều tốt nơi người khác.
4. Như vậy, ta thấy rằng kể cả trong lãnh vực tự nhiên, muốn được vui, ta cần biết quảng đại. Quảng đại để không lấy mình làm trung tâm của vũ trụ. Quảng đại để khỏi đặt thỏa mãn nhất thời làm mục tiêu hành động.
Thực vậy, nhiều lần chúng ta cảm thấy rằng sự cố gắng tận tụy với bồn phận tuy đòi hỏi hy sinh nhưng sau đó đem lại niềm vui sâu đậm hơn là thú vui do sự lười biếng. Sự quảng đại cũng đồng nghĩa với tình yêu. Chúng ta biết rằng nhiều chuyện vui buồn trong đời bắt nguồn từ những mối tương giao với người khác (trong gia đình hay ngoài xã hội). Thế nhưng tính chất của các mối tương giao ấy tùy thuộc khá lớn vào thái độ của ta. Nếu ta yêu họ, thì ta sẽ nhận ra bao nhiêu điểm tốt đẹp nơi họ, và rồi ta thấy vui; còn nếu ta không ưa họ thì chỉ thấy toàn là khuyết điểm nơi họ, và chúng gây ra bao nhiêu bực bội ! Tục ngữ Việt nam đã để lại nhiều nhận xét rất tinh tế:
– Yêu nên tốt, ghét nên xấu.
– Yêu cho nhau ăn cháy, ghét chửi nhau cạy nồi.
– Lúc ghét bẻ ngay hóa vẹo, khi ưa vẽ méo nên tròn.
– Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”.
5. Thiết tưởng một nhận xét cuối cùng về bí quyết sống vui là hãy giúp cho người khác vui. “Điều gì bạn thích người khác làm cho mình, bạn hãy làm cho họ”. Một khi đã biết yêu tha nhân vì đã biết khám phá ra điều tốt nơi họ rồi, ta hãy quảng đại thêm chút nữa, để nói cho họ biết điều tốt mà ta nhận thấy nơi họ. Lời khen thành thực làm cho họ vui sướng và chính ta cũng sướng nữa. Kinh nghiệm cho ta thấy biết bao lần rằng việc gây hạnh phúc cho người khác sẽ đem lại cho ta niềm vui khôn tả. Thí dụ điển hình hơn cả là niềm vui của bà mẹ khi phải hy sinh giấc ngủ để canh thức cho đứa con của mình. Đối với bà, cái điều tốt cần đạt là giấc ngủ của đứa con, chứ không phải là giấc ngủ của riêng mình; vì thế bà vẫn vui được, tuy rằng mình phải hy sinh một cái lợi của bản thân.
Từ đó, ta cũng có thể suy diễn rằng điều thiện càng cam go bao nhiêu thì khi đạt được nó, ta lại càng thấy vui bấy nhiêu. Đây là lý do giải thích niềm vui sau khi chinh phục một cuộc mạo hiểm, niềm vui sau khi hoàn thành một công tác khó nhọc. Theo nghĩa này thì niềm vui không loại trừ gian khổ; thậm chí còn dám vui trong cực khổ.
Con người cần vui để mà sống. Ảnh hưởng của niềm vui đối với sức khoẻ tâm lý và thể lý là một điều không thể nào chối cãi được. Khi vui thì mọi sự trôi chảy, nhẹ nhàng. Ngược lại, khi buồn ta thấy tất cả mọi cái trở nên nặng nề tối sầm.
B. Dưới nhãn quan của đức tin.
Trong phần trình bày đạo lý về niềm vui theo Kinh thánh và các chứng nhân Kitô giáo, chúng ta thấy rằng đức tin mở rộng nhãn giới về niềm vui.
1. Tiên vàn đức tin cho ta biết đâu là điều thiện tuyệt đối, đâu là Hạnh phúc đích thực và bền vững: đó là Thiên Chúa. Hơn thế nữa, đức tin cũng cho ta biết rằng Thiên Chúa yêu ta. Do đó, bí quyết của niềm vui Kitô giáo là làm sao khám phá ra tình yêu ấy, làm sao cảm được rằng mình được Chúa yêu. Điều này đòi hỏi cả một sự giáo dục, chứ ít có ai thủ đắc từ bẩm sinh ! Nói khác đi, niềm vui siêu nhiên là một hồng ân Chúa ban cho ta. Phần ta chỉ biết khiêm tốn khẩn nài.
2. Thánh Phaolô đã coi sự vui mừng như là hoa trái mà Thánh Thần ban cho ta, cùng với sự an bình. Đối với đa số chúng ta, bước đầu tiên để cảm nghiệm tình yêu của Chúa là qua ơn tha thứ các lổi lầm: niềm vui của hòa giải. Tiếp đó, là niềm vui vì được kết hợp với Chúa khi cầu nguyện, khi lãnh bí tích. Và rồi, chúng ta cần xin Chúa gia tăng cho ta ơn được luôn sống trong tình nghĩa với Chúa, ơn được xác tín nơi tình yêu quan phòng của Cha. Đây không phải là điều dễ. Thực vậy, chúng ta thâm tín rằng khi biết tuân theo ý Chúa thì ta sẽ được hạnh phúc an vui. Thế nhưng đường lối của Chúa không lúc nào cũng hợp với những tính toán của ta. Chính vì vậy mà ta cần phải cầu nguyện để biết vâng theo ý Chúa. Đức Maria trở nên một mẫu gương cho chúng ta: “Này đây là nữ tì của Chúa. Xin hãy xảy đến nơi tôi theo lời Chúa”.
Tuy nhiên, lịch sử đã hơn một lần ghi nhận những vị thánh đã dám giỡn với Chúa. Thánh Têrêxa Avila, sau khi đã bị thử thách nặng nề đã thốt lên: “Giờ đây con mới biết vì sao ít người muốn chơi với Chúa”. Một vị khác đã thử cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin tha cho con vì tội hổn láo. Con biết Chúa cứng lắm, không cách gì thay đồi được. Vì vậy, xin ban cho con ơn đành biết chấp nhận Chúa như vậy.”, hoặc: “Lạy Chúa xin cho con biết bằng lòng với Chúa”.
3. Sau cùng, niềm tin và lòng mến nơi người Kitô hữu luôn gắn liền với hy vọng trông cậy. Giữa bao nhiêu gian truân, các thánh nhân đã vui được bởi vì họ chắc rằng những đau khổ đời này không thấm vào đâu so với phần thưởng dành cho các người tôi trung của Chúa.