“Xem quả thì biết cây”, thánh Martin làm nhiều phép lạ ngay khi còn sống, và Martin thực hiện những phép lạ ấy một cách đơn giản, hồn nhiên; bởi vì niềm tin của Martin vào quyền năng của Chúa cũng đơn giản và hồn nhiên. Đó chính là “hoa trái” để chúng ta nhận ra được phẩm chất của “cây đức tin” trong tâm hồn thánh Martin.
Điều đó có nghĩa là thời của Đấng Mêsia, thời gian của Giáo Hội, thời gian Cánh Chung cũng mang tính chất đặc biệt của Tin Mừng giải phóng. Nét đặc trưng nhất của thời đại Đấng Mêsia không phải là điều gì khác hơn thời đại biểu hiện “Tấm Lòng Vàng” của Thiên Chúa; và Martin đã thể hiện được nét đặc trưng của Nước Chúa để cũng được gọi một cách thân thương : vị thánh “tấm lòng vàng”.
Khi thầy Martin biết tu sĩ kia phải dùng quần áo vải thô chỉ vì không còn vải tốt. Thầy liền đến các cửa hiệu kiếm bằng được vải tốt để may cho thầy đó và các tu sĩ khác… Cuộc đời của Martin cho thấy thế nào là một con người sống và ứng xử theo tinh thần của Chúa : một con người biết cảm thông với người khác.
Trong xã hội thời ấy, nguyên mầu da đen đã là một ranh giới phân chia thế giới con người. Nhưng Martin đã sớm “lặn” sâu vào tầng lớp những người khổ đau, nơi chỉ có tiếng kêu thống thiết xuyên vào tận tâm lòng con người. Chính trong “tầng lớp” cuộc đời khổ đau này, Martin đã thể hiện vai trò người cha của những kẻ khổ đau, thể hiện một tình nghĩa gia đình đại đồng, một tình yêu thương vô điều kiện.
Trong phòng Martin, không có bàn, không có ghế, ngoài cái giường, chỉ có tượng Thánh Giá, ảnh Đức Mẹ và thánh Đa Minh treo trên tường. Hình tượng thánh giá là điều không thể thiếu đối với Martin. Nhiều lần người ta nhìn thấy Martin quì cầu nguyện ngây ngất trước thập giá Chúa.
Martin chẳng bao giờ nỗ lực để leo lên các bậc thang xã hội, để vênh mặt với cuộc đời. Cuộc đời ngài như ẩn khuất trong những chuyện quen thuộc của cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, tất cả những ý nghĩa lớn lao của cuộc đời bác ái đã tìm thấy nơi cuộc đời bình thường ấy mảnh đất mầu mỡ để trổ sinh hoa trái.
Sách kể lại rằng, Martin không hề từ chối một bệnh nhân nào hay gắt gỏng khi có ai đến nhờ vả. Lúc nào trên môi Martin cũng điểm một nụ cười thật tươi, nên các bệnh nhân trong nhà thương cũng như các tù nhân trong trại giam đều gọi Martin là “ân nhân khả ái”. Ta có thể thấy nét tương đồng trong lời chào của Mẹ Maria với nụ cười của Martin.