Tìm hiểu : Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể
Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể bắt nguồn từ Hội Tông đồ Cầu Nguyện tại Pháp, do hai linh mục Léonard Cros và Ramadière khởi xướng vào năm 1865.
Lấy tinh thần Nghĩa Binh Thánh Giá, với vũ khí tinh thần theo 4 khẩu hiệu : cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm việc tông đồ. Phong trào nhắm bảo vệ tâm hồn các thiếu nhi khỏi phong trào tục hóa đang lan tràn trong các trường học Công Giáo Pháp thời bấy giờ.
Lịch sử phong trào
Năm 1910, qua sắc lệnh Quam Singulari, Đức Pio X mong muốn và cổ võ các em thiếu nhi được rước lễ sớm. Bảy năm sau, năm 1917, Phong Trào Nghĩa Binh Thánh thể ra đời tại Pháp do một linh mục Dòng Tên là Besssière, như một phong trào trực thuộc Hội Cầu Nguyện.
Đây là Hội Tông đồ Cầu nguyện dành cho giới trẻ, với đường lối căn bản : nhắm vào trẻ em, có tính cách quốc tế, và nhấn mạnh tính cách truyền giáo.
Thiếu nhi Thánh Thể Tại Việt Nam
Ở Việt Nam, phong trào được thành lập đầu tiên tại Hà Nội năm 1929, do hai linh mục Léon Paliard và Paul Urureau, Tu hội Xuân Bích, mang tên Nghĩa Binh Thánh Thể. Phong trào được hàng giáo phẩm và giáo dân hưởng ứng nên đã phát triển tại nhiều giáo phận Việt Nam trong thập niên 1930. Tùy theo lứa tuổi từ nhỏ tới lớn, Nghĩa Binh được chia ra làm Tiền Binh, Trung Binh và Hậu Binh
Xét theo thời gian thành lập tại giáo phận : Hà Nội (1929), Huế và Sài Gòn (1931), Phát Diệm (1932), Thanh Hoá (1932), Vinh (1935), Vĩnh Long (1935), Quy Nhơn (1936), Bùi Chu và Thái Bình (1937), Bắc Ninh (1938).
Cuộc di cư năm 1954 đã làm phát triển rộng lớn hơn nữa Nghĩa Binh Thánh Thể ở miền Nam. Năm 1957, Các Giám mục Việt Nam đã bổ nhiệm linh mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Tổng Tuyên úy đầu tiên. Sinh hoạt Nghĩa Binh với yêu cầu đổi mới cho phù hợp với tâm lý giới trẻ. Cùng lúc với tinh thần của Công đồng Vatican II, phong trào đã thêm vào sinh hoạt cầu nguyện thuần tuý của Nghĩa Binh Thánh Thể chủ đích giáo dục trẻ và dùng phương thức sinh hoạt trẻ vào trong các hoạt động. Bản nội quy thống nhất được ra đời và đổi tên Nghĩa Binh Thánh Thể thành phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam.
Năm 1971, Hội đồng Giám mục phê chuẩn bản nội quy mới. Năm 1972, Đại hội Toàn quốc “Về Đất hứa 1” tổ chức tại Bình Triệu quy tụ trên 2.000 huynh trưởng. Vào thời điểm này, các giáo phận phía Nam có tới 140.000 đoàn viên và 3.800 huynh trưởng trong 650 xứ đoàn của 13 giáo phận.
Ở miền Bắc, phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể vẫn tiếp tục hoạt động chủ yếu là sinh hoạt giáo lý và đạo đức.
Mục Đích Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể
Mục đích Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể là một đoàn thể Công Giáo tiến hành nhằm qui tụ trẻ em quanh Chúa Giêsu Thánh Thể, để huấn luyện chúng trở nên những con người hoàn thiện và kitô hữu đích thực ; nhằm tạo môi trường tốt và những hoàn cảnh thuận lợi, để thanh thiếu niên sống Tin Mừng, làm tông đồ và góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng.
Để thực hiện mục đích này Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể dựa trên hai loại phương pháp: Phương pháp siêu nhiên và phương pháp tự nhiên. “Việc huấn luyện để làm tông đồ phải bao hàm toàn diện con người, phù hợp với nhân cách và hoàn cảnh của mỗi người”.
Phương pháp giáo dục của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể
1. Giáo dục theo tâm lý lứa tuổi
Để huấn luyện thiếu nhi cần phải dựa vào diễn biến tâm lý của trẻ, chia các em theo từng lứa tuổi để có những hình thức giáo dục thích ứng:
a. Ấu (7-9 tuổi): trẻ hướng nội, biết thưởng thức thiên nhiên, nảy nở những suy nghĩ. Giúp trẻ chiêm ngắm và cầu nguyện, phát triển những tâm tình tôn giáo. Khai tâm đời sống Ki tô giáo.
b. Thiếu (10-12 tuổi): trẻ hướng ngoại, thích vui chơi theo nhóm, tôn trọng lề luật, xây dựng ý tưởng. Lấy Chúa Giê su làm trọng tâm, xây dựng tương quan giữa trẻ với Chúa Giê su.
c. Nghĩa (13-15 tuổi): thời kỳ chủ quan, nhiều mơ mộng, đam mê chuyển dần sang nhận biết khả năng trí tuệ, biết sử dụng ý chí. Với lòng hăng say đầy nhựa sống, lý tưởng cao, các em cùng hăng hái ra khơi với Chúa.
d. Huynh trưởng : tham gia điều hành tổ chức phong trào và trực tiếp hướng dẫn các thiếu nhi được trao phó.
Sự phân chia này có tính tương đối vì diễn biến tâm lý nơi con người thường phức tạp tùy vào hoàn cảnh, tùy điều kiện giáo dục… Tuy nhiên, sự phân chia giúp người hướng dẫn nắm được những nét chính yếu trong tâm lý để giúp đỡ các em hữu hiệu hơn.
2. Phương pháp vui mà học
Thông qua trò chơi, chuyện kể, bài hát, vũ điệu, trại và tổ chức hàng đội, các em học hỏi được nhiều điều bổ ích. Những ý niệm trừu tượng, những tâm tình nhân bản, những mầu nhiệm cao siêu có thể thông truyền cho các em nhờ những phương thế hấp dẫn, cụ thể.
3. Phương pháp hàng đội
Giúp trẻ tự quản, giúp nhau tự giáo dục, xây dựng ý thức kỷ luật chung, cùng nhau làm điều tốt, dám lãnh nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Trẻ được trao trách nhiệm thực sự sẽ dấn than rất hăng say, những gì các em tự mình làm được dù không hoàn hảo nhưng các em sẽ rất trân trọng. Gây cho các em tinh thần đoàn kết yêu thương, giúp các em có óc sáng kiến và suy tư.
Thiếu nhi Thánh Thể TGP Sài Gòn
Sau biến cố 30/4/1975, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tự giản lược các hoạt động bên ngoài, chỉ giữ lại sinh hoạt cốt lõi dưới hình thức các lớp Giáo Lý.
Năm 1990, sau 15 năm làm quen với xã hội mới, Thiếu Nhi Thánh Thể ở nhiều nơi mới bắt đầu nhen nhúm, hoạt động âm thầm nhưng không kém hiệu quả.
Năm 1997, tại giáo phận Sài Gòn, Đức TGM Gioan B. Phạm minh Mẫn chính thức thành lập Ban Mục Vụ Thiếu Nhi, và bổ nhiệm cha Giuse Phạm Đức Tuấn làm Trưởng Ban cùng với 15 cha đặc trách của 15 hạt. Cũng từ thời điểm này PT TNTT bắt đầu hồi sinh. Có cuộc họp mặt các cựu Tuyên úy và cựu Huynh trưởng TNTT để chuẩn bị tái lập TNTT.
Năm 2002, khi PT TNTT chính thức ra mắt, cha Giuse Phạm Đức Tuấn được Đức Tổng Giám Mục bổ nhiệm làm Tuyên Uý Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận. Cha Tuyên Uý Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận đã mời:
– Cha Giuse Vũ minh Danh làm phó Ban Mục vụ đặc trách Điều Hành Giáo lý
– Cha Félix Nguyễn văn Thiện, nguyên là tuyên úy Liên đoàn Sàigòn, Cha Phêrô Nguyễn Thành Tâm CSSR, cha Giuse Đỗ ngọc Bảo OP, cha Phêrô Nguyễn văn Đệ SDB làm ban cố vấn
– Cha Vinh Sơn Trần văn Hoà làm cố vấn, Đặc Trách Nghiên Huấn Liên Đoàn, kiêm đặc trách ngành Nghĩa sĩ
– Cha Giuse Phạm Hồng Thái, Phụ Tá đặc trách ngành Thiếu
– Cha Gioan Maria Vianey Chu Minh Tân, Phụ Tá đặc trách ngành Ấu
Năm 2003 đến năm 2005, ngoài các khóa Huấn luyện Giáo lý viên các cấp, Liên đoàn TNTT Giáo Phận đã tổ chức các Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng:
– Cấp I: 10 sa mạc, với 1.200 Huynh Trưởng được cấp Chứng Chỉ Khả Năng
– Cấp II: 3 sa mạc, với 230 Huynh Trưởng được cấp Chứng Chỉ Khả Năng
– Cấp III: 1 sa mạc, với 38 Huynh Trưởng được cấp Chứng Chỉ Khả Năng. Trong đó có 22 Huynh Trưởng được chọn để huấn luyện trở thành các Huấn Luyện Viên của liên đoàn.
Từ cuối năm 2004, các Giáo lý viên và Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể Liên Đoàn Anrê Phú Yên, Giáo Phận Thành Phố Hồ chí Minh đã Bầu Ban Chấp Hành chính thức, điều hành chung Giáo lý viên và Huynh trưởng, với nhiệm kỳ hai năm.
Liên Đoàn Andre Phú Yên có Văn Phòng Liên Lạc là văn phòng Ban Mục Vụ Thiếu Nhi tại Toà Tổng Giám Mục Giáo Phận Tp Hồ Chí Minh, 180 Nguyễn đình Chiểu, Q3. Điện thoại: 9303569.
– Ngày 24.5.2005, ĐHY Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn đã ban hành Bản Chỉ Dẫn Các Sinh Hoạt của Giới Thiếu Nhi Công Giáo. Theo đó:
+ Nhằm đạt hiệu quả tối đa trong việc giáo dục thiếu nhi, Giới thiếu nhi áp dụng hai Phương Pháp Giáo Dục Tự Nhiên và Siêu Nhiên của PT. TNTT (Điều 3)
+ Ban Mục Vụ Thiếu nhi có nhiệm vụ hỗ trợ các Giáo xứ, Giáo hạt, Giáo phận trong việc huấn luyện huynh trưởng TNTT và Giáo Lý Viên (Điều 5d)
Thiếu Nhi Thánh Thể Tại Các Giáo Phận
Cho đến nay Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể đang được hồi sinh và phát triển tại các Giáo Phận Hà Nội, Huế, Xuân Lộc, Nha Trang, Thái Bình, Hải Phòng, Mỹ Tho, Cần Thơ …
Hy vọng một ngày không xa, khi các Liên Đoàn của các Giáo Phận được tổ chức chặt chẽ, sẽ có cuộc họp mặt Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam toàn quốc.