Tin mừng theo Thánh Luca: Lc 1, 26-38
Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.
LỜI “XIN VÂNG’ CỦA ĐỨC MARIA
Phản ứng đầu tiên của Đức Maria trước lời chào của thiên thần là bối rối và suy nghĩ. Khác với Dacaria khi được chào đã tỏ ra bối rối và sợ hãi, còn Đức Maria thay vì sợ hãi đã suy tư trong lòng về lời chào của sứ thần.
Đây là diện mạo trổi vượt và cách riêng của Đức Maria. Mẹ sẽ mang diện mạo đó suốt cả hành trình cứu độ của Chúa Con, rõ nét nhất là trong đêm Giáng sinh, và khi tìm gặp trẻ Giêsu trong Đền thờ, bởi: Mẹ hằng ghi nhớ mọi sự, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Đây cũng chính là nền tảng của tiếng thưa ‘xin vâng’ Mẹ đã thốt lên để chương trình cứu độ của Chúa được khởi sự.