Mười điều ĐGH Phanxicô muốn bạn biết (4)

 

Không bao giờ chối bỏ lòng thương xót của Thiên Chúa

 

Mười điều ĐGH Phanxicô muốn bạn biết (4)Tất cả các Đức giáo hoàng có khuynh hướng để lại một dấu ấn riêng, hoặc một phát biểu dường như tóm tắt sứ điệp các ngài đang cố gắng giảng dạy Giáo hội và thế giới trong thời đại mình. 

Đối với Đức Gioan Phaolô II, đó là câu nói “Đừng sợ”, một lời mời gọi Giáo hội Công giáo lấy lại lòng xác tín đầy can đảm khi rao giảng Tin mừng sau nhiều năm thu mình và tranh cãi nội bộ, tiếp sau Công đồng Vatican II. Đối với Đức Bênêđictô XVI, đó là thông điệp “Đức tin và Lý trí”, một luận chứng khẳng định lý trí con người và đức tin Chúa ban liên hệ “cộng sinh” và phụ thuộc vào nhau.  

Trước đó, câu nói của  Đức Phanxicô  khi còn là ứng viên sáng giá cho chức giáo hoàng dường như là: “Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt khi tha thứ cho chúng ta”.  

Nói cách khác, tư tưởng đặc sắc mà Đức Phanxicô giới thiệu như tiêu chuẩn của giai đoạn đầu tiên trong chức vụ giáo hoàng là lời nhắc nhở rằng, trước hết, Thiên Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót và trắc ẩn, Người luôn sẵn sàng và quảng đại để tha thứ đồng thời giúp kẻ tội lỗi bắt đầu lại.

Đức Phanxicô đã trình bày tư tưởng này ở trọng tâm bài giảng đầu tiên của ngài tại nhà thờ thánh Anna ngày 17 tháng Ba, và ngài còn nhắc lại trong buổi đọc Kinh truyền tin ngày hôm đó.

Trong Thánh lễ, Đức Phanxicô khẳng định: “Đối với tôi, và tôi khiêm nhườngnói rằng, sứ điệp mạnh mẽ nhất của Chúa là lòng thương xót”.

Suy gẫm những lời cáo buộc người ta hướng vào Đức Giêsu trong các Tin mừng khi Người kết thân với kẻ tội lỗi, Đức Phanxicô nói: “Đức Giêsu hay quên. Người có khả năng hay quên đặc biệt. Người quên đi tội lỗi kẻ khác, Người ôm hôn, và chỉ nói với họ: “Ta không kết án con đâu, về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. 

“Chúa không bao giờ mỏi mệt khi tha thứ. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi xin Người tha thứ cho chúng ta.”

Chắc chắn, Đức Phanxicô không nói về thứ ân sủng rẻ mạt, nhưng về Chúa, Đấng không hề để ý đến tội lỗi. Mệnh đề “đừng phạm tội nữa” trong Tin mừng mà ngài trích dẫn ở trên cũng có tầm quan trọng như là thành phần của việc tha thứ. Cho đến nay, dường như dấu nhấn trong triều đại của Đức Phanxicô có lẽ là đề cao tư tưởng về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Điều này cũng không là một thứ gì đó chỉ xảy đến với Đức Phanxicô vào buổi sáng sau cuộc bầu cử. Đúng hơn, tư tưởng này phù hợp với quan điểm mục vụ của ngài, vốn đã phát triển trong suốt cuộc đời, khi luôn nhấn mạnh đến điều cần thiết cho người đại diện Chúa Kitô là tuôn đổ lòng thương xót và trắc ẩn.   

Vào năm 2001, hồng y Bergoglio đã nói: “Chỉ những ai gặp gỡ lòng thương xót, tức là những người được âu yếm bởi sự dịu ngọt của lòng thương xót, mới là người hạnh phúc và an bình với Thiên Chúa. Tôi xin các thần học gia đang hiện diện ở đây đừng đưa tôi trở lại Tòa tra, trái lại hãy thúc đẩy mọi sự thêm chút nữa.Tôi dám nói rằng, vị trí ưu tiên của cuộc gặp gỡ là tình âu yếm từ lòng thương xót của Chúa Giêsu Kitô đối với tội lỗi  tôi đã phạm.”

Ngài sẵn sàng đưa ra quan điểm mạnh mẽ nhằm đẩy lùi những chuyện nhảm nhí. Ví dụ, vào tháng Chín năm 2012, ngài mở cuộc tấn công sắc bén nhằm vào các linh mục từ chối rửa tội cho các trẻ em sinh ra ngoài giá thú, và ngài gọi đó là “tân chủ nghĩa giáo quyền khắt khe và giả hình”. 

Đức Phanxicô đã chọn gắn khẩu hiệu giám mục bằng tiếng Latinh của ngài lên tay áo giáo hoàng: Miserando atque eligendo, có nghĩa là “Cảm thương và lựa chọn” – “Khi nhìn bằng cặp mắt thương xót, Chúa đã chọn ngài.” Những lời này đến từ một bài giảng về Tin mừng Mátthêu của thánh Bêđa Khả kính. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với Đức Phanxicô, bởi vì, năm 17 tuổi, ngài đã đi xưng tội vào ngày lễ thánh Mátthêu. Ngài nói rằng, kinh nghiệm đó đem đến cho ngài một ý thức mới về khả năng tha thứ không bến bờ của Thiên Chúa, và ngài cảm thấy lời mời gọi trở thành linh mục. Nói cách khác, việc đặt trọng tâm trên lòng thương xót có nguồn gốc sâu xa trong hành trình tâm linh của ngài.  

Tầm quan trọng của việc giảng thuyết về Thiên Chúa đầy lòng thương xót và quyết định cách thức đối xử với người khác được đặt nền trên tinh thần thương xót là một điều nữa mà Đức Phanxicô muốn bạn biết. 
 

(Còn nữa) 

Nguyên tác :  John L. Allen, Jr., 10 Things Pope Francis Wants You to Know, Liguori, Missouri: Ligouri, 2013.

Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh

(nguồn: daminhvn.net)

Trả lời