Tầm quan trọng của hiệp nhất
Đức giáo hoàng Phanxicô xuất thân từ dòng Tên, một dòng tu đã đem đến cho ngài nhận thức về tính khác biệt rộng lớn tồn tại trong Giáo hội Công giáo. Bất kỳ ai quen biết các tu sĩ dòng Tên đều nhận ra mình có thể tìm thấy khá nhiều quan điểm chính trị, lập trường thần học và phong cách cá nhân ở một nơi nào đó trong dòng này, thường được thể hiện với lòng hăng hái nhiệt tình sâu sắc.
David Collins, giáo sư lịch sử tại Đại học Georgetown, gần đây đã nói: “Nếu có một chướng ngại vật trên đường, thì sẽ phải có một tu sĩ dòng Tên ở cả hai bên của chướng ngại vật ấy”.
Trong kinh nghiệm này, Đức Phanxicô không phải là người chủ trương một sự đồng đều giả tạo trong Giáo hội, bưng bít những khác biệt một cách gượng gạo. Xuất thân từ đời sống tu trì, ngài hiểu rằng những căng thẳng phải được chân thành nói ra, không nên giữ kín hoặc lờ đi trong hy vọng hão huyền rằng các vấn đề sẽ được giải quyết được.
Điều này hoàn toàn đúng đắn, bởi vì ngài thấy rõ tính đa dạng trong Giáo hội; tuy nhiên ngài cũng hiểu tầm quan trọng của việc luôn kiếm tìm sự hiệp nhất, vì nếu không có sự kiên trì dấn thân cho hiệp nhất, những căng thẳng đó có thể gây tê liệt, hơn là làm cho phong phú. Tầm quan trọng của sự hiệp nhất có thể áp dụng không chỉ trong đời sống của Giáo hội Công giáo, nhưng còn trong mối liên hệ mang tính đại kết với các nhánh khác của gia đình Kitô giá đã bị chia rẽ. Sự hiện diện của Đức Bartholomew, thượng phụ Constantinople, trong Thánh lễ khai mạc triều đại của Đức giáo hoàng, chứng tỏ rằng, lần đầu tiên kể từ năm 1054, “người thứ nhất giữa những người đồng hàng” trong thế giới Chính thống tham dự lễ nhận chức của một giáo hoàng, dường như chắc chắn là một bước tiến theo hướng đó.
Đức Phanxicô đã nêu lên quan điểm này trong khi ngỏ lời với các hồng y sau cuộc bầu cử giáo hoàng. Ngài nói: “Chúa Thánh Thần là nguồn mạch tối hậu của mọi sáng kiến và sự biểu lộ đức tin. Đây là điều kỳ lạ, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Đấng Paráclê tạo nên mọi sự khác biệt giữa các Giáo hội, gần như Người là một Tông đồ của sự kiện Babel”.
Nhưng, ngài khẳng định rằng Chúa Thánh Thần cũng là “Đấng tạo nên sự hiệp nhất từ những khác biệt này, không phải trong “sự ngang bằng”, nhưng trong sự hòa hợp. Tôi nhớ đến một vị Giáo phụ đã mô tả Chúa Thánh Thần như sau: Ipse harmonía est – Chính Người là sự hòa hợp. Đấng Paráclê, Đấng ban những đặc sủng khác nhau cho mỗi người chúng ta, cũng hiệp nhất chúng ta trong cộng đoàn Giáo hội, một Giáo hội thờ phượng Cha, Con và chính Người, tức là Thánh Thần.”
Những lời này cho thấy Đức Phanxicô chắc chắn là một giáo hoàng nhấn mạnh đến giá trị của sự hiệp nhất, đang cố gắng thúc đẩy các tín hữu Công giáo vượt ra khỏi những khác biệt bên trong của mình, cũng như hướng tới việc cộng tác lớn hơn với các giáo hội Kitô khác.
Đức cha Greg Venables, giám mục Anh giáo ở Ácgentina, cho biết cảm nghiệm của ngài về hồng y Bergoglio. Đức cha nói:
“Tôi đã ở cùng ngài trong nhiều dịp, và ngài luôn tìm cách để tôi được ngồi cạnh ngài, và lúc nào cũng vậy, ngài mời tôi tham dự và thường làm những điều mà với tư cách là hồng y, ngài phải làm. Ngài luôn khiêm nhường, khôn ngoan, và có năng khiếu đặc biệt, nhưng cũng là người bình dân. Ngài không phải là kẻ khờ dại, khi cần, ngài nói lên ý kiến của mình, cách nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng”.
Đức tân giáo hoàng cũng đã từng là đồng tác giả của một cuốn sách với Rabbi Abraham Skorka, tựa đề Sobre el Cielo y la Tierra (“Trên trời và dưới đất”), trong đó, ngài viết: “Để đối thoại, cần phải biết giảm bớt tự vệ, mở toang cửa nhà, và trao tặng hơi ấm con người”.
Giá trị của việc giảm bớt tự vệ và trao tặng hơi ấm con người, trong khi tìm kiếm sự hiệp nhất chân thực dưới những khác biệt bình đẳng thực sự, hình thành một tâm điểm mà Đức giáo hoàng Phanxicô muốn bạn biết.
Học viện Đa Minh
Ngày 15 tháng 09 năm 2014,
Mừng kính Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo
Bổn mạng Tỉnh dòng