Mười điều ĐGH Phanxicô muốn bạn biết (1)

 

Một Giáo hội cho người nghèo

 

Mười điều ĐGH Phanxicô muốn bạn biết (1)Vào ngày 16 tháng Ba năm 2013, trong cuộc gặp gỡ với khoảng 6.000 nhà báo ở khắp nơi đang hiện diện tại Rôma để đưa tin về việc bầu cử giáo hoàng, Đức giáo hoàng đã chia sẻ lý do ngài chọn tước hiệu Phanxicô là để tôn vinh vị thánh Phanxicô thành Átxidi, mà chuyện tình của thánh nhân với “Bà Chúa Nghèo” là một huyền thoại. Sau đó, Đức tân giáo hoàng đã phát biểu, bằng một câu ám chỉ toàn bộ chương trình lãnh đạo của ngài: “Tôi muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo!”

Vậy nên, điều đầu tiên Đức Phanxicô muốn bạn biết, đó là Chúa Kitô đến để ban tặng tình yêu và ơn cứu độ cho hết thảy mọi người, nhưng nhất là cho người nghèo. Vì thế, trở thành Kitô hữu có nghĩa là, một cách đặc biệt, không bao giờ quên người nghèo, là đảo lộn hệ thống giá trị của thế giới rộng lớn, đồng thời đặt người nghèo và người bị lãng quên vào trung tâm của sự chú ý.  

Vào ngày 19 tháng Ba năm 2013, Đức Phanxicô đã lấy mối quan tâm đến người nghèo làm chủ đề chính cho bài giảng thánh lễ khai mạc triều đại giáo hoàng của mình, khi khẳng định “sức mạnh đích thực là phục vụ”, đặc biệt phục vụ “những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, và ít quan trọng nhất”. Để chắc chắn chẳng ai quên điểm này, ngài cũng đã lặp lại trong mẩu tin thứ ba trên twitter kể từ khi nhận chức vụ, được gửi đi không bao lâu sau khi Thánh lễ này kết thúc. 

Khuynh hướng này không phải là điều gì đó vừa đến với Đức Phanxicô sau khi  được bầu làm giáo hoàng, nhưng phản chiếu tư tưởng và sự lãnh đạo trong toàn bộ sự nghiệp của ngài.

Trong hội nghị các giám mục châu Mỹ Latinh năm 2007,  vị giáo hoàng tương lai nói: “Chúng ta sống trong khu vực bất bình đẳng nhất của thế giới, nơi có sự phát triển tột bậc nhưng tình trạng nghèo khổ lại giảm đi ít nhất”.

“Sự phân phối bất công của cải vẫn tồn tại, tạo nên tình trạng tội lỗi mang tính xã hội, tình trạng ấy kêu thấu trời xanh và làm cho quá nhiều anh chị em chúng ta không có khả năng đạt được một cuộc sống đầy đủ hơn.” 

Nghèo đói về kinh tế không phải là mối quan tâm duy nhất của ngài. Ngài còn chìa tay ra tới những người sống trong một dạng bần cùng xã hội, bị người khác dán nhãn là đáng sợ hoặc nguy hiểm.  

Chẳng hạn, vào năm 2001, ngài thăm viếng một nhà tế bần, ở đó ngài hôn và rửa chân cho 12 bệnh nhân AIDS; hình ảnh về vị giáo hoàng tương lai thực hiện việc này đã trở thành một biểu tượng. 

Rõ ràng, tình yêu dành cho người nghèo không có nghĩa là hướng Kitô giáo vào một đảng phái chính trị, theo đuổi bất kể chương trình cải cách kinh tế hoặc xã hội đặc biệt nào. Với tư cách là nhà lãnh đạo trong dòng Tên vào những năm 70, cha Bergoglio thời đó đã nổi tiếng khi nhấn mạnh rằng việc hoán cải  của cá nhân phải ưu tiên hơn sự thay đổi cấu trúc. 

Nhưng chắc chắn, với tư cách là giáo hoàng đầu tiên của Châu Mỹ Latinh, và cũng là giáo hoàng đầu tiên từ thế giới đang phát triển, Đức Phanxicô hiểu rằng ngài mang nơi mình những khát vọng và ước ao của người nghèo trên thế giới. Ngài muốn trở thành diễn đàn cho những mối quan tâm của họ:  những bất công của nền kinh tế toàn cầu hóa, cuộc tàn sát do chiến tranh và bạo lực, sự hủy hoại môi sinh, và thuế má mà nền thương mại quốc tế đặt ra chống lại lợi ích của các nước nhỏ và nghèo hơn. 

Cũng vậy, Đức Phanxicô có lẽ cũng rất muốn bỏ đi một số trang phục truyền thống của chức vụ giáo hoàng vốn thể hiện sự giàu sang và đặc ân. Ngay lập tức, ngài khước từ việc mặc áo choàng trang điểm bằng lông chồn, gọi là  mozzetta, được treo ở tủ áo ở phòng Nước Mắt, lúc bước ra chào dân chúng sau khi đắc cử. 

Nói cách khác, “vị giáo hoàng cho người nghèo” này mong muốn một cam kết mới hướng tới người nghèo phải nằm ở trung tâm vai trò của Kitô giáo trong thế giới, và ngài muốn  vị giáo hoàng phải là người làm cho sứ điệp đó trở nên đáng tin. 

Nguyên tác :  John L. Allen, Jr., 10 Things Pope Francis Wants You to Know, Liguori, Missouri: Ligouri, 2013.

Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh

(theo daminhvn.net)

 

Trả lời