Mười điều ĐGH Phanxicô muốn bạn biết (3)

 

Gần gũi dân chúng

 

Mười điều ĐGH Phanxicô muốn bạn biết (3)Mặc dù có lẽ Đức Phanxicô không ngừng quyến rũ  thế giới, nhưng ít nhất có một thành phần cảm thấy có chút gì đó khó xử cho tới nay: Đó là nhân viên an ninh Vatican, những người đang vất vả để theo kịp Đức giáo hoàng dường như kiên quyết hướng tới dân chúng hơn là xa rời họ.

Một nhân viên an ninh nói với tờ La Stampa của Ý vào ngày 18 tháng Ba: “Chúng tôi hy vọng rằng sau những ngày đầu tiên này, mọi sự trở lại bình thường, nếu không ngài sẽ làm cho mọi người điên lên mất!”

Dựa vào những bằng chứng ban đầu trong triều đại của Đức Phanxicô, tính từ “bình thường” theo nghĩa là một Đức giáo hoàng ở đằng sau hàng rào bảo vệ, có lẽ không còn đúng nữa.  

Trong những hình ảnh đáng chú ý nhất từ tuần đầu tiên khi ngài nhận chức vụ, có lẽ ấn tượng nhất là việc Đức Phanxicô thăm nhà thờ nhỏ nhất giáo phận Rôma, đó là nhà thờ giáo xứ thánh Anna, và cử hành Thánh lễ Chúa nhật tại đây vào ngày 17 tháng Ba, trước buổi đọc Kinh truyền tin đầu tiên trong cương vị giáo hoàng. Giáo xứ thánh Anna, do các tu sĩ Dòng Âutinh điều hành, là nơi khoảng 400 nhân viên làm việc ở Vatican sinh hoạt với những điều kiện của một đời sống giáo xứ bình thường thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau.   

Sau Thánh lễ, Đức Phanxicô đứng bên ngoài nhà thờ để chào hỏi mọi người khi họ rời nhà thờ, xoa đầu và hôn trẻ em, bắt tay và ôm hôn mọi người kèm theo vài lời ngắn gọn và mỉm cười với họ. Đó là hình ảnh diễn ra ở các giáo xứ Công giáo mọi nơi trên thế giới vào ngày Chúa nhật, nhưng tất nhiên, người ta hiếm khi được chứng kiến một Đức giáo hoàng làm như vậy. 

Báo chí Ý lập tức đặt cho ngài biệt danh là “cha xứ thế giới”.

Khát vọng không tách mình khỏi kinh nghiệm thông thường này là một dấu ấn trong những ngày đầu tiên của Đức Phanxicô. Chẳng hạn, khi lên xe dành cho giáo hoàng để quay lại khách sạn, nơi ngài đã trọ trước khi vào mật viện, ngài nhất quyết đi mà không cần đội hộ tống “đèn còi báo hiệu” của cảnh sát Ý, cũng chẳng muốn hạn chế giao thông quá mức, gây cản trở cho người dân đang lưu thông ở Rôma.

Điều tương tự cũng thể hiện vào sáng ngày 19 tháng Ba, ngày lễ trọng kính thánh Giuse, khi Đức Phanxicô cử hành Thánh lễ khai mạc triều đại giáo hoàng. Ngài di chuyển quanh quảng trường thánh Phêrô bằng chiếc xe  mui trần, chứ không phải xe dành cho giáo hoàng có kính chống đạn, và có lúc ngài bước xuống để ôm hôn một người tàn tật nào đó xen giữa đám đông. Mặc dù chiếc xe trần như thế có thể nguy hiểm hơn nhiều, nhưng Đức Phanxicô dường như tin rằng đó là cái giá phải trả để dân chúng cảm thấy gẫn gũi hơn với vị giáo hoàng của họ.

Cũng cần chú ý là khi ra mắt đám đông tại quảng trường thánh Phêrô vào tối 13 tháng Ba, Đức giáo hoàng không bao giờ quy cho mình là “giáo hoàng”, nhưng là giám mục Rôma. Vai trò như là một giám mục địa phương dường như khẩn thiết đối với ngài, đến nỗi trong buổi đọc kinh Truyền tin đầu tiên, ngài ngỏ lời với dân chúng hoàn toàn bằng tiếng Ý, mặc dù chắc chắn ngài có khả năng sử dụng một số ngôn ngữ khác, và ngài cũng nhắc đến một người cùng tên với ngài, đó là thánh Phanxicô, bổn mạng nước  Ý.

Căn cứ vào những gì chúng ta đã chứng kiến cho tới bây giờ, dường như rõ ràng Đức Phanxicô kiên quyết bao nhiêu có thể để tiếp xúc với dân chúng bình thường, không để cho chướng ngại nào đi kèm chức giáo hoàng ngăn cản ngài đến với những cuộc gặp gỡ thông thường, nơi mà các vị mục tử có thể hiểu được những gì dân chúng suy nghĩ và ướcmong.  

Một khi khẳng định những điều trên xuất phát từ nhân cách của Đức giáo hoàng, thì cung cách ấy cũng phản chiếu tầm nhìn trong việc lãnh đạo của ngài nữa. Rao giảng Tin mừng nghĩa là gặp gỡ dân chúng nơi họ sống, có khả năng kết nối với những ngờ vực và thất bại của họ, hiểu biết những gì họ đem đến. Để làm điều đó, cần phải biết rõ và gần gũi dân chúng hơn nữa – một lời khuyên đúng đắn không chỉ đối với giáo hoàng, nhưng cho bất cứ ai hy vọng đem Chúa Kitô vào giữa lòng thế giới.
 

(Còn nữa)

Nguyên tác :  John L. Allen, Jr., 10 Things Pope Francis Wants You to Know, Liguori, Missouri: Ligouri, 2013.

Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh

(nguồn: daminhvn.net)

 

Trả lời