Theo các trình thuật Tin mừng, Chúa báo trước sự hy sinh của Người ít lâu để chuẩn bị các môn đệ của Người đối diện với thử thách lớn lao đó. Sau khi ông Phêrô tuyên xưng đức tin ở gần Caesarea Philipphê, Chúa Kitô đã mặc khải kế hoạch mầu nhiệm của Chúa Cha: “Con người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các trưởng lão, tư tế và luật sĩ từ khước, bị giết chết và sau ba ngày sẽ trỗi dậy” (Mc 8:31).
Lời tuyên bố bất ngờ quá khiến Phêrô không chấp nhận được; ông chưa thể hiểu được mầu nhiệm Đấng thiên sai đau khổ; khi tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu, ông tin vào một Đấng thiên sai vinh hiển khải hoàn.
Kế hoạch của Chúa Cha đã rõ rệt trong con mắt Chúa Giêsu; con đường đau khổ và cái chết là cần thiết. Và đau khổ không chỉ là về phương diện thể lý, mà còn là tinh thần, vì sự từ khước của các nhà lãnh đạo tôn giáo, vì sự ghét bỏ của dân chúng, vì sự chạy trốn của các môn đệ.
Có lần, Chúa Giêsu đã giải thích, không nói vòng vo – lý do Người đến trần gian: “Con người đã đến… để trao nộp sự sống hầu cứu chuộc nhiều người” (Mc 10:45; Mt 20:28). Như vậy thập giá không phải là cái tình cờ trong hành trình của Chúa Giêsu, mà là một yếu tố được chấp nhận một cách ý thức để cứu chuộc nhân loại.
[youtube]RxCfR9cOLqc[/youtube]
Tại sao lại có một số phận đáng buồn như thế? Là để giải thoát thế gian khỏi tội lỗi. Chúa Cha muốn rằng Chúa Con sẽ nhận lấy gánh nặng do hậu quả của tội lỗi. Quyết định này giúp chúng ta hiểu sự nghiêm trọng của tội, không thể coi nhẹ được vì hậu quả của nó rất nguy hại. Tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, nên không thể chữa trị được ngoại trừ nhờ Thiên Chúa – làm người.
Như vậy, Chúa Con, đến với tư cách vị cứu tinh, dâng lên Chúa Cha sự tôn kính hoàn hảo nhờ đền bù và yêu mến, và đem lại sự tha thứ tội lỗi cho loài người và thông truyền sự sống của Thiên Chúa. Sự hy sinh diễn ra một lần cho tất cả trong lịch sử nhân loại, và có giá trị cứu độ cho tất cả mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi. Đó là sự hy sinh được lặp lại trong mọi thánh lễ…
Trong Đấng cứu tinh chịu đóng đinh, chúng ta chiêm ngắm Đấng đã hi sinh chính mình để cứu dộ chúng ta: “Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình: (Ga 15:13).
Hiến tế này soi sáng cho mọi người chúng ta, cho chúng ta thấy tình yêu đạt tới tuyệt đỉnh qua đau khổ. Vì Chúa Kitô muốn liên kết chúng ta với sứ mạng cứu chuộc của Người, nên chúng ta được mời gọi tham dự vào thập giá của Người. Những đau khổ, không thiếu trong cuộc đời chúng ta, được tiền định để hiệp nhất với hy sinh duy nhất của Chúa Kitô.